Ta nói gì khi nói về tình yêu (phần 3)
Ta nói gì khi nói về tình yêu (phần 3)
Quan hệ cần phải có tình yêu đi trước? Yêu một người thì nên lấy người đó? Sự ga lăng của đàn ông còn ý nghĩa gì, khi người ta yêu nhau một cách ngày càng thực tế? Và hai người yêu nhau như thế nào để bớt ràng buộc, nhiều tự do?

Tác giả: Cameron Shingleton

Bạn có thể tìm hiểu thêm về tác giả qua Facebook fanpage.

 

Quan hệ cần phải có tình yêu đi trước? Yêu một người thì nên lấy người đó? Sự ga lăng của đàn ông còn ý nghĩa gì, khi người ta yêu nhau một cách ngày càng thực tế? Và hai người nên yêu nhau như thế nào để bớt ràng buộc, nhiều tự do? Đó là bốn câu hỏi mà nhiều người Việt cũng có thể tự đặt khi nói đến tình yêu vì họ sống và yêu trong một xã hội mà người ta yêu theo kiểu khác ngày xưa nhiều...

Hoặc cũng có thể nói là bốn vấn đề nhiều người đã yêu, đang yêu hay chuẩn bị yêu rất có thể sẽ đương đầu: chuyện tình yêu và tình dục, tình yêu và hôn nhân, tình yêu và sự ga lăng, tình yêu và sự tự do. Bốn “khái niệm đôi" mà trong chừng mực nào đó chúng mâu thuẫn với nhau.

Bài thứ 3 trong chuỗi bài này nói về 2 “khái niệm đôi” đầu tiên. Còn bài tiếp theo sẽ nói về phần còn lại.

Các bạn có thể tìm đọc phần 1 và phần 2 của loạt bài "Ta nói gì khi nói về tình yêu" trên Trạm Đọc: Phần 1phần 2.

 

Tình yêu khó nói, khôn tả, là điều không thể nào nói thành lời được. (Chưa chắc những người nói như thế có thừa nhận hay không lời nói của họ cũng có chủ đề là tình yêu.)

Tôi thì nghĩ hơi khác. Những kinh nghiệm hình như có ý nghĩa nhất như tình yêu mà rõ ràng “khó nói" cần nhiều nhất đến những người yêu sâu sắc và nói năng tài ba thì mình mới vượt qua biên giới gọi là “khôn tả”, thoáng trông thấy cái nằm bên kia biên giới. Những người này gọi là nhà thơ, nhà văn. Lâu lâu họ có sự giúp đỡ của nhà triết học mà suy nghĩ rõ hơn, phân tích sâu hơn, những nghịch lý mà các nhà thơ, nhà văn chỉ kịp làm lộ ra.

Như trong mấy bài trước thì trong bài này tôi cũng sẽ lâu lâu trích dẫn cả ba người này.

 

 

 

 

a. Tình yêu và tình dục. Quan hệ có cần phải có tình cảm?

 

 

Vấn đề đầu tiên là tình yêu và tình dục liên quan nhau như thế nào?

Sau khi than thở tình yêu khó định nghĩa, nhà văn Pháp La Rochefoucauld từng nói:

 

Có thể nói rằng về mặt lý trí tình yêu là sự thấu hiểu lẫn nhau, còn về mặt thân thể nó là ham muốn chiếm hữu người mình yêu sau nhiều sự huyền bí và nghi lễ riêng, được che giấu một cách tinh tế.

Luồng suy nghĩ rất thú vị vì nó không đánh đồng tình yêu lãng mạn và tâm hồn lý tưởng cao khiết, không bác bỏ một cái “ham muốn chiếm hữu người mình yêu" về mặt thể xác dự phần quan trọng trong tình yêu, chỉ rõ cái “ham muốn chiếm hữu" này có gì vừa sáng tạo vừa hơi... giả tạo.

Theo La Rochefoucauld, tình dục, hay ít nhất sự hấp dẫn giới tính (sexual attraction) là phần chính đáng của tình yêu lãng mạn. (Nói cụ thể hơn một chút: chẳng bao giờ có ai yêu một người họ thấy xấu đến độ không chịu hôn hay động tới.) Nhưng nó chỉ là một phần thôi. Việc thực hiện mong muốn về mặt tình dục hiếm khi là mục đích chính của một người đang yêu thật lòng. Nó là chuyện người ấy thường không quan tâm gì nhiều, sẵn sàng gác qua một bên, hay kiềm chế chặt chẽ vì như La Rochefoucauld nói: khuynh hướng thấu hiểu lẫn nhau do chính “lý trí" điều khiển.

Mặt khác, tình dục rõ ràng là bản năng có thể tách ra và thưởng thức một mình, là thú vui mà đối với một số người có giá trị của riêng nó. Sự thay đổi thái độ của người ta theo chiều hướng này từng là mục đích của cái gọi là “Cách Mạng Tình Dục" ở Phương Tây, khởi đầu trong những năm 60, mà có hai mục đích chính khác nữa: một là bình đẳng nam nữ ở ngoài xã hội, hai là sự công nhận phụ nữ cũng có ham muốn tình dục và hoàn toàn không cần xấu hổ về điều đó.

Ba quan điểm này, mặc dù trong một chừng mực nào đó vẫn gây tranh cãi ở các nước phương Tây, nhưng chúng cũng đã được tán thành ở phần đông người Tây khá lâu rồi. Trong khi đó ở Việt Nam, nơi mà chưa bao giờ có Cách Mạng Tình Dục, thì chúng chưa được chấp nhận ở khá nhiều người, bất kể chuyện văn hoá của người Việt có chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây ngày càng nhiều.

 

 

Nói tóm lại: đối với người Tây, tình yêu là điều CÓ THỂ ĐƯỢC (mà dứt khoát không BẮT BUỘC PHẢI) tách ra khỏi tình dục tuỳ theo sở thích cá nhân của từng người một. Còn tình dục là điều nhiều người Tây nghĩ có thể giúp tình cảm giữa hai người phát triển mạnh hơn. Còn ở Việt Nam, có khá nhiều người nghĩ tình yêu vẫn nên là căn cứ của tình dục. Còn tình dục vẫn là chuyện rất đáng ngờ mà nhiều đàn ông tìm kiếm ở ngoài mối quan hệ chính thức với sự bối rối đáng kể và nhiều phụ nữ cứ tỏ ra như họ không bao giờ quan tâm (Có quan tâm nhiều thì phải chịu bị thiên hạ coi là “hư".)

Một điều không tranh cãi được là trên khắp thế giới, cả ở phương Tây lẫn phương Đông, đại đa số phụ nữ không hứng thú quan hệ với đàn ông thô thiển, coi phụ nữ như đối tượng tình dục, kiểu con trai coi “chuyện ấy" là chuyện bông đùa, tức thú vui quèn mình có thể khoác lác với tụi bạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là một người trưởng thành đã đem lòng yêu phải biết chắc đối tượng của mình đáp lại tình cảm của mình trước khi đi bước tiếp theo đến phòng ngủ. Việc yêu cầu tình yêu và tình dục đi đôi với nhau đến độ đó có gì đó cố chấp; nó không giúp cho ai hạnh phúc hơn và nhất định không giúp cho mức độ lãng mạn trên thế giới này tăng thêm. Phần lớn người Tây đã kết luận thế.

 

Một điều không tranh cãi được là trên khắp thế giới, cả ở phương Tây lẫn phương Đông, đại đa số phụ nữ không hứng thú quan hệ với đàn ông thô thiển, coi phụ nữ như đối tượng tình dục, kiểu con trai coi “chuyện ấy" là chuyện bông đùa, tức thú vui quèn mình có thể khoác lác với tụi bạn.

Cuộc sống của một phụ nữ Việt Nam trẻ vẫn còn có cái “điều tối cần thiết" là “tránh hư hỏng" (ít nhất tránh gây ấn tượng hư hỏng) - “hư hỏng” ở đây nghĩa là coi tình dục từ góc nhìn thú vui, không coi nó từ góc nhìn một quan hệ “chính thức”. Trong khi đó, một số các cô gái khắp thế giới ngày nay đã có cách suy nghĩ khác hơn: họ coi khao khát tình dục là chuyện bình thường, không còn là “chuyện ấy" phải để trong dấu ngoặc kép nữa, không đúng không sai, không có gì cần thiết là bẩn thỉu hay đáng xấu hổ. Là điều hai người trưởng thành có thể thưởng thức, dù tình yêu có đi cùng hay không.

Khó mà hình dung Việt Nam sẽ lặp lại cái Cách Mạng Tình Dục xảy ra bên kia đại dương một nửa thế kỷ trước, nhưng văn hoá và tâm lý của người Việt vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của các đất nước mà đã cách mạng hoá mối quan hệ tình yêu và tình dục. Và nhất là sẽ có nhiều người Việt trẻ sẽ tự hỏi: tình dục trên thực tế có nên được coi là bản năng tự nhiên và là một phần bình thường của tình yêu có thể loại trừ mối quan hệ tình yêu tuỳ quan điểm của từng người một. Hoặc nó nên tiếp tục được coi là điều bắt buộc phải có tình cảm đi cùng, là chuyện của một thằng con trai đàng hoàng với đứa con gái đẹp nết, chỉ quan tâm khi có mối quan hệ nghiêm túc được xã hội công nhận.

 

Cuộc sống của một phụ nữ Việt Nam trẻ vẫn còn có cái “điều tối cần thiết" là “tránh hư hỏng" (ít nhất tránh gây ấn tượng hư hỏng) - “hư hỏng” ở đây nghĩa là coi tình dục từ góc nhìn thú vui, không coi nó từ góc nhìn một quan hệ “chính thức”. 

Khi nói chuyện với người Việt về tình yêu, tôi thấy quan điểm của họ về vấn đề này chia khá đều: nhiều người nghĩ đại khái như người Tây, còn với nhiều người Việt khác, tình yêu đi cùng hay không đi cùng tình dục là yếu tố mang tính quyết định về mặt đạo đức.

Một chuyện thú vị không kém là khá nhiều người có cách suy nghĩ trái ngược hành vi chính ở chỗ này. Có một số người sẽ bày tỏ quan điểm khá thoáng mà trên thực tế thì truyền thống hơn nhiều: con trai mà hình như coi khoái lạc xác thịt là động cơ chính đáng, đứng đắn, có giá trị riêng mà vẫn muốn có người yêu hay vợ truyền thống, không "kinh nghiệm", không tò mò về chuyện bản thân họ đặt giá trị cao. Tương tự có một số cô gái Việt Nam ăn mặc cực kỳ “mát”, không ngại khoe cái đẹp bề ngoài của mình, nói về chuyện ấy thì cởi mở, mà trên thực tế thì để lên giường phải có mối quan hệ song phương nhất định trước.

Mặt khác có một số người, và không nhất thiết chỉ là phụ nữ, mâu thuẫn trong suy nghĩ kiểu khác: nghe họ nói mình tưởng với họ “chuyện ấy” chỉ có thể coi là chuyện đứng đắn, nghiêm túc mà trên thực tế họ cư xử như tình dục là điều họ trải nghiệm vì tò mò, theo ngẫu hứng hay như phương tiện để đặt mục đích rất cụ thể, là phần của đời thường không liên quan gì đến cảm xúc.  

Và nói chung: khi cách nhìn, và cách cư xử đang thay đổi khá nhanh như ở Việt Nam ngày nay thì chuyện quan điểm và hành vi của người ta có thể trái ngược nhau một cách triệt để là chuyện dễ hiểu. Thậm chí có thể nói: cái nghịch lý trong cách nhìn và hành động về tình dục và tình yêu góp phần quan trọng trong quá trình thay đổi văn hoá rộng lớn ngày nay.

 

 

b. Tình yêu và hôn nhân. Yêu thì phải cưới?

 

 

“Tình dục bắt buộc phải đi đôi với tình cảm” là một phần của tư tưởng người Việt không muốn nói là “truyền thống" mà là ý kiến “được thừa kế" rất phổ biến. Còn phần thứ hai của tư tưởng này thì tóm tắt lại thế này: hai người yêu nhau và đã có mối quan hệ nghiêm túc thì điều đứng đắn nên làm về sau là kết hôn.

Ở phương Tây, và với ngày càng nhiều người Việt Nam hiện đại, hai điều trên không cần thiết phải đi đôi với nhau. Bên Tây từ thời kỳ Cách Mạng Tình Dục và ở Việt Nam từ khi nó mở cửa cho văn hoá toàn cầu hội nhập vào, cái “đứng đắn nên làm" đã thành sự lựa chọn cá nhân. Tình yêu có thể dẫn đến hôn nhân nếu cả hai bên đồng thuận. Hoặc nó có thể chỉ hướng tới chuyện khác, được coi từ góc nhìn KINH NGHIỆM với trọng tâm là thú vui chung, sở thích hay đam mê chung, sự hỗ trợ lẫn nhau, vv.

Trong trường hợp tình cảm hai bên héo tàn theo thời gian thì cũng có thể một mối tình có điểm kết là tình bằng hữu, kiểu quan hệ mở, chia tay thân thiện (mặc dù không thân thiện cũng có). Một trong những điều người Tây thấy rất khó hiểu ở “văn hoá tình yêu" ở Việt Nam là cách người Việt nhắm mắt trước những phương án khác nhau này: họ cứ coi một mối tình không đi đến kết hôn như là thất bại, cứ cố gắng quên hết những gì đã xảy ra nếu họ muốn đi đến cuối đường sau khi khúc giữa bị gãy gánh, và nhất định không được nói với người yêu tiếp theo.

 

 

Vấn đề khác liên quan đến tình yêu và hôn nhân, vừa có mặt văn hoá vừa có mặt khái quát, là một mối quan hệ bắt đầu với giai đoạn yêu đương có phải là căn cứ tốt đẹp cho mối quan hệ vợ chồng bền vững hay không? Tình yêu lãng mạn và cuộc hôn nhân hạnh phúc có hoà hợp với nhau hay không, và nếu có thì hoà hợp như thế nào?

Trong khi xu hướng nhìn tình yêu và tình dục tự do hơn nói ở trên chỉ mới bắt đầu lấy đà, sự tự do trong cách nhìn tình yêu và hôn nhân đang tiến hành từ lâu hơn nhiều, thậm chí có thể nói là hoàn thiện đến nơi. Phong trào “âu hoá” đầu tiên Việt Nam đã từng có là thời thuộc địa Pháp và nó đã phá bỏ tư duy truyền thống về hôn nhân khá triệt để rồi: từ đầu thế kỷ 20 trở đi một số người Việt Nam bắt đầu không còn nhìn hôn nhân là điều người nhà xếp đặt, đáng lẽ phải trừ yếu tố tình cảm cá nhân mới chấp nhận được.

 

Nói một cách tích cực thì tình yêu không đóng vai trò đặc biệt nào trong tư tưởng truyền thống vì người ta tin rằng "bằng sự khôn ngoan và từng trải, cha mẹ có thể sắp đặt một cuộc hôn nhân thật hạnh phúc cho những đứa con của mình, tránh cho chúng bị mù quáng bởi tình yêu mà bỏ qua những sự không tương hợp có thể gây ra mâu thuẫn gia đình sau này". Nếu nói đến tình cảm hai bên thì chắc chỉ có tình thương phát triển theo thời gian dài, lòng chung thuỷ có ý nghĩa chính về mặt xã hội, chứ không phải cá nhân, và không có gì lãng mạn cả. - Lược trích trong "Hôn nhân trong xã hội Việt Nam xưa và nay" (Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TpHCM, 2001).

Hoặc có thể nói tiêu cực hơn - đời sống vợ chồng hạnh phúc là điều mà bản sắc văn hoá truyền thống coi tương đối rẻ. Không khó hình dung là chế định kết hôn sắp đặt đã tạo ra nhiều cuộc hôn nhân dựa trên những yếu tố “ngoại thương": địa vị xã hội, lợi ích gia đình cùng với những cân nhắc mang tính (từ góc nhìn hiện đại hơn) đơn thuần là mê tín như hợp tuổi.

 

 

Bất luận chúng ta nghĩ gì về kiểu hôn nhân sắp đặt thì cũng có nhiều lí do để kết luận rằng một mối tình lãng mạn và một cuộc hôn nhân hạnh phúc mâu thuẫn với nhau trên nhiều khía cạnh.

Lý do đầu tiên là vì một cuộc hôn nhân hạnh phúc phải có 2, 3 điều kiện mà rất có thể tình yêu lãng mạn sẽ khiến ta làm lơ. Trước hết là hai bên phải có tính cách, sở thích và giá trị chung, cũng như khả năng thân tình bền vững mà giống tình bạn bè hơn tình cảm nồng nàn nhiều. Thứ hai là vì cái kiểu tình yêu lãng mạn có xu hướng nổi tiếng là phai tàn theo thời gian: hai người ở gần nhau mỗi ngày, bên gái ý thức cái kiểu chồng mình chất quần lót bẩn trong góc phòng, bên trai đối đầu với chuyện vợ trang điểm cả một tiếng đồng hồ mới dám rời khỏi nhà. Có rất nhiều điều hai bên không nhắm mắt được nữa, và cái khổ nhất là hai người rất dễ có thể đổ lỗi cho nhau vì ảo mộng ban đầu do tình yêu bôi hồng biến mất.

Trong viễn cảnh tốt đẹp nhất, cũng có thể mình tình cờ yêu một người có mấy yếu tố mới nói: khả năng yêu thương lâu bền, một cái tâm lý xứng đôi (nếu không muốn nói là giống nhau), cũng như nhiều điều quan tâm hợp với nhau. Nhưng trong viễn cảnh bình thường, tình yêu giàu trí tưởng tượng, hay phóng đại điểm tốt đẹp ở đối tượng, nhất là điểm chung, nên nhiều người si mê một đối tượng mà về sau họ mới nhận ra là người sai. Hậu quả chắc ai cũng biết: cảm giác chán nản, tâm trạng vỡ mộng hay (trong viễn cảnh không hề đẹp nhưng khá phổ biến) đau khổ lâu dài trong hôn nhân.

 

Tình yêu giàu trí tưởng tượng, hay phóng đại điểm tốt đẹp ở đối tượng, nhất là điểm chung, nên nhiều người si mê một đối tượng mà về sau họ mới nhận ra là người sai. Hậu quả chắc ai cũng biết: cảm giác chán nản, tâm trạng vỡ mộng hay (trong viễn cảnh không hề đẹp nhưng khá phổ biến) đau khổ lâu dài trong hôn nhân.

 

Chuyện này không có nghĩa là trong viễn cảnh “tốt đẹp vừa phải" tình cảm còn lại - sau khi ảo mộng lãng mạn phai tàn - không có giá trị của nó. Nhưng vẫn phải nói “tình cảm còn lại" này khác hẳn tình yêu lãng mạn. Theo tôi, nó là một kiểu sự đồng cảm lẫn nhau đi cùng với khả năng kiên trì với cái vô vị, trùng lặp, tầm thường ở đời người. (Hoặc nói như La Rochefoucauld, một lần nữa thì cần đến khuynh hướng thấu hiểu lẫn nhau hơi đặc biệt.)

Tôi đã gặp, cả ở Việt Nam lẫn ở phương Tây, một số người cứ khăng khăng họ vẫn yêu vợ hay yêu chồng sau khi kết hôn 15 năm. Tôi hoàn toàn không muốn bác bỏ họ có tình cảm ấm áp dành cho người họ lấy hồi còn là sinh viên đại học, nhưng vẫn phải thừa nhận tôi luôn luôn có cảm giác họ dùng từ “tình yêu" trong một ý nghĩa không liên quan đến cảm xúc mà trong bài này tôi gọi là tình yêu lãng mạn.

Theo tôi tiếng Anh và tiếng Việt đều cần đến hai từ khác nhau có thể đặt tên cho hai kiểu tình cảm khác nhau, trước hết để ta có cách suy nghĩ thực tế hơn về cái mình kỳ vọng, và không thể kỳ vọng, ở một mối quan hệ lâu năm. Thực ra tôi thấy người Việt (cứ nói là tiếng Việt) thực tế hơn người bản ngữ tiếng Anh ở chỗ là trong kho từ vựng có sẵn cái gọi là “tình nghĩa vợ chồng" - thành ngữ ngụ ý khả năng TÌNH có thể HẾT mặc dù hai người CÒN NGHĨA: là điểm đến của tình yêu song phương mà không chống thì chày ai cũng tiến tới, ngay cả trong thế giới tốt đẹp nhất.

 

 

Còn tiếp...

Cameron Shingleton

 

Cameron Shingleton là tác giả cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt. Sinh ở Melbourne, Australia, anh tốt nghiệp tiến sĩ triết học ở Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về những quan điểm thú vị của Cameron tại đây.