Ta muốn ăn chiếc bánh ở trên bàn: Lời trăn trối của vị học giả giúp ta nhận ra chân giá trị của cuộc sống này
Ta muốn ăn chiếc bánh ở trên bàn: Lời trăn trối của vị học giả giúp ta nhận ra chân giá trị của cuộc sống này
Trong cuốn sách “Tại sao chúng ta không hạnh phúc” của mình, Phi Tuyết - nữ tác giả cuốn sách best-seller “Sống như ngày mai sẽ chết” - đã nhắc đến câu chuyện về một học giả uyên bác. Trước khi người đàn ông học cao hiểu rộng trút hơi thở cuối cùng, các đệ tử của ông đều đứng rất đông xung quanh giường ông nằm để chờ ông dạy bảo những điều cuối cùng.
Vị học giả lấy chút sức lực cuối cùng yêu cầu đệ tử lấy cho ông chiếc bánh đang được đặt ở trên bàn. Giữa bầu không khí yên tĩnh như nghe rõ từng hơi thở, một đệ tử đã dũng cảm cất tiếng hỏi: “Thưa thầy, thầy có điều gì muốn nói với chúng con không ạ?”.

 

Nghe thấy vậy, vị học giả vừa ăn xong chiếc bánh và nhìn tất cả mọi người trong phòng bằng ánh mắt trìu mến, mỉm cười và nói rằng: “Đúng vậy, điều cuối cùng ta muốn nói với các con là chiếc bánh này thật sự rất ngon”. Ông ra đi với nụ cười viên mãn rạng rỡ trên môi.

Có lẽ, một số người trong chúng ta sẽ cảm thấy khó hiểu trước bài học cuối cùng mà vị học giả này muốn truyền đạt đến các đệ tử của mình. Vị học giả đã so sánh cuộc đời với hình ảnh chiếc bánh. Chiếc bánh ngọt là thứ món ăn quá đỗi thân quen, gần gũi và được bày bán rộng rãi ở khắp các cửa hàng bánh trên các khu phố. Khi thưởng thức chiếc bánh đó, dù là một đứa trẻ hay là người lớn, ai cũng cảm nhận được vị ngọt lịm, mùi thơm béo ngậy hấp dẫn. Và chi cần được tận hưởng vị ngon của chiếc bánh này, chúng ta đã cảm thấy hạnh phúc rồi. Cuộc sống của chúng ta cũng tương tự như vậy. Chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm những niềm vui nhỏ bé, giản dị ở xung quanh mình mà chẳng cần phải đi đâu xa xôi mới có được. 

Một trong những thông điệp mà chúng ta nhận được từ câu chuyện này là hãy trân trọng những niềm hạnh phúc bình dị xung quanh chúng ta, đừng cho rằng, đó là những thứ quá dễ dàng có được nên không có gì hay. Nếu ta dùng cả đời chỉ để chạy theo những hạnh phúc xa vời mà quên hẳn cuộc sống thực xung quanh mình thì đó quả là điều đáng tiếc. Và ngay cả khi tìm được niềm hạnh phúc lớn lao trong đời, có lẽ lúc đó, tâm hồn chúng ta đã trở nên trai sạn và không thể cảm nhận được gì nữa.

Tác giả cũng không quên giải thích với chúng ta về hai loại ao ước trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Đó là ước muốn của tâm hồn và ước muốn của thể xác. Ước muốn của tâm hồn chính là cảm giác thoả mãn, chẳng hạn như bạn cảm thấy phấn chấn khi nhìn thấy nụ cười trên gương mặt của mọi người xung quanh, tìm hiểu những điều thú vị trong các chuyến đi chơi xa, thưởng thức những món ăn ngon… Đó là khi mình được làm theo những gì mình muốn chứ không phải theo sự kỳ vọng, ý thích của người khác. Còn ước muốn thể xác chính là thoả mãn những thứ còn lại: tiện nghi, văn hoá, truyền thống, tôn giáo. Trong hai loại ao ước kể trên, tác giả khuyên chúng ta hãy luôn nghĩ đến “việc thoả mãn những ao ước của tâm hồn chứ không phải thể xác".

Alexander Đại Đế

Theo Phi Tuyết, nếu chúng ta cứ mãi chạy theo những ước vọng thể xác, cụ thể là lòng ta luôn tham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khoẻ và chỉ cầu bình an cho bản thân mình thì chúng ta chẳng bao giờ cảm thấy thoả mãn và luôn không hạnh phúc. Để làm rõ hơn cho suy nghĩ này, tác giả đã kể với chúng ta ước muốn của Alexander Đại Đế. Ngài chỉ xin một giấc ngủ bình an mà thôi.

Để kết thúc bài viết này, xin được trích dẫn một đoạn Phi Tuyết đã viết trong cuốn sách “Tại sao chúng ta không hạnh phúc” của cô như sau: “Giấc ngủ bình an nào có khó, nào xa xôi diệu vợi, tốn công sức mới có. Làm sao ta có thể lao đầu vào vật chất phù du, xây dựng danh vọng địa vị, thoả mãn cái phàm ngã hữu hình đồng thời tìm sự bình an, yên tĩnh? Chính các điều trên đã phá vỡ sự yên tĩnh sung mãn của nội tâm ta. Phiền não là do chính ta tạo nên, chứ đâu phải hoàn cảnh”.

Minh Phương

Tags: