Những cuốn sách cho ngày Nhà giáo Việt Nam
Những cuốn sách cho ngày Nhà giáo Việt Nam
Mỗi tác phẩm mang một góc nhìn với cách tiếp cận đề tài khác nhau nhưng đều toát lên hình ảnh đẹp về người thầy, sự hy sinh thầm lặng trong sự nghiệp “trồng người”.

Sự hy sinh, tình cảm dành cho người thầy là nguồn cảm hứng cho nhiều trang viết. Nếu Đời giáo dở khóc dở cười ghi lại cuộc sống thường nhật của một nhà giáo, bộ sách Viết lên hy vọng - Người gieo hy vọng làm chấn động nền giáo dục xứ cờ hoa về ý nghĩa của giáo dục, thì Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng Giáo dục STEM/ STEAM: Từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo lại đem đến cách nhìn nhận về nghề cầm phấn thời đại 4.0.

Cuốn truyện tranh về người thầy

Colm Cuffe là giáo viên tiểu học trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết đến từ Ireland. Anh miêu tả về nghề của mình một cách dí dỏm nhưng cũng không kém phần xúc động qua cuốn truyện tranh Đời giáo dở khóc dở cười.

Niềm đam mê dạy học và cầm cọ đã khiến Colm Cuffe được đông đảo giới trẻ biết đến. Hiện anh sở hữu Fanpage với trên 33.000 lượt theo dõi. Anh từng chia sẻ: “Ban ngày, tôi có nhiệm vụ thú vị là giáo dục thế hệ trẻ em tiếp theo. Còn vào ban đêm, tôi là nghệ sĩ. Tất cả truyện tranh của tôi đều được vẽ bằng bút, giấy và hộp quẹt”.

Với Đời giáo dở khóc dở cười, nét vẽ sinh động cùng lời viết đi kèm đã khắc họa được trọn vẹn các hoạt động, sự kiện diễn ra xung quanh một người thầy. Đó là những khoảnh khắc “hỏi xoáy, đáp xoay” giữa thầy và đám học trò ngây dại.

Bên cạnh những phút giây hài lòng khi học trò ngoan là những câu hỏi rất đỗi hồn nhiên, khiến người thầy chỉ biết “thở dài đánh trượt”.

Đọc cuốn sách, chúng ta hiểu rằng ở bất cứ nơi đâu, nền giáo dục cũng có những câu chuyện dở khóc, cười, nhưng trên tất cả vẫn là sự tận tụy, yêu nghề, hết lòng vì học sinh.

Cuốn sách là món quà tri ân của học trò tới các thầy cô, là cây “cầu kiều” thay lời cảm ơn vì đã dành bao tâm sức trong sự nghiệp “trồng người”.

Ảnh: Truyện tranh Đời giáo dở khóc dở cười. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Câu chuyện về giáo viên truyền cảm hứng

Năm 1994, Erin Gruwell - một giáo viên Ngữ văn 23 tuổi - về dạy tại một trường trung học ở California (Mỹ). Như bao người mới ra trường, cô phải đương đầu với một lớp học nhiều học sinh cá biệt, quậy phá. Thế nhưng, cô không đầu hàng và luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng giáo dục có thể chiến thắng cả nghịch cảnh.

Bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, Erin Gruwell đã khiến cả trường và giới truyền thông nước Mỹ phải kinh ngạc vì những gì cô và học trò làm được. Nỗ lực cũng được đền đáp khi cuốn sách Viết lên hy vọng tập hợp chính những trang nhật ký của Erin và “những nhà văn tự do” - học sinh - được xuất bản, làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ.

Từ lần đầu tiên xuất bản (năm 1999) cho tới nay, cuốn sách liên tục được tái bản và lọt danh sách bán chạy của New York Times. Không những thế, Erin Gruwell và “những nhà văn tự do” còn giành được giải thưởng "Tinh thần Anne Frank". Vào năm 2007, bộ phim Freedom Writers Diary (tạm dịch: Nhật ký những nhà văn tự do) dựa trên nội dung cuốn sách được chiếu rộng rãi ở nước Mỹ.

Erin đã nỗ lực để dành cho các em những gì tốt đẹp nhất, bằng cả trái tim và nhiệt huyết tuổi trẻ. Thành công của Erin tác động đến cả hệ thống giáo dục của xứ cờ hoa. Cô đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Những nhà văn tự do” để đào tạo ra nhiều giáo viên truyền cảm hứng giúp học sinh thành công, không chỉ trong trường học mà còn ở cuộc sống.

Tiếp nối Viết lên hy vọng, Erin cùng học trò từng lá cá biệt của mình viết nên Người gieo hy vọng với mong muốn truyền tải thông điệp về niềm hy vọng của con người. Bộ sách như một sợi dây liên kết giữa thầy và trò, nhắc nhở chúng ta nhìn nhận lại ý nghĩa của giáo dục.

Ảnh: Bộ sách Viết lên hy vọng - Người gieo hy vọng của cô giáo Erin Gruwell viết cùng học trò của mình. Ảnh: T.H

Nghề giáo trong thời đại 4.0

Khác với những câu chuyện truyền cảm hứng về nghề cầm phấn, Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Giáo dục STEM/ STEAM: Từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo mang đến cho độc giả góc nhìn chân thực về người thầy trong thời đại 4.0. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, người thầy phải giảng dạy qua màn hình nhiều hơn viết bảng.

Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập hợp bài viết của giáo viên giỏi đến từ nhiều quốc gia. Họ là những người từng đoạt giải thưởng danh giá Giáo viên Toàn cầu.

Mỗi bài viết chứa những mẫu hình sinh động từ thực tiễn dạy học và đề ra băn khoăn của người thầy: Liệu có thể thay thế giáo viên bằng công nghệ? Làm cách nào giáo viên có thể dạy học cho những học sinh vốn thành thạo về công nghệ hơn cả chính mình? Làm cách nào nâng cao vị thế của giáo viên?...

Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO (2009-2017), nhận xét Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư là “một cuốn sách phải đọc cho những ai quan tâm đến tương lai của giáo dục”.

Sự ảnh hưởng của khoa học và công nghệ đối với đời sống của con người đã trở thành xu hướng tất yếu. Ngoài kiến thức và kỹ năng cơ bản trong đời sống xã hội, người thầy còn phải giúp học sinh có được những năng lực mang tính chất nền tảng liên ngành về STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), để có thể trở thành những công dân toàn cầu thích ứng trong tương lai.

Sách Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh: T.N.

Giáo dục STEM/ STEAM: Từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo được viết ra nhằm chia sẻ thông tin dựa trên một số nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực giáo dục STEM.

Nội dung sách gồm 4 phần với 8 chương, lời văn dễ hiểu, giúp giáo viên nói riêng và độc giả đại chúng nói chung có góc nhìn tổng quan, trực diện về những hoạt động của giáo dục STEM hiện nay.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng chia sẻ những ví dụ, bài giảng mẫu, một số gợi ý cụ thể trong từng chủ đề giúp giáo viên, phụ huynh có thể áp dụng cho bài học hoặc hoạt động vui chơi tại gia đình cùng con.

Theo Zing News

Tags: