Review sách: Biến động – các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào?
Review sách: Biến động – các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào?

Vào năm 1947, khi Anh và Pháp ký Hiệp ước Dunkirk tại một nơi đầy ý nghĩa lịch sử, mục đích của hiệp ước này vẫn là một thỏa thuận liên minh và phòng thủ chung đề phòng trường hợp một cuộc tấn công quân sự của nước Đức. Mục đích này cũng ghi dấu trong Hiệp ước Brussels năm 1948, phiên bản mở rộng của Hiệp ước Dunkirk với sự tham gia của ba quốc gia Benelux, những quốc gia vẫn chưa quên ký ức khi tuyên bố trung lập của họ bị người láng giềng hùng mạnh và hung hãn ở phía Đông coi là “tờ giấy lộn”.

Ấy thế nhưng chỉ sáu năm sau, năm 1954, Hiệp ước Brussels sửa đổi, được coi là nền tảng cho sự hình thành Liên minh châu Âu sau này, chào mừng sự gia nhập của Italia và Tây Đức, hai cựu thù cũ, nhất là nước Đức. Và đến ngày 25 tháng Ba năm 1957, tại Rome, thủ đô của nước Italia phát xít năm xưa, 6 quốc gia châu Âu, trong đó có cả Italia và Tây Đức, chính thức ký bản Hiệp định Rome thành lập khối Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC). Ngày ngay, không ai trong các nước láng giềng đồng thời cũng là đối thủ thời Thế chiến của nước Đức còn nhắc tới mối thù xưa, còn nước Đức đã trở thành một thành viên chủ chốt, đầy tinh thần xây dựng cho một châu Âu thống nhất, phát triển.

Kí kết hiệp ước Brussels

Trái lại, Nhật Bản, đồng minh năm xưa của Đức, vẫn chưa thể thiết lập được quan hệ hòa dịu bình thường với các láng giềng châu Á của họ. Điều gì đã làm nên sự khác biệt này?

Cuộc hành trình tồn tại và phát triển của các quốc gia, dân tộc luôn là sự đối diện với thử thách và đưa ra quyết sách để vượt qua thử thách đó. Những lựa chọn khác nhau trước thử thách sẽ dẫn tới các hệ quả khác nhau trong giai đoạn kế tiếp. Chẳng hạn, thực trạng ngày ngay của mối quan hệ giữa Đức, Nhật, hai thành viên phe Trục năm xưa, với các quốc gia láng giềng của họ chính là hệ quả trực tiếp từ cách hai quốc gia này xử lý di sản không mấy tích cực từ vai trò của họ trong Thế chiến thứ hai, trong đó đặc biệt quan trọng là cách nhìn nhận, xử trí các tội ác chiến tranh hai quốc gia này đã gây ra với những quốc gia, dân tộc bị họ xâm lược.

Và đây cũng là hai trong những trường hợp điển hình được Jared Diamond đưa ra mổ xẻ, phân tích trong tác phẩm mới nhất của ông, “Biến động – các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào?”

Ngày 6 tháng Sáu năm 1944, trên bãi biển Omaha chết chóc, một viên sĩ quan Mỹ đã nói với binh sĩ dưới quyền đang nằm rạp dưới làn đạn quân Đức: “Ở đây chỉ có hai loại người, những người đã chết và những người sẽ chết.” Ngụ ý của ông này là những người đã chết không còn cơ hội để lựa chọn nữa, còn những ai “sẽ chết” sẽ có hai lựa chọn: cam chịu nằm bẹp dí tại chỗ để rồi sớm muộn cũng chết trên bãi biển vào ngày hôm đó, hay xông lên đột phá ra khỏi bãi biển tử thần ấy để đẩy lùi thời điểm “sẽ chết” của họ xa hơn, sang một ngày khác.

Cũng như thế, các dân tộc, các quốc gia, các cộng đồng đã tan biến vào hư không mà Diamond từng bàn đến trong “Sụp đổ” đã không còn cơ hội nữa. Lần này, trong quyển sách mới nhất của mình, Diamond bàn sang trường hợp của các quốc gia, dân tộc còn đang tồn tại. Thực tế của thế giới ngày nay, may mắn thay, khiến cho việc một quốc gia hay một dân tộc tiêu biến khỏi bản đồ thế giới trở thành điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong thế giới đầy cạnh tranh gay gắt với thay đổi ngày càng nhanh chóng này, một quyết sách sai lầm vào thời điểm bước ngoặt có thể khiến một quốc gia mãi mãi “nhỡ tàu”, không thể có được vị thế tốt trong trật tự toàn cầu.

Vậy trước một biến cố quan trọng, một quốc gia cần dựa trên những tiêu chí, xuất phát điểm nào để cân nhắc, đưa ra quyết sách cho mình? Hỏi cũng là trả lời, không có công thức “vạn năng” nào cả. Nhưng trong “Biến động”, Diamond đề xuất hướng tiếp cận riêng của ông. Tác giả lựa chọn ra 12 yếu tố liên quan tới hệ quả của yếu tố quốc gia cần cân nhắc tới ở một thời điểm bước ngoặt đòi hỏi một phản ứng tức thời không chậm trễ.

Bởi theo phân tích của ông, một cách vô thức, mọi quyết định được các quốc gia đưa ra trên thực tế trong quá khứ đều đã ẩn chứa thành phần của 12 yếu tố này, và có mối quan hệ chặt chẽ giữa sự hợp lý trên thực tế của quyết định với việc đánh giá, nhìn nhận chuẩn xác 12 yếu tố kể trên để có được sự cân bằng hợp lý. Bởi trong từng cuộc khủng hoảng, từng thách thức cụ thể, trọng số và thứ tự ưu tiên của các yếu tố tham gia không phải lúc nào cũng tương tự như nhau.

Để cụ thể hóa cho hướng tiếp cận của mình, Diamond đã viện dẫn ra một số trường hợp các quốc gia lâm vào những khó khăn khác nhau cần tìm hướng vượt qua thử thách: mối đe dọa quân sự từ láng giềng vượt trội như trường hợp của Phần Lan, hay sự đứt gãy đột ngột trong truyền thống của hệ thống chính trị dẫn tới những xáo trộn nghiêm trọng về xã hội, dân tộc như tại Chile… Mỗi trường hợp như vậy, các quốc gia đã chọn những giải pháp khác nhau. Và trong quyển sách của mình, Diamond đã chọn những trường hợp các giải pháp “đủ tốt”, vì ông đang muốn đề cập tới “câu chuyện thành công” là âm hưởng chủ đạo.

Thật khó nói với từng trường hợp cụ thể được ông phân tích, liệu giải pháp của những quốc gia đó đã tối ưu hay chưa, nhưng ít nhất họ đã thành công, vậy nên giải pháp của họ là một bài học giá trị đáng để phân tích, tìm hiểu. Đó chính là điều Diamond đã giành phần lớn dung lượng của “Biến động” để làm việc này, sử dụng 12 yếu tố ông lựa chọn làm biến số để lượng giá từng trường hợp. Từ những trường hợp tiêu biểu được phân tích, có thể thấy rõ những điểm tương đồng để một quốc gia vượt qua thành công một biến động nghiêm trọng:

-Nhận định chính xác những gì cần bảo vệ bằng mọi giá, những gì dứt khoát phải thay đổi.

-Chấp nhận những hy sinh cần thiết.

-Duy trì được sự cân bằng hợp lý giữa linh hoạt và kiên định, cứng rắn và mềm dẻo.

Đó đều là những bài học có lẽ không quá mới, nhưng luôn cần tới sự học hỏi, cân nhắc nghiêm túc của mỗi quốc gia để đạt được vùng an toàn hợp lý cho mỗi khía cạnh trong trường hợp cụ thể của mình.

Bạn đọc yêu mến cuốn sách có thể tìm hiểu thêm thông tin tại: https://shop.alphabooks.vn/bien-dong-jared-diamond-319k-p22895961.html

Lê Đình Chi - Trạm Đọc

Tags: