"Nỗi buồn chiến tranh" - viết về chiến tranh thời hậu chiến, từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp (2)
Vậy phải chăng Nỗi buồn chiến tranh là một “tiểu thuyết đen” về chiến tranh, bấn loạn, “rối bời” và đầy những hình ảnh kinh hoàng về chiến tranh giải phóng dân tộc và những mảnh đời chiến bại của những cựu chiến binh trong những năm tháng hậu chiến?

Phần 1

Từ góc nhìn này, có thể rọi một ánh sáng khác vào mối quan hệ kỳ lạ vượt qua tuổi tác giữa cha của Kiên và Phương. Cha và dượng của Kiên thuộc về cùng một hệ thống, chính xác hơn, một kiểu nhân vật. Họ nổi bật ở sự yếu đuối và lạc loài. Họ là những hình ảnh cuối cùng buồn bã của một lớp người đã qua, một thứ chứng tích của thời thuộc địa, những nhà thơ thời tiền chiến (dượng của Kiên) và những hoạ sĩ thời mỹ thuật Đông Dương (cha của Kiên). Cắm rễ vào một thời đại nhất khứ bất phục phản, không thể hoà nhập vào đời sống và thời đại hiện tại, họ như những cái bóng hiu hắt của quá khứ. Ở phương diện đó, những con người này vừa có ý nghĩa như một sự đối chiếu, vừa nổi bật ở một khả năng tiên cảm về thời đại sắp tới. Khả năng tiên cảm ấy thể hiện ở những lời tiễn biệt buồn bã như một lời trăn trối của dượng với Kiên trước ngày anh ra trận. Nó thể hiện trong cái nghi thức man rợ và dấy loạn của cha Kiên - đốt đi toàn bộ tác phẩm của mình trước khi ông từ giã cõi đời. Đối với ông, hành vi đốt tác phẩm thể hiện điểm tột cùng của một sự lạc loài, đồng thời cũng là tiên cảm về mặt bên kia của một thời đại chiến tranh đang tới, một thời đại anh hùng nhưng tột cùng đe doạ đối với cái Đẹp – cái giá đau đớn của chiến tranh. 

Những chiến sĩ hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn năm 1966. Ảnh: Lê Minh Trường.

Đi qua chiến tranh với hành trang là những kỷ niệm có thể là êm đềm, có thể là ác hại, Kiên trở thành người bị cầm tù của quá khứ với một thứ “thiên mệnh” thiêng liêng- ngược về quá khứ. Anh cũng phải trải qua những vật vã trong sáng tác và những đau đớn trong cuộc đời hiện tại như cha mình. Và hành động cuối cùng trong cuộc đời nghệ sĩ của anh cũng là một nghi lễ thiêu huỷ toàn bộ sản phẩm tinh thần của cuộc đời mình. Hành động đó mang một ý nghĩa hai mặt. Với Kiên, hoàn thành cuốn tiểu thuyết đồng nghĩa với việc hoàn tất một thiên chức, thiên chức kể lại, viết lại, làm sống lại những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã phai tàn, bừng sáng lại những giấc mộng xưa, thiên chức nói thay lời trăn trối của những người đã khuấtvề sự nghiệp liêng đau khổ của người lính chống Mỹ, để cho tiếng nói của “cả một thế giới, một thời đại, cả một lịch sử không bị vùi xuống lòng sâu đất ẩm cùng với thân xác vô danh của những người lính. Vượt qua những kinh hoàng và bạo hành của chiến tranh, vượt lên trên cái sức mạnh huỷ diệt của chiến tranh, cái còn lại, cái sức mạnh thực sự làm nên vẻ đẹp tinh thần của cuộc kháng chiến, cái bất tử mà chiến tranh không thể huỷ diệt nổi chính là bất diệt những tình người. Chỉ khi thức nhận được chân lý bình dị nhưng cũng đau đớn đó, Kiên mới có thể giải thoát khỏi gánh nặng của những ám ảnh đen tối của quá khứ. Hình tượng Kiên và người cha của anh trước hết cần được hiểu như những số phận dị thường, những thực thể cô độc và cá biệt mà một thứ thiên mệnh vô danh, thiêng liêng và cao cả, song tuyệt đối bí ẩn đã buộc họ phải trải qua những cảnh huống đầy trái ngược của lịch sử.

Chính bởi thiên mệnh ấy mà anh có một tuổi thơ như thế, một tuổi hoa niên, một thời chiến trận như thế và tóm lại, một cuộc sống như đã sống suốt bốn chục năm qua với những đau khổ và hạnh phúc như thế. Cũng vì mang trong đời một định mệnh huyền cơ nào đấy nên anh mới có thể sống sót qua cuộc chiến tranh với những hoàn cảnh mà bình thường ra không thể có cơ hội thoát chết. Ánh sáng trong suốt và hình bóng vô hình của một thiên mệnh như thế thực ra đã từng biểu hiện trong đời anh nhưng thoảng lướt và bất chợt đến nỗi không bao giờ anh kịp hiểu, không bao giờ kịp níu giữ.

Vị thế cô độc và số phận dị thường ấy giúp họ nhìn thấy được những góc khuất của lịch sử. Cái nhìn của họ không phải là sự phản chiếu cái nhìn cộng đồng về lịch sử mà nó là một cái nhìn, một suy nghiệm cá nhân về lịch sử. Chỉ có điều, nếu như cha của Kiên sau khi đã thấu thị những đe doạ của một thời đại mới đối với cái đẹp, ông dừng lại ở bên này cánh cửa của lịch sử thì Kiên lại đi theo một hành trình khác: dấn thân vào chiến tranh, trải nghiệm những cảnh huống kinh hoàng của chiến tranh và ra khỏi chiến tranh với gánh nặng của những kỷ niệm đau đớn. Sự thức nhận của nhân vật chính trong thời điểm kết thúc cuộc hành trình tâm tưởng của anh trong những ngày hậu chiến phản ánh một dạng thức của chủ nghĩa anh hùng: đối diện với sự thật đau thương của chiến tranh để chạm đến ý nghĩa đích thực, đẹp đẽ và cao cả của cuộc chiến – một  thứ chân lý cao cả được giác ngộ từ những trải nghiệm đau đớn. Ở đó, anh nhận ra cái bản chất hai mặt của chiến tranh: 

Những ngày đau thương nhưng vinh quang. Những ngày bất hạnh nhưng tràn ngập tình người. 

Chính vì vậy nên với Kiên trở về với những hồi ức của chiến tranh không chỉ là trở về với những ám ảnh kinh hoàng của trận mạc mà còn là cuộc hành trình trở về để được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã biến mất, đã già cỗi hoặc biến tướng. (…) về gần với tình yêu, với tình bạn, tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua ngàn nỗi đau đớn của chiến tranh. Và bay bổng trên cuộc hành hương ngược về quá khứ, trên sự thức nhận nhọc nhằn, đau đớn nhưng tuyệt đẹp đó là nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn của những con người đã đi qua và trải nghiệm chiến tranh, đã chứng kiến sức mạnh huỷ diệt của chiến tranh, chứng kiến sự trỗi dậy của cái ác trong chiến tranh, chứng kiến những gì tốt đẹp nhất bị giết chết trong chiến tranh, chứng kiến những người ưu tú nhất, tốt đẹp nhất, xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi dương bị tước đoạt sự sống trong chiến tranh. Nhưng cũng chính sự dai dẳng của nỗi buồn ấy cũng là minh chứng cho một cái  gì không thể bị huỷ diệt bởi chiến tranh: Nhân tính và Tình người. Đó chính là cảm giác mà Người trần thuật khái quát trong điểm kết thúc cuốn tiểu thuyết:

Nhưng chúng tôi cùng chia xẻ chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mông, nối buồn cao cả, vượt lên trên mọi niềm hạnh phúc, mọi nỗi bất hạnh. Nhờ có nó, chúng tôi đã sống sót qua cuộc chiến, thoát khỏi cảnh giết chóc triền miên, thoát khỏi sự bao vây đau đớn của súng đạn, lưỡi lê, sự ám ảnh của bạo hành để trở về, mối người theo một con đường khác nhau, với cuộc đời, một cuộc đời, không chắc đã hạnh phúc hơn, (…), nhưng đó là cuộc đời tốt đẹp nhất mà chúng tôi có thể mơ ước, cuộc sống trong hoà bình.

Trong ý nghĩa cuối cùng của tác phẩm đó, có lẽ, đã đến lúc phải trả lại tên thật cho cuốn tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh.

Nguồn ảnh: Spiderum

4. Cái nhìn mới về hiện thực chiến tranh và con đường mới viết về chiến tranh trong thời hậu chiến

Trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã xác lập một cái nhìn mới về hiện thực lịch sử – hiện thực chiến tranh. Mới trong sự đối chiếu với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh và trước 1986. Cái mới ở đây được xác định không chỉ ở việc anh đưa vào trong tác phẩm của mình những chất liệu hiện thực chưa từng có trong văn học chiến tranh mà trước hết thể hiện ở việc anh đã tìm đến một phương pháp tiếp cận hiện thực khác với phương pháp điển hình hoá của văn học hiện thực truyền thống. Anh không tiếp cận hiện thực thông qua những nhân vật điển hình, hoặc mang tính phản ánh, hoặc mang tính lý tưởng. Anh xây dựng và tô đậm tính cá biệt của số phận nhân vật. Anh rời bỏ phạm vi tồn tại xã hội và đi sâu vào chiều kích tâm lý của nhân vật. Chính vì vậy, nhân vật chính trong cuốn sách của Bảo Ninh có giá trị vừa như một số phận đặc biệt, vừa như một thứ Nhân vật – Người chứng. Dạng thức này tạo nên một khoảng cách giữa nhân vật và hiện thực lịch sử đồng thời thay đổi bản chất quá trình phản ánh hiện thực trong tác phẩm. 

Trong một cái nhìn rộng hơn, sự xác lập cái nhìn mới về hiện thực trong tiểu thuyết của Bảo Ninh tương ứng với những thay đổi về quy chế tồn tại của người nghệ sĩ và đời sống văn học và đời sống xã hội. Nỗi buồn chiến tranh được ra đời từ những thay đổi của văn học Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, mà một trong những tiến trình nòng cốt chính là khẳng định vai trò độc lập của cá nhân nghệ sĩ trong đời sống văn học nghệ thuật. Đó cũng là thời điểm cố nhà văn Nguyễn Minh Châu công bố tiểu luận Hãy viết lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ trên tuần báo Văn nghệ. Theo đó, người nghệ sĩ không chỉ phản chiếu cái nhìn về hiện thực của cộng đồng mà còn có trách nghiệm, bằng lao động nghệ thuật, làm phong phú hơn cái nhìn đó bằng những sáng tạo cá nhân. Trong một cái nhìn có tính liên văn bản, có thể thấy kiểu Nhân vật – Người chứng, hành trình “đi tìm thời gian đã mất” của kiểu nhân vật này và môtíp chuyến đi tìm hài cốt đồng đội (có ý nghĩa như một ẩn dụ) trong tác phẩm của Bảo Ninh cũng từng được báo trước trong những tác phẩm có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong văn học chiến tranh của Nguyễn Minh Châu : Mùa trái cóc ở miền NamCỏ lau

"Nỗi buồn chiến tranh" được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh nằm trong một dòng chảy chung của văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh. Có những thao thức xuyên suốt sáng tác của những nhà văn viết về chiến tranh thời hậu chiến này. Là những công dân, họ viết về chiến tranh trong một trách nghiệm văn hoá: tìm đến cội nguồn lý giải sức mạnh của con người Việt Nam, đi qua cái tàn khốc của chiến tranh và làm nên Chiến thắng. Là những người lính, họ viết về chiến tranh trong một món nợ tinh thần với những người đã khuất: làm sống lại hình ảnh của những đồng đội thân yêu và ruột thịt, vô số và vô danh, những liệt sĩ của lòng nhân, đã làm sáng danh đất nước này và đã làm nên vẻ đẹp tinh thần cho cuộc kháng chiến. Là những nghệ sĩ có bản lĩnh trí thức, họ đối diện với thực tại của chiến tranh để phản ánh được những mất mát thật sự đối với một dân tộc: sự tổn thương nhân tính và tình người. Độ lùi thời gian sau chiến tranh và nền văn hóa hậu chiến đặt ra cho tác phẩm những câu hỏi khác với văn học viết về chiến tranh trong chiến tranh.

Một du kích ở đồng bằng sông Cửu Long chèo thuyền qua một khu rừng ngập mặn đã rụng lá do chất độc da cam, năm 1967. Ảnh: Lê Minh Trường.

Riêng Bảo Ninh, anh đã đẩy những khuynh hướng nghệ thuật của những nhà văn đi trước đến một chiều kích mới. Anh quyết liệt từ bỏ hình thức tiểu thuyết hiện thực truyền thống để theo đuối tiểu thuyết tâm lý. Anh đưa vào những chiều kích hiện thực chưa từng có trong  tiểu thuyết của những nhà văn thế hệ trước: yếu tố tình dục, những “hình ảnh đen”  về chiến tranh,… Nhưng đồng thời, anh cũng sáng tạo nên một sắc thái anh hùng mới của văn học viết về chiến tranh. Bảo Ninh cụ thể hoá nó thành những dòng tâm tư khủng khiếp của những ám ảnh theo đuổi cựu chiến binh Kiên suốt quãng đời hậu chiến. Dẫu vậy, trong anh, những đau đớn của cuộc sống hiện tại còn xuất phát từ sự lạc lõng của anh trước nền hoà bình thản nhiên thời hậu chiến. Chính sự xung đột ấy khơi dậy trong anh cái thiên mệnh phải làm phục sinh lại quá khứ, như một cuộc đấu tranh chống lại sự lãng quên. Và cũng chính trong cuộc hành trình đau đớn để làm phát lộ những chân lý đầy nhân bản về chiến tranh và con người trong chiến tranh đó, hắt lên một ánh sáng khác vào toàn bộ quá khứ trận mạc của anh. Đối với Kiên, sống ngược trở lại con đường của mối tình xưa, chiến đấu lại cuộc chiến đấu, làm sống lại những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã phai tàn, bừng sáng lại những giấc mộng xưa có ý nghĩa như một con đường cứu rỗi của anh. Cứu rỗi bởi lẽ quãng đời chiến trận dẫu là quãng đời khủng khiếp nhất mà anh đã phải trải qua những cũng là quãng đời đẹp đẽ nhất mà một con người có thể được sống. Trở về với quá khứ chính là trở về với tất cả những gì đẹp đẽ nhất đó, trong một thứ ánh sáng thiêng liêng. 

Bảo Ninh thuộc về một kiểu người viết đặc biệt của văn học Việt Nam đương đại: những nhà văn từng đi qua chiến tranh với tư cách người lính. Ở Việt Nam, hầu hết những thành tựu chính của văn học viết về chiến tranh đều thuộc về kiểu tác giả này. Một số người trong số họ không còn nữa, một số người vẫn tiếp tục sáng tác (Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Bảo Ninh…) Nhưng, bằng những thành tựu nghệ thuật không thể phủ nhận của văn học viết về chiến tranh từ 1986 đến nay, những nhà văn này đã khẳng định cho một con đường tìm tòi nghệ thuật: nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh, bằng những trải nghiệm và cái nhìn cá nhân, tái hiện lại cái chiều kích đau thương và bộ mặt tàn khốc không thể quy giản của chiến tranh, nói lên tiếng nói cảnh báo về những hiểm hoạ của chiến tranh để lại sau chiến tranh nhưng đồng thời, phục dựng lại hình ảnh của những con người bằng sự chịu đựng và sức mạnh anh hùng đã thực sự làm nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến, tái sinh lại những khát vọng nuôi dưỡng cả một dân tộc trong chiến tranh. Ở điểm đó, có thể khẳng định về sức sống không thể phủ nhận của một con đường nghệ thuật.

Phạm Xuân Thạch / Phê bình văn học

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

"Nỗi buồn chiến tranh" - viết về chiến tranh thời hậu chiến, từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp (1)

Khai thác chiến tranh từ những góc nhìn khác: Những cuốn sách viết từ hậu chiến

Khi xã hội xuống cấp, nhà thơ - người ở đâu?

Khoảng cách thế hệ và những đứt gãy vô hình

 

Tags: