Sách Tết, phong vị xuân xưa...
Sách Tết, phong vị xuân xưa...
"Sách Tết năm Kỷ Hợi 2019" ra đời lần này, có thể xem như sự trở lại sau khoảng 60 năm của một thể loại ấn phẩm độc đáo, tưởng như đã vĩnh viễn chìm vào quên lãng.

 ... Mà thiệt vậy, cứ mỗi cuối tháng chạp, khi trong lòng chúng ta bắt đầu chớm chộn rộn cái không khí đón xuân, lại được nghe những lời đại loại ở đâu đó:

 

Cùng với bánh chưng, củ kiệu, hoa mai, hoa đào, hơn nửa thế kỷ qua, một sản phẩm không thể thiếu trong nhiều mái ấm Việt những ngày tết là các tờ báo xuân.

Khi ấy, trên các sạp báo ở những ngả đường phố thị, hàng chục loại báo xuân đã được bày bán trang hoàng rực rỡ, khiến cảnh vật chung quanh như thêm tưng bừng, náo nức. Có ai còn nhớ đến những cuốn Sách Chơi Xuân, Sách Xem Tết một thời thật xa xưa, giản dị và trang nhã, bên những cội mai gốc đào, cùng chén trà và khay kẹo mứt, trong những ngày nhàn nhã phong vị đầu năm?

 

 

Từ Sách Xem Tết năm 1928

 

 

Nếu cụ Vương Hồng Sển không lầm, khi viết Thú chơi sách, Nam Phong tạp chí số tết năm 1918 chính là thủy tổ của các số báo xuân trong lịch sử báo chí Việt Nam. Và cũng vậy, nếu các anh em trong giới sưu tập sách xưa nhận định chính xác, thì có lẽ, Sách Xem Tết năm Mậu Thìn 1928 của Tân Dân Thư Quán đã mở lối tiên phong cho loại ấn phẩm này ra đời trong lịch sử xuất bản nước ta, dù số phận sau này không mấy suôn sẻ.

 

Về hình thức, Sách Xem Tết của nhà Tân Dân có khổ như cuốn sách bình thường, không có phụ bản minh họa, số trang cũng không cố định. Năm Mậu Thìn được in 78 trang, sang năm Kỷ Tỵ tăng lên 100 trang, năm Canh Ngọ gồm 88 trang, và lần cuối Sách Xem Tết của nhà Tân Dân xuất hiện vào năm Quý Dậu 1933, số trang chỉ còn 66.

 

Sách xem tết năm 1929 của Tân Dân Thư Quán

 Về nội dung, chủ yếu có hai mảng văn hài đàm và thơ vui, xen vào giữa có các trang quảng cáo và giới thiệu sách, với mục đích mang lại cho độc giả những tiếng cười sảng khoái, những câu chuyện lời thơ giải trí nhẹ nhàng dí dỏm vào ngày đầu năm.

Đọc lại Sách Xem Tết năm Kỷ Tỵ 1929, dày dặn nhất trong những lần góp mặt, thật bồi hồi khi thấy lại nhiều tên tuổi hoạt kê nổi tiếng một thời mà sau này nhà văn Vũ Bằng nhắc lại với rất nhiều chuyện thú vị trong các tập hồi ký Bốn mươi năm nói láo và Những cây cười tiền chiến. Cuồng Sỹ Tạ Mạnh Khải, Hì Đình Nguyễn Văn Tôi (tức dịch giả Nguyễn Đỗ Mục), Sơn Phong Bùi Đức Long, Từ Nhân Hoàng Quảng Đức, Ninh Tuấn Nguyễn Địch Thiện...

Trong Sách Xem Tết năm Quý Dậu 1933, ngoài “những cây cười tiền chiến” trên, còn có thêm Thượng Uyển Nguyễn Tiến Lãng (thời điểm này đang làm chủ bút tạp chí Nam Phong), Ngọc Thỏ Dương Mầu Ngọc, Kim Xuyên Trần Vượng...

Đáng lưu ý, Sách Xem Tết của nhà Tân Dân lại vắng bóng trong hai năm liên tiếp 1931 và 1932. Giải thích cho điều này, nhà viết kịch Vũ Đình Long, chủ nhiệm Tân Dân, đã có lời bộc bạch trong trang đầu tiên của lần trở lại vào xuân Quý Dậu 1933:

Sách Xem Tết đã hai năm nay không ra!
Tân Dân nhận được không biết bao nhiêu lời nghiêm trách của các bạn làng văn chí thân cùng các bạn độc giả yêu.
Sách Xem Tết vốn không có chủ nghĩa gì cao xa. Sách Xem Tết vốn chỉ có cái mục đích rất thiển cận, rất tầm thường là cầu vui cho các bạn đồng chí trong dịp ngày xuân hớn hở, muôn vật tươi cười. Ấy thế mà không in ra, các bạn có lòng nhớ mong nhắc nhỏm, thúc giục bảo in ra, khiến cho Tân Dân xiết bao cảm kích.

[...] những năm 1932 - 1933 đó, kịch tác gia Vũ Đình Long đang trong giai đoạn mở rộng công việc kinh doanh, nâng tầm một hiệu sách mang tên Tân Dân Thư Quán có từ năm 1925, trở thành nhà xuất bản Tân Dân lớn mạnh vào hàng bậc nhất xứ Bắc Kỳ cho đến năm 1945. Nhưng chưa đủ, vì có thể còn thêm lý do khó khăn khác nữa mà ông không tiện nêu ra.

Lý do đó, khá bất ngờ, trên trang 48 của tờ Tân Thanh tạp chí số 3 ra ngày 5/3/1931, Sách Xem Tết Tân Dân được nêu tên trong mục “Sách cấm” của chính quyền thuộc địa, ngang hàng Ngồi tù khám lớn của Phan Văn Hùm, Ngục trung ký sự của Trần Huy Liệu, Tuyên cáo quốc dân của Phan Bội Châu... Có lẽ, dù chỉ là những bài thơ góp vui, những đoạn văn hài đàm gây cười, nhưng với phong vị cổ truyền mà Sách Xem Tết gợi lại, và những mẩu chuyện cảm động hiếm hoi như Hồn theo nước cũ của tác giả Long Thành trong Sách Xem Tết năm Kỷ Tỵ 1929, đã khiến chính quyền thuộc địa e ngại, sẽ khơi dậy một nỗi tưởng tiếc dân tộc và niềm yêu nước trong lòng các độc giả khắp nơi.

[...]

 

 

Sách Chơi Xuân của Nam Ký Thư Quán

 

 

Sau Tân Dân Thư Quán một năm, nhà Nam Ký Thư Quán cũng trình làng ấn phẩm tương tự vào tết Kỷ Tỵ 1929, với tên gọi Sách Chơi Xuân.

 

Theo tư liệu của các anh em trong giới sưu tập, Sách Chơi Xuân của nhà Nam Ký được in vào các năm Kỷ Tỵ 1929, Canh Ngũ (Ngọ) 1930, Tân Vỵ (Mùi) 1931, Nhâm Thân 1932, Quý Dậu 1933. Riêng Sách Chơi Xuân năm Kỷ Tỵ được tái bản đến hai lần.2

 

Sách Chơi Xuân năm Kỷ Tỵ của Nam Ký.

Về hình thức, Sách Chơi Xuân của nhà Nam Ký cũng có khổ tương tự Sách Xem Tết của nhà Tân Dân. Số trang cũng gần như nhau, năm 1929 được in 52 trang, năm 1931 có 80 trang, năm 1932 nhích lên 92 trang, đến năm 1933 chỉ còn 42 trang. Ngoài năm Kỷ Tỵ, các Sách Chơi Xuân những năm sau đều có vẽ minh họa, được trình bày đẹp mắt hơn Sách Xem Tết của nhà Tân Dân.

Về nội dung, gồm có thơ vui, thơ xuân của các nhà thơ cựu trào Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Á Nam Trần Tuấn Khải... các mẩu chuyện hài, tản văn về tập tục ngày tết, và đáng chú ý có các bài tổng kết tình hình thời sự xã hội trong năm qua khắp ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và cả tình hình thế giới.

Về tên Sách Chơi Xuân, được giải thích khá dí dỏm trong lời Tựa khi xuất hiện lần đầu vào năm Kỷ Tỵ 1929: “Nói đến chơi liệu có người bảo là hiếu sự, công việc nặng nề, nợ đời bề bộn, sao lại nên chơi!!

Xin thưa: Một năm có một lần xuân, đời người há được mấy tuần thanh niên! Giời, năm có một lần xuân, nhưng xuân này đi, xuân kia lại tới, trăm nghìn vạn ức bao thủa hết xuân! Người, đời có một lần xuân, mà xuân đi rồi, xuân không lại nữa, chỉ trong khoảng hăm tám ba mươi là xong kỳ niên thiếu!

[...] Anh em ta đây vốn nghèo hứng thú chỉ giầu văn chương, dẫu không giầu xong cũng đủ để đua chơi, đua chơi cùng người trần thế! Mà thực chơi văn cũng là một cái thú mà là một cái thú thanh cao, thanh cao mà không phí không hại như các cái thú khác. Như vậy há chẳng nhân lúc vui chơi mà chơi sao!

Nhân lúc chơi xuân, văn chương đôi chút, một mình chơi không thú, nên đem công hiến khách đồng chu để cùng nhau nhân buổi lương thời mà cùng chơi cho có thú!!

Chơi xuân thú lắm ai ơi!/ Cùng nhau ta hãi cùng chơi kẻo hoài!/ Nhắn khách liên đài!!...”

 

 

Sách Tết trong thời kỳ trăm hoa đua nở

 

 

Ngoài hai nhà Tân Dân và Nam Ký mở đường cho thể loại Sách Xem Tết, Sách Chơi Xuân như trên, theo một số thông tin trong anh em sưu tập và danh mục sách còn lưu trữ trong Thư viện Quốc gia, một số nhà xuất bản và tác giả khác trên cả nước cũng thực hiện các ấn phẩm tương tự, như Sách Xem Tết chào xuân Quý Dậu 1933 của Tùng Khánh in tại nhà in Cao Bình - Chợ Lớn; Sách Xuân năm Đinh Sửu 1937 in tại nhà in Mekong - Sa Đéc; Sách Chơi Xuân năm Đinh Sửu 1937 với chủ đề Nắng Xuân in tại Quy Nhơn; Sách Tết năm Kỷ Mão 1939 của Đặng Thị Xuyến, in tại nhà in Impr. du Nord; Sách Xuân Nhâm Ngọ 1942 của Phượng Nam; Sách Tết Nam Kỳ năm Nhâm Ngọ 1942 của Trần Kim Chi in tại nhà in Xưa Nay; Sách Tết vui cười 1942 của Huỳnh Văn Tài; Sách Tết năm Nhâm Ngọ - Một Trời Xuân của nhà xuất bản Lê Cường năm 1942; Sách Tết Nắng Xuân của nhà xuất bản Minh Cường in năm 1942, với các tác giả Hoài Thanh, Hoài Chân, Thanh Tịnh, Lê Văn Hòe, Trần Thanh Mại...; Thơ Văn Mùa Xuân của nhà xuất bản Đại La in năm 1943 gồm các tên tuổi Thế Lữ, Đào Trinh Nhất, Vân Đài, Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tú Mỡ, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Nguyễn Văn Tỵ...; Sách Tết Đời Nay 1941 của nhóm Tự Lực Văn Đoàn có sự góp mặt của Huy Cận, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Bửu Kế...
Tập Bút Xuân Mậu Dần

Đặc biệt, còn có tập Bút Xuân Mậu Dần năm 1938, in tại nhà xuất bản A. J. I, Vientiane, Lào của nhà thơ - nhà báo - nhà cách mạng lão thành Chu Hà Lã Xuân Choát, có nội dung công khai ủng hộ Mặt trận Bình Dân Đông Dương, cổ động mạnh mẽ cho phong trào cách mạng vô sản những năm tháng đó, với các bài thơ văn mừng xuân đầy khí thế, đả đảo thứ văn chương phù phiếm, nhược cảm.

Rõ ràng, ấn phẩm sách độc đáo cho ngày tết từ khi ra đời vào mùa xuân Mậu Thìn năm 1928 cho tới năm 1945 rất phong phú, đa dạng, đã có một vị trí đáng kể trong sinh hoạt văn học từ Bắc tới Nam, và cả vùng Đông Dương, với sự tham gia của nhiều tác giả nhóm bút thuộc các trào lưu phong cách khác biệt, như Tân Dân, Nam Ký, Tự Lực Văn Đoàn, Quốc Học Thư Xã...

Sau năm 1945, theo tư liệu của anh em trong giới sưu tập, Sách Tết vẫn còn rải rác xuất hiện, như Sách Tết 1957 của nhà xuất bản Minh Đức với các tác giả Hữu Loan, Lê Đại Thanh, Trần Lê Văn, Hoàng Tích Linh... và có lẽ cho đến Sách Xuân Mậu Tuất của nhà xuất bản Xây Dựng in vào năm 1958 là lần cuối cùng Sách Tết xuất hiện cho đến nay.

Sách Xuân Mậu Tuất năm 1958 có 36 trang (kể cả bìa), in khổ to cỡ tờ A4, bức tranh bìa Thiếu Nữ do họa sỹ Đinh Minh vẽ lụa, và các tên tuổi nổi danh nhất thời đó tham gia cộng tác.

Truyện ngắn có Hồ Dzếnh, Ngọc Giao, Trương Uyên, Chu Thiên, Huỳnh Lý, Xuân Sắc, và bà Thụy An với Bốn bát gạo, ba bộ áo thật cảm động. Thơ có Nguyên Hồng, Vũ Đình Liên, Thy Thy Tống Ngọc, Hải Như. Huyền Kiêu có vở kịch thơ Bên suối hoa đào. Trương Chính và Lê Trí Viễn viết phê bình tổng kết một năm. Về nhạc, Tử Phác cho in bản Nắng tháng ba.

Từ sau năm 1958 đến nay không còn tìm thấy tập Sách Tết nào nữa. [...]

Giờ đây sau khoảng một chu kỳ lục thập hoa giáp, Sách Tết lại góp mặt, cùng với bánh chưng, củ kiệu, hoa mai, hoa đào, gợi chút phong vị xưa, nhàn vui dăm ngày tết. Xin cùng đọc lại lời rao trong Sách Chơi Xuân của nhà Nam Ký Thư Quán, cách đây vừa tròn 90 năm, vào mùa xuân Kỷ Tỵ 1929, để trong lòng chúng ta lại dậy lên nỗi tưng bừng náo nức như các cụ tao nhân mặc khách một thuở xưa nào:

 

Nào Văn chương, nào Thi ca, nào Ký sự, nào Nhàn đàm, nào Tiểu thuyết, v.v... Tóm lại là một tập tùng văn, lấy văn chương làm tố chất, lấy xuân cảm làm nguyên nhân; rất bổ ích cho cuộc chơi xuân, di dưỡng tinh thần; phát minh tư tưởng. Ai là người tao nhân mặc khách, ai là bạn thanh khí liên tài, cùng nhau chơi lấy kẻo hoài xuân đi!
Xuân người nào được mấy mươi?
Không chơi Xuân hết lại ngồi tiếc Xuân!

Theo Zing News

 Nguyễn Ngọc Hoài Nam 

Tags: