Những cuốn sách văn học
Những cuốn sách văn học "LÊN NGÔI" vào mùa dịch
Cách ly và giãn cách xã hội khiến cho cuộc sống của nhiều người chậm lại. Đây cũng là khoảng thời gian để nhiều cuốn sách văn học ra đời và được bạn đọc lựa chọn giữa mùa dịch.

Tâm tình mùa cách ly

Nhiều tác phẩm được viết dưới dạng nhật ký, truyện ký, tiểu thuyết, nội dung xoay quanh bối cảnh Covid-19 được nhiều cây bút trong và ngoài nước ra mắt bạn đọc.

Đáng chú là cuốn truyện ký Paris+14 của TS. Cù Thu Hương với những trải nghiệm của tác giả khi quyết định trở về quê hương giữa đại dịch Covid-19.

Trải nghiệm đi cách ly 14 ngày theo quy định ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với nhiều cung bậc cảm xúc đã được tác giả ghi trong cuốn Paris+14 gồm 12 phần như: Tôi không phải là virus!, Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng, Thiên đường yêu thương, Sen bay trong mây, Đất mẹ, Ngôi nhà chung, Lực lượng 24/24, Vòng một, Paris+14 = Hà Nội

Paris 55 ngày cấm túc cũng là nhật ký viết từ tâm dịch của tiến sĩ văn chương Giáng Hương. Tác phẩm khắc họa rõ nét những ngày tháng đặc biệt, không thể nào quên của chính tác giả khi bị cấm túc (giãn cách xã hội) tại Paris vì dịch Covid-19. Đây cũng là khoảng thời gian để chị chiêm nghiệm, học cách trân quý cuộc sống, cội nguồn và những hạt mầm hạnh phúc.

Bìa sách văn học 'Paris 55 ngày cấm túc'. (Nguồn: Phongcachdoisong)

Hoàn thành trong thời gian giãn cách xã hội đầu năm 2020, tiểu thuyết Những ngày cách ly của tác giả Bùi Quang Thắng cũng là một tác phẩm gần gũi với hiện thực cuộc sống, mang tính thời sự mà ai cũng có thể bắt gặp đâu đó quanh mình.

Trong khi đó, Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái của tác giả Iris Lê lại là một cuốn nhật ký y tá cùng với bức tranh toàn cảnh y tế Australia khi Covid-19 bùng phát. Đi cùng những những khó khăn, áp lực với chuỗi ngày làm việc quá tải..., cuốn sách vẫn có những điểm sáng ấm lòng về tình người và lòng nhân ái.

Làm sống lại sách cũ

Trong những sách được tái bản thời gian gần đây có cuốn sách đáng đọc là Cây bút đời người của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn.

Bìa sách "Cây bút đời người" của Vương Trí Nhàn. (Nguồn: NXB Kim Đồng)

Tái hiện con người đời thường và con người sáng tạo của các nhà văn, Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn in lần đầu năm 2002 (NXB Trẻ), được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải B hạng mục phê bình, lý luận năm 2003. Sách tái bản năm 2005 (NXB Hội nhà văn) và vừa qua NXB Kim Đồng đã quyết định in lại cuốn sách đầy công phu này trong tủ sách Bạn văn Bạn mình để phục vụ bạn đọc.

Dịp này, NXB Kim Đồng cũng giới thiệu 6 tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển thế giới được đầu tư làm lại với bản dịch và diện mạo mới, cũng như gần gũi hơn với thế hệ người đọc hiện đại.

Đó là Hắc Tuấn Mã - Hồi kí của một chú ngựa được dịch từ tác phẩm kinh điển Black Beauty: His Grooms and Companions, the Autobiography of a Horse của tác giả Anna Sewell, một tượng đài của văn học thiếu nhi thế giới.

Sách văn học thiếu nhi kinh điển thế giới được ra mắt tại Việt Nam. (Nguồn: NXB Kim Đồng)

Hắc Tuấn Mã - tên của chú ngựa, trong suốt cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, dù chỉ được hưởng những khoảng thời gian thanh bình ngắn ngủi, hiếm gặp cùng những người chủ tốt bụng, biết yêu thương loài vật, nhưng chú vẫn tin vào tình cảm thiêng liêng giữa người chủ và vật nuôi. Đó là ánh sáng hy vọng, là nguồn nước mát xoa dịu phần nào những đắng cay, đau đớn của roi vọt, sự lạnh lẽo thiếu vắng sự thấu hiểu.

Một tác phẩm văn học Anh chọn lọc khác là Chuyện rừng xanh, tuyển tập những câu chuyện về thế giới động vật kỳ thú của Rudyard Kipling - chủ nhân giải Nobel Văn học 1907.

Chuyện rừng xanh là tiếng gọi sinh tồn trong khoảnh khắc sống - chết, nơi bản lĩnh và phẩm chất cao quý được đề cao, dù đó là cậu bé Người sói Mowgli trong cuộc chiến với con hổ thọt hung dữ Shere Khan, hay chú hải cẩu trắng Kotick giữa đại dương bao la tìm một chốn thanh bình cho cả bầy, là chú cầy lỏn Rikki-tikki-tavi diệt rắn hổ mang trả ơn cho ông bà chủ...

Trong khi hai tác phẩm trên được đổi mới từ nội dung bản dịch thì 4 tác phẩm kinh điển còn lại là Cuộc phiêu lưu của Mũi Tên Xanh, Cuộc phiêu lưu của chú Hành, Gelsomino ở xứ sở nói dối và Giữa trời chiếc bánh gatô lại được thể hiện khác biệt bởi các minh họa do họa sĩ Việt Nam trình bày.

Đây là những tác phẩm nổi tiếng nhất của Gianni Rodari và đã được giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ XX. Với việc làm mới tác phẩm thông qua minh họa của các họa sĩ Việt Nam, những tác phẩm này sẽ gần gũi với độc giả hiện nay. Những bức tranh minh họa cũng làm lung linh thế giới cổ tích đầy ẩn dụ của Gianni Rodari.

Những tác phẩm chưa từng in sách

Bên cạnh những cuốn sách văn học dành cho thiếu nhi, NXB Trẻ vừa chính thức cho ra mắt 6 tác phẩm chưa từng được in thành sách của nữ văn sĩ Bà Tùng Long nhân kỷ niệm 106 năm ngày mất của nữ văn sĩ.

Sáu tác phẩm của nhà văn Bà Tùng Long được ra mắt. (Nguồn: Baovannghe)

Nhà văn Bà Tùng Long (1915-2006) là người nổi tiếng trong làng báo phía Nam. Bắt đầu viết văn từ năm 1953 với truyện dài đầu tiên là Đứa con hoang (khi in thành sách đặt là Ái tình và danh dự), tên tuổi bà được độc giả yêu mến nhờ những tiểu thuyết về đề tài xã hội với nhân vật chính là những người phụ nữ bình dân, gần gũi với tầng lớp lao động.

Sau năm 1975, nhiều tiểu thuyết của Bà Tùng Long được in và đông đảo công chúng đón nhận. Và 6 tác phẩm được ra mắt lần này gồm: Tình yêu và thù hận, Hồng nhan đa truân, Nghĩa tình ràng buộc, Người của oán thù, Một thoáng mây bay và Hành trang vào đời.

Đây đều là những phẩm lần đầu tiên được ra mắt công chúng và đều có một điểm chung là hướng tới đời sống tình cảm, nội tâm của các nhân vật nữ. Mỗi tình tiết trong các truyện qua tay bút thâm niên và văn phong giản dị của Bà Tùng Long đều khiến người đọc nhìn nhận và có sự cảm thông đặc biệt với phái yếu.

Tác giả: Hà Anh

Theo Báo Quốc tế

Tags: