PGS Bùi Hiền sai rồi, cư dân mạng cũng sai rồi, và Tại sao chúng ta đều sai hết
PGS Bùi Hiền sai rồi, cư dân mạng cũng sai rồi, và Tại sao chúng ta đều sai hết
Bài viết thể hiện quan điển của Một cư dân mạng xin được giấu tên gửi cho Trạm Đọc
 
Nếu lên Facebook mà bạn viết một status dài như sớ nghĩa là bạn làm "sai". Nếu lên Instagram mà bạn lại ngồi viết truyện viễn tưởng nghĩa là bạn làm "sai". Nếu lên Kenh14 mà bạn lại tìm thấy những từ như chủ nghĩa hậu hiện đại, triết gia Hy Lạp, mà lại không bắt gặp những tính từ "giật bắn người" – xấu như phù thủy, đẹp không góc chết, xinh nhất vịnh Bắc Bộ – nghĩa là bạn đang vào "sai" Web.

Giống như có gì đó "sai sai" khi đòi hỏi cư dân mạng phải có "văn hóa tranh luận" trên môi trường Facebook, dường như có gì đó "sai sai" trong cả cái sự kiện Cải cách chữ viết tiếq Việt đang làm rúng động hàng triệu bàn phím trong tuần qua. 
 
Trong cuốn Hiểu về phương tiện truyền thông của triết gia, nhà tiên tri của Internet thời hiện đại, Marshall McLuhan, người ta có thể quên mọi thứ trừ một cụm từ đã làm nên thương hiệu của đời ông: "Phương tiện chính là thông điệp" (The medium is the message). Ở đây, chúng ta cần giải nghĩa 2 khái niệm. 


Một, Thông điệp (Message hay nội dung, ý nghĩa, lời nhắn nhủ) là một khái niệm khá rõ ràng. Nội dung của kí hiệu "cây" là để chỉ cái cây. Nội dung của chiếc loa phường là cung cấp những thông tin lịch tiêm phòng, lịch họp tổ dân phố. Nội dung của "Đắc nhân tâm" là nghệ thuật sống sao cho được lòng của cả thiên hạ. Nội dung của văn bản "cải cách tiếng Việt" là đề xuất giảm bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31.
 
Hai, Phương tiện (Media) là chính là "chiếc xe" để chuyên chở thông điệp từ người sản xuất đến người tiêu thụ. Và giống như có vô số loại xe khác nhau, chúng ta cũng có rất nhiều cách để truyền tải, như qua lời nói, chữ viết, tranh ảnh, Video Youtube, Status Facebook, trang Web...Cái đắt giá trong phương trình Phương tiện = Thông điệp của McLuhan là: Phương tiện không chỉ là một công cụ, nó không "trơ" mà nó cũng có điều nhắn nhủ của chính mình. Hãy thử nghĩ xem, bất kể nội dung bạn đăng là gì, Facebook, Instagram, Youtube...bản thân những phương tiện này có điều gì muốn nói? 
 
McLuhan so sánh "nội dung" của một thông điệp như một miếng thịt tươi ngon được tên trộm mang theo dùng làm mồi nhử để đánh lừa "con chó canh gác" của tâm trí. Có nghĩa là, chúng ta thường chú trọng vào phần nội dung bề nổi hiển nhiên (thịt ngon) – đề xuất cải tiến phụ âm Tiếg Việt – mà quên mất cái thông điệp của phương tiện – Hội thảo ngôn ngữ toàn quốc, Báo Mạng, Facebook – muốn nói. Bài viết này không nhằm mục đích phân tích cái Sai (với chữ S viết hoa) của đề xuất cải tiến Tiếng Việt (phân tích nội dung), mà muốn phân tích cái "sai sai" khi chúng ta nhầm lẫn về thông điệp của phương tiện
 
Phương tiện truyền tải của phương án Cải tiến CHỮ QUỐC NGỮ của PGS.TS Bùi Hiền là gì: Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc. Phương tiện này có thông điệp gì? Đây là một sự kiện khoa học thường kì, "nhằm tập hợp, cổ vũ, động viên, khuyến khích các nhà ngữ học (cùng các nhà nghiên cứu ngữ văn, văn hóa học...) tham gia một hoạt động chuyên môn thường xuyên của Hội". Nó là một hội kín, dành cho dân khoa học, đòi hỏi bằng cấp nhất định, không phải ai cũng có thể tham gia. 
 
Phong cách tranh luận không phải bằng "ảnh chế", emoji giận dữ, reaction Phẫn nộ, vài dòng bình luận đầy cảm xúc không đầu đuôi, không trích nguồn. Thông điệp của phương tiện hội thảo khoa học, cho dù nội dung (content) của bạn có là gì đi nữa, đó là: Bạn vào đây thì phải dùng lý tính (không phải cảm xúc), logic, khả năng phân tích (đòi hỏi đọc hết cả bài viết chứ không chỉ mỗi tít như phương tiện báo mạng), và nói phải dẫn nguồn khoa học.
 
Nhưng nếu như vậy thì cư dân mạng đã chẳng được phen "xả lũ" trong những ngày vừa qua. Cái hay là khi đề xuất này được đưa lên một phương tiện khác nơi sinh ra của nó là báo mạng và Facebook. Hãy thử nghĩ xem, thông điệp của phương tiện Facebook là gì? 
 
Thứ nhất, nó là chỗ chơi dành cho tất cả mọi người, không đòi hỏi điều kiện tham gia như một hội thảo khoa học. Vì vậy, quyền lực được dân chủ hóa, mọi ý kiến đều có giá trị như nhau, bất kể nó chỉ là một câu chửi thề cá nhân, một vài dòng xót tiền thuế, hay một lập luận đầy chặt chẽ khoa học. Ý kiến được nhiều like nhất không đòi hỏi phải sâu sắc nhất hay lý luận tốt nhất, mà phải tạo ra sự giải trí tốt nhất.
 
Thứ hai, Facebook, là một phương tiện giúp giải trí, tuyệt đối không phải là một ngôi trường giáo dục online. (Lần tới bất giác vào Facebook, hãy thử xem thực sự bạn muốn vào đây học một điều gì mới lạ, năng cao khả năng lập luận của bạn, hay sự thực là...bạn chỉ đang cảm thấy chán chán, và đang cần "được cười".) 
Trong 1 bài viết rất nổi gần đây, phê bình các netizen Việt Nam, mang tên "Từ nghiên cứu bị ném đá của PGS - TS Bùi Hiền: Khi cư dân mạng dùng những từ ngữ xấu xí nhất để “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt", tác giả có phê phán một số vấn đề, trong đó có: 
 
1/ Trước khi bình luận, chúng ta đã kịp đọc gì (Vấn nạn chỉ đọc tít rồi khẩu chiến
2/ Bức xúc và giận dữ về chủ đề mà bản thân nó còn chưa là một vấn đề thực sự hiện hữu trong xã hội (Vấn nạn rảnh của người Việt)
3/ Sự xuống cấp trong văn hóa tranh luận, văn hóa giáo tiếp người với người (Vấn nạn chửi bới mà nạn nhân là PGS-TS Bùi Hiền)
 
Những nhận xét này của tác giả sẽ vô cùng chí lý khi phương tiện sinh hoạt của cư dân mạng là các "hội thảo khoa học" vì ở đó mới là nơi đòi hỏi phải: đọc thật kĩ, quan tâm và phát biểu đến các vấn đề thực sự thuộc chuyên môn của mình, và có văn hóa tranh luận. Tuy nhiên, phương tiện tranh cãi trực tuyến ở đây là Facebook, với sự nhấn mạnh vào cảm xúc (giận dữ là một trong những cảm xúc dễ "viral" nhất), tương tác (chia sẻ, bình luận), đọc lướt (nhờ Newsfeed mà chúng ta có thể đọc đến hàng trăm bài viết mỗi ngày), và ai cũng có quyền được nói (dù đúng hay sai). Bởi vì cách chúng ta dùng Facebook sẽ sản sinh ra những văn hóa, thói quen và cách tư duy mới (Xem thêm cuốn Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta), vậy nên, dường như tác giả bài viết trên cũng "sai sai" khi không hiểu được tư duy thời hậu Facebook là gì?
 
Hãy tưởng tượng một Facebook nơi mà những người dùng của nó dùng hệ thống "tư duy chậm" để vận hành. Bạn sẽ mất 30' để viết một status với lập luận chặt chẽ, gấu của bạn sẽ mất thêm 15' để đọc hết bài viết đó (chứ không chỉ đọc tít) và thêm 15' nữa để viết ra một bình luận tử tế. Mọi người sẽ chỉ bàn luận về các vấn đề mà mình là chuyên gia, sẽ không có công kích cá nhân, chửi bới tập thể, không có chuyện tay nhanh hơn não, không có "vl". 
 
Một Facebook như thế sẽ lạnh lẽo, cô đơn và mất vui đi thế nào, và đương nhiên sẽ sớm phá sản thế nào. Chắc có lẽ cũng không phải tình cờ mà Google bắt nguồn từ luận án tiến sĩ, và Facebook...ừm khởi sự từ một công cụ để đánh giá xem cô gái nào "ngon" hơn?  Và cũng không phải tình cờ mà các bài nhiều Like nhiều nhất về đề xuất cải cách tiếng Việt này không phải dành cho bài viết phân tích nội dung của đề xuất, mà thuộc về các ảnh chế vui vẻ. Cư dân mạng không phải lên Facebook để phê bình, mà họ cần giải trí. Sự kiện cải cách tiếng Việt là cơ hội giúp cả nước có những tiếng cười cực kì sảng khoái.
Đã bảo rất vui mà lại.
 
PGS.TS Bùi Hiền đã "sai" khi chọn nhầm phương tiện (báo chí mạng, Facebook) để thảo luận thông điệp (đề xuất cải cách chữ viết). Chúng ta cũng đã "sai" khi kì vọng Facebook là nơi tụ họp 500 anh em dùng lý trí, nơi những kẻ đánh máy dùng "tư duy chậm" thay vì "tư duy nhanh". Và chúng ta sẽ tiếp tục "sai" nếu hi vọng, như triết gia Immanuel Kant từng nói, "từ khúc gỗ cong queo tạo nên con người, không thể đẽo gọt ra cái gì thẳng thớm cả". 
 
Bài viết thể hiện quan điển của Một cư dân mạng xin được giấu tên gửi cho Trạm Đọc
Tags: