Ra mắt bộ sách chân dung văn học Việt
Ra mắt bộ sách chân dung văn học Việt
Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành "Bạn văn bạn mình", tuyển tập 10 cuốn phê bình của các tên tuổi như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Vương Trí Nhàn.

Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành "Bạn văn bạn mình", tuyển tập 10 cuốn phê bình của các tên tuổi như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Vương Trí Nhàn.

Bộ sách tập hợp các cuốn chân dung văn học đặc sắc do các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết về bạn bè họ. Các cuốn được chọn in trong tuyển tập gồm: Hình dung và tâm tưởng (Lan Khai), Văn thi sĩ tiền chiến (Nguyễn Vỹ), Văn thi sĩ hiện đại (Bàng Bá Lân), Đốt lò hương cũ (Đinh Hùng), Chân dung văn học (Nguyễn Tuân), Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (Vũ Bằng), Những gương mặt (Tô Hoài), Cây bút đời người (Vương Trí Nhàn), Bạn văn (Nguyễn Quang Lập), Phê bình và cảo luận(Thiếu Sơn).

Trong số đó, Chân dung văn học của Nguyễn Tuân thể hiện con mắt quan sát tinh tường của ông trên nhiều phương diện, từ điện ảnh, hội họa, sân khấu, âm nhạc đến văn chương. Cách thưởng văn và bình văn của ông tinh tế và ý nhị. Bạn văncủa Nguyễn Quang Lập hài hước, tếu táo với ngôn ngữ địa phương độc đáo của quê hương ông - Quảng Bình.

( sách chân dung văn học Việt Nam )

Qua bộ sách, những tên tuổi lừng lẫy một thời được khắc họa qua nhiều câu chuyện, góc nhìn để nổi bật lên tính cách, phong cách sáng tác của mỗi người. Ngoài thông tin tiểu sử, tác phẩm, người đọc sẽ được tìm hiểu về những kỷ niệm vui buồn trong đời sáng tác của họ, tình bạn, tình yêu và cả những thói quen độc đáo của nhiều nhà văn.

Chẳng hạn, Tản Đà được nhiều người kính trọng về cốt cách phóng khoáng, tài thơ phú. Những bữa tiệc rượu ông chuẩn bị cho bạn bè khiến ai nấy đều trầm trồ về sự sành sỏi, kỹ lưỡng trong thưởng thức ẩm thực. Hay câu chuyện Nguyễn Tuân lần đầu ra nước ngoài đóng phim Cánh đồng ma năm 1938. Những điển tích nhiều người tò mò như chuyện của Nguyễn Nhược Pháp và cô gái trong bài Chùa Hương, lời thách đố tạo động lực để Ngô Tất Tố viết Tắt đèn hay việc Vũ Trọng Phụng viết vội mỗi kỳ Số đỏ để nộp cho báo... được kể lại sinh động, hài hước.

Ngoài các cuốn chân dung, bộ sách chọn in Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn - tập phê bình đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ, mở đường cho nền phê bình văn học nước nhà. Trong sách, Thiếu Sơn đề cập đến hai tác phẩm được cho là tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại - Quả dưa đỏ (Nguyễn Trọng Thuật) và Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách). Nhiều vấn đề Thiếu Sơn đưa ra đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

 

Vnexpress

Tags: