Sách giúp NÂNG CAO NHẬN THỨC bảo tồn động vật hoang dã
Sách giúp NÂNG CAO NHẬN THỨC bảo tồn động vật hoang dã
Nhà bảo tồn Trang Nguyễn cho biết cô thực hiện cuốn “Chang hoang dã - Gấu” với mong muốn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và động vật.

Chang hoang dã - Gấu là cuốn sách do Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdung thực hiện. Sách dựa trên trải nghiệm của tác giả Trang Nguyễn (Nguyễn Thị Thu Trang) - nhà sáng lập và giám đốc điều hành WildAct (tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam).

 Sau khi ra mắt bạn đọc Việt, cuốn sách đã được phát hành tại Anh, Mỹ, Hàn Quốc; được mua bản quyền để xuất bản ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Nga.

Trang Nguyễn chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách và công việc bảo tồn động vật hoang dã của mình.

Trang Nguyễn. Ảnh: Theo Kruse / Future for Nature.

Câu chuyện có thật của nhà bảo tồn động vật hoang dã

- Trong sách “Chang hoang dã - Gấu”, nhân vật Chang có ước mơ lớn lên trở thành nhà bảo tồn động vật. Nội dung sách có phải câu chuyện có thật của Trang?

- Đó là câu chuyện thật của tôi. Khi viết cuốn sách này, tôi sử dụng khá nhiều thông tin, thông điệp, ước mơ từ nhỏ của mình.

Quãng đường của tôi từ khi tám tuổi với ước mơ thành nhà bảo tồn động vật hoang dã (tưởng chừng viển vông cũng trở thành hiện thực) là có thật. Cuộc gặp gỡ giữa tôi và Sorya cũng có thật. Có một chi tiết biến tấu so với câu chuyện thật là cuối sách, Sorya trở về rừng.

- Như vậy, chi tiết cô bé Chang lúc tám tuổi nhìn thấy cảnh gấu bị hút mật trong sách cũng có thật. Khoảnh khắc ấy đã diễn ra với Trang như thế nào?

- Khi đó tôi học lớp 2, trong một chiều tối muộn từ trường về nhà, tôi và bạn đi qua một ngôi nhà mà mọi người nói ở đó có nuôi gấu. Bình thường, ngôi nhà đó thường căng bạt che kín, chúng tôi đi qua chỉ nghe tiếng gầm gừ của gấu chứ không được nhìn thấy.

Tối hôm ấy không có tấm bạt che bên ngoài, tôi và bạn tò mò kiễng chân lên nhìn qua khe cổng sắt, thấy trong sân một con gấu nằm vật ngửa, người ở đó cầm ống kim tiêm rất to chọc vào gấu. Tôi và bạn rất sợ.

Trước đó, chúng tôi hay nghe người lớn dọa: Cẩn thận không gấu đánh, cắn… Nhưng khi nhìn thấy hình ảnh gấu bị hút mật ấy, tôi thấy không phải con gấu đang bắt nạt con người, mà con người đang gây ra sự đau đớn cho gấu.

Tôi nghe thấy tiếng gấu rên, âm thanh mọi người nói chuyện với nhau… Những hình ảnh, âm thanh ấy gây ám ảnh. Hôm ấy, tôi đã muốn làm điều gì đó để gấu không bị nuôi lấy mật nữa.

Sau này xem các phim tài liệu về thế giới động vật trên truyền hình, tôi biết có một ngành là bảo tồn động vật hoang dã. Tôi muốn tìm hiểu xem ngành này như thế nào, công việc của người làm bảo tồn là gì.

Khi lớn hơn, tôi bắt đầu gửi email xin làm tình nguyện viên ở các tổ chức bảo tồn trong nước, quốc tế. Dần dần, tôi tích lũy kinh nghiệm và rất may mắn vì theo đuổi được ước mơ ngày bé.

- Vậy còn cuộc gặp gỡ với Sorya, Trang có nhớ cảm giác của lần đầu gặp bé gấu ấy?

- Tôi vẫn nhớ khi gặp, Sorya nhỏ bé so với tuổi, tính cách nhút nhát. Đến giờ, Sorya đã lớn nhưng vẫn phải ở trong không gian dành cho gấu nhỏ. Nếu ở với gấu lớn, Sorya sẽ bị giành thức ăn. Bởi vậy, chúng tôi vẫn gọi Sorya là “em gấu bé nhỏ”, cần được yêu thương, chăm sóc nhiều hơn.

Tình cảm giữa tôi với Sorya rất giống với tình cảm gia đình. Tôi coi Sorya như cô em nhỏ cần được chăm sóc, bảo bọc và dạy dỗ.

Phiên bản sách Chang hoang dã - Gấu phát hành ở Hàn Quốc. Ảnh: FB Lê Mỹ Ái.

Thông điệp về nuôi dưỡng ước mơ

- Quá trình đưa Sorya về rừng, câu chuyện nào để lại ấn tượng nhất với Trang?

- Trong quá trình đi rừng, không chỉ trên hành trình đồng hành cùng Sorya, điều khiến tôi nhớ nhất chính là hình ảnh những cánh rừng bị tàn phá.

Nói về cứu hộ, mọi người nghĩ mình đưa động vật về rừng thả là xong. Thực tế, công tác cứu hộ không đơn giản như vậy. Khi cứu hộ, người làm bảo tồn phải tìm cách chữa trị các bệnh tật cho động vật, đó có thể là bệnh về sức khỏe, có thể là tâm lý nữa.

Ví dụ Sorya từng nhút nhát, rụt rè, phải làm thế nào để bạn ấy tìm lại được tập tính tự nhiên vốn có. Để tìm được một cánh rừng đủ khỏe mạnh, đủ thức ăn, đủ an toàn để đưa bạn ấy trở về là câu chuyện khó khăn, gian nan.

Điều đó đã được thể hiện trong cuốn sách, khi Chang đi đến cánh rừng này thì bị tàn phá, cánh rừng kia lại bị xây thủy điện, cánh rừng khác lại có quá nhiều bẫy…

- Thông điệp mà Trang muốn thể hiện trong sách là gì?

- Cuốn sách này có hai thông điệp. Thứ nhất, đó là về bảo tồn những cánh rừng, các loài động vật hoang dã. Thứ hai là thông điệp về nữ quyền.

Các em gái, bạn nữ có ước mơ trở thành nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà bảo tồn động vật hoang dã… Tất cả đều có thể trở thành hiện thực nếu ước mơ đó được nuôi dưỡng, được hỗ trợ.

Các bạn nam làm được gì thì các bạn nữ cũng làm được. Đó cũng là lý do khiến tôi và họa sĩ Jeet Zdung chọn nhân vật chính là nữ.

- Theo Trang, sách có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật?

- Mục đích chính của tôi khi thực hiện cuốn sách này là để nâng cao nhận thức về bảo tồn. Tôi nhận thấy có ít sách về cung cấp kiến thức bảo tồn. Nếu có thì các sách thường nhân cách hóa loài vật. Bởi vậy tôi muốn kể câu chuyện thật nhất có thể, để không chỉ trẻ em đọc mà bố mẹ các bạn nhỏ cũng tiếp nhận được kiến thức về bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sinh thái.

Bên cạnh cung cấp kiến thức, tôi cũng muốn gây quỹ cho công tác bảo tồn. Tôi muốn bất cứ sản phẩm nào mình làm ra đều quay trở lại phục vụ công tác bảo tồn. Bởi vậy, 100% lợi nhuận cuốn sách đều được sử dụng để xây dựng thư viện và đưa những cuốn sách về thiên nhiên, môi trường cho các em nhỏ sinh sống gần các khu bảo tồn và vườn quốc gia ở Việt Nam.

Theo Zing News

Tags: