Sếp luôn thuộc phe ác, bị nói xấu và chuyện trưởng thành nơi công sở
Sếp luôn thuộc phe ác, bị nói xấu và chuyện trưởng thành nơi công sở
Cuốn sách "Cống hiến có điều kiện, làm việc không hối tiếc" là câu chuyện công sở, nơi dù là áp lực, thử thách, kể cả sự khó ưa của sếp cũng là bài học giúp bạn trưởng thành.

Không giống Đắc nhân tâm chân kinh hay La bàn tới lòng sếpCống hiến có điều kiện, làm việc không hối tiếc của Nhật Chung là tuyển tập những câu chuyện nhỏ mà tác giả ghi lại về “hành trình công sở” suốt tám năm qua, từ khi còn là cậu bé cộng tác viên không biết dùng email cho tới khi đã trở thành biên tập viên của một công ty truyền thông nổi tiếng.

 

 

Công sở và 1.001 câu chuyện không tên

 

 

Sách Cống hiến có điều kiện, làm việc không hối tiếc.
Thế giới công sở tựa như xã hội thu nhỏ. Nơi ấy có đủ kiểu người khác nhau và hàng tá bất ngờ không sao lường trước mà mỗi người sẽ học cách đối mặt mỗi ngày. Đã có rất nhiều bài báo, cuốn sách viết về quy tắc, cẩm nang giúp bạn sống tốt nơi công sở, trở thành nhân viên gương mẫu, biến môi trường công sở trở nên hòa nhã và thoải mái...
 

Đối với tác giả Nhật Chung - người đã trải qua gần hết những bão giông trên đời với hành trình suốt tám năm lớn lên trong môi trường đó, thì công sở là xâu chuỗi tất tần tật những vấn đề: Những ngày đầu tiên đi làm, con người công sở, người sếp “trời ơi đất hỡi”, áp lực công việc và những mối tình đầy ma lực ở nơi tưởng chừng có nhiều bi hài kịch.

Như tác giả đã chia sẻ: “Nếu như trường học là nơi cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết cùng sự kiên nhẫn nhất định thì công sở sẽ là chốn giúp bạn nhận ra bao nhiêu năm 'tu luyện' của mình hóa ra cũng như muối bỏ bể, chẳng thấm đâu vào đâu”.

Ai cũng có những lần đầu tiên đáng nhớ trong đời, nhất là với cột mốc đặc biệt khi những bài kiểm tra gắt gao ở trường học sẽ được thay bằng một loạt báo cáo tuần, báo cáo tháng. Cuộc đời sẽ xuất hiện những sếp tổng, sếp phó, trưởng nhóm mà chỉ cần một cái thở dài khẽ khàng của sếp cũng khiến bạn và đồng nghiệp xoay ba đầu tám hướng.

Thời điểm chúng ta bắt đầu với môi trường mới cũng giống như những chú cừu non, hớn hở, rộn ràng mà cũng ngây ngô biết chừng nào. Sẽ có vô số câu hỏi được đặt ra khiến bạn loay hoay trong đám rối trí lẫn lộn như “Tôi bị đuổi việc chưa?”, “Trẻ là rẻ?” hay “Vậy cũng được nữa hả?”. Nhưng không có đau thương thì không có thành công. Mỗi trải nghiệm mang tên “lần đầu tiên” đều xứng đáng đồng tiền bát gạo.

Hầu như bất cứ người nào cũng dạy ta một bài học gì đó. Va vấp từ những mối quan hệ mà ra, nhưng phát triển, được yêu thương cũng nhờ đồng nghiệp, quản lý mà có được. Công sở là xã hội mà mỗi ai cũng đều phải lớn lên ở đó, không lý do nào chối bỏ được.
 

Những mẩu chuyện nho nhỏ trong Cống hiến có điều kiện, làm việc không hối tiếc sẽ chỉ ra cho bạn đọc thấy những kiểu người với tính cách quái chiêu, rắc rối nhưng thú vị. Có người chị năm ấy từng bị tác giả xua đuổi vì “mượn bài” và sau này trở thành một biên tập viên quý mến, có sự mâu thuẫn của tuổi trẻ giữa áp lực công việc và đam mê. Thậm chí, bài học từ gánh bánh tráng trộn cũng được Nhật Chung nhìn nhận ra đây là bậc thầy làm việc nhóm.

Như một lẽ đương nhiên, sếp sẽ thường bị xếp vào vai phản diện, xấu tính nhất, đáng ghét nhất, bị nói xấu nhiều nhất nếu có một câu chuyện cổ tích mang tên công sở và các nhân vật được phân theo hai tuyến thiện - ác.

Nhưng như tác giả đã chia sẻ: “Cũng có khi, truyện cổ tích được viết theo kiểu khác đi, con chó sói chưa chắc đã ăn thịt cô bé quàng khăn đỏ, mụ phù thủy chưa chắc đã không có nhân tính... và sếp cũng có thể là những người khiến bạn yêu quý nhất, biết ơn nhất!”. Họ sẵn sàng ngồi xuống chỉ cho bạn từng lỗi sai và kiên nhẫn nhìn bạn trưởng thành.

 

 

Cừu có cách trưởng thành của cừu, sói có cách của sói

 

 

Tuổi trẻ đâu cần mãi sự yên tâm, tuổi trẻ cần một sự liều lĩnh. Giai đoạn đầu trong công việc cũng vậy. Dám đi xa, dám dấn thân thì sau những phép thử, sau những lần quăng mình vào nguy hiểm, tất cả chúng ta đều tìm thấy cho mình những bài học trưởng thành, dẫu phải đánh đổi bằng cách này hay cách khác.
 

Không có điều gì lãng phí nếu từ đầu ta biết thu góp gì, hầu như bất cứ con người nào, trải nghiệm nào cũng sẽ dạy chúng ta một điều để lớn, thậm chí là cách để từ bỏ sớm khi có le lói dấu hiệu không phù hợp.

Từ một cộng tác viên không biết sử dụng email, với hành trình 8 năm, mỗi ngày đều học hỏi từng chút, trưởng thành một chút, kiên nhẫn một chút để trở thành người mình mong muốn, đi được nhiều nơi và quan trọng là không cảm thấy bị lẻ loi ở nơi công sở.

Đi làm, bạn sẽ gặp gỡ, hợp tác với rất nhiều người. Có người là thoáng qua, có người để lại cho bạn ấn tượng không mấy tốt đẹp, thậm chí là căn nguyên của những tổn thương, thất bại nhưng tất thảy sẽ giống như cách mà thượng đế sắp đặt. Có bao nhiêu cách bạn ngã xuống thì có bằng đấy cách để trưởng thành.

Ngay cả bài học lựa chọn người ta dành cả đời cũng chưa thể học trọn. Nhiều người trẻ mãi lao vào công việc như thiêu thân mà quên đi những ưu tiên quan trọng trong cuộc đời. Chọn thăng tiến, chọn nỗ lực không ngừng nghỉ để mong có ngày “ổn định” nhưng đến khi có tất cả thì nhận ra sẽ không có gì khi sức khỏe, tinh thần và tình cảm đều bị tổn thất.
 

Cống hiến có điều kiện, làm việc không hối tiếc sẽ chỉ ra rằng lựa chọn đúng đắn đôi khi là... rời bỏ. Bởi “hạnh phúc của đời người chỉ đơn giản là đi bộ mà không cần nạng, được ăn uống mà không cần ai múc hộ, được thở bằng mũi của chính mình mà không cần bất cứ dụng cụ nào cài cắm lên người”.

Chẳng cần bằng cấp cao, chỉ cần kinh nghiệm, lòng nhiệt thành và sự tử tế thì bạn hoàn toàn có quyền đòi lại những gì mình xứng đáng.

Sẽ không còn thấy tám tiếng đi làm mỗi ngày dài như tám thể kỷ bị hành hạ, tra tấn; không còn ấp ủ dự định sau khi nghỉ việc sẽ “yểm bùa” vào toàn bộ đồng nghiệp; thích làm việc, thích cống hiến bằng cả năng lượng bầu trời... Mỗi người sẽ tự viết nên một cẩm nang trưởng thành nơi công sở cho riêng mình.

 

Theo News.zing.vn

Tags: