Nhà giáo Giản Tư Trung: Sách hay mang những giá trị vượt không gian và thời gian
Nhà giáo Giản Tư Trung: Sách hay mang những giá trị vượt không gian và thời gian
Đến với café sách số thứ 7, Trạm Đọc trân trọng chia sẻ với bạn đọc về cuộc trò chuyện với Nhà giáo Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và là tác giả của cuốn sách có nhiều ảnh hưởng “Đúng Việc - một góc nhìn về câu chuyện khai minh”.
Nhắc đến thầy Giản Tư Trung, những ai biết và đã nghe về thầy đều nghĩ đến hai chữ “khai minh”, một người không ngừng nỗ lực khai minh chính bản thân mình và chia sẻ phương pháp luận để mỗi người có thể tự khai minh. Thi thoảng, thầy xuất hiện với những vai trò khác nhau, với những câu chuyện về sự học, sự đời, về văn hóa, về giáo dục, về quản trị, về sự đọc, về sách, … mà mỗi người nghe có lẽ đều có những suy tư để lại cho riêng mình. Được biết đến thầy đã lâu nhưng phải đến dịp tham dự Lễ trao giải Sách Hay 2016 vừa qua, đại diện của Trạm Đọc mới có cơ hội được gặp gỡ trực tiếp và trò chuyện cùng thầy. Một cuộc đối thoại không quá dài, nhưng phần nào sẽ giúp cho những người đọc có những thông tin thú vị về sách. Có những đoạn khiến bạn sẽ gật gù tâm đắc, có những chỗ khiến bạn thắc mắc tự hỏi về mình, nhưng Trạm Đọc tin rằng bạn sẽ có những phút giây suy ngẫm thú vị.

 

Giải Sách Hay làm cho nhiều cuốn sách có giá trị sống lại

 

Đến nay, Dự án Sách Hay đã có gần 10 năm trên hành trình “khuyến đọc” còn giải Sách Hay cũng đã trải qua 6 mùa giải được cộng đồng mê sách đón nhận nhiệt thành. Là Viện trưởng Viện IRED - Đơn vị sáng lập và tổ chức giải, đồng thời là thành viên Hội đồng trao giải, thầy đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động cũng như tầm ảnh hưởng của giải thưởng này so với kỳ vọng ban đầu?

 

Những người tổ chức giải kì vọng rất ít. Chúng tôi làm việc trong tinh thần tự do nên không có áp lực và rất thoải mái. Bên cạnh việc trao giải, Dự án Sách Hay (thuộc Viện IRED) còn có nhiều hoạt động khác mà Giải Sách Hay chỉ là một phần, và cũng mới chỉ ra đời khi dự án đã được ba năm. Thành tựu lớn nhất trong gần 10 năm của Dự án Sách Hay là đã góp phần khai quật được những cuốn sách có giá trị bị lãng quên, phát hiện được những cuốn sách mới, làm bật lên những cuốn sách tinh hoa của thế giới, đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ.

 

Trong nhiều lĩnh vực, nhiều cuốn sách hay đã bị phủ bụi thời gian và bị lãng quên. Sách sống không lâu thì chắc chắn là sách không hay, nhưng sách mà hay thì thường có giá trị lâu dài, sức sống bền bỉ. Điều đáng tiếc là nhiều giá trị lệch lạc hiện tràn lan trong xã hội đã làm cho nhiều cuốn sách hay bị lãng quên, trùm mền. Giải Sách Hay góp sức làm cho những cuốn sách đó sống lại.

 

Chẳng như cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill là một tác phẩm rất quan trọng, hàng trăm năm trước,ở Nhật Bản, thời Duy Tân Minh Trị bán được vài triệu bản trong khi dân số chỉ có khoảng 35-40 triệu người. Hàng trăm năm sau, ở Việt Nam, thời hội nhập, với dân số khoảng 90 triệu người, cuốn sách này chỉ xuất bản 1.000 bản, vừa bán vừa cho mãi cũng không hết. Nhưng khi đoạt giải Sách Hay năm 2012 thì từ đó đến nay cuốn này được tái bản liên tục 5-6 lần. Hay một cuốn khác là cuốn Khuyến Học của Fukuzawa Yukichi, khi xuất bản cũng bị lãng quên, nếu không được giới thiệu qua giải Sách Hay 2011 thì cũng không được biết tới rộng rãi và khá phổ biến như hiện nay. Đó là những ví dụ rất cụ thể. Hoặc những cuốn đã sống từ rất lâu rồi như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, những năm sau này ít người quan tâm, nhưng khi được trao giải lại được tìm đọc rất nhiều.Bởi vậy thật sự Giải Sách Hay với sự ủng hộ của báo giới và cộng đồng độc giả mê sách đã có sức ảnh hưởng đáng kể trong việc khuyến đọc, làm cho những cuốn sách hay "chết yểu" sống lại mạnh mẽ.

 

“Quyền năng” của giải Sách Hay là ở chỗ nó làm người ta thấy được giá trị của sách để tìm đến, giá trị bền vững chứ không phải nhất thời. Có những sách đọc bán chạy nhưng không hẳn là sách hay theo nghĩa của khai minh, tiến bộ, vì không thật sự mang trong mình những nền tảng giá trị bền vững.

 

Thầy Giản Tư Trung tại Lễ trao giải Sách Hay 2016

Thầy Giản Tư Trung tại Lễ trao giải Sách Hay 2016

 

Nói chung, sách có 2 loại, sách nền tảng và sách kỹ năng. Đọc sách kỹ năng (kỹ năng sống, kỹ năng hành xử, kỹ năng làm việc…) thì cũng rất tốt và cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu đọc sách văn hóa, sách khai minh (để hình thành bản tính bên trong, phần gốc rễ) rồi mới đọc sách kỹ năng (để hoàn thiện hành xử bên ngoài, phần cành lá). Như cuốn Đắc Nhân Tâm, hồi trẻ thì tôi rất thích thú cuốn này, nhưng sau này tôi không thích lắm, vì nó khác nhiều với tinh thần cốt lõi của “giáo dục khai khai phóng và con người tự do” mà tôi theo đuổi.

 

Tôi nghĩ, thay vì chỉ cố tìm cách học những thủ thuật hay chiêu trò để lấy lòng hay thuyết phục người khác thì con người ta cần nâng tầm vóc văn hóa của mình lên, làm giàu lương tri và phẩm giá của mình, khi đó chỉ cần sống đúng với con người của mình (sống thực, sống tự do), không cần dùng bất cứ chiêu trò hay mẹo vặt nào mà vẫn được người khác tôn trọng, quý mến và tin tưởng. Ngược lại, nếu mình chỉ học toàn những thủ thuật, chiêu trò,mánh khóe, mẹo vặt để lấy lòng người khác mà bản tính bên trong con người mình lại không ra gì thì về lâu dài sẽ rất nguy hiểm cho chính mình và cho xã hội.Bởi lẽ, với những thủ thuật tinh vi học được thì có thể giúp mình thành công nhất thời, nhưng dần dà mình sẽ tự biến mình thành kẻ hai mặt (bản tính bên trong khác hẳn hành vi bên ngoài), còn xã hội với nhiều con người như vậy sẽ sụp đổ niềm tin và ngày một trở nên dối trá hơn. Do vậy, người đọc khôn ngoan sẽ đi vào những cuốn sách ''tu thân'' mang trong mình những giá trị khai minh tiến bộ chứ không chỉ những cuốn sách thiên về chiêu trò, mánh khóe.

 

Đọc để học, đọc để làm và đọc để giải trí

 

Thầy nghĩ thế nào về cách người trẻ hiện tại đọc sách? Thầy có lời khuyên nào cho các bạn để đọc sách hiệu quả hơn?

 

Tôi không phải là người đọc sách nhiều, nhưng tôi luôn rất chọn lọc khi đọc sách. Có những cuốn sách tôi đọc nghiền ngẫm, có những cuốn sách đọc để lấy kiến thức chuyên môn, nhưng cũng có những cuốn chỉ lướt qua để biết thêm về nhân tình thế thái.

 

Ai cũng vậy, muốn đọc sách trước hết phải có động cơ đọc sách. Động cơ lại gắn liền với mục đích đọc sách. Mục đích (For What) là cái ở ngoài, là cái muốn đạt được, còn động cơ (Why) là cái bên trong, là lý do sâu xa dẫn đến việc đọc. Đọc để học, đọc để biết, đọc để làm, đọc để giải trí, đọc để đọc… - có rất nhiều mục đích. Thậm chí có nhiều người đọc để "khè", nhát ma người khác, đọc chỉ để chứng tỏ là mình có đọc. Lại có khi mỗi thời, càng lớn lên lại càng đọc sách theo những kiểu khác nhau. Như thời phổ thông, có khi chỉ đơn giản đọc là vì thích, nếu không thích thì không đọc. Nhưng khi lớn lên thì nhiều cuốn sách không thích vẫn phải đọc, vì mình cần phải học, phải biết để làm được những gì mình muốn. Việc đọc lúc đó vượt qua khỏi sở thích. Đọc với mục đích rõ ràng là để học, để làm, để hiểu thì sẽ khác. Ví dụ như em rất không thích sách quản trị, nhưng nếu em đang ở vị trí quản lý thì em phải đọc nó để làm quản lý tốt hơn.

 

Thầy Giản Tư Trung tại lớp học về Quản trị cuộc đời

 

Việc đọc có rất nhiều mục đích như vậy, nhưng tựu chung lại thì có ba cái chính nhất là đọc để học, đọc để làm và đọc để giải trí. Đọc để giải trí thì đơn giản là thích gì đọc nấy. Nhưng đọc để học và đọc để làm thì nên bàn. Nếu đọc lệch thì học lệch, làm lệch. Học lệch làm lệch thì đời lệch. Giống như giáo dục Việt Nam, nếu những người làm cải cách giáo dục không dựa vào tinh thần tự do và khai phóng từ những cuốn sách tinh hoa giáo dục của nhân loại thì có khi càng cải cách, càng dẫn đường thì càng bị “lạc đường”, thậm chí “ngược đường”.

 

Khi đã xác định mục đích đọc rõ ràng, ta đến bước tiếp theo là chọn chủ đề/lĩnh vực chuyên môn gắn với mục đích đó. Sau khi đã khoanh vùng chủ đề/lĩnh vực thì tìm cho ra những tác giả, dịch giả uy tín hàng đầu trong nước và quốc tế về chủ đề/lĩnh vực mà mình quan tâm. Và mỗi tác giả có thể có rất nhiều sách về chủ đề/lĩnh vực đó nhưng chắc chắn sẽ có một vài tựa mà khi nhắc đến họ là nhắc tới đầu sách đó. Đọc những cuốn sách như vậy bạn cũng có động cơ hơn.

 

Nói ngắn gọn hơn, động cơ đọc sẽ tăng lên nhiều khi mình nhận ra rằng chủ đề đó có ý nghĩa như thế nào với mình và cuốn sách đó của tác giả đó về chủ đề đó có đáng để đọc không. Đó cũng là điều mà Dự án Sách Hay và giải Sách Hay chia sẻ cho các bạn đọc tham khảo.

 

Những cuốn sách giúp bạn đỡ phải thử sai với cuộc đời mình

 

Theo quan điểm cá nhân của thầy, đâu là những cuốn sách nền tảng mà các bạn trẻ Việt Nam nên đọc, ưu tiên đọc?

 

Nếu phải giới thiệu 3, 5 hay 10 cuốn thì sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau. Nhưngchỉ 3 cuốn thôi thì tôi sẽ có ngay đáp án. Đây cũng là 3 cuốn sách mà tôi thường xuyên khuyến khích các học viên trúng tuyển vào Chương trình Hạt giống lãnh đạo IPL (100% học bổng, dành cho các bạn trẻ ưu tú tuổi từ 21-29) tìm đọc.

 

Cuốn đầu tiên theo tôi nghĩ là nên đọc cuốn “Khuyến học”. Hãy đọc thật nghiêm túc, đừng chỉ đọc lời mở đầu. Cuốn Khuyến học không khó đọc, nó là sách gối đầu giường của người dân Nhật thời Minh Trị. Tác giả cuốn sách này là một trong những nhà khai minh vĩ đại nhất của nước Nhậtthời Duy tân, Fukuzawa Yukichi. Cuốn sách này không phải là cuốn tầm vóc nhất trong đời tác giả nhưng lại là cuốn phổ biến nhất. Vì những cuốn khác quan trọng hơn với tầm tư tưởng của ông nhưng chủ yếu dành cho chính quyền và giới thức giả đọc. Cuốn Khuyến Học là cuốn dành cho đông đảo công chúng.

 

Bối cảnh khai minh của thời Duy tân Minh Trị cũng không khác gì bối cảnh khai minh của Việt Nam thời hội nhập bây giờ. Cuốn sách này cũ, nhưng tinh thần và tư tưởng của nó không những không cũ mà còn rất thời sự đối với ta. Ngay từ tựa đề đã có thể biết nội dung rồi, cuốn sách này giúp con người ta tăng tinh thần học hỏi, tăng tinh thần độc lập tự do của cá nhân và của quốc gia: trả lời cho câu hỏi tại sao tôi cần phải học, dân tộc tôi cần phải học, học để làm gì, học cái cái gì và học như thế nào.

 

Cuốn thứ hai là cuốn “ĐÚNG VIỆC -Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” của tôi. Khi viết cuốn “Đúng việc”, tôi luôn nghĩ về việc làm sao để tôi có thể học và đọc nhằm tự gầy dựng con ngườicủa mình và chia sẻ góc nhìn về vấn đề này cho người khác.Giả sử như tôi muốn gầy dựng con người tôi và mỗi cuốn sách mà tôi đọc được xem như là một “nhà thầu” để xây dựng “căn-nhà-con-người-tôi”. Ta có thể hình dung ra căn-nhà-con-người-tôi sẽ bị phá nát ra sao nếu như tôi có rất nhiều “nhà thầu” tham gia thi công (những cuốn sách mà tôi đọc) nhưng tôi lại không có một bản thiết kế cho căn-nhà-con-người-tôi này!? Và tôi cũng hiểu rằng sẽ không bao giờ có một bản thiết kế chung cho mọi căn-nhà-con-người vì mỗi người đều là một chủ thể độc lập, tự do. Do vậy, tôi muốn viết một cuốn sách không phải để đưa ra một bản thiết kế chuẩn cho mọi người, mà là để chia sẻ một phương pháp luận, để từ đó mỗi người biết cách tự đưa ra bản vẽ cho căn-nhà-con-người của riêng mình, từ đó tự gầy dựng nên con-người-mình và tạo ra cuộc đời mình. Nếu như cuốn Khuyến Học tập trung nhiều về tinh thần và khí chất, thì cuốn Đúng Việc đặt nặng tính nền tảng và tính hệ thống, đồng thời đưa ra phương pháp luận để mỗi người tự khai minh bản thân, tự tìm ra đường đời của mình, tức tự hình thành đạo nhân, đạo sống và đạo nghề của riêng mình.

 

Thầy Giản Tư Trung và cuốn sách mới của mình với tên Đúng việc

 

Cuốn thứ ba là cuốnThe 7 Habits of Highly Effective People (7 Thói quen để thành đạt). Thật ra tựa sách dịch chưa chính xác lắm, có lẽ phải dịch là “7 Thói quen hiệu quả” sẽ chính xác hơn. Cuốn sách này có thể xem là một kiệt tác về thể loại sách “tu thân”. Hiện nay nó là một trong những cuốn bán chạy nhất mọi thời đại, hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới với hơn 40 ngôn ngữ. Nhưng tôi không giới thiệu cuốn này bởi vì nó bán chạy, mà vì đây là một trong những cuốn sách “tu thân” thuộc loại dễ đọc nhất (vì thường thì sách tu thân cũng khá khó nuốt) và mang trong mình những tinh thần và giá trị tiến bộ. Ví dụ như ở châu Á thì hai nước “sùng bái” cuốn này nhất là Nhật Bản và Singapore, đó cũng là hai quốc gia hàng đầu châu Á.

 

Với những người trẻ khát khao thay đổi, thực sự có quyết tâm nhưng không biết làm thế nào và bắt đầu từ đâu, thì ba cuốn sách này (Khuyến học, Đúng việc và 7 Thói quen) sẽ cung cấp đầy đủ tinh thần, phương pháp và công cụ cho họ. Và nếu các bạn đọc theo thứ tự lần lượt như trên sẽ tốt hơn. Trong ba cuốn sách, chỉ có cuốn đầu tiên là có thể đọc nhanh, còn hai cuốn sau thì không nhanh được, đọc phải cảm nhận, suy ngẫm và có khi sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần. Trong mở đầu cuốn Đúng Việc tôi viết: "Dành tặng những ai đã, đang và sẽ trên hành trình trở thành con người tự do". Nếu hiểu được thông điệp của các cuốn sách, hiểu được vai trò “đào tạo” kiến trúc sư của sách, bạn sẽ trở thành kiến trúc sư xuất sắc để “thiết kế” con người và cuộc đời mình,đồng thời biết lựa chọn và sử dụng những nhà thầu (cuốn sách, khóa học) một cách tối ưu để gầy dựng con-người-mình và tạo ra cuộc đời mà mình muốn. Tuy nhiên, bạn sẽ luôn tự nhắc nhở mình trên hành trình gian nan và nhiều vinh quang đó. Bởi lẽ, như bạn biết, hiểu được thế nào là con người tự do đã khó, nhưng sống được như là một con người tự do còn khó hơn gấp ngàn lần.

 

Tôi hy vọng là những cuốn sách tôi giới thiệu cho các bạn trẻ là những cuốn sách có thể giúp cho các bạn đỡ phải thử-sai với cuộc đời của mình. Và còn nhiều cuốn sách hay nữa, những cuốn sách mang trong mình các giá trị vượt không gian và vượt thời gian, mà các bạn có thể tìm đọc.

 

Thầy có thể chia sẻ thêm về cuốn sách “Đúng việc” của thầy? Từ trăn trở nào mà thầy có ý tưởng viết cuốn sách này?

 

Trăn trở khiến tôi hình thành ý tưởng để viết cuốn sách này chính là luôn đau đáu với câu hỏi nhân sinh: “Đâu là con đường và đích đến của mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở”. Và câu trả lời của riêng tôi là: “Đúng việc”. Cụ thể hơn: Một quốc gia sẽ thịnh vượng và văn minh khi hầu hết người dân trong quốc gia đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình. Một tổ chức sẽ thành công khi hầu hết nhân viên trong công ty đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình. Một gia đình sẽ hạnh phúc khi mọi thành viên trong gia đình đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình. Một người sẽ thành công và hạnh phúc khi người đó làm đúng và làm tốt công việc của mình.Như vậy, mọi thứ đều bắt đầu từ “Đúng Việc” của mỗi cá nhân. Câu hỏi đặt ra là, “việc” của con người là gì,và thế nào là “đúng”? Nội dung cuốn sách chia sẻ góc nhìn về việc làm sao đi tìm lời đáp rõ ràng cho những câu hỏi nhân sinh căn cốt này, và lời đáp này của riêng mình cũng sẽ chính là “hệ điều hành” của cuộc đời mình.

 

Ngày xưa, Khổng Tử với thuyết Chính danh, ông và các môn đệ của mình đã lập ra Tứ Thư Ngũ Kinh và nó đã trở thành “hệ điều hành” chung được cả xã hội, từ vua chúa, quan lại cho đến dân chúng “cài đặt” và tuân theo. Điều đó đi ngược lại sự văn minh tiến bộ của nhân loại. Quan điểm của tôi là mình không thể đưa ra một hệ điều hành định sẵn chung cho cả xã hội, mà mỗi người trong chúng ta cần phải tự tạo ra và quyết định.

 

Đúng Việc không phải là một "hệ điều hành" (đạo nhân, đạo sống, đạo nghề) chuẩn mực để bạn "cài đặt" cho mình, mà nó là phương pháp luận và các gợi ý tham khảo, để từ đó mỗi người sẽ tự tạo ra “hệ điều hành” (đạo nhân, đạo sống, đạo nghề) của riêng mình. Cuốn sách này đề cập đến những vấn đề căn cơ nhất và nền tảng nhất của con người, đó là: làm người (đạo nhân), làm mình (đạo sống), làm dân (đạo dân) và làm nghề (đạo nghề), phần cuối tôi có đề cập đến làm giáo dục để nói về sự học.

 

Ai sinh ra cũng là giống người, vậy thì giống loài mình khác gì với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác gì với con người nô lệ và con người công cụ? Ai sinh ra cũng là dân, vậy thì công dân thì khác gì với thần dân? Ai cũng nói “hãy là chính mình!”, vậy “đâu là mình”, làm sao để khai minh bản thân, tìm ra chính mình, làm ra chính mình, sống với chính mình và giữ được chính mìn? Ai cũng muốn sống một cuộc đời đầy sức sống, nhưng làm sao có cuộc đời như vậy, nếu không biết sống để làm gì? Ai cũng làm nghề để sống, vậy đâu là bản chất và mục đích của công việc/nghề nghiệp của mình? Chẳng hạn, doanh nhân thì khác gì với trọc phú và con buôn, nhà quản trị thì khác gì với kẻ cai trị, người thầy thì khác gì với thợ dạy, trí thức thì khác gì với trí nô,…

 

Toàn bộ nền văn minh tiến bộ dựa trên giá trị tự do và con người tự do. Nếu không có con người tự do thì không có nền văn minh, mà để có con người tự do thì phải có giáo dục khai phóng (khai minh và giải phóng). Nhưng mấy ngàn năm trật tự văn hóa Á Đông lại dựa trên phận vị và con người phận vị. Giá trị của con người được xác định trong một hệ thống danh phận, địa vị, giai cấp…. Chúng ta đã quen thuộc với hệ thống ấy, vậy nên trong cuốn Đúng Việc tôi vẫn giữ lại hệ thống này để làm cái vỏ bề ngoài cho dễ tiếp cận, nhưng thay vào trong ruột của nó giá trị của tự do, của văn minh.

 

Ví dụ như những phận vị mà chúng ta theo đuổi như là doanh nhân, nhà báo hay nhà giáo, nếu chúng ta làm việc trong tinh thần tự do thì tiền bạc, quyền lực hay danh phận sẽ không còn là mục đích, mà người ta sẽ lấy lý tưởng nghề nghiệp của mình để thực hiện lý tưởng của đời mình (đạo nghề sẽ là một phần của đạo sống). Nếu như đạo sống với lương tri và phẩm giá bên trong thì đạo nghề sẽ chính là luôn làm nghề, hành nghề với “lương tâm chức nghiệp” của mình. Ngược lại, nếu làm doanh nhân nhưng không có tinh thần tự do thì sẽ chạy theo phận vị và làm nô lệ cho tiền bạc, coi tiền là đích đến cuối cùng trong khi với con người tự do thì tiền bạc là hệ quả, không phải là đích đến.

 

Như Steve Jobs, nếu ông coi tiền bạc là trên hết thì chắc chắn ông ta đã không có những thành tựu vĩ đại như vậy. Với lý tưởng nghề nghiệp của ông và với danh phận là một doanh nhân, ông muốn tạo ra cho đời những kệt tác về công nghệ nhằm nâng cao cuộc sống của con người, khi làm được điều đó thì tiền bạc và danh tiếng sẽ đến như là một hệ quả tất yếu.

 

Vậy đích đến cuối cùng của con người là gì? Là “thành công” hay “thành nhân”, là “To-Have Person” hay “To-Be Person”? “Thành công” thường được gắn với phận vị và tiền tài; còn “thành nhân” thường được gắn với tự do và khai minh. Người “thành công” thì không chắc sẽ “thành nhân”, nhưng chưa thấy ai “thành nhân” mà không “thành công” cả, vì bao giờ “thành nhân” đúng nghĩa cũng đã bao gồm cả “thành công” (bởi lẽ, thành công là chính hệ quả tất yếu của thành nhân đúng nghĩa). Đúng như nhà bác học lỗi lạc và cũng là một bậc hiền triết của thế kỷ 20 Albert Einstein từng nói “Đừng có gắng trở thành con người thành công, mà hãy có gắng trở thành con người phẩm giá”. Nói dễ hiểu hơn là, đừng theo đuổi sự thành công, hãy theo đuổi sự ưu tú và dấn thân vì phẩm giá, thành bền vững và hạnh phúc đích thực sẽ theo đuổi bạn.

 

Trạm Đọc chân thành cảm ơn những chia sẻ và lời khuyên sâu sắc của thầy!

 

Thực hiện: Việt Cường - Hải Quỳnh/Trạm Đọc