'Nỗi bất hạnh chỉ là điều mộng du'
'Nỗi bất hạnh chỉ là điều mộng du'
Thơ của Czeslaw Milosz là thơ của các giác quan và trí tuệ, đời sống và lịch sử, là thơ siêu hình, và cũng đậm chất tự truyện của tác giả.

Bằng tài năng, suy nghiệm và say mê đặc biệt, Czeslaw Milosz đã xây dựng một thế giới nghệ thuật riêng biệt, khi các hình ảnh thơ đều cùng tồn tại trong sự hài hòa giữa trí tuệ và lãng mạn.

Cuộc đời nhiều thăng trầm cũng ảnh hưởng không ít đến sự nghiệp văn chương của ông. Trong đó, tình trạng lưu vong đã khiến Czeslaw Milosz có những suy tưởng sâu sắc hơn về số phận con người cũng như về những rối ren, nhiễu loạn của đời sống.

Trong bài thơ Đôi mắt, ông đã bày tỏ nỗi đau đớn khi phải dùng đôi mắt của mình để nhìn thấy những điều giả dối của đời sống:

 

 

Tôi đang dần rời xa thế giới này – phiên chợ

Và cảm thấy hình như không thích thú

Với những hét hò, những chống chiêng ầm ĩ

Những bộ đồ kệch cỡm nhái y chang 

 

 

Ông giữa một thái độ phê phán, chán chường với đời sống nhố nhăng, nhưng không phải vì thế mà ông chối bỏ cuộc sống. Ngược lại, Czeslaw Milosz rất chú trọng vào những nét thường tình giản dị trong mối liên kết với đời sống của con người.

 

Nhiều bài thơ trong tập Phố Descartes viết về tình yêu, tình yêu mang phong vị Czeslaw Milosz. Như trong bài Chúc ngủ ngon, Czeslaw Milosz đã viết những câu thơ rất giản dị nhưng lại vô cùng cảm động và sâu sắc về tình yêu:

 

 

Chúng ta cùng chung số phận nhọc nhằn

Một nỗi âu lo dũng mãnh

Một chiếc bánh mỳ đắng cay

Một hạt muối đầy nước mắt

Vậy nên, em yêu

Hãy bỏ tất cả những muộn phiền

Và thanh thản ngả đầu vào bờ vai anh vững chắc

 

 

Đó cũng là cách Czeslaw Milosz tìm “đêm nhân từ” trong cuộc đời mà ông hiểu rằng vô cùng khắc nghiệt này, để nhận ra rằng “Nỗi bất hạnh chỉ là điều mộng du”.

Đề tài sáng tác trong thơ của Czeslaw Milosz khá phong phú, và đầy sự suy nghiệm. Với gần 100 bài thơ được chọn từ cả nghìn bài thơ, dịch giả Tạ Minh Châu có lẽ cũng đã vô cùng nỗ lực, với mong muốn chắt lọc được những tinh túy nhất trong sáng tác của Czeslaw Milosz.

Dịch giả cũng cho rằng nhà thơ là một trí thức được đào tạo cơ bản về văn học và triết học, ông thấu hiểu sự phức tạp của thế giới mà chúng ta đang sống, thấu hiểu từng nỗi đau, từng niềm vui của mỗi cá nhân cũng như của cả nhân quần, với nhiệt huyết cháy bỏng, với cốt cách không bao giờ bị khuất phục. Ông luôn bằng mọi cách đấu tranh để con người nhận ra và không được phép thờ ơ, vô cảm trước bất công và đau đớn…

Quả thực, lần lượt đọc 100 bài thơ của tập Phố Descartes giúp bạn đọc có thể gặp gỡ tác giả ở những vần thơ đẹp nhất trong nỗi trăn trở về sự sống, cái chết, về đau khổ, cô độc, tình yêu, dâng hiến... thế nhưng tựu chung lại, thơ Czeslaw Milosz đến cùng vẫn là sự tìm tòi thấu hiểu những sâu thẳm bản chất và khao khát của con người, để rồi viết nên “những lời ngợi ca cuộc sống”:

Nhiều bài thơ trong tập Phố Descartes viết về tình yêu, tình yêu mang phong vị Czeslaw Milosz. Như trong bài Chúc ngủ ngon, Czeslaw Milosz đã viết những câu thơ rất giản dị nhưng lại vô cùng cảm động và sâu sắc về tình yêu:

“Tôi cảm thấy

Với tình cảm lớn lao dành cho nhau như vậy

Rồi sự thật cuối cùng cũng có thể hiện ra”

(Khi trăng)

Sự thật ấy phải chăng là sự thật về tình yêu đời sống tha thiết mà ông luôn mang nặng trong mình.

Một điểm dễ nhận thấy trong tập thơ chính là những đối thoại thi ca nghệ thuật của một người làm sáng tạo. Trong bài thơ Nghệ thuật thi ca, Czeslaw Milosz viết:

"Tôi đã luôn khao khát một hình thức có dung lượng lớn

Có thể không phải quá thơ cũng chẳng phải văn xuôi

Một hình thức cho phép hiểu nhau mà không làm tổn hại

Không làm đau đớn thêm bất kỳ ai

Cả người viết cũng như bạn đọc"

 

Nhà thơ người Ba Lan Czeslaw Milosz.

Có lẽ bởi những suy tư ấy trong suốt quá trình sáng tạo của mình, Czeslaw Milosz đã tìm tòi ở nhiều thể loại ngoài thơ như tiểu luận, tiểu thuyết, tự truyện...  Đó là ý thức “tử tế”, là những điều khiến Czeslaw Milosz trở thành một tác giả được coi trọng tại Ba Lan cũng như thế giới.

Năm 1980, ông nhận giải Nobel vì "các sáng tác thể hiện nỗi đau khổ của con người không được bảo vệ trong một thế giới mà họ đã phải đến sống sau khi bị đuổi khỏi thiên đường".  

Ngoài ra, ông còn nhận được rất nhiều giải thưởng của Ba Lan, Mỹ, là tiến sĩ danh dự của Đại học California, Đại học Cơ đốc Dublin, Đại học New York,.... Milosz được coi là một trong những nhà thơ Ba Lan vĩ đại nhất, sánh ngang với Adam Mickiewicz.

Ông mất tại Krakow ngày 14/8/2004.

 Trạm Đọc

Theo Zing

Tags: