Ông Nguyễn Cảnh Bình phát biểu khai mạc Hội sách khuyến học Ba Đồn - Quảng Bình
Ông Nguyễn Cảnh Bình phát biểu khai mạc Hội sách khuyến học Ba Đồn - Quảng Bình
Hội sách khuyến học Ba Đồn được khai mạc vào 9h sáng nay 25/4/2023 tại Đình làng Phan Long Ba Đồn. Bài phát biểu dưới đây của ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books - tại Lễ khai mạc Hội sách sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về Hội sách đặc biệt này.

Thưa bà con, những người dân của phường Ba Đồn,

Thưa anh Nguyễn Xuân Đức người đã cống hiến xây dựng đình Phan Long này,

Thưa nhà văn Nguyễn Quang Lập, tác giả cuốn "Ba Đồn mạn thuật",

Thưa anh Đinh Thiếu Sơn, bí thư phường và những người cán bộ, khách mời của Ba Đồn, của Quảng Bình.

Hôm nay là lần thứ hai, tôi đến Ba Đồn. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất này là cách đây hai tháng, nhưng đó cũng chỉ là một chuyến đi thoáng qua. Anh Phạm Phú Thép  đưa tôi thăm một vài nơi ở đây và giải thích cho tôi nghe về địa danh Ba Đồn có phần lạ lẫm. Nhưng rồi tôi biết nhiều hơn về lịch sử, văn hoá của vùng đất này chính là nhờ cuốn sách “Ba Đồn mạn thuật” của nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Chính nhờ cuốn sách dư địa chí tuyệt vời này, tôi hiểu thêm về mảnh đất đầy ý nghĩa lịch sử, cũng đầy gian khó, đầy nắng mưa và cát muối mặn mòi, nhưng cũng đầy tình người sâu sắc, một thứ tình người mà ít ở nơi đâu có được.

Từ một mảnh đất, một nơi đóng quân của những người lính Đàng ngoài được chúa Trịnh đưa vào đây, thì hôm nay Ba Đồn đã trở thành một vùng đất đông đúc, một thị xã trù phú và đầy ấm áp tình người.

Một vùng đất hiên ngang, tự hào, mạnh mẽ với lịch sử 500 năm. Người Ba Đồn xưa có tính năng động, luôn tư duy cái mới và muốn hành động. Tính cách ấy là vì có chợ Ba Đồn lớn, mọi người thường giao lưu qua lại với nhiều tầng lớp người trong Nam ngoài Bắc, nên hình thành tính cách dám nói, dám làm và dám đấu tranh của người Phan Long.

Thế rồi qua những lần trò chuyện với Phạm Phú Thép – một người con nặng tình với Ba Đồn - chúng tôi trăn trở với nhau có thể làm được những gì cho đất nước này, cho quê hương mình. Và rồi Thép bảo: anh Bình ơi, liệu chúng ta có thể tổ chức được một hội sách ở Ba Đồn không? Đã bao nhiêu lâu nay, ở đây ít sách, ít những ngày văn hoá quá…

Tôi trả lời: Hiển nhiên là có thể tổ chức được mà. Thật ra cũng chẳng khó khăn gì nếu con người đã muốn làm, nếu con người thực sự có trái tim và khối óc, có ý chí và quyết tâm, có tình yêu và cố gắng… Và thế rồi chúng tôi quyết tâm chuẩn bị, liên hệ với các nơi, với UBND, với tỉnh, với sở ngành và những nhà tài trợ, với những người dân ở đây và người Quảng Bình ở những nơi khác… để rồi có một hội sách như ngày hôm nay.

Đình làng Phan Long nơi diễn ra Hội sách Ba Đồn lần 2 trong lịch sử

 Tôi cũng đọc trong những câu chuyện về một hội sách ở Ba Đồn được tổ chức cách đây 77 năm. Ngay sau khi đất nước Việt Nam tuyên bố độc lập được mấy tháng, Hội sách lần thứ nhất diễn ra tại Chợ Ba Đồn nhằm dịp Tết Nguyên Đán năm 1946.

Sự kiện/Hội sách Ba Đồn khi đó được tổ chức nhờ Ông Lưu Trọng Dư – còn gọi là Thông Dư (là em của nhà thơ Lưu Trọng Lư, chú của nhà báo Lưu Trọng Văn), ông Nguyễn Thanh Đàm và ông Hồ Danh (bố vợ của nhà văn Nguyễn Quang Lập). Ban tổ chức hội sách đã sưu tầm nhiều sách báo nhiều xu hướng, có Cờ giải phóng, Dân, Tiếng Dân, Dân Tiến....có báo Phong Hóa, Ngày nay, Nam  Phong... xuất bản thời Pháp thuộc. Sách thì có tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, Hồn bướm mơ tiên, Phấn thông vàng, Nửa chừng xuân...rồi Số đỏ, Bỉ vỏ... Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu, Tố Hữu… để phục vụ cho đông đảo nhân dân.

Hội sách đã thu hút đông đảo trí thức văn nhân ở vùng bắc Quảng Bình và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến tham gia. Và thậm chí, lịch sử còn ghi lại sự kiện gần 100 năm trước, tháng 3.1926. ở chính vùng đất này, chí sỹ Phan Bội Châu dừng lại một ngày để nói chuyện. Cụ Phan ghé Ba Đồn bất chấp sự hăm dọa của Pháp, thanh niên trí thức ở Ba Đồn, Ròn, vùng Nam đến nghe nói chuyện. Tại nhà ông ba Thuận Phát nơi cụ dừng chân, người đông nghịt vòng trong vòng ngoài. Mọi người háo hức nghe, nhiều người ghi chép rồi truyền tay nhau những áng văn thơ về tinh thần dân tộc của Cụ.

Tôi không có bức ảnh về hội sách lần thứ nhất năm đó thế nào, nhưng với tất cả những thông tin trong sách vở đã kể ra, với những câu chuyện như thế hiển nhiên là ở Ba Đồn đã có những ngày sôi nổi, sôi động, những cuộc gặp mặt của những bậc trí sĩ ở trên cả nước về đây hẳn là một sự kiện/hiện tượng thôi thúc mọi người, thôi thúc trí tuệ, văn hoá và tinh thần người Ba Đồn..

Và 77 năm sau cái ngày đó, hôm nay, sau khi kết nối và được sự đồng thuận hỗ trợ hết mình của chính quyền địa phương, của UBND Phường Ba Đồn, của những nhà tài trợ như Phú Mạnh, Hưng Long, Công ty Sổ xố Quảng Bình, của nhiều người dân khác.. Hội sách lần thứ 2 tại đình làng Phan Long đã được tổ chức đúng dịp Ngày sách Việt Nam lần thứ 2 này.

Đình làng Phan Long trước ngày khai mạc Hội sách Ba Đồn lần 2

Tôi cũng bắt đầu một hành trình thúc đẩy, và vận động cho văn hóa miền Trung năm nay bằng một chuyến đi 10 ngày. Tôi đi từ Quảng Ngãi ra Tam Kỳ, ra Hội An, ra Huế và hôm nay ở Ba Đồn; ngày kia ra Đức Thọ, Nghi Xuân và Nghệ An để tiếp tục nỗ lực đóng góp vào sự phát triển văn hoá và tri thức của miền Trung gian khó này.

Trên con đường đi từ Huế ra Ba Đồn, tôi có dịp đi cùng xe với anh Nguyễn Xuân Đức, người đã làm nên đình làng Phan Long này. Trên đường đi, anh Đức cứ nói với tôi mãi: "Bình ơi có thể làm được gì hơn cho quê hương anh không? Liệu có thể  dùng cái đình làng này như một cái điểm bắt đầu mới cho văn hóa, cho trí thức cả vùng đất Ba Đồn/Quảng Trạch này. Điện đã về đây, Internet đã về đây, nhiều thứ hiện đại đã về đây nhưng tri thức hiện đại, sách vở, chữ nghĩa, văn hoá nhất định phải về đây nữa…

Tối hôm qua, trên dòng sông Gianh lịch sử, chúng tôi trò chuyện với nhau. Những người con của Ba Đồn, những giáo viên, những cán bộ, Bọ Lập, anh Xuân Đức, Thép.. những người con Ba Đồn nói giữa dòng Gianh, về tương lai Ba Đồn. Anh Đức bảo, ngày mai sẽ là một dấu ấn, khởi đầu cho Ba Đồn bước vào văn minh tri thức.

Cùng với sức người và mảnh đất mạnh mẽ, bền bỉ, kiên cường thì vốn/tiền và tri thức chắc chắn là hai yếu tố quan trọng để thay đổi Ba Đồn. Bởi mọi cuộc thay đổi thế giới chẳng qua là sự thay đổi tri thức và khoa học công nghệ mà thôi.

Kết thúc bài phát biểu của mình, tôi xin trích một đoạn trong bài báo về sự kiện ra mắt cuốn sách “Ba Đồn mạn thuật” của nhà văn Nguyễn Quang Lập:

"Hôm ra mắt sách tại Ba Đồn, có một vị cao niên rất được tưởng thượng, đã rưng rưng phát biểu: “Ba Đồn thời nay có hai điều đại may mắn. Một là có doanh nhân bỏ tiền ra dựng lại đình làng Phan Long cho cháu con xum vầy, cho khí thiêng tụ về. Hai là có nhà văn viết cuốn mạn thuật này để lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa phi vật thể, theo đó mà còn mãi với mai sau”.

Cũng hôm ra mắt sách ấy, tôi đã thấy rất nhiều người trẻ tuổi và đẹp đẽ, nâng niu cuốn sách trên tay, như một cơ hội quý báu để hiểu thêm, hiểu sâu sắc và nhân lên tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất đã sinh ra mình, mảnh đất mình đang sống và đang hy vọng phát triển. Và tôi càng mong muốn “Ba Đồn mạn thuật” sẽ sớm được nhân ra nhiều hơn để đi đến với nhiều con người ở nhiều vùng đất khác nữa…

Ông Nguyễn Cảnh Bình trao tặng bức tranh in câu nói của Cicero, triết gia La Mã cho đình làng Phan Long

Hôm nay, khai mạc Hội sách Khuyến đọc Ba Đồn, dường như là một Hội sách đặc biệt nhất trong tháng sách và văn hoá đọc Việt Nam năm 2023 này. Hội sách ở một đình làng, một đình làng tuyệt đẹp, do những người con quê hương chung sức tổ chức, tôi mong và tin rằng, hội sách nhỏ bé hôm nay sẽ là một sự kế tục cho hành trình của những người Ba Đồn 77 năm trước, cũng là sự tiếp bước của công việc Bọ Lập, của anh Xuân Đức, của bao nhiêu con cháu khác đã và đang đóng góp cho sự phát triển Đình Phan Long, của Ba đồn bằng những hình ảnh đẹp tuyệt vời của người trẻ, người già, của cán bộ nâng niu cuốn sách, nâng niu giá trị và tình cảm.. và rồi nhờ phát triển quê hương giàu và văn minh, trí tuệ..

Cicero, triết gia La Mã nói, nếu anh có mảnh đất và rồi anh có thêm thư viện, anh có thể làm được mọi điều anh muốn.  Xin chúc cho Ba Đồn làm được những gì mọi người mong muốn.

Cicero cũng nói: "Một ngôi nhà không có sách vở như một cơ thể không có tâm hồn". Ngày hôm nay, xin gửi tặng đình làng câu nói của ông.

Chân thành cám ơn mọi người. Mong có dịo được quay trở lại thăm Ba Đồn, thăm Đình làng Phan Long này nhiều hơn.

Nguyễn Cảnh Bình

Tags: