Sức bật tinh thần và sự trưởng thành từ nghịch cảnh
Sức bật tinh thần và sự trưởng thành từ nghịch cảnh
Bạn sẽ làm gì nếu không sợ hãi? Hãy tự hỏi mình câu này mỗi khi đối mặt với biến cố trong công việc và cuộc sống. Rất nhiều khi, thứ duy nhất kìm hãm chúng ta chính là suy nghĩ của chính mình.
Sức Bật Tinh Thần
(33 lượt)

Tại Hy Lạp vào năm 800 trước Công nguyên, các thương nhân thất bại sẽ bị bắt ngồi ở chợ và úp giỏ lên đầu. Tại Ý thời cận đại, các chủ doanh nghiệp nợ nần phải trần truồng diễu hành ở quảng trường.

 Thời hiện đại, một doanh nhân phải tuyên bố phá sản, một chính trị gia thua bầu cử, hay một ngôi sao giải trí với tác phẩm bị cho là kém cỏi, có thể dễ dàng trở thành trò cười cho cộng đồng mạng.

Chúng ta sợ thất bại, không phải chỉ bởi những thiệt hại cụ thể về tiền bạc hay thời gian, mà còn bởi từ xưa đến nay, trong xã hội mà chúng ta lớn lên, sự thất bại luôn bị xem là điều nhục nhã, đáng bị phán xét một cách khắc nghiệt.

Hãy nhớ lại thời đi học, ta đã có một phát biểu sai, bị giáo viên trách mắng nặng nề, bạn học chê cười. Cứ thế, ta lớn lên trong môi trường thiếu khoan dung với sự sai lầm.

Từ đó, ngay cả khi đã trưởng thành và đi làm, ta tìm mọi cách để lảng tránh việc đưa ra ý kiến cá nhân, để không phải gánh chịu sự phê bình nặng nề, thái độ mỉa mai của người khác.

Ký ức như một tảng băng chìm, định hướng cho những hành vi ẩn mà một người có thể không ý thức được. Từ những trải nghiệm thất vọng và đau buồn, ta hình thành nên cơ chế phòng thủ trong tâm lý.

Kìm nén, phủ nhận, tự trách, phân cực, cư xử như trẻ con - đây là cách hoàn toàn tự nhiên và bản năng mà con người đã sử dụng để bảo vệ bản thân khỏi cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, đây cũng là điều giữ một người mãi mãi giậm chân tại chỗ.

 

Khi đã hiểu rõ nguồn gốc của nỗi sợ, ta có thể tái xây dựng cách tư duy của chính mình. Để bạn đọc có thể từng bước rèn luyện, tác giả Susan Kahn thiết kế những bài tập gồm nhiều câu hỏi cụ thể, thiết thực, có thể áp dụng ngay.

Ví dụ, để tìm ra "điểm mù" trong nhận thức về bản thân, bạn hãy thử tham khảo những câu hỏi đi sâu vào nền tảng tạo nên con người bạn: Cuộc sống gia đình của bạn có ổn định không? Hồi nhỏ bạn có gặp phải cú sốc tâm lý hay sự thay đổi đặc biệt nào không? Bạn có tự nhận mình là người bi quan không? Bạn đã giúp bản thân vượt qua khó khăn như thế nào?...

Tiếp theo, tác giả nêu lên hai loại tư duy thường gặp: Tư duy cố định: Cho rằng bản chất con người đã được định sẵn, không thể thay đổi hay phát triển, xem thất bại là kết thúc; Tư duy cầu tiến: Tin vào sự phát triển kỹ năng, sẵn sàng đón nhận thử thách và sự phê bình, xem thất bại là lời kêu gọi thay đổi phương hướng để tiến đến gần hơn với thành công.

Những người có sức bật tinh thần tốt thường mang tư duy cầu tiến. Thay vì sợ hãi thất bại đến mức không dám làm gì, họ luôn khởi đầu mọi việc không chỉ với kế hoạch thành công, mà còn dự trù cho thất bại. Với họ, thất bại luôn là một trong những khả năng; và trong trường hợp khả năng này xảy ra, thất bại nhanh thì sẽ hồi phục nhanh.

Hãy tập hình dung ra viễn cảnh tiêu cực, hãy cho bản thân một khuôn khổ mà ở đó ta được phép mắc sai lầm - không phải theo kiểu liều lĩnh dại dột hay thiếu tính toán - mà là nhìn nhận thất bại với tinh thần học hỏi và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn phát triển kế tiếp.

Hãy nhìn Steve Jobs - nhà sáng lập Apple, hay J. K. Rowling - tác giả bộ truyện Harry Potter, họ được ca tụng bởi đã không bỏ cuộc dù đã nhận không biết bao nhiêu lời từ chối từ các nhà đầu tư, nhà xuất bản trước khi thành công.

Chúng ta trưởng thành từ nghịch cảnh. Sức bật tinh thần là thứ giúp ta phác họa nên thực tại và tương lai của mình. Và đừng quên, sự kiên cường là thứ mà bất cứ ai cũng có thể rèn luyện.

Theo Tuổi Trẻ Online

Tags: