PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly: ĐỌC là thiết yếu để TỰ HỌC
PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly: ĐỌC là thiết yếu để TỰ HỌC
Đến với Cafe' Sách số 12, Trạm Đọc mời bạn đến với cuộc trò chuyện cùng nữ Phó giáo sư trẻ nhất năm 2013 - Nguyễn Ngọc Lưu Ly.
Thừa kế truyền thống của dòng họ trí thức nổi tiếng Việt Nam - Dòng họ Nguyễn Lân, ở tuổi 32, chị Lưu Ly đã đạt học vị Phó giáo sư và hiện đang là Phó chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp tại trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

 

Chúng ta Đọc gì xuất phát từ “Chúng ta muốn gì?”

 

Là một PGS và hiện là Giảng viên Đại học, chắc hẳn chị phải đọc rất nhiều sách. Chị có thể chia sẻ một chút về thói quen đọc của mình không?

Sách là kho tư liệu sẵn có, mình chọn đọc gì là do mình đang tìm cái gì. Hơn nữa, điều này còn tùy thuộc vào từng giai đoạn cuộc sống với những mối quan tâm khác nhau của mình. Ví dụ khi tôi đang học ngoại ngữ thì những sách tôi quan tâm là những sách truyện hay những ấn phẩm được viết bằng ngôn ngữ đó. Trong khi đó, xuyên suốt quá trình học tiến sĩ hoặc nghiên cứu nói chung thì tôi chọn đọc những sách chuyên ngành hoặc tìm thêm tư liệu trong các diễn đàn của trường hay những hội nhóm chuyên môn. Bên cạnh đó với tư cách một ông bố/bà mẹ có con đang đi học thì tôi lại cần đọc những sách về nuôi dạy con và hiểu về con trẻ.

Đứng từ quan điểm giáo dục, trước hết người đọc phải biết bản thân mình muốn gì để có những định hướng đọc khác nhau trong những giai đoạn khác nhau. Tôi nghĩ là sẽ có những năm tôi có thể dành thời gian thả tâm hồn theo những dòng sách yêu thích nhưng tại thời điểm hiện tại thì chưa thể, có lẽ là khi các con lớn hơn. Còn trong giai đoạn mọi thứ đang bộn bề thì tôi thường đọc sách vì những mục đích rõ ràng để đạt những mục tiêu mà mình đặt ra.

Chị Nguyễn Ngọc Lưu Ly

Trong gia đình của chị mọi người đọc sách như thế nào?

Trong gia đình lớn, ai quan tâm cái gì thì sẽ đọc cái đó. Nhìn chung gia đình tôi mọi người đều thích đọc sách. Từ ông cho đến các cháu. Từ khi ông về hưu (khi ấy ông khoảng 80 tuổi), ông viết từ điển, ông dành 6 tiếng đọc và viết mỗi ngày và ông có mục tiêu cũng như sản phẩm rõ ràng cho việc đó. Các chú, các bác tôi cũng là người thích viết và thích đọc, hai việc này đi song hành với nhau.

Trong gia đình nhỏ của tôi, thường tối nào tôi cũng cùng đọc sách với hai con, và đọc riêng rẽ với từng bé chứ không ngồi chung với nhau. Tôi dành thời gian cho từng bé, ví dụ như Jen trước, rồi Ken sau bởi lẽ hai anh em cách nhau bẩy tuổi, chủ đề quan tâm và trình độ cũng khác nhau, và mẹ cũng muốn có khoảng thời gian để quan tâm đến từng bé. Một nguyên tắc cho việc đọc này là đảm bảo đó là quãng thời gian vui vẻ. Vui vẻ để biến đây thành cái cớ mào đầu cho những câu chuyện, những trao đổi. Tôi không cố gắng cho các bé đọc theo số lượng mà tùy theo cách bé hiểu và tiếp nhận vấn đề để bé đọc những cuốn phù hợp. Với những điều quá khó hiểu so với bé hay những thứ quá dễ hiểu, tôi sẽ cho bé đọc lướt qua hoặc bỏ qua.

Với bé Jen bốn tuổi rưỡi, tôi thường lựa theo sở thích của bé để chọn sách đọc, đọc ít hay nhiều tuỳ hôm theo cảm hứng của bé. Có hôm, mẹ đọc sách truyện tiếng Việt cho bé nghe và hỏi bé đôi ba câu hỏi để bàn luận, trao đổi khi đọc xong. Có hôm, tôi cùng đọc sách truyện tiếng Anh với con. Tôi thường sử dụng ebooks trên phần mềm giáo dục có phân trình độ khó dễ cho người học, thường có Audio đi kèm nên bé có thể nghe rồi nhắc lại. Nội dung truyện đơn giản, từ ngữ phù hợp và phần mềm chúng tôi đang dùng có cả phần câu hỏi sau mỗi câu chuyện, sao điểm thưởng khiến các bé nhà tôi rất thích thú và giờ đã nhắc mẹ đọc cùng bé mỗi ngày.

Với bé Ken mười một tuổi, có những đợt tôi và bé cùng đọc sách Nuôi dạy con của các nước tiên tiến trên thế giới, rồi dựa vào những câu chuyện nhỏ đó đây, mẹ con cùng trao đổi suy nghĩ. Có những đợt bé đọc sách truyện bằng tiếng Anh rồi nhớ được gì kể lại cho mẹ nghe.

 

Chúng ta hãy đọc trong thể chủ động và tâm thế phản biện

 

Đứng từ góc độ giáo dục ở nhà trường và gia đình, chị đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của sách với việc hình thành nhân cách và trí tuệ của một con người?

Để một con người có thể phát triển bản thân thì phải có khả năng tự học, tự bồi dưỡng, mà trong đó công cụ hữu ích nhất là đọc sách. Khi đọc sách, mình ở thế chủ động, nhưng để có được thói quen đọc sách không hề đơn giản. Nếu là ở trẻ nhỏ thì bố mẹ phải đồng hành liên tục trong một khoảng thời gian dài và ở nhà trường thì thầy cô phải là người có quan tâm thực sự đến việc này thì mới có thể định hướng được. Thời gian giảng dạy trên lớp chỉ đủ cho việc hướng dẫn cách học và các phương pháp khai thác kiến thức thôi, còn việc tự học, tự nghiên cứu là rất quan trọng. Muốn đào sâu gì bất cứ điều gì cũng phải quan tâm đến tự học, mà muốn tự học tốt thì  phải có khả năng đọc tốt.

Khi đọc mình phải kết hợp giữa ngẫm nghĩ, chọn lọc và phản biện, thì nó mới thực sự đem lại sự phát triển được. Cũng có những quyển sách có những quan điểm khác mình nhưng mình sẽ không phủ nhận nó một cách hoàn toàn mà cần biết được nên chấp nhận sự khác biệt đó đến đâu, mình chấp nhận phần nào và không chấp nhận phần nào, đó là cách để bản thân được phát triển.

Chị Lưu Ly (giữa) cùng các bạn sinh viên

 

Đọc mở rộng là “thiết yếu” để “Tự học”

 

Khi tiếp xúc với các sinh viên của mình, chị có thấy các bạn chịu khó đọc sách không? Phong trào đọc từ trước đến nay có sự thay đổi gì?

Hiện giờ phong trào đọc trong nhà trường vẫn rất hạn chế. Nhiều khi tôi cứ mãi suy nghĩ về cách thức làm sao để thúc đẩy các bạn sinh viên của mình đọc nhiều hơn, nhưng thực ra nếu chỉ triển khai được ở một bộ môn thì cũng chỉ là “hạt muối bỏ bể”. Nếu có thể thực hiện trên diện rộng sẽ đem lại thay đổi có tính hệ thống và ảnh hưởng sâu sắc hơn.

Những năm trước có những tiết học mà tôi giảng dạy trực tiếp trên thư viện, vừa giảng bài vừa để dạy cho các bạn sinh viên cách khai thác thông tin từ sách. Tôi hướng dẫn các bạn ấy quy trình xử lý từ khi có một vấn đề, phân tích, khai thác nó và đưa ra hướng xử lý từ những thứ đọc được. Một năm tôi có cố gắng sắp xếp thì cũng chỉ làm được vài buổi như thế. Thế còn những lớp khác thì sao? Nếu chúng ta không làm trên diện rộng, sẽ rất khó mang lại những thay đổi thực sự. Vì vậy, bây giờ tôi rất muốn khởi động phong trào đọc sách bằng ngoại ngữ ở sinh viên. Tôi cho rằng, đối với sinh viên thì việc đọc và đọc mở rộng rất quan trọng. Thời gian học ngoại ngữ hiện tại mới chỉ trông chờ ở giờ trên lớp. Trong khi đó để giỏi một ngoại ngữ thì phải học trên lớp với thầy cô; học trong nhóm bạn bè và học trong cộng đồng – 3 kênh đó kết hợp với nhau thì mới có thể tiến bộ nhanh. Thế nhưng việc học trong cộng đồng hiện tại của mình vẫn còn chưa nhiều và đủ mạnh mẽ. Tôi rất mong muốn các bạn sinh viên lên thư viện học và đọc; nhưng tự bản thân tôi nhìn nhận lại thì cũng thấy việc ấy khó khả thi. Bởi những sách, tiểu thuyết hiện đang có trên thư viện không mới và không đủ hấp dẫn. Khi mà bạn đang ở một trình độ, ví dụ như A2 hoặc B2 theo khung tham chiếu châu Âu, thế nhưng sách ở thư viện lại ở trình độ B1 hay C1, tức là nó vượt quá khả năng của bạn, thì khi đó sự nhụt chí đến trước khi bạn có thể đọc hết cuốn sách.

Tất cả những điều tôi vừa chia sẻ đều cho thấy việc đọc mở rộng là việc cần phải làm, nhưng điều quan trọng ở đây là làm như thế nào để phù hợp với bối cảnh.

Chị Lưu Ly chụp ảnh cùng các bạn học sinh

Thay đổi trong hệ thống thư viện “dường như” quá khó khăn, chị có ý tưởng nào để thúc đẩy phong trào đọc tại các nhà trường không?

Tôi đang tiến hành một giải pháp trung gian, đó là hướng dẫn người học xây dựng tập tư liệu chuyên đề bằng ngoại ngữ: tập hợp các bài viết về chủ đề mình yêu thích, tài liệu chọn lựa phải do người bản ngữ viết và văn phong phù hợp với trình độ của người sưu tầm. Như vậy, nếu mỗi người học trong lớp làm 2 quyển thì lớp 20 người chúng ta đã có 40 quyển rồi, nếu cứ như vậy thì qua mỗi năm, góc "vui đọc" của chúng ta sẽ phong phú cùng với thời gian. Người học không chỉ có những tư liệu đọc gần gũi, dễ hiểu mà còn biết thêm kỹ năng sưu tầm tài liệu và dần sẽ biết cảm nhận như thế nào là một tư liệu hay khi thấy mức độ sử dụng và bình xét khác nhau của độc giả.

 

Học ngôn ngữ là học cách “yêu” ngôn ngữ đó

 

Có cuốn sách nào về ngôn ngữ mà chị khuyến khích mọi người nên đọc?

Lời khuyên với mỗi người là không giống nhau. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất trong việc học ngoại ngữ là bạn hãy học cách yêu ngôn ngữ đó. Mỗi người có nhu cầu khác nhau và có cách yêu điều này hay điều kia trong cuộc sống khác nhau. Học ngoại ngữ cũng chỉ là một phương tiện, bởi vậy hãy cứ làm những điều mình thích nhưng qua ngoại ngữ. Sở thích của mình là gì thì mình sẽ tìm sách ở những khu vực đó. Ai thích ẩm thực thì đọc sách ẩm thực,… Còn nếu về học liệu để học ngoại ngữ thì tôi cũng nghĩ là phải tìm cuốn sách phù hợp với khả năng và trình độ của mình, vì mỗi người lại khác biệt nhau. Lời khuyên tồi tệ nhất là dành cho tất cả mọi người lời khuyên như nhau. Nếu chuyên môn quá thì không được, còn nếu đời thường thì lại phụ thuộc vào sở thích của họ rồi.

Trạm Đọc chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc chị luôn thành công với sự nghiệp giảng dạy của mình.

Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc

Tags: