Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa
Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa
“Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” (Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành) được đánh giá là cuốn biên niên sử xuất sắc về chủ nghĩa anh hùng, về lòng kiên cường, dũng cảm, tinh thần bền bỉ và lòng trắc ẩn cùng khả năng chữa lành. Cuốn sách có thể giúp hầu hết độc giả học hỏi từ câu chuyện truyền cảm hứng đầy lôi cuốn của Tiến sĩ Eger để chữa lành cuộc đời của chính mình.

Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa là cuốn hồi ký của Edith Eger, một trong 10% những người Do Thái ít ỏi còn sống sót qua thảm họa diệt chủng tàn bạo của Phát xít Đức. Ở phần đầu tiên của cuốn sách, Edith Eger kể lại cuộc sống khi xưa của gia đình bà, đặc biệt là hành trình bà cùng gia đình bị cuốn vào thảm họa hung tàn đó.

 Năm 1944, Edith Eger, một vũ công ba lê tuổi teen đồng thời là một vận động viên thể dục dụng cụ tài năng cùng chị gái, cha mẹ và những người Do Thái khác ở Hungary bị ép đến trại tử thần Auschwitz. Ngay sau khi đến trại, họ lần lượt bị tách ra khỏi cha mẹ, đưa đến một khu trại giam khác. Một thời gian sau họ mới được biết rằng: cha mẹ họ có thể đã bị giết chết và thiêu xác trong những lò đốt xác tỏa khói không ngừng tại Auschwitz.

Những cô gái trẻ sau đó đã buộc phải trải nghiệm, chứng kiến sự độc ác của chính quyền Hitler trong những tháng ngày lao động, hành quân khổ cực với sự tra tấn, đói khát, bệnh tật từ Ba Lan sang Áo. Và niềm tin được truyền lại từ người mẹ đã chia xa “Chỉ cần nhớ, không ai có thể lấy đi những gì con đặt trong tâm trí mình”, sự kiên cường, niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng cũng như tình chị em bền chặt là sức mạnh giúp Edith cùng chị gái trụ vững qua hơn một năm trời khốc liệt; để cuối cùng họ được những người lính Mỹ cứu sống khi chỉ còn cách cái chết vài khoảnh khắc.

Ở thời điểm được tìm thấy, chị em Edith bị vùi lẫn với những người đã chết, họ không thể cất tiếng trả lời để đáp tiếng gọi tìm kiếm của những người lính Mỹ. May sao chị gái Edith cuối cùng cũng thu hút được sự chú ý của họ bằng ánh sáng của một hộp cá mòi. Edith như một khung xương bọc da, chỉ nặng 70 pound (tương đương 31,7kg), bị thương hàn, gãy cột sống, chấy rận, lở loét đầy người… khi được cứu về từ cửa tử.     

Nhưng “Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” không chỉ có những trải nghiệm gần như không thể tưởng tượng nổi của Edith trong thảm họa Holocaust. Trong những trang sách ở phần nội dung tiếp theo của cuốn hồi ký, Edith còn cho thấy những tổn thương sâu sắc mà bà phải chịu đựng sau khi đã sống sót từ thảm họa cùng hành trình đối mặt nỗi đau, chữa lành thương tổn, tìm lại sự tự do cho chính bản thân bà và hàng nghìn các bệnh nhân chịu tổn thương khác.

Edith đã trải qua hàng thập kỷ vật lộn với những hồi tưởng và mặc cảm của người sống sót. Bà quyết tâm giữ im lặng, trốn tránh quá khứ cho đến năm 32 tuổi, có ba người con, và quyết tâm ghi danh theo học chuyên ngành tâm lý tại đại học Texas (để lấp đầy sự đói khát tri thức và mong muốn giành được sự tôn trọng, khẳng định giá trị của bản thân như bà bày tỏ).

Can đảm tiếp xúc với tác phẩm “Đi tìm lẽ sống” của Victor Frankl, một bác sĩ tâm thần lớn tuổi người Áo, cũng từng là tù nhân trong các trại Auschwitz và sau này trở thành bạn và đồng nghiệp với ông, đã trở thành ánh sáng chiếu soi, kim chỉ nam hướng dẫn Edith từng bước tiến lên trên con đường học tập, phát triển phương pháp trị liệu tâm lý của riêng mình, chữa lành ám ảnh, tổn thương của chính mình cũng như hàng nghìn bệnh nhân khác.

Edith sử dụng những hiểu biết sâu sắc mà bà thu được từ quá trình học tập cũng như trải nghiệm và kinh nghiệm của bản thân để giúp chữa lành cho bệnh nhân bị tổn thương vì rất nhiều lý do trong cuộc sống: các cựu chiến binh bị PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) và những người sống sót sau bạo lực tình dục, người bị bệnh hiểm nghèo, nghiện ngập, gặp các rắc rối liên quan hôn nhân, phân biệt chủng tộc… 

Bà chỉ ra khả năng chữa lành thương tổn thông qua việc đương đầu với đau khổ và đưa ra lựa chọn chữa lành. Đó là cách mỗi người có thể bị giam cầm trong tâm trí của chính mình, cũng như phương pháp dỡ từng viên gạch của ngục tù để đi đến tự do.

Nói về Edith và cuốn sách của bà, Tiến sĩ Philip Zimbardo, nhà tâm lý học, giáo sư danh dự tại Đại học Stanford, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng viết: Theo một cách nào đó mỗi chúng ta đều bị giam cầm về mặt tinh thần, và Edith đem đến nhận thức rằng, cũng như việc trở thành tên cai ngục của chính mình, chính chúng ta cũng có thể trở thành người giải phóng bản thân khỏi tầng tầng áp buộc. “Tiến sĩ Eger là một trong số ít những người sống sót, người tận mắt chứng kiến sự khủng khiếp của các trại tập trung. Bà kể lại nỗi đau của bản thân và những người khác phải chịu đựng trong và sau cuộc chiến. Đó là bức thông điệp về niềm hy vọng và cơ hội cho tất cả những ai đang cố gắng giải thoát bản thân khỏi đau đớn và khổ não. Dù bị giam cầm bởi một cuộc hôn nhân tệ hại, một gia đình tan vỡ, một công việc chán chường, hoặc bị mắc kẹt với niềm tin về khả năng hữu hạn của bản thân… thì độc giả đều có thể học được một điều từ cuốn sách này, rằng họ có quyền lựa chọn để ôm trọn niềm vui và tự do bất chấp mọi hoàn cảnh sống”.

Trong khi đó, Cựu Đại tá Lục quân Hoa Kỳ Charles W. Hoge viết: “Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực chữa trị chấn thương tinh thần, không một ai có thể truyển cảm hứng và khuyến khích tôi nhiều như Tiến sĩ Eger… Tôi tự tin một điều rằng cuốn sách này sẽ tạo ra một tầm ảnh hưởng lâu dài tới lượng lớn độc giả”.

“Sự lựa chọn- Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” được Tiến sĩ Edith Eger viết trong 10 năm từ khi bà 80 tuổi. Ra mắt lần đầu năm 2017, cuốn sách đã nhanh chóng trở thành tác phẩm bán chạy ở nhiều quốc gia trên thế giới và nhận được nhiều đánh giá cao từ các tờ báo lớn và nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, Oprah Winfrey, Tổng giám mục đạt giải Nobel Hòa bình Desmond Tutu.  Cuốn sách cũng được trao Giải thưởng sách Quốc gia Do Thái và Giải thưởng Christopher.

Tags: