Những Ổ MỌT chất nhất quả đất: Năm thư viện trên thế giới luôn mở cửa bất chấp mọi điều kiện
Những Ổ MỌT chất nhất quả đất: Năm thư viện trên thế giới luôn mở cửa bất chấp mọi điều kiện
Với các "mọt sách" thì không gì tuyệt bằng việc được làm tổ trong một thư viện nào đó luôn mở của 24/7. Dù hơi khó tin nhưng quả thực, trên thế giới có những thư viện như thế - những thư viện luôn mở của bất chấp mọi điều kiện.

Nhân ngày sách thế giới, hãy cùng điểm qua các thư viện từ Ai Cập đến Dominica, những thư viện luôn mở cửa bất chấp những mối đe dọa sống còn, thời tiết khắc nghiệt, hay khủng bố.

 

Thư viện vô hình ở Cairo, Ai Cập

Căn biệt thự đã được sửa sang lại tại một quận giàu có ở phía Nam thành phố Cairo là địa điểm của câu lạc bộ Bardo, trung tâm văn hóa náo nhiệt với một thư viện ở tầng trệt. Thư viện được thành lập bởi một người yêu sách đến điên cuồng - Omar Amin, cũng là người đã bỏ công việc trong ngành tiếp thị của mình vào tháng 11, để cống hiến toàn thời gian cho thư viện. Bộ sưu tập sách đa ngôn ngữ được hình thành nhờ sự quyên góp của mọi người, trong đó bao gồm cả bản in đầu tiên của Harry Potter và Kafka’s Amerika bản in năm 1927 mà Amin đã tìm được khi đang lục lọi trong chợ sách ở thủ đô Ai Cập.

Đó là một thời điểm mạo hiểm với việc thành lập thư viện. Thư viện Al-Karama đã bị lục soát bởi lực lượng an ninh Ai Cập vào tháng 12 năm 2016, đó là một phần trong cuộc đàn áp tự do ngôn luận. Theo Ủy ban bảo vệ các nhà báo cho biết, hai mươi phóng viên đã bị bắt giữ vào năm 2017; và nhà văn đồng thời cũng là nhà hoạt động xã hội người Ai Cập - Basma Aziz báo lại rằng: “Có rất nhiều nhà xuất bản trở thành mục tiêu để gây rối.” Bất chấp những mối nguy đó, Amin vẫn muốn khuyến khích mọi người trong thành phố điên loạn ở Cairo này, tìm lại niềm vui giản đơn từ việc đọc.

 

Thư viện công cộng Kabul, Afghanistan

Được hợp nhất từ hai thư viện nhỏ vào năm 1966, thư viện Kabul đã chứng kiến sự cai trị dưới chế độ Cộng Sản, nội chiến, rồi sự cai trị của Taliban, và cả sự thiếu ổn định đã phá hủy đất nước bởi sự xâm lược của quân liên minh năm 2001.

Bạo lực đang gia tăng ở Kabul, và thư viện thì đang trong tình trạng đổ nát: “Các cuộc xung đột tiếp diễn đã cản trở dịch vụ thư viện, nhiều người e ngại việc ra khỏi nhà trong bất kì khoảng thời gian nào.” Qayoom Suroush - một nhà phân tích chuyên về Afghanistan cho biết. “Nói ngắn gọn thì, họ cần tất cả mọi thứ cần thiết cho một thư viện hiện đại. Họ cần những cuốn sách mới, hệ thống điều hành hiện đại, những thủ thư chuyên nghiệp, và cả các tòa nhà.”

Tuy Afghanistan có rất nhiều nhu cầu cấp thiết, nhưng thư viện là nơi cần có để giao tiếp xã hội và trao đổi học thuật, Suroush còn bổ sung rằng thư viện, “có thể giúp những người trẻ tuổi hiểu được không có việc đọc riêng biệt nào chỉ dành cho Đạo Hồi, và mọi người đều có quyền theo đuổi niềm tin của mình.”

 

Thư viện vô danh ở Mogadishu, Somalia

Nơi này vẫn chưa có một cái tên, nhưng không gian đen trắng luôn rộng mở như một thư viện ở Mogadishu giống với kiểu mẫu phương Tây ở thủ đô Somalia.

Với những cuộc tấn công thường xuyên của nhóm Hồi giáo Al-Shabaab và đất nước thì đang trên bờ vực đói kém, Mogadishu là một nơi đầy thách thức để sống và làm việc. Nhưng Badra Yusuf và Abdulrahim Aden, những người đang giúp đỡ việc thành lập thư viện, hy vọng nó có thể đóng góp cho văn hoá đọc.

 

Thư viện công cộng Roseau, Dominica

Với phong cách ban đầu của kiến trúc năm 1843 và tòa nhà tuyệt đẹp được xây dựng vào năm 1906, thư viện công cộng Roseau tự hào với bộ sưu tập về những mảng lịch sử đen tối và văn học Caribbean hơn 100 năm qua. Nhưng khi cơn bão Maria tấn công hòn đảo vào năm ngoái, thư viện đã mất mái và cả 25.000 cuốn sách.

Thư viện được mở lại trong một không gian tạm tại Trung tâm Tài liệu Quốc gia vào tháng 12 năm 2017, sau khi được Book Aid tặng 2000 quyển sách. Thủ thư Veranda Raymond nói rằng cô vẫn cam kết cung cấp, đặc biệt là cho những sinh viên mất hết sách vở, kết nối internet và địa điểm để học tập trong cơn bão. "Không gian của chúng tôi bị giới hạn," cô nói, "tuy nhiên, chúng tôi sẽ sử dụng nó hiệu quả để hỗ trợ cho các thành viên của chúng tôi."

Raymond nói rằng thư viện đang có kế hoạch xây dựng lại, mặc dù sự thay đổi khí hậu đang khiến các hòn đảo hình thành những kiểu thời tiết mới, các thủ thư sẽ phải tự chuẩn bị cho nhiều sự gián đoạn hơn nữa trong tương lai. Cuối cùng, cô nói, kế hoạch vẫn sẽ là xây dựng lại thư viện, mặc dù điều đó sẽ tốn rất nhiều tiền.

 

Thư viện lưu trữ Quốc gia Iraq, ở Baghdad, Iraq

Thư viện lưu trữ Quốc gia Iraq đã phải chứng kiến rất nhiều náo động kể từ khi nó được thành lập vào năm 1920. Thế nhưng trong suốt cuộc xâm lược Iraq của Mỹ vào năm 2003, thư viện đã bị cướp và đốt phá, mất đi 60% số tài liệu lưu trữ và 95% bộ sưu tập sách hiếm.

Việc xây dựng lại và luôn duy trì thư viện ở trạng thái mở cửa trong những năm tháng hỗn loạn sau đó không hề là một nhiệm vụ dễ dàng. Trong bài đăng trên trang web của thư viện Anh, người điều hành thư viện, ông Saad Eskander đã miêu tả hậu quả của một vụ đánh bom vào năm 2007: “Hàng chục ngàn tấn giấy bay dập dờn, như thể trời đang có mưa sách, máu và nước mắt. Cảnh tượng rất quái dị. Vài tờ giấy còn đang cháy trên bầu trời.” Ông thuật lại với tờ Guardian vào năm 2008: “Tôi chưa bao giờ thuê vệ sĩ, bởi điều đó sẽ thu hút sự chú ý. Ý tưởng về việc thuê một vệ sĩ, rồi đổi xe hai hoặc ba lần, là cực kì ngu ngốc. Nếu họ muốn giết bạn, họ sẽ giết. Nếu may mắn thì bạn sẽ sống, còn không, bạn sẽ chết.”

Tình hình tại Baghdad đã được cải thiện kể từ ngày tăm tối nhất trong khoảng thoài gian bất ổn của cuộc chiến, nhưng đây vẫn là một thành phố nguy hiểm, khi một vụ đánh bom hồi tháng 1 đã làm ít nhất 35 người thiệt mạng. Thế nhưng, thư viện vẫn mở cửa, năm ngày một tuần.

Tags: