Phát triển hệ sinh thái truyện tranh Việt
Phát triển hệ sinh thái truyện tranh Việt
Khởi điểm là truyện tranh, khi phát triển một hệ sinh thái sẽ tạo thành nhiều sản phẩm xoay quanh bộ truyện như phim, hoạt hình, games.

Vào cuối năm 2020, cộng đồng yêu truyện tranh Việt đón tin vui khi nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và Studio 68 công bố dự án “Lê Nhật Lan”. Đây là dự án điện ảnh chuyển thể từ truyện tranh Long thần tướng. Tuy vậy, tác phẩm truyện tranh đi từ khung hình trên giấy lên phim ảnh hay các loại hình khác như vậy tại Việt Nam chưa nhiều.

 Ở một số quốc gia, khu vực như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, truyện tranh là hình thức biểu đạt quan trọng. Thị trường xuất bản truyện tranh đang phát triển không ngừng. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho các hình thức khác như điện ảnh, phim hoạt hình, tiểu thuyết chuyển thể… Truyện tranh còn là một phần của lĩnh vực rộng hơn được gọi là công nghiệp hình ảnh (hoạt hình, video games, truyện tranh).

Hội thảo “Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh tại Việt Nam - Sự kết hợp quan điểm giữa Pháp và Đức” tổ chức chiều 27/11 bàn đến các vấn đề phát triển hệ sinh thái cho truyện tranh. Các họa sĩ, biên kịch, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, người làm xuất bản, chính sách và giáo dục liên quan đến truyện tranh của Việt Nam, Pháp, Đức tham gia hội thảo trực tuyến.

Tập ba truyện Long thần tướng và các ốp điện thoại in hình nhân vật trong truyện. Ảnh: Tom Dinh/Hội quán Long thần tướng.

Từ câu chuyện của Long thần tướng

Phong Dương Comics là nhóm tác giả truyện tranh gồm hai thành viên: Thành Phong (vẽ), Khánh Dương (kể). Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phong và Dương cùng sáng tác Long thần tướng. Năm 2004, truyện được đăng thành nhiều kỳ trên tạp chí truyện tranh của Nhà xuất bản Trẻ cùng nhiều truyện tranh Việt khác. Sau 18 kỳ, tạp chí ngừng phát hành. 10 năm sau, Phong Dương Comics khởi động lại dự án Long thần tướng.

Hai tác giả đã kêu gọi cồng đồng góp quỹ để thực hiện dự án. Mục tiêu đề ra là quỹ đạt 300 triệu đồng để làm tập một Long thần tướng. Sau chiến dịch gây quỹ, số vốn góp đã vượt mục tiêu.

“Đó là một may mắn, chúng tôi bất ngờ không nghĩ sự ủng hộ của công chúng lớn như thế. Đây là tiền đề để xuất bản tập đầu bộ truyện tranh, đồng thời mở ra một hệ sinh thái cho tác phẩm”, họa sĩ Thành Phong nói.

Với bộ truyện, nhóm thực hiện các phiên bản khác nhau, bản thường phát hành trên thị trường, bản đặc biệt tặng cho người góp quỹ. Năm 2016, tác phẩm đoạt giải thưởng Truyện tranh châu Á, được trưng bày ở Bảo tàng Truyện tranh Kyoto cùng một số tác phẩm truyện tranh nổi bật châu Á trong một triển lãm.

Nguyễn Khánh Dương - đồng tác giả, nhà sản xuất Long thần tướng - cho biết bên cạnh xuất bản sách, nhóm còn làm poster, tượng nhân vật trong truyện, quà tặng, mỗi tập truyện có một món quà riêng, hình ảnh của truyện đi vào một số sản phẩm như sổ, quần áo...

Năm 2020, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã mua bản quyền chuyển thể tác phẩm. Khi bán bản quyền chuyển thể điện ảnh, Phong Dương Comics giữ lại bản quyền truyền hình. Hiện, nhóm đang thử nghiệm tự làm hoạt hình cho tác phẩm.

“Từ dự án Long thần tướng, chúng tôi được gặp gỡ, cộng tác nhiều bạn trẻ tài năng trong lĩnh vực truyện tranh. Điều đó mở ra hướng đi mới mà tác giả đơn thuần như tôi không ngờ sẽ bước tới được”, họa sĩ Thành Phong nói.

Nhờ Long thần tướng, nhiều tác giả truyện tranh quen biết, ủng hộ nhóm tác giả. Đó là nền tảng để họ thành lập Comicola - công ty xuất bản truyện tranh, sản phẩm từ truyện tranh của tác giả Việt.

“Tôi hình dung một ngày nào đó chúng ta làm được nhiều sản phẩm khác từ truyện tranh. Tôi quan sát thế giới và biết truyện tranh là khởi điểm, khi tạo hệ sinh thái nó sẽ tạo thành nhiều sản phẩm xoay quanh bộ truyện, người nghệ sĩ có thể tập trung sáng tác để sống tốt với nghề”, Khánh Dương nói.

Thành công như truyện Long thần tướng ở Việt Nam là không nhiều. Ông Đặng Cao Cường - Trưởng ban biên tập Comic Nhà xuất bản Kim Đồng - cho biết Kim Đồng là nhà xuất bản thực hiện nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng. Trong đó, truyện tranh Việt chỉ chiếm 10%, truyện tranh Nhật chiếm 70%, 20% còn lại là truyện từ một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc…

Thập niên truyện tranh mới xuất hiện ở Việt Nam (1990-2010), Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành truyện ở dạng bộ truyện lẻ, chưa định hình mở rộng, hình thành hệ sinh thái mạnh mẽ.

Ngày nay, sự phát triển của các nền tảng thông tin giúp độc giả tiếp cận được nhiều sản phẩm và hình thức phái sinh từ truyện tranh: Ngoại truyện, phim hoạt hình, trò chơi…

Các công ty, đối tác cũng cởi mở hơn với thị trường Việt Nam. Đối tác của Nhà xuất bản Kim Đồng không chỉ là những nhà xuất bản nữa mà còn là các công ty hoạt hình, doanh nghiệp làm sản phẩm từ truyện tranh.

Một số thương hiệu truyện tranh đã thành công mà Nhà xuất bản Kim Đồng giữ bản quyền phát hành truyện tiếng Việt và hợp tác khai thác sản phẩm trong hệ sinh thái như: Dragon Ball, Thám tử lừng danh Conan, Doraemon, One Piece, Thanh gươm diệt quỷ; games: Pokémon, Dragon Question…

Trong số thương hiệu truyện tranh thành công của Nhà xuất bản Kim Đồng có một tác phẩm Việt là Dế mèn phiêu lưu ký. Tác phẩm văn học của Tô Hoài đã được Tạ Huy Long chuyển thể truyện tranh, có nhiều phiên bản sách tranh, minh họa, đang được xây dựng kịch bản phim hoạt hình.

Trưởng ban biên tập comic Nhà xuất bản Kim Đồng nêu quan điểm: “Phát triển hệ sinh thái cho công nghiệp hình ảnh tại Việt Nam là xu hướng tất yếu. Nhiều tác phẩm gốc có thành tích cao nhờ phát triển hệ sinh thái”.

Bàn gỗ châu chấu - một hình ảnh "đi ra" từ truyện tranh Cửa sổ của họa sĩ Tạ Huy Long. Ảnh: FB Long Ta Huy.

Kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái truyện tranh từ Pháp

Tham gia tọa đàm, ông Thierry Vergon - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội - cho biết từ 25 năm nay, truyện tranh Pháp có sức sáng tạo lớn nhờ sự đa dạng hóa của các hình thức và thể loại. Là một trong những ngành công nghiệp văn hóa năng động, truyện tranh được đón đông đảo người dân Pháp đón nhận.

“Truyện tranh là mảng xuất bản phát triển mạnh, giá trị tăng 1/3 trong 10 năm (1998-2018). Truyện tranh đặc biệt năng động, đứng thứ ba về số bản bán ra trên thị trường xuất bản. Cứ 7 sách được mua ở Pháp thì có hơn một cuốn là truyện tranh”, ông Thierry Vergon thông tin.

Thành công của ngành truyện tranh Pháp đến từ nhiều yếu tố: Tác giả, nhà xuất bản, người bán sách, lễ hội, thư viện… Tất cả cùng nhau dấn bước. Truyện tranh kết nối ngày càng rộng với các ngành nghệ thuật khác, là nguồn cảm hứng cho điện ảnh, video games…

“Ở đây, tính thẩm mỹ là sự quy chiếu cần thiết cho nhiều nhà sáng tạo. Tất cả nhân tố đều hiện diện tại Việt Nam để truyện tranh phát triển trong một hệ sinh thái dựa trên sáng tạo hình ảnh”, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội nói.

Pháp đã thực hiện nhiều chương trình để phát triển truyện tranh, đặc biệt là kết nối các nhân tố để phát triển hệ sinh thái truyện tranh, rộng lớn hơn là hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh. Trung tâm Pôle Image Magelis là một ví dụ điển hình.

Vùng Angoulême có một liên hoan truyện tranh ra đời từ năm 1974. Chính quyền vùng đã quyết định đầu tư, xây dựng, biến Pôle Image Magelis thành một trung tâm hình ảnh nổi bật trong lĩnh vực hoạt hình, truyện tranh, games, thực tế ảo. Hiện nay, Trung tâm Pôle Image Magelis là đại diện cho 140 công ty chuyên về hình ảnh và 12 cơ sở đào tạo.

Từ Pháp, ông Frederic Cros - Giám đốc điều hành Pôle Image Magelis - chia sẻ ba hoạt động chính của chính quyền vùng Angoulême và trung tâm Pôle Image Magelis trong việc xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp hình ảnh.

Đầu tiên, họ xây dựng một số tòa nhà để làm cơ sở chào đón các doanh nghiệp, trường học.

Thứ hai, họ đưa ra chính sách đào tạo phù hợp. Truyện tranh, hoạt hình, video games… là những ngành nghề mang tính nghệ thuật, cần lao động lành nghề và sự sáng tạo. Khu học xá Angoulême đã được dựng lên, ở đó có nhiều trường đào tạo theo ngành nghề như: Trường đào tạo hoạt họa, trường quốc gia về trò chơi điện tử, trường dạy quay phim, trường dạy làm phim tài liệu, trường chuyên về truyện tranh.

Ngay khi các công ty đặt cơ sở tại vùng, họ kết nối được ngay với nguồn nhân lực. Do đó, đào tạo là chính sách cần thiết để phát triển lĩnh vực này.

Thứ ba, trung tâm đã lập các khoản hỗ trợ cho sản xuất, hỗ trợ người tới Angoulême để thực hiện tác phẩm của mình.

Điều quan trọng nhất là trung tâm Pôle Image Magelis đã làm tốt vai trò kết nối, hỗ trợ các yếu tố trong hệ sinh thái.

Từ câu chuyện của tác giả, nhà xuất bản trong nước cùng kinh nghiệp phát triển công nghiệp hình ảnh của Pháp, các diễn giả tin tưởng truyện tranh Việt sẽ được chắp cánh khi cùng tham gia công nghiệp hình ảnh.

Theo Zing News

Tags: