"Sống thật với chính mình" chính xác nghĩa là gì?
Đó là một lời cổ vũ phổ biến: Hãy sống thật với chính mình. Nhưng “sống thật” chính xác nghĩa là gì?

Là một khái niệm tâm lý học, "sống thật" mang ý nghĩa đơn giản, bao gồm việc bạn thực sự là ai - xuất phát từ tận đáy lòng, và hành động phù hợp với những giá trị và niềm tin của riêng mình. Nhiều nhà tâm lý học xã hội định nghĩa điều này dựa trên cách tiếp cận như hầu hết mọi người. Nói cách khác, tính chân thật là một sự phán xét chủ quan. Chỉ có bản thân chúng ta mới biết được khi nào chúng ta hành xử đúng với chính mình hay không.

Mọi người đánh giá bản thân chân thực nhiều hay ít hơn trong toàn bộ thời gian? Giả thuyết của tôi là người ta tin rằng họ sống đúng với chính mình hơn khi thời gian trôi qua. Sau tất cả, hầu hết chúng ta đều ưa thích cái ý nghĩ rằng mình đang trưởng thành và thay đổi theo nhiều cách tích cực. Và cái thông điệp “Hãy sống đúng với chính mình” có lẽ ám chỉ rằng có những điều luôn ngăn cản ta thể hiện chính xác bản thân. Trong quá trình trưởng thành, có lẽ ta đều đã có những trải nghiệm tự do để được là chính mình - tự do vượt qua mọi rào cản khiến ta phải che dấu bản thân đằng sau lớp mặt nạ và trở thành người mà ta muốn.

 

Trong nghiên cứu gần đây, tôi cùng đồng nghiệp Rebecca Schlegel đã cố gắng kiểm chứng xem liệu mọi người có tin rằng cảm giác về sự chân thật của họ thay đổi trong suốt quãng đời hay không. Trực giác của chúng tôi nói rằng, việc tìm kiếm và thể hiện con người đích thực của mỗi người là một mục tiêu chung, chúng tôi phỏng đoán một tiến triển tích cực của tính chân thật qua thời gian. Mọi người sẽ thấy mỗi ngày, họ lại gần gũi với chính mình hơn một chút.

Ngoài ra, sự thay đổi bản thân mỗi người cũng có thể có các hình thức khác nhau. Có thể là một mô hình tuyến tính đơn giản của tính chân thật, trong đó người ta cảm thấy mình sống đúng với bản thân hơn mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi năm. Điều này được dựa trên xu hướng luôn tự phát triển của con người: chúng ta có một mong muốn mạnh mẽ tự nhiên là được nhìn nhận bản thân một cách tích cực. Hoặc cũng có thể mọi người nhận thấy sự tiến triển và sau đó là một trạng thái ổn định. Đây là những gì các nhà nghiên cứu gọi là cái kết của sự ảo tưởng, khi mà người ta nghĩ mình trở nên thành thật với chính mình hơn từ quá khứ đến hiện tại, và tại một thời điểm nào đó sẽ thay đổi tương đối ít trong tương lai, họ sẽ đạt đến một điểm đỉnh cao của sự thành thật trong cuộc đời của họ. Chúng tôi đã thử nghiệm những giả thiết này trong một loạt các nghiên cứu.

 

 

Trong nghiên cứu đầu tiên, những người tham gia được yêu cầu suy nghĩ về việc bản chất của họ có quan hệ như thế nào với việc tự nhìn nhận bản thân theo trình tự thời gian như sau: bản thân ở quá khứ (họ là ai khi họ tốt nghiệp trung học), bản thân hiện tại (hiện tại họ là ai), và bản thân trong tương lai (họ sẽ là ai cuối học kì này). Sau đó, chúng được biểu diễn bằng các biểu đồ hình ảnh bao gồm tám cặp sơ đồ Venn hiển thị mức độ thống nhất tăng lên giữa bản chất và việc tự nhìn nhận bản thân. Diện tích chồng lên nhau giữa hai vòng tròn càng lớn, sự tự định nghĩa càng gần gũi với sự nhìn nhận bản chất của mỗi người.

Những người tham gia báo cáo rằng họ cảm thấy bản thân trong quá khứ là “giả dối” nhất, tiếp theo là bản thân hiện tại và bản thân trong tương lai. Nói cách khác, mọi người tin rằng họ đang sống thật hơn theo thời gian và sẽ còn tiếp tục “thật” hơn trong tương lai.

 

Diện tích phần chung của hai vòng tròn nói lên mức độ gần gũi giữa bản thân và con người thật của mình

Trong nghiên cứu thứ hai, chúng tôi đã kiểm tra xem mọi người có nhận thấy cảm giác của họ về sự chân thật tăng lên trong toàn bộ vòng đời hay không. Chúng tôi tuyển một nhóm người thuộc nhiều độ tuổi từ Amazon Mechanical Turk, và yêu cầu họ suy nghĩ về cuộc sống của họ như một cuốn sách hay truyện tiểu thuyết, sắp xếp các giai đoạn trong câu chuyện cuộc đời của họ thành các chương, hoàn thiện bản thân và các thước đo mức độ sống thật cho mỗi chương trong câu chuyện. Tiếp đó, chúng tôi yêu cầu những người tham gia dự tính những diễn biến tương lai của câu chuyện: những điều chưa xảy ra trong cuộc đời họ.

Thời gian hóa ra lại liên quan mật thiết đến nhận thức về mức độ "sống thật". Các mô hình cho thấy nhận thức về tính xác thực tăng mạnh trong vài chương quá khứ và tiếp tục tăng xuyên suốt một vài chương đầu tiên của tương lai. Mặc dù điều này có phần bất ngờ, cá nhân tôi nghi ngờ rằng nó phản ánh một khoảng thời gian tự khám phá, khi mọi người đang tìm kiếm và có thể thành công trong việc “tự tìm kiếm bản thân”. Tương tự như những phát hiện trong nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi, mọi người có xu hướng tin rằng họ đang tiến gần hơn với con người thật của mình trong suốt cuộc đời, bằng chứng từ cả hai nghiên cứu đã củng cố cho cách lý giải về mức độ chân thực nhận thức được khi thời gian trôi qua.

 

Do “mức độ sống thật” là một sự đánh giá chủ quan đối với việc những hành động thường ngày phản ánh mật thiết như thế nào giá trị và niềm tin của bản thân, các nghiên cứu của chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng nhận thức về bản thân ta liên tục thay đổi. Chúng ta không nghĩ mình là những sinh vật trì trệ; hơn nữa, mọi người có những kỳ vọng tích cực rằng họ luôn tiến đến gần hơn với con người thật của mình, và họ đặt giá trị to lớn vào việc nhận thức và thể hiện con người đó, họ tin rằng bản thân trong tương lai sẽ là một phiên bản chính xác hơn so với bản thân hiện tại và bản thân hiện tại lại chính xác hơn bản thân trong quá khứ. Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là những thử nghiệm của chúng tôi chỉ gồm những người tham gia từ Hoa Kỳ. Trong khi “mức độ sống thật” có thể được coi là khái niệm chỉ phương Tây mới có, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trải nghiệm về tính chân thực giống nhau ở cả văn hóa Đông và Tây. Điều này có nghĩa rằng, khả năng cao là những cảm giác về việc con người ngày càng thành thật với bản thân hơn là cảm nhận mà ai cũng trải qua.

“Sống thật” sẽ tiếp tục là lời cổ vũ thông dụng trong nhiều thế kỷ tới, và mọi người sẽ không bao giờ ngừng quảng bá tầm quan trọng của việc sống đúng với chính mình. Viễn cảnh đó xảy ra khi và chỉ khi, những đánh giá chủ quan của mỗi người về độ chân thật có thể cho ta biết ta đã sống đúng với con người thật của mình hay chưa.

 Theo Aeon

Tags: