Phép màu ở Coventry - Một cảnh tượng được toàn thế giới chứng kiến
Phép màu ở Coventry - Một cảnh tượng được toàn thế giới chứng kiến
Trong cuốn sách “Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch Covid-19 từ cái nhìn trong cuộc” - Joe Miller, đã cùng với vợ chồng TS Özlem Türeci và TS Uğur Şahin kể lại một phép màu đã xảy ra ở Coventry. Phép màu đã giúp cho đại dịch Covid-19 bị dập tắt và cứu sống được hàng triệu người trên thế giới.
Vắc-Xin MRNA - Cuộc Chinh Phục Đại Dịch Covid-19 Từ Cái Nhìn Trong Cuộc
(0 lượt)
Vào một buổi sáng lạnh lẽo của tháng 12, không lâu sau khi kim đồng hồ chỉ 6 giờ 30 trong phòng khám ngoại trú thuộc Bệnh viện Đại học Coventry, Vương quốc Anh, cụ bà Maggie Keegan 90 tuổi cởi chiếc áo cardigan màu xám chấm bi ra, xắn tay áo phông Giáng sinh màu xanh lam lên và nhìn đi chỗ khác, trong khi một nữ điều dưỡng tiêm vào cánh tay trái của bà. Dưới ánh sáng phát ra từ hàng chục chiếc tivi, người nhân viên bán trang sức về hưu, với đôi mắt sáng phía trên chiếc khẩu trang xanh dùng một lần, đã trở thành con người đầu tiên trên Trái Đất nhận một liều vắc-xin đã được thử nghiệm và phê duyệt đầy đủ nhằm chống lại một loại virus đã cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người. 

Trong 11 tháng, nhân loại gần như không thể tự vệ trước Covid-19, cũng giống như cách đây hơn một thế kỷ, khi bệnh cúm Tây Ban Nha giết chết hàng chục triệu người, trong đó có hàng nghìn người ở Coventry. Giờ đây, khoa học đã có thể chống trả. Trong bãi đỗ xe của bệnh viện, những phóng viên chỉnh lại tai nghe, nhìn xuống ống kính máy quay và đem tin tức tới những người xem mệt mỏi trên khắp thế giới: Sự cứu trợ sắp đến rồi!

sach-vac-xin-mrna
Cuốn sách "Vắc-xin mRNA - Cuộc chinh phục đại dịch Covid-19 từ cái nhìn trong cuộc"

Khi đang nghỉ ngơi ở bệnh viện với một tách trà, bà Maggie, người chỉ một tuần nữa sẽ bước sang tuổi 91, đã bảo các phóng viên rằng mũi tiêm đó là “món quà sinh nhật sớm tuyệt nhất” và nói về việc bà đã mong đợi được ôm ấp bốn đứa cháu của mình ra sao sau bốn tháng tự cách ly.

Trước khi bà được đưa ra khỏi phòng khám trên chiếc xe lăn, được các bác sĩ cùng điều dưỡng xếp hàng chúc mừng, lọ thuốc cùng ống tiêm dùng cho mũi vắc-xin của bà đã được gửi vào Viện Bảo tàng Khoa học ở London. Tại đó, chúng sẽ vĩnh viễn được trưng bày cạnh con dao chích của Edward Jenner, người đã mở đường cho tiêm chủng hiện đại – vào năm 1796, ông đã tiêm chủng ngừa đậu mùa cho con trai người thợ làm vườn của mình tại một thị trấn của nước Anh, chỉ cách nơi Maggie được tiêm loại thuốc của bà hơn 110 km. Những người phụ trách bảo tàng hi vọng rằng việc trưng bày này sẽ mãi kể lại một câu chuyện, rằng trong thời khắc đen tối nhất của cả nhân loại, Covid-19 đã bị dập tắt ra sao nhờ sự xuất hiện kịp thời của một phép màu y học.

Tuy nhiên, điều mà lọ vắc-xin nhỏ bé kia không thể truyền đạt được là sự tồn tại của nó là khó tin ra sao vào cuối năm 2020. Mặc dù công nghệ vắc-xin đã tiến xa kể từ thời thí nghiệm của Jenner, quá trình tạo ra và thử nghiệm một loại thuốc mới vẫn chứa đầy rủi ro. Một nghiên cứu về hàng nghìn thử nghiệm lâm sàng trong vòng 20 năm trước khi coronavirus được phát hiện đã cho thấy rằng, mặc dù được tài trợ hàng tỉ đô la từ các công ty dược phẩm lớn nhất thế giới, nhưng khoảng 60% dự án vắc-xin đã thất bại.

Vào tháng 2 năm 2020, Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về bệnh truyền nhiễm, đã cảnh báo rằng, mặc dù những công ty dược phẩm và nhà quản lý đã tìm cách đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc nhằm đáp ứng tình huống khẩn cấp, phải mất một năm nữa một loại vắc-xin mới được hoàn thành – đó còn là trong tình huống “lạc quan nhất”.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, dự đoán rằng sẽ mất đến 18 tháng để một loại vắc-xin khả thi xuất hiện – chưa kể đến quá trình phê duyệt để sử dụng rộng rãi và thời gian phân phối toàn cầu.

Chín tháng sau, một loại vắc-xin vô cùng hiệu quả, dựa trên một nền tảng chưa từng xuất hiện trong bất cứ loại dược phẩm được cấp phép nào, sẽ sẵn sàng để sử dụng nhờ những nỗ lực của hai nhà khoa học từng bị chế nhạo ở thành phố Mainz, Đức. Trong nhiều thập niên, hai vợ chồng khoa học gia này đã tin rằng một loại phân tử nhỏ bé vốn bị ngành dược phẩm lảng tránh, bằng cách khai thác sức mạnh của hệ miễn dịch, có thể sẽ khai sinh ra một cuộc cách mạng y học.

Họ đã không hề nghĩ đến việc một đại dịch chết người sẽ là minh chứng cho niềm tin của mình.

-----------

sach-vac-xin-mrna
Cuốn sách kể về con đường tìm ra loại vắc-xin cứu giúp con người thoát khỏi thảm họa dịch bệnh Covid-19

Cuốn sách “Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch Covid-19 từ cái nhìn trong cuộc” giúp độc giả có thể  đồng hành cùng  hai nhà khoa học Özlem Türeci và Uğur Şahin, cùng với những nhân viên của họ trong công ty BioNTech, trên con đường tìm ra loại vắc-xin cứu giúp con người thoát khỏi thảm họa dịch bệnh. Đó là loại vắc-xin COVID-19 BioNTech-Pfizer sử dụng công nghệ mRNA.

Qua cuốn sách, người đọc có thể hiểu rõ hơn về các nhà khoa học, về những điều khó khăn họ phải trải qua, những sự hiểu lầm họ bị gán ghép. Để rồi công chúng sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, bản thân các nhà khoa học vững bước hơn trên con đường mình đã chọn, và thậm chí tốt hơn nữa, những con người trẻ sẽ được truyền cảm hứng để bước trên con đường ấy, nhằm đem lại thành tựu cho nhân loại.

Tags: