Ta có bi quan không? - Sự đồng cảm cho những năm tháng chênh vênh nhất của tuổi trẻ
Ta có bi quan không? - Sự đồng cảm cho những năm tháng chênh vênh nhất của tuổi trẻ
Tác giả cuốn sách - Khải Đơn, là cây viết quen thuộc trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Rất khó để tìm được một từ nào đó miêu tả thật đúng về chất văn của Khải Đơn. Khi u buồn, khi lạc quan; khi sốt sắng dồn dập, khi lại dửng dưng phớt lờ; khi giản đơn như lý lẽ thường ngày, khi lại chạm đến những thẳm sâu khó nói.

Ta có bi quan không? tập hợp đầy đủ những đặc điểm trên của giọng văn Khải Đơn. Cũng không có gì khó hiểu, vì mỗi trang sách lại là một câu chuyện khác nhau về mỗi mảnh đời. Mà đời, thì nào ai giống ai.

Đó có thể là câu chuyện cuộc đời của một người con hoang mang giữa cảnh chia ly đột ngột của gia đình, “mất một gia đình và không được mẹ từ biệt như thể mình bị vứt ra bãi rác không cần hỏi ý kiến vậy!”. Đó cũng có thể là câu chuyện về những định kiến xã hội dồn ép mỗi con người.

Luôn có câu hỏi về tương lai của bà mẹ, cuộc đời của đứa bé, những số phận lỡ làng đủ đường từ một lựa chọn sinh sản do định kiến xã hội quyết định nhưng xã hội lại chẳng trả lời thay họ. Người ta sẵn sàng mắng chửi những cô bé có thai là hư hỏng, vậy họ có giúp nuôi đứa bé khi nó ra đời trong hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn không? Người ta sỉ vả một thiếu nữ mười bảy tuổi phá thai, vậy họ có chắc cô bé - đứa trẻ đó hiểu làm mẹ là bao nhiêu trách nhiệm không?

Với Khải Đơn, ai cũng có quyền sống cuộc đời mình mong muốn. Và ai cũng có những nỗi khổ của riêng mình, kể cả những người luôn bị xã hội lên án, chỉ trích gay gắt nhất. Nếu ai cũng có thể đặt mình vào vị trí của người khác, có khi, xã hội này sẽ bao dung hơn rất nhiều.

Tác giả cũng đề cập đến vấn đề tình yêu bạo hành, thứ tình cảm luôn có một lớp ngụy ngọt ngào và đầy ý nghĩa:

Khi tình yêu bắt đầu, nó trở thành sự gắn kết một cách chặt chẽ và hoàn hảo nhất để những người yêu nhau viện dẫn khi bất kỳ chuyện gì xảy ra. Nếu anh tát em, vì anh yêu em. Nếu em chửi mắng anh, vì em muốn tốt cho anh. Mọi hành động đều gắn kèm lý do cao đẹp, để ràng buộc mối quan hệ chặt hơn, khiến nạn nhân tưởng mình được yêu thương yêu nhiều hơn cả thế giới. Họ không biết mình đang bị bạo hành.

Khải Đơn không hề phán xét cách sống của mỗi người là tiêu cực hay tích cực, cô chỉ đồng cảm, và lồng vào sự đồng cảm của chính mình, lời nhắc nhở về giá trị cuộc sống, cũng như giá trị bản thân mỗi người.

Tác giả đã đi, đã gặp, đã trải nghiệm những quãng thời gian chông chênh nhất của một đời người. Đó là tuổi đôi mươi với những yêu, những giận, những ghen ghét đố kỵ; và cả cái chết, chia ly hoặc phân tán. Đó là cái giá mà ai rồi cũng sẽ phải trả cho sự trưởng thành của chính mình, cũng là tấm vé chính thức để bước chân qua ngưỡng cửa cuộc đời. Nhưng điều quan trọng nhất, là sau tất cả, ta vẫn giữ được niềm tin yêu đối với con người và đối với cuộc sống tươi đẹp muôn màu muôn vẻ.

Sự tích cực ẩn sau mỗi câu văn phảng phất nét u hoài khiến chúng tôi không thể không lựa chọn Khải Đơn và những thông điệp đẹp đẽ trong cách thể hiện thái độ sống của cô. 

Khải Đơn sinh năm 1987, nữ tác giả đã có rất nhiều phóng sự, bài viết phân tích, nhận định… xuất sắc đăng trên Thanh Niên Online. Đặc biệt, những bài viết của Khải Đơn về tuổi trẻ, lan tỏa thông điệp sống tích cực như: Mình có một tuổi trẻ - để đánh mất tất cả, Đừng bán tuổi trẻ với giá quá rẻ… đăng tải trên Thanh Niên Online đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và ghi dấu đậm nét trong lòng người đọc.
Tags: