Ơ-rê-ca! Có chứ, Ơ-rê-ca!
Ơ-rê-ca! Có chứ, Ơ-rê-ca!
Khoảnh khắc ơ-rê-ca là có thật; ý tưởng tuyệt vời có thể tự nhiên nảy ra trong đầu bạn.

Trong diễn văn ở buổi lễ tốt nghiệp tại trường đại học Harvard vào tháng năm, Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành Facebook, cảnh báo những sinh viên mới ra trường rằng không nên tin câu chuyện về ý tưởng mà Hollywood kể - cụ thể là "ý niệm về một khoảnh khắc ơ-rê-ca duy nhất" mà trong đó một người có được sự thông suốt kiệt xuất. Mark miêu tả ý tưởng này như "một lời nói dối nguy hiểm" mà kìm hãm sự sáng tạo đích thực.

 "Bạn biết phim ảnh còn làm sai điều gì về phát minh không?" Ngài Zuckerberg thêm vào. "Không ai viết công thức Toán học trên kính cả. Đó không phải sự thực."

Thật ra, đó sự thật, mặc dù đôi khi mọi người khắc công thức lên đá nếu không có kính để viết lên.

Ví dụ một ngày năm 1843, nhà toán học người Ai-len William Rowan Hamilton đang tản bộ dọc kênh Royal ở Dublin thì bỗng có một ý tưởng. Sau này ông miêu tả lại, "dường như một mạch điện đóng lại và một dòng điện xẹt qua." Sự nhận thức của Hamilton liên quan đến cái gọi là số phức ngày nay. Ý tưởng của ông dưới dạng một công thức toán học đã trở thành (và vẫn đang là) một công cụ quan trọng cho kĩ sư và các nhà vật lý học.

Hamilton ngay lập tức khắc phương trình này lên một hòn đá ông tìm thấy dọc bờ kênh.

Câu chuyện này chỉ ra rằng khoảnh khắc ơ-rê-ca không phải "một lời nói dối nguy hiểm." Trái lại, khoảnh khắc này hoàn toàn có thật và là một lực thúc đẩy mạnh mẽ cho các phát minh và sự phát triển.

Rất nhiều tiến bộ bắt nguồn từ một tiếng sét giác ngộ. Những ví dụ khác bao gồm sự thấu hiểu về hoán vị gen của nhà nghiên cứu gen Barbara McClintock, việc Paul McCartney nghe được giai điệu của bài "Yesterday" trong đầu khi ông tỉnh dậy vào một buổi sáng, sự nhận thức về cách các tế bào thần kinh giao tiếp với nhau của nhà dược học Otto Loewi, và sự giác ngộ của Phật về bản chất sự thống khổ của con người.

Các nghiên cứu đã chứng minh những câu chuyện lịch sử. Những thí nghiệm mà nhà tâm lý học thần kinh Roderick W. Smith và tôi thực hiện vào những năm 1990 chỉ ra rằng một người có thể giải quyết một vấn đề - ví dụ một từ đảo chữ - bằng cách đột nhiên có được lời giải đầy đủ. Hiểu biết đôi khi đến với chúng ta dưới dạng hoàn thiện. Những nghiên cứu gần đây cũng nêu ra rằng những giải pháp "aha" có xu hướng đáng tin cậy hơn những câu trả lời được tìm ra theo phương pháp truyền thống và có ý thức.

Nghiên cứu hình ảnh não tại phòng lab của tôi và của cộng sự Mark Beeman cho thấy những khoảnh khắc ơ-rê-ca có liên quan tới một hoạt động tần số cao đột ngột ở thuỳ thái dương. Hoạt động này được bắt đầu bằng một giai đoạn vô thức ngắn mà trong đó con người nhận thức mơ hồ hơn về môi trường xung quanh. Cả hai hoạt động não này đều không phát hiện được khi một người giải quyết vấn đề bằng cách phân tích.

Một số người có thiên hướng có nhiều khoảnh khắc ơ-rê-ca hơn những người khác - não của họ có vẻ hoạt động theo một khuynh hướng hơi khác biệt - nhưng hầu hết mọi người đều thỉnh thoảng có những giây phút sáng tạo. Thậm chí nuôi dưỡng chúng là điều khả thi. Nghiên cứu đã tiết lộ những yếu tố kích thích não rơi vào trạng thái dễ tạo ra khoảnh khắc ơ-rê-ca. Một trong những yếu tố mạnh mẽ nhất, theo tôi và đồng nghiệp, chính là cảm xúc: Mọi người có xu hướng có những khoảnh khắc sáng tạo khi họ đang trong trạng thái tích cực và thư giãn. Khi họ lo lắng, suy nghĩ thu hẹp lại và trở nên cẩn trọng; điều này có thể giúp họ phản biện và trau chuốt ý tưởng.

Mặc dù hiểu biết kiểu ơ-rê-ca xuất hiện ngẫu nhiên trong đầu bạn, điều quan trọng cần phải nhấn mạnh là chúng không được sinh ra từ con số 0. Chúng thường là những kết nối mới từ những thứ bạn đã biết rồi. Khả năng tạo ra những kết nối mới của bạn bị giới hạn hoặc được xúc tiến bởi lượng kiến thức mà bạn có. Vậy nên nếu mục tiêu của bạn là có được ý tưởng mới, đầu tiên bạn phải làm bài tập trong lĩnh vực mà bạn muốn sáng tạo.

Cũng phải nhắc thêm rằng mặc dù ý tưởng sáng tạo và suy nghĩ phân tích là hai trường phái suy nghĩ khác biệt, chúng bổ sung lẫn nhau. Một số khoảnh khắc ơ-rê-ca sinh ra ý tưởng cần phải phát triển thêm trước khi được thi hành. Đôi khi một dự án phức tạp cần nhiều hiểu biết, mỗi cái đều qua phân tích, sản xuất, trau chuốt và tổng hợp lại.

Tương tự, bạn có thể muốn tiếp cận một vấn đề theo hướng phân tích. Sau đó, khi cảm thấy bế tắc, hãy nghỉ ngơi hoặc làm gì đó đỡ áp lực hơn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tâm trí bạn làm việc ngay cả trong trạng thái vô thức để tạo ra khoảnh khắc ơ-rê-ca sau này. Thay đổi giữa hai trường phái suy nghĩ này có thể là phương pháp hiệu quả để kiến tạo, phản biện và hoàn thiện ý tưởng của bạn, dù có là giải pháp cho cuộc sống hằng ngày hay một điều gì vĩ đại.

Với tất cả sự tôn trọng ngài Zuckerberg (và bài phát biểu đầy động lực và đáng ngợi khen), ý niệm về khoảnh khắc ơ-rê-ca không hề nguy hiểm. Nó là sự giải phóng. Biết được rằng một ý tưởng tuyệt vời có thể nảy ra trong đầu bất kỳ lúc nào là một suy nghĩ hào hứng.

Hãy viết điều đó lên kính hoặc khắc lên đá. Không thì đăng lên Facebook nhé.  

Trạm Đọc 

Theo NY Times

Tags: