Phút trải lòng của một con nghiện self-help: Tại sao tôi không thể ngưng đọc những cuốn sách truyền cảm hứng
Phút trải lòng của một con nghiện self-help: Tại sao tôi không thể ngưng đọc những cuốn sách truyền cảm hứng
Dù xấu hổ đến nỗi muốn giấu hết đám sách self-help đó đi, nhưng tôi vẫn tiếp tục đọc, đọc và đọc, bởi vì chúng mang lại cho tôi hi vọng.

Khi mối tình gắn bó bảy năm của tôi chợt vụn vỡ chỉ trong hai tuần, tôi ngồi một mình cùng con mèo già vốn đã ít nói, cảm thấy mặt đất dưới chân như đang lung lay. Tôi có thêm thời gian. Tôi có thêm không gian. Chỉ là tôi không biết phải làm gì với với nó. Và thế là tôi làm điều mà tôi vẫn làm khi hoang mang mất phương hướng. Tôi đọc sách.

Nhưng không phải những cuốn tiểu thuyết kể về những mối tình đến và đi. Không phải những quyển sách tập hợp những tiểu luận hay chân dung những vĩ nhân trong lịch sử. Thay vào đó, tôi quay sang đọc những cuốn self-help nổi tiếng, với hi vọng mong manh là sẽ thay đổi được bản thân.

Mười năm trước, khi tôi làm việc tại một hiệu sách nhỏ trong thị trấn, tôi sẽ chỉ liếc xéo những người đi vào và hỏi những cuốn self-help. Điều gì trong cuộc sống đã khiến họ ra nông nỗi này? Tôi nghĩ thế khi dẫn họ tới khu bán self-help, cười nói nhẹ như thể sợ họ sẽ vỡ tan ra từng mảnh. Lúc đó tôi là một chàng trai hai-mươi-mấy tuổi trẻ trung, vui tươi vừa mới ra trường với bộ râu tóc bờm xờm, và loại sách duy nhất tôi muốn đọc là những cuốn dày 400 trang trở lên và được review là “khó đọc, nhưng đáng giá”. Tôi đọc Lời Chế Giễu Vô Tận của David Foster Wallace. Nhưng Sức Mạnh của Hiện Tại ư? Đừng hòng.

ggg
Tôi đã học được cách gặm nhấm những cuốn self-help trong bí mật, ngay tại ngôi nhà mình, đọc chúng như thể tôi đang ăn món gà rán KFC được ngụy trang dưới một lớp rau xanh.

Trong vòng ba năm gần đây, khi cuộc tình dài nhất trong đời sụp đổ, tôi ở tuổi 30 mà chẳng có những thứ mà thời niên thiếu đã từng nghĩ rằng mình sẽ sở hữu vào thời điểm hiện tại (trở thành tiểu thuyết gia! đi Berlin), Tôi cảm thấy mình bị nghiện những cuốn sách phát triển bản thân vì những lời hứa hẹn trong đó.

Khi tôi nói về những cuốn sách đó với bạn bè, nụ cười trên mặt họ đông cứng lại như thể họ đang nghe ai đó thuyết giảng về một thứ tín ngưỡng tuyệt vời như Pháp Luân Công và lợi ích của nó. Tôi thậm chí còn không dám mượn sách ở thư viện về nhà và trở thành trò cười trong mắt mấy bà cô thủ thư lắm lời.

Mặc dù xấu hổ đến nỗi muốn giấu hết đám sách self-help đó đi, nhưng tôi vẫn tiếp tục đọc, đọc và đọc, bởi vì chúng mang lại cho tôi hi vọng. Đọc những cuốn sách phát triển bản thân giúp tôi cảm thấy giống như mình đang bắt đầu một năm học mới. Tôi cứ tưởng tượng từ đầu đến cuối rằng mình sẽ trở thành một người tốt hơn trong năm đó: sống có tổ chức, vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Tôi sẽ có thêm nhiều bạn, trở nên nổi tiếng, suy nghĩ tích cực. Những hi vọng tan chảy như nước đá dưới ánh nắng chói chang của thói quen hàng ngày, nhưng trong những khoảnh khắc rực rỡ ngắn ngủi mỗi năm, cuộc đời tôi như có thêm chút cơ hội. Tôi đặt hết những hi vọng đáng thương của mình vào những trang sách self-help.

ggg

Tôi đọc cuốn “7 Thói Quen của Người Thành Đạt” của Steven Covey, viết ra giấy một danh sách những nhiệm vụ cần làm, nhanh chóng quên béng là mình đã viết nó, đánh mất tất cả thói quen trừ một việc duy nhất (đọc self-help). Tôi đọc cuốn “Tốt Hơn Lúc Trước” của Gretchen Rubin và thề rằng sẽ đưa cuộc sống của mình trở lại quỹ đạo bằng cách nuôi dưỡng các thói quen tốt, nhưng cuối cùng thói quen duy nhất tôi duy trì được là bẻ các khớp ngón tay kêu răng rắc. Tôi đọc cuốn “Người Siêu Nhạy Cảm” của Elaine Aron, và nó thật sự có ích trong việc giúp tôi có những lí do để hủy các cuộc hẹn với bạn bè và ở nhà ngồi lướt Facebook, xem các TV series. “Tôi bị nhạy cảm cao, cần điều trị và đang ở nhà tĩnh dưỡng.” Tôi nhắn tin với các bạn như vậy.

Tôi biết rằng nền công nghiệp sản xuất sách phát triển bản thân là sản phẩm của chủ nghĩa hậu hiện đại. Chúng sinh ra để thúc đẩy chúng ta trở thành một công dân có ích cho xã hội, để đạt được những thứ giúp đơn giản hóa cuộc đời: sản xuất, tiêu thụ, khao khát, sản xuất, tiêu thụ… Rất nhiều cuốn sách sặc mùi lừa đảo, như con rắn trong câu chuyện của Eva và Adam: Chỉ cần làm theo 7 bước này thôi! thêm 10 quy tắc nữa! Và 3 chuẩn mực đơn giản! Các tác giả làm cho mọi thứ thật đơn giản với các câu chuyện “thực tế”, một giọng điệu tự hạ mình và những chiến lược được giải thích bằng nghiên cứu “khoa học”. Bạn biết đấy, khoa học. Tôi biết mọi mánh lới. Tôi biết chứ. Nhưng tôi không thể dừng lại.

Bởi vì mục đích cuối cùng của việc đọc những cuốn sách phát triển bản thân không phải là trở thành người tốt hơn. Mục đích của nó là kích thích trí tưởng tượng khi bạn đọc sách, bạn sẽ nghĩ mình trở thành một người tốt hơn. Kết quả thực ra không hề quan trọng, chính hành động đọc sách mới là thứ “mật ngọt chết ruồi”. Đó là lí do tại sao sách self-help trở thành một thế lực —  tại sao những cuốn sách “để dành đọc sau” của tôi không phải những cuốn sách đạt giải Man Booker mà là những cuốn sách có tiêu đề kiểu Làm Thế Nào Để Quản Lí Bản Thân, Sức Mạnh Của Thói Quen Bắt Đầu Với “Tại Sao”. Gần đây tôi còn đọc một cuốn sách dày gần 300 trang chỉ để học cách quản lí email. Và tôi yêu cuốn sách đó.

ggg

Lật từng trang sách, tôi cẩn thận ghi chép những câu trích dẫn truyền cảm hứng vào cuốn sổ với ý nghĩ là sau đó nó sẽ có ích (thực ra là không), tôi cảm thấy một sự ấm áp nảy nở khắp cơ thể. Dường như mọi thứ đều có thể biến thành sự thật. Tôi có thể vượt qua được sự cực nhọc trong công việc, những rắc rối trong chuyện tình cảm, nỗi lo âu và thói xấu và sự trì hoãn của bản thân. Chẳng bao lâu tôi dành hầu hết thời gian để xem các video phát biểu trên YouTube của Kristen Wiig hay những bài nói chuyện dài 25 phút của Seinfeld. Tôi sẽ làm gì đó. Tôi sẽ trở thành một người nào đó.

Nhưng giống như các loại ma túy, sau khi cảm giác phê đã qua, trong tôi chỉ còn lại cảm giác hoang mang và lạc lõng. Cuộc sống thực vẫn tiếp tục trôi đi, để lại những cuốn sách self-help và những giác ngộ ảo tưởng của tôi. Bốn thói quen đó là gì? Chờ đã, tại sao tôi phải sắp xếp email để cảm thấy hạnh phúc hơn? Tôi không quan tâm, tôi sẽ đọc thêm một cuốn self-help khác. Tôi sẽ là người tìm ra sự hoàn hảo, tìm ra chân lí. Câu trả lời cuối cùng nằm ở đường chân trời phía xa, sẽ làm rung động tất cả mọi người. 

 Theo Electric Lit

Trạm Đọc

Tags: