Những thành phố trôi dạt: Khi con người đánh mất mình trong văn hóa đô thị
Những thành phố trôi dạt: Khi con người đánh mất mình trong văn hóa đô thị

Là một tác phẩm có cấu trúc và cách dẫn truyện tương đối mới so với các cây viết trẻ ở Việt Nam, đặc biệt là khi các loại sách truyền cảm hứng thì bị lệch thành self-help, còn truyện ngắn thì bị biến thành tản văn.

Cuốn "Những thành phố trôi dạt" của Nguyễn Vĩnh Nguyên, chỉ riêng cái tên thôi là sẽ khiến mọi người liên tưởng ngay đến "Những thành phố vô hình" của Italo Calvino, tác phẩm đã truyền cảm hứng cho cuốn sách này, từ ý tưởng cho tới cấu trúc luôn. Thường thì các thành phố đều có một cái "theme" ví dụ như thành phố của người chết, thành phố khỉ (ý tưởng từ cuốn Hành tinh khỉ), thành phố Gương...

Nếu trong tác phẩm của Italo chỉ kể về những thành phố siêu thực với những câu văn tương đối phức tạp thì Nguyễn Vĩnh Nguyên kể mọi thứ lung tung hết cả lên, lúc thì là lời kể ở ngôi thứ 3, lúc thì xưng "Tôi", khi thì là một lá thư gửi cho người khác. Anh chê sự bất nhất của thành phố của những con người cao, vừa, lùn dễ dãi sẵn sàng chung sống với nhau với đủ các căn nhà lộn xộn và dùng sự đa dạng để biện minh cho sự thiếu nhất quán trong khi chính bản thân anh, người viết tác phẩm ra cũng thiếu nhất quán.

Chúng ta có thể bắt gặp đủ các thành phố trong cuốn sách: những thành phố nơi có người ngủ quên dưới gốc cây mà không bao giờ tỉnh lại, những thành phố mà sách bị giam trong những thư viện mục ruỗng, những thành phố được xây dựng rồi tan chảy trong một ngày như những chiếc kem, những thành phố từ tro cốt người chết…Tràn ngập trong các trang sách là mỗi câu chuyện—một thành phố nhưng đầy uẩn khúc.

Thành phố không được xây nên bởi sự vật, nó được tạo ra bằng những kí ức được chôn chặt nơi góc phố. Lịch sử của thành phố là một lịch sử trôi dạt, Hay nói cách khác, mỗi một sự sự thay đổi của đô thị là một lần thành phố được đẩy tới bờ kia của một hỗn loạn mới và một trật tự mới.

Nhưng không chỉ có những thành phố hào hùng hay lộng lẫy, trong cuốn sách này có cả những thành phố với câu chuyện nhẹ nhàng và lãng mạn như nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu—nơi tôi sống, hay góc phố bạn vẫn hay đi qua mỗi ngày. Cuốn sách mở đầu bằng một mùi hương quyến rũ được chôn sâu dưới mộ huyệt và kết thúc ở một quán cà phê thời công nghệ. Để ta biết được rằng các thành phố vẫn tuần hoàn và những vòng quay của các đô thị sẽ mãi mãi hàng nghìn năm sau. Chỉ là những văn bản nhỏ kể về những cuộc gặp gỡ của lữ khách với thành phố, nhưng dường như đi mãi chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ tìm được một thành phố hoàn hảo. Vì cái gì cực thịnh rồi lại suy tàn.

 

Tôi thấy không cần thiết định dạng thể loại cho quyển sách này, bạn đọc có thể xem nó như một tiểu luận, những bài thơ, hay những chuyện rời... Chung quy lại đọc cũng là trôi dạt, trước khi đọc bạn là người khác, sau khi đọc một quyển sách dù hay dở thế nào, bạn cũng sẽ khác.— Nguyễn Vĩnh Nguyên.

 

 

Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, nhưng lớn lên ở Ninh Thuận, tốt nghiệp trung học phổ thông, anh trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt.

Anh là cây bút truyện ngắn, tản văn quen thuộc của nhiều tờ báo. Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có nhiều tập truyện ngắn như Khu vườn lưu lạc (2007), Động vật trong thành phố (2008) hay Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (2011)... Đà Lạt một thời hương xa là tập sách thứ hai của Nguyễn Vĩnh Nguyên về thành phố mờ sương sau Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách.

 

Tags: