Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời: bản tình ca vượt thời gian hay sự nhu nhược với chính mình?
Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời: bản tình ca vượt thời gian hay sự nhu nhược với chính mình?
Đọc sách của Haruki Murakami thường khiến người ta khó chịu, khó chịu vì những nhân cách có phần méo mó và những câu chuyện đầy dở dang. Ông thường xây dựng lên những câu chuyện mang màu sắc kì ảo, khiến người đọc nhầm lẫn giữa thực và hư, giữa tốt và xấu, để đến khi gấp sách lại, người đọc vẫn không biết rằng rốt cuộc nên buồn hay vui cho câu chuyện này, nên buồn bã, tức giận hay cảm thông cho những nhân vật trong trang viết của ông.
Và Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời cũng là một câu chuyện như thế. Được đánh giá là một trong những cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu và chứa đựng nhiều nhất con người thật của Haruki Murakami, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là câu chuyện về cuộc đời của Hajime từ khi chỉ là một cậu học sinh đến khi trưởng thành trong các mối quan hệ với ba người phụ nữ: Shimamoto – mối tình đầu, sự ám ảnh; Izumi – những lầm lỡ, bồng bột; Yukiko – nơi gắn bó cuộc đời.


Câu chuyện bắt đầu với mối quan hệ giữa Hajime và Shimamoto khi cả hai mới chỉ 12. Với Hajime, Shimamoto là mối tình đầu, là mảnh ghép cuối cùng cho “thằng người vốn dĩ không hoàn chỉnh” của mình. Và xuyên suốt từ đầu tới cuối, anh chưa bao giờ thôi day dứt về mối tình đầu, bất chấp biết bao cuộc tình đi qua, thậm chí cả khi đã có vợ và hai con gái.

Trước mặt cô, anh luôn thấp thỏm, ngây ngốc, bối rối dù là 12 hay 37 tuổi. Hajime nhớ về Shimamoto từ những điều nhỏ nhặt nhất, từ cách cô di chuyển, cách cô đưa bàn tay vuốt phẳng mép váy, thói quen lau chùi chồng băng đĩa ở nhà hay màu xanh mà cô luôn yêu thích. Dù chia xa một thời gian dài nhưng chưa bao giờ Hajime quên Shimamoto, thậm chí khi hôn Izumi, anh cũng phải tự nhủ mình đừng nhớ về cô.

Đó là một tình yêu ám ảnh và cám dỗ nhất. Cho đến khi đã yên ấm gia đình, Hajime vẫn sẵn sàng trốn đi cùng Shimamoto, để có một cuộc tình vụng trộm chóng vánh và đầy kì dị với cô. Hajime thừa nhận cô là người bạn duy nhất trong cuộc đời anh, là người khiến anh điên cuồng, ngây dại, sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ vì cô bất kể là ở đâu và lúc nào, ngay cả khi anh chẳng biết cô đã và đang là người như thế nào.

Nếu với Shimamoto Hajime nhẹ nhàng, trân quý bao nhiêu thì với Izumi, Hajime lại ham muốn, thô lỗ và ích kỉ bấy nhiêu.

 

Vào thời điểm hai người quen nhau, Hajime chính xác đang ở giai đoạn mà Shimamoto đã nhận xét về mấy cậu trai cấp ba: “Lúc nào cũng chỉ muốn thò tay vào váy của con gái”.

 

Hajime chỉ chực chờ được ôm hôn, được cởi quần áo và được ngủ với Izumi, thậm chí còn lên cả kế hoạch đàng hoàng. Izumi, vì yêu một cậu trai vào cái lứa tuổi bồng bột ấy, mà đã ngây ngốc để cậu ta làm tổn thương cô đến mức không hàn gắn nổi.

Ngủ với chị họ của bạn gái, đó là việc khốn nạn và đốn mạt nhất mà Hajime đã làm. Cậu không yêu cô chị họ, cậu chỉ đi theo tiếng gọi của tình dục. Cậu nói cậu yêu Izumi, nhưng thứ tình yêu ích kỉ và khốn kiếp ấy đã huỷ hoại Izumi, huỷ hoại cô gái ngây thơ và thẳng thắn ấy. Hajime chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm tổn thương Izumi, nhưng cậu đã làm, cậu vẫn là kẻ “có khả năng gây ra một vết thương chí mạng với người thân thiết nhất trên đời, vì những lí do được cho là thoả đáng.”

Tình yêu giữa Hajime và Yukiko lại là một thứ tình cảm giống như tình thương và sự dung hợp. Trước ngưỡng cửa tuổi 30, Hajime gặp Yukiko, và khi ấy người ta không nghĩ quá nhiều về những tình yêu sống chết cùng nhau vượt qua phong ba bão táp hay những chuyện tình màu hồng đẹp như cổ tích nữa, người ta cần một gia đình với người vợ hiền, con ngoan, tài chính ổn định. Hajime đã có được tất cả những điều ấy, và Yukiko giống như một món quà trong cuộc đời anh.

Thật ra cả Hajime và Yukiko đều “theo đuổi những lí tưởng viển vông” của riêng mình. Nhưng khác với một Hajime điên cuồng ám ảnh bởi mối tình đầu mà sẵn sàng lừa dối tất cả, Yukiko, người tuy cũng đã từng suýt tự tử vì một người đàn ông thời còn son trẻ, đã lựa chọn gia đình. Cô cảm thấy tất cả những góc khuất của Hajime, nhưng luôn bình tĩnh, lí trí. Thật khó để định đoạt rằng Yukiko là một người phụ nữ quá mạnh mẽ hay quá nặng tình cảm, cô có gì đó giống như Izumi, nhưng trưởng thành và kiên cường hơn.

Vậy thì sau tất cả, là ai đúng, ai sai? Thoạt tiên là một Hajime chung tình, chung tình đến ám ảnh. Không dễ gì để người ta có thể giữ gìn mối tình đầu suốt 25 năm, bất chấp mọi sóng gió xảy ra trong cuộc đời. Từ một góc độ nào đó, tình cảm ấy thực sự chân thành và đáng quý. Thế nhưng, sau tất cả, tình cảm ấy mang lại được gì ngoài tổn thương cho chính Hajime và những người xung quanh? 12 tuổi là quá nhỏ để người ta có thể bất chấp theo đuổi tình yêu, nhưng trong suốt những tháng ngày sau, khi đã chắc chắn về tình cảm của mình, liệu Hajime có làm gì để kiếm tìm Shimamoto? Tất cả những gì Hajime làm, chỉ là cất Shimamoto trong một góc kí ức, ngày ngày ngắm nghía, nhớ nhung. Hajime vẫn yêu những cô gái khác, như với Izumi hay Yukiko anh cũng khẳng định rằng mình yêu họ, và vẫn nhân danh sức mạnh của “mối tình đầu” để cho mình cái quyền lừa dối và tổn thương họ. Shimamoto cũng vậy.

Tuy thế giới nội tâm của cô phức tạp hơn và không được tác giả đi vào khai thác rõ ràng, nhưng hành động tìm kiếm, hẹn hò và thậm chí là đề nghị Hajime đi cùng mình đến một vùng đất xa xôi, vụng trộm và làm tình dù biết Hajime đã có gia đình thì cũng thật sự khó hiểu và thông cảm. Có thể có uẩn khúc, bí ẩn nào đó đằng sau cuộc đời của cô, nhưng những điều đó liệu có thể trở thành lí do để người ta chen chân mình vào gia đình của người khác? 

Mối tình giữa hai người, rốt cuộc là tình yêu sâu sắc bền bỉ, hay thứ tình yêu hèn nhát nhu nhược?

Còn Izumi và Yukiko, một người là ngây thơ trong sáng hay mù quáng ngu ngốc, một người là mạnh mẽ kiên cường hay quá dễ thứ tha? Và tất cả những nhân vật trong câu chuyện của Murakami, là họ đang thật lòng hay chỉ đang “Pretend”?

Mọi thắc mắc nảy sinh từ cuốn sách tuy rất day dứt, rất khó chịu, nhưng không thể phủ nhận rằng đều rất “người”, rằng dù đồng tình hay phản đối hành động của các nhân vật thì mỗi chúng ta, một khoảnh khắc nào đó trong đời cũng có xu hướng hành động y như thế. Những bế tắc của tuyến nhân vật trong tiểu thuyết Haruki Murakami, phải chăng cũng chính là những bế tắc trong chuyện tình cảm của một bộ phận người Nhật lúc bấy giờ và cũng là của chính chúng ta.

“Có những gì?” Có những gì ngoài Phía Nam biên giới và phía Tây mặt trời? Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là câu chuyện đơn giản được kể trên nền nhạc jazz nhẹ nhàng của Nat King Cole và Duke Ellington, bên ly cocktail Daiquiri và Robin’s Nest, là cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu nhưng vẫn gây hoang mang và bối rối cho người đọc bằng đầy rẫy những bí ẩn, như cách mà Murakami vẫn làm trong các tác phẩm của mình.

Phanh
Trạm Đọc.

Tags: