Sự bất hảo của người hoàn hảo
Sự bất hảo của người hoàn hảo
Nếu người bình thường sợ mình chưa hoàn hảo, thì những người hoàn hảo sợ điều gì?
1. Hoàn hảo vừa là một siêu năng lực, vừa là một lời nguyền. Ai cũng muốn có nó, nhưng những người có nó lại không thể thoát khỏi nó. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nhờ những kẻ không có điểm dừng trong nỗ lực, nhưng cuộc sống cũng tệ đi nếu bạn lấy cuộc đời họ làm tấm gương.
 
Điểm bất hảo ở những kẻ hoàn hảo là họ không có năng lực chấp nhận sự bất lực. Không ai ghét chính mình bằng hội cầu toàn: vừa đủ không thể là tốt. Làm việc với họ vô cùng căng thẳng, không phải vì họ không thể chấp nhận những sai sót ở bạn, mà ở chính họ.
 
Hạnh phúc khi mọi việc đâu vào đó không hẳn là thứ họ nhắm đến, mà không thể an yên với những sai lầm là khả năng mà họ thiếu. "8 điểm, 90% khách hàng hài lòng, một vết xước trên máy": tất cả những thứ đó có thể khiến họ phát điên vì không ai dạy họ cách hài lòng với sự phật lòng.
 
Nhà này không có chỗ chứa cho những học sinh khá; Công ty này không chấp nhận sự thiếu chuyên nghiệp; Tâm hồn này không đón nhận sự đủ tốt.
 
Kỹ năng thành công (đẹp, xịn, mịn) thì ai cũng cố học và dạy, nhưng kỹ năng sống với thất bại thì chúng ta quên mất, cho dù tâm lý của bạn được cấu thành bởi mất mát, vết thương, nuối tiếc, sai lầm hơn là ngược lại.
2. Làm người nghĩa là luôn phải sống trong một trạng thái bất mãn, dù nhiều hay ít, vì đơn giản rằng sẽ luôn có khoảng trống giữa ham muốn và sự đáp lại: thèm ăn snack, nhưng ăn xong cũng chỉ thấy thỏa mãn được 90%, vẫn còn gì đó thiếu thiếu.
 
Hội cầu toàn là những kẻ tin rằng mình có thể đạt đến trạng thái thỏa mãn hoàn toàn. Sự viên mãn tột cùng đó thường là ký ức của một cái gì đã mất và dù có cố gắng thế nào họ cũng không thể lấy lại cảm giác đó. Trong Chú chuột đầu bếp, giây phút lên đỉnh của Anton, nhà phê bình ẩm thực hàng đầu người Pháp, xảy ra khi ông được thưởng thức lại các món ăn ký ức ratatouille mà mẹ ông từng nấu.
 
Mọi sự đi tìm gần như đều là tìm lại. Đôi khi mọi người không thực sự muốn tương lai, họ chỉ muốn quá khứ được lặp lại. (Nếu bạn quan sát thật kĩ một đứa trẻ nhỏ, thì bạn sẽ thấy những gì tuyệt vời nhất mà đời này có thể có, có lẽ đã xảy ra rồi. Thiên đường đã mất nay chỉ còn tồn tại trong ham muốn được trở về. Hoàng tử bé là một câu chuyện trẻ con để nhắc nhở người lớn rằng họ đã từng được hạnh phúc như thế nào).
 
Có thể bạn đã đôi lần, thử quay lại quán cafe cũ, thử ăn lại quán cũ, thử hôn lại người yêu cũ: nhưng cái gì đó đã mất đi khiến trải nghiệm không thể "thật đúng" như xưa. Có vị gì khác, có gì đó lệch, nhưng bạn không biết lắp sao cho vừa: khoảnh khắc hoàn hảo đó, nay còn đâu. Một số người nói, thôi bơ đi mà sống, nhưng nếu bạn không thể, sống là học cách sống cùng với nỗi mất mát này, hay nói cách khác, bạn luôn phải đấu tranh với ham muốn hoàn hảo trong mình.
 
3. Theo một nghĩa, chúng ta đều có tiềm năng cầu toàn, vì sẽ luôn có sự chênh lệch giữa bạn muốn gì và bạn nhận được gì (người mình thích lại không thích mình). Sẽ luôn có ai đó làm mất lòng bạn, sẽ luôn có những tiêu chuẩn bạn không bao giờ với tới, sẽ luôn có những quá khứ không thể tiếp diễn.
 
Học cách không chấp nhận mình và chấp nhận mình là một quá trình diễn ra đồng thời. (Làm thế này chưa được? Xóa đi làm lại. Oh, tạm ổn rồi đấy. Nhưng mà thật sự ổn chưa nhỉ? Thôi, gửi Mail rồi đi ngủ nhé. Vài phút sau, mở lại File sửa đến hết đêm).
 
Trong những ám ảnh muốn biến Trái Đất thành Thiên Đường, chúng ta lại thường hay biến Thiên Đường thành Trái Đất.
 
Đọc thêm: The Pursuit of Perfect: How to Stop Chasing Perfection and Start Living a Richer, Happier Life
Tags: