Ra là bố, ông ba bị đi bắt cóc trẻ con: Tôi bị bố bắt cóc
Ra là bố, ông ba bị đi bắt cóc trẻ con: Tôi bị bố bắt cóc
Cuốn sách viết về một chuyến nghỉ hè lạ lùng của “kẻ bắt cóc” và “nạn nhân”. Và nó còn ly kì hơn nữa, khi mà “kẻ bắt cóc” lại là bố nạn nhân. và “nạn nhân” “còn không biết là mình yêu hay ghét bố nữa”. Hơn tất cả, đây là một chuyến đi nối liền trái tim đứa bé và cha mẹ vì lý do nào đó phải sống xa nhau.
Mitsuyo Kakuta là nữ nhà văn trẻ người Nhật nắm trong tay hàng loạt giải thưởng văn học danh giá. Cô là một trong những nữ nhà văn thuộc giai đoạn “Hậu nữ quyền” ở Nhật Bản, là đại diện của thời đại mới, thời đại mà phụ nữ Nhật đã bước đầu thoát khỏi những luật tục hà khắc của Khổng giáo để tìm kiếm cho mình một con đường riêng, bỏ lại con đường trở thành “ vợ và mẹ” phía sau.
“Tôi bị bố bắt cóc” là tác phẩm thể hiện sự sáng tạo tâm hồn bay bổng của nữ nhà văn. Cốt truyện tình cha con không phải là một cốt truyện mới lạ, nhưng qua tay Mitsuyo Kakuta, từng tình tiết lại trở nên lôi cuốn và ngộ nghĩnh hơn bao giờ hết.
 

Bố Taka (Takashi) - một kẻ bắt cóc chẳng ra hồn

Nhân vật bố là một nhân vật khá mờ nhạt so với chính con gái mình trong truyện. Nhưng mờ nhạt ở đây không hề có nghĩa là nhàm chán, mà vì người bố này chẳng có đặc điểm gì nổi bật theo đúng nghĩa đen. Có thể là, tác giả chỉ muốn tập trung vào vấn đề chính: vụ bắt cóc trong câu chuyện, nên mới lược bỏ hết mọi chi tiết phụ. Nhưng cũng có thể, việc miêu tả ấy là chẳng cần thiết, vì dù người ấy có là ai đi nữa, thì đó vẫn cứ là một người bố.

 Vụ bắt cóc được bố mở đầu bằng một lời đe dọa: “Bố đang bắt cóc mày đấy. Còn lâu mới được về đấy. Chuẩn bị tinh thần đi.”

Đây không hề là một câu đùa cợt cho vui, vì người bố làm thật, và thậm chí người bố còn gọi điện về nhà bàn điều kiện với mẹ của nạn nhân, hay nói cách khác, chính là vợ mình. Điều kiện ấy không phải về tiền bạc, Taka đã nói thế, tuy nhiên đến cuối cùng cũng chẳng ai biết nó là gì.

Suốt cả hành trình, Taka hiện lên như một người bố vụng về, ngờ nghệch, chẳng cả biết cách nói chuyện với con gái mình; cũng chẳng cả biết cách nâng niu, yêu chiều cô bé như một công chúa nhỏ mà mọi người bố khác vẫn hay làm. Bố Taka không chỉ bắt cóc con mình mà còn lôi tuột con bé “đi phượt”. Biển rộng, núi cao, rừng sâu thẳm; có mấy ngày thôi mà hai bố con như đưa nhau đi khắp thế gian. Và cũng trong mấy ngày ấy, cả hai như trở thành những người bạn cùng trang lứa, lảm nhảm những điều vớ vẩn nhất, nhưng mối quan hệ thật sự tự nhiên và gắn bó.

Là một người bố, Taka cũng không quên dặn dò con gái bé nhỏ vài điều bằng cách biểu đạt riêng của mình. Không màu mè, không triết lý thâm sâu khó hiểu, Taka cứ dùng những hình ảnh thực tế mà nói:

Cứ nhớ lấy, có những lúc như lúc này. Không có taxi tới, cũng không còn được ngồi trong nhà hàng máy lạnh, chờ đồ ăn được bưng ra. Quay lại cũng không dễ dàng, chỉ còn cách bước về phía trước.

Không phải bố muốn trốn tránh trách nhiệm, nhưng mai mốt, từ giờ về sau, mỗi khi mà có chuyện gì không như ý mình mà cứ đổ vấy cho ai đó hay đổ thừa tại gì đó thì mọi việc xung quanh Haru sẽ không theo ý Haru đâu.

Các bố thì thường kém khoản nói chuyện tình cảm với con gái, và Taka lại càng không phải là một ngoại lệ. Đến tận giờ phút chia ly cuối cùng Taka mới ngượng ngập bảo con: “Mấy ngày nay bố vui lắm. Đi chung với Haru bố vui lắm!” Rồi trong toa xe chật nêm người, Taka nắm chặt lấy tay con, như sợ lạc mất, như sợ chia xa.

 

 Haru - cô nhóc chững chạc hơn cả bố

Tính cách và suy nghĩ trong nội tâm Haru khó có thể khiến người ta nghĩ đó là tính cách và suy nghĩ của một cô bé lớp năm, lại còn lùn nhất lớp. Không ai rõ sự chững chạc ấy đến từ đâu, từ bản thân cô bé hay từ ngoại cảnh xung quanh. Thế nhưng không ai có thể phủ nhận, đó là một điều vô cùng đặc biệt ở cô bé.

Haru rất bình thản và dễ thích nghi với môi trường mới. Bằng chứng là kể cả khi cô bé biết vụ bắt cóc này có vẻ nghiêm túc, thì cô bé vẫn chẳng có mảy may sợ hãi. Haru từ tốn, ăn đủ ngủ đủ, thậm chí chơi đủ, trong đầu thì đã lên sẵn cả phương án phải làm thế nào để gọi về được cho mẹ. 

Thực ra, cô nhóc khá là tận hưởng chuyến đi. Có lẽ cô bé luôn coi vụ bắt cóc là một chuyến đi chơi xa vào kỳ nghỉ hè không hơn. Không chỉ quen được nhiều bạn mới, chui ra khỏi lớp vỏ nhút nhát của mình, Haru còn được cảnh vật suốt hành trình gợi nhớ lại những kỷ niệm thời ấu thơ, khi mà gia đình vẫn còn đủ bố, mẹ và Haru. 

“Tôi thấy lờ mờ một quang cảnh như chồng lên khoảng sân trắng lóa không màu gì khác ngoài màu tôi tối của bóng cây đổ xuống. Tôi dụi mắt. Quang cảnh đột ngột hiện ra đó dần rõ nét hơn.... Mẹ lại nói tiếp, con bố cười. Bố nhìn tôi, tôi cũng cười. Ánh sáng từ cửa sổ sau lưng mẹ rọi vào như cắt xéo chiếc bàn nâu.” 

Dù cho ngay từ khi bắt đầu câu chuyện, Haru có vẻ lạnh nhạt với bố, không hẳn là lạnh nhạt; mà đúng hơn là không có cảm giác gì. Bố đã rất lâu không xuất hiện trong cuộc sống của Haru, vậy nên, cô bé chẳng biết mình yêu hay ghét bố. Thế mà cuối cùng, khi vụ bắt cóc này hạ màn, cô nhóc lại bảo với bố:

“Bố, có tiền đó, con để dành. Tiền lì xì từ hồi nhỏ đến giờ, không xài, mẹ bỏ vào ngân hàng bưu điện cho con. Chắc là ít thôi, nhưng bố lấy xài cũng được. Cho nên, mình cứ trốn tiếp đi.”

Có thể Haru biết, hoặc không biết, sợi dây tình thân kết nối cả gia đình. Dây có thể chùng, có thể căng, nhưng nó sẽ không bao giờ biến mất, dù cách bao xa, cách bao lâu. Haru yêu bố, thương bố; yêu cả trong lúc mắng thầm bố mình ngốc nghếch, thương cả trong khi ngắm “người đàn ông mặc chiếc áo nhàu bẩn, da sạm đen vì nắng, đuôi mắt sụp xuống” ấy.

 

Vụ bắt cóc tình yêu

Không biết điều kiện mà Taka bàn với vợ là gì, nhưng Taka đã vô thức có được một món hời trong vụ làm ăn này, đó là tình yêu của cô con gái bé bỏng dành cho mình. Và Taka, cũng đã được yêu thương, chăm sóc con, đồng thời trở thành người bố thực thụ trong những ngày cùng con rong ruổi khắp nơi. Đó sẽ là những ngày tháng khó quên của hai cha con, những ngày đi sâu vào ký ức và tâm khảm mỗi người.

Với lời văn nhẹ nhàng, bình lặng, câu chuyện tưởng một mặt hồ xanh thẳm, lặng yên không gợn sóng. Nhưng dưới làn nước biếc, rong tảo đang uốn lượn và cá nhỏ đang vui vầy. Ngắm mặt hồ tưởng như tâm mình cũng bình lặng, mà lại ấm áp yêu thương.

 

Tags: