Phong phú sách thiếu nhi trong dịp hè
Phong phú sách thiếu nhi trong dịp hè
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả phải thích nghi với tình trạng “bình thường mới” với những thay đổi và giãn cách, ngành xuất bản sách có nhiều cơ hội tạo ra bước nhảy vọt bởi nhu cầu tăng cao của độc giả, đặc biệt là thiếu nhi vào dịp h

Đáng đọc, đáng trân trọng

Ngay từ đầu hè, các NXB đã tung ra hàng loạt tác phẩm dành cho thiếu nhi. Theo đánh giá, thị trường sách hè năm nay sôi động, có nhiều sách hay, nội dung phong phú, hình thức bắt mắt.

Kỳ nghỉ hè hằng năm rơi vào kỷ niệm sinh nhật, NXB Kim Đồng luôn có kế hoạch phát hành mạnh nhất. Năm nay, hàng loạt tựa sách mới, hấp dẫn ra mắt như “Chiếc gối biết nói”, “Mùa hoa lưng chừng gió” và “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm”, “Cà Nóng Chu Du Trường Sa” và “Xứ Thần Tiên và Những Đứa Trẻ Được Chọn”... và nổi bật là cuốn “Cá voi Eren đến Hòn Mun” của nhà văn, nhà báo Lê Đức Dương, mượn góc nhìn của chú cá voi đến từ Nam Cực Eren để đưa độc giả khám phá vùng biển Nha Trang tuyệt đẹp.

NXB Văn học và Alpha Kid cũng vừa ra mắt 5 cuốn sách đầu tiên trong bộ sách “Văn học dành cho thiếu nhi”, gồm “Ngôi nhà biết bay”, “Con mèo tự nhiên biết nói”, “Chuyện nàng nhện đi phẫu thuật thẩm mỹ”, “Chiếc bánh sôcôla thích tỉ tê” và “Bác sĩ voi Lolo, kiến Coco và các bạn”.

Nhà sách Nhã Nam khai thác những tác phẩm thiếu nhi kinh điển giàu tính nhân văn như “Chú bé mang pijama sọc” - kiệt tác thiếu nhi của nhà văn John Boyne, “Manolito” của nhà văn Tây Ban Nha Envira Lindo, “Bùm” của Mark Haddon, “Viết như gà bới” của Anne Fine, “Gặp lại Hoàng tử bé” của Jean. Trong khi đó, bất ngờ trong mùa sách hè năm nay còn có cuốn sách tranh song ngữ Việt - Anh “Chiếc dép thất lạc - The lost sandal” của 2 tác giả nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam: Geralda De Vos (Bỉ), Sofia Holt (Thụy Điển), đem đến bài học nhân văn, về tinh thần chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ.

Tiểu thuyết “Đi trốn” của Bình Ca - vừa đoạt giải đồng hạng “Khát vọng Dế Mèn” - Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn năm 2021 do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức, đáng để đọc với những ký ức thấm đẫm về tuổi thơ trong chiến tranh, với cuộc đi trốn khỏi nơi sơ tán của 5 đứa trẻ mới lớn, từ đó trở thành chuyến phiêu lưu kỳ thú, nhiều trải nghiệm cùng vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, tinh thần tự lực và tình bạn.

Một số tác phẩm dành cho thiếu nhi dịp hè 2021. Ảnh: T.H

Những điểm tích cực và đặc biệt

Văn học thiếu nhi sôi nổi trở lại, giữ được nhịp độ phát triển suốt 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là nỗ lực đáng trân trọng. Theo đánh giá, vài năm trở lại đây, mảng văn học thiếu nhi đã có những tín hiệu mới đầy khả quan, thể hiện qua số lượng, chất lượng sách xuất bản và phát hành.

Thị hiếu của trẻ em đang thay đổi, đặt ra yêu cầu cho ngành sách phải đáp ứng tốt về cả nội dung và hình thức. Về nội dung, bên cạnh các thể loại quen thuộc như sách văn học, truyện tranh… thì trẻ em còn quan tâm tới sách khoa học, sáng chế, rèn trí thông minh, vừa tự khám phá, học cách quan sát, so sánh, tưởng tượng và phát huy trí sáng tạo... Điểm đặc biệt của mùa sách năm nay là sách thiếu nhi không chỉ đơn thuần để giải trí mà còn chú trọng yếu tố giáo dục tâm, sinh lý ở nhiều lứa tuổi... bằng những câu trả lời giản dị, hợp lý và khéo léo vừa giúp các bậc cha mẹ “giải quyết” các tình huống “khó nói”.

Điểm sáng nữa là sự xuất hiện của nhiều cây bút trẻ, lần đầu thử sức với địa hạt này và mang tới nhiều mới mẻ qua những trang sách. Ngoài những tên tuổi lớn có sách được tái bản nhiều lần như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất hiện thế hệ người viết ở độ tuổi thiếu niên như Cao Khải An (sinh năm 2009) với “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Ðồi Rơm” từng đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ nhất năm 2020, Cao Việt Quỳnh (2008) với “Người Sao Chổi”.

Việc xuất hiện những cây bút nhí với những sáng tác dành cho lứa tuổi của mình tạo nên một hiệu ứng tốt, kích thích sự đồng cảm, sẻ chia và sáng tạo ở cả trẻ em và người lớn. Ðặc biệt, các cây bút nhí thể hiện được ngôn ngữ, nét độc đáo, cuốn hút trong những tác phẩm đầu tay...

Theo Báo Lao Động

Tags: