Sự đơn giản hóa trong văn chương
Sự đơn giản hóa trong văn chương
Điều cốt lõi đầy bất ngờ mà sách đem đến cho con người là sự đơn giản hóa. Nghe có vẻ kỳ lạ, bởi ai cũng nghĩ rằng văn chương là một thứ hoa mỹ và tinh vi. Nhưng nhờ có một sức mạnh nào đó mà sách đã tổng hợp và tinh giản những vấn đề trong đời sống, và, theo cách hiểu này, đơn giản hóa mọi thứ.
Khoảng 130 triệu cuốn sách đã được xuất bản trong lịch sử nhân loại; một người ham đọc sẽ ngốn được nhiều nhất khoảng 6.000 cuốn sách trong cả cuộc đời. Phần nhiều trong số sách đó sẽ không đáng nhớ hoặc không thú vị cho lắm. Sách cũng giống như con người; chúng ta gặp gỡ được rất nhiều nhưng đem lòng yêu rất ít. Rồi có lẽ chỉ có ba mươi cuốn sách sẽ thực sự in dấu trong tâm trí chúng ta. Những cuốn sách đó sẽ khác nhau đối với từng người, nhưng sẽ có chung một cách ảnh hưởng.
Điều cốt lõi đầy bất ngờ mà sách đem đến cho con người là sự đơn giản hóa
 
Điều cốt lõi đầy bất ngờ mà sách đem đến cho con người là sự đơn giản hóa. Nghe có vẻ kỳ lạ, bởi ai cũng nghĩ rằng văn chương là một thứ hoa mỹ và tinh vi. Nhưng nhờ có một sức mạnh nào đó mà sách đã tổng hợp và tinh giản những vấn đề trong đời sống, và, theo cách hiểu này, đơn giản hóa mọi thứ.
 
Một câu chuyện kể trong một cuốn sách đơn giản hơn kinh nghiệm sống rất nhiều. Nhà văn bỏ qua rất nhiều chi tiết có thể được thêm vào (những điều luôn có và cần thiết trong cuộc sống). Mạch truyện dẫn chúng ta từ một khoảnh khắc quan trọng sang khoảnh khắc quan trọng tiếp theo, trong khi trong cuộc sống, có vô vàn những tuyến truyện phụ làm chúng ta phân tâm và bối rối. Trong một câu chuyện, những thời điểm mấu chốt của một cuộc hôn nhân hé mở trong vài chục trang: trong cuộc sống, chúng trải dài qua nhiều năm, xen kẽ với hàng trăm cuộc họp kinh doanh, ngày lễ, hàng giờ ngồi trước tivi, trò chuyện với cha mẹ, đi mua sắm và các cuộc hẹn với nha sĩ. Logic nén của một cốt truyện tinh giản sự hỗn loạn trong cuộc sống: các sự kiện nối tiếp nhau một cách rõ ràng. Chúng ta nắm bắt được những gì đang xảy ra.
Sự đơn giản hóa quan trọng bởi vì tâm trí con người trở nên rối bời trước sự phức tạp của cuộc sống
 
Các nhà văn cũng làm luôn công việc giải thích. Họ làm sáng tỏ căn nguyên hành động của một nhân vật; họ tiết lộ cho người đọc những tâm tư và động cơ ẩn khuất. Các nhân vật được đọc vị minh bạch hơn nhiều so với những người chúng ta gặp ngoài đời. Trên trang giấy, chúng ta gặp những nhân vật phản diện chân thực hơn, những anh hùng dũng cảm hơn, những người có nỗi khổ rõ ràng hơn hoặc những người có đức tính nổi bật hơn tất cả. Họ - và hành động của họ - đơn giản hóa những quyết định trong đời sống tình cảm của chúng ta. Ta có thể yêu thương hoặc oán trách họ, thương hại họ hoặc lên án họ dễ dàng hơn là làm điều đó với bạn bè và người thân.
 
Sự đơn giản hóa quan trọng bởi vì tâm trí con người trở nên rối bời trước sự phức tạp của cuộc sống. Vào những thời điểm hiếm hoi, nhà văn, qua từ ngữ, điểm trúng những cảm xúc đã lảng tránh chúng ta từ lâu, họ hiểu chúng ta hơn chúng ta hiểu chính mình. Họ dường như đang thuật lại câu chuyện của chính chúng ta, nhưng bằng một ngôn ngữ rành mạch bản thân ta không thể thâu tóm được.
Đơn giản hóa không phản lại sắc thái muôn màu của cuộc sống, nó làm cho cuộc sống trở nên rõ nét hơn.
 
Văn học sửa chữa sự thiếu hụt ngôn ngữ nội tâm của con người. Biết bao lần chúng ta có cảm giác không thốt nên lời: một cánh chim chao liệng trên nền hoàng hôn, khí trời tươi sáng chỉ có lúc lúc bình minh, tình yêu hướng về ai đó với cá tính hoang dại nhưng đầy thiện cảm. Chúng ta phải vật lộn để uốn nắn xúc cảm thành lời để rồi cuối cùng cũng chỉ có thể thốt lên: “Tuyệt vời thật”. Cảm xúc dường như quá phức tạp, tinh tế, mơ hồ và khó nắm bắt để biến thành câu chữ. Một nhà văn lý tưởng lưu tâm vào những điều nổi bật: góc nghiêng cánh chim, một nhánh cây khẽ khàng rung chuyển, khóe miệng nở một nụ cười. Đơn giản hóa không phản lại sắc thái muôn màu của cuộc sống, nó làm cho cuộc sống trở nên rõ nét hơn.
 
Các nhà văn vĩ đại xây dựng cầu nối đến với những người mà chúng ta có thể lầm tưởng là lạ lùng hoặc vô cảm. Họ tạo lối tắt đến cốt lõi của trải nghiệm. Qua lựa chọn tỉ mỉ và biện pháp nhấn mạnh, họ tiết lộ những nhân tố quan trọng hiển hiện trong mỗi người. Họ chỉ cho chúng ta biết nên nhìn vào đâu.
 
Họ giúp ta cảm nhận. Thường thì ai cũng muốn làm người tốt, muốn quan tâm, muốn cảm nhận sự ấm áp và dịu dàng, nhưng nhiều lúc thật khó. Dường như không có một cơ quan tiếp nhận phù hợp trong cuộc sống bình thường để chúng ta có thể trút bỏ cảm xúc. Các mối quan hệ cá nhân đầy tính thỏa hiệp và quá rủi ro. Quá rủi ro khi đối tốt với một người sẽ không bao giờ đáp lại. Do đó, chúng ta không thể hiện cảm xúc; chúng ta đóng băng.
 
Nhưng sau đó, trong những trang truyện, bạn gặp một cô gái. Cô gái ấy rất xinh đẹp, dịu dàng, nhạy cảm, rất trẻ và đang ở bờ vực cái chết; rồi bạn khóc cho cô gái ấy và nguyền rủa tất cả sự tàn nhẫn và bất công của thế giới. Và rồi bạn lại tiếp tục bước đi, nguyên vẹn nhưng tươi mới. Cơ bắp cảm xúc đã được luyện tập và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc sống của bạn.
 
Thông qua những cuốn sách đơn giản hóa dung dị, chúng ta hình thành nên một bản thể mới tốt hơn bản thể ta có bây giờ.
Không phải tất cả các cuốn sách đều chứa đựng sự đơn giản hóa. Chúng ta thường không ở đúng trường hợp để áp dụng được kiến ​​thức từ những cuốn sách. Việc liên kết đúng cuốn sách với đúng người vào đúng thời điểm vẫn chưa thực sự được chú ý: báo chí và bạn bè giới thiệu một quyển sách cho người khác vì nó hữu dụng cho họ, mà không suy nghĩ cuốn sách cũng đó có hữu dụng đối với cá nhân khác hay không. Khi ta tình cờ bắt gặp cuốn sách lý tưởng cho bản thân, cuốn sách sẽ rõ ràng hơn, rành mạch hơn, dàn ý phù hợp với mối quan tâm và trải nghiệm của chúng ta. Ít nhất tâm trí của chúng ta bớt mù mờ và trái tim của chúng ta trở nên nhạy cảm, chính xác hơn. Thông qua những cuốn sách đơn giản hóa dung dị, chúng ta hình thành nên một bản thể mới tốt hơn bản thể ta có bây giờ.
 

 Theo The School of Life

Thu Anh (biên dịch)

Tags: