Những cuộc đời ta bỏ lỡ
Những cuộc đời ta bỏ lỡ
Không có thất vọng sẽ không có hy vọng, và cuộc sống trở nên không lối thoát. Thất vọng tạo ra cuộc đời và biến đổi cuộc đời.

1. Để có thể sống, chúng ta luôn phải sống 2 cuộc đời song song: cuộc đời bạn đang có, đang phải có, đang tiếp diễn và cuộc đời bạn bạn không thể có, lẽ ra có thể có, và mãi không thể có. Chết chưa bao giờ là hết, ra đi chưa bao giờ là biến mất, từ bỏ chưa bao giờ hẳn là buông bỏ.

Cuộc đời chúng ta được định nghĩa bởi mất mát, mất thứ chưa bao giờ được trải nghiệm, mất thứ lẽ ra không được mất, mất thứ không bao giờ thay thế được.

Vì vậy, có những người mà cuộc sống trở thành một cuộc thương nhớ kéo dài cho những gì đã qua, đã mất, đã ra đi và không thể trở về. Và có những người mà hiện tại của họ chỉ là một sự duy trì của quá khứ chưa thể hoàn thành hay bến chờ của những khả dĩ mà họ nghĩ tương lai có thể đem lại.

2. Nhờ Facebook, Instagram, Kenh14... chúng ta biết nhiều hơn về những cuộc đời đáng mong ước ngoài kia (yêu trai đẹp, nghỉ dưỡng 5 sao, túi hàng hiệu..). Nhưng liệu biết nhiều hơn về những cuộc đời tốt đẹp có làm bạn thấy tệ hơn về cuộc đời của mình. Con người không chịu ngồi yên một chỗ, vì những kỳ vọng của họ cứ liên tục đổi chỗ. Ai rồi cũng sẽ "khát" và "khác". Không ai thay đổi chúng ta nhiều bằng người khác: Làm gì luôn đi kèm với làm vì ai, bạn muốn ai chứng kiến nó?

Cũng nhờ sự phủ sóng của tư duy self-help mà người hiện đại ngày càng cảm mình đang sống dưới tiềm năng, dưới những gì họ có thể, dưới những kỳ vọng thời thanh xuân họ đã/vẫn từng mong ước. Họ không chỉ cảm thấy thiếu, mà còn cảm thấy tội lỗi về những thiếu sót của mình. Giấc mơ ai đè nát cuộc đời ai.

Câu hỏi dằn vặt họ là: "Sống sao để vừa có cảm giác đang tiến bộ mỗi ngày, vừa không cảm thấy bị hạ thấp bởi chính những tiêu chuẩn phi thường mà mình tự đặt ra". Để sống không hối tiếc phải chẳng thà không sống nữa, bởi "có bình yên nào mà không xót xa?". Tiếc nuối đã làm gì bạn, mà bạn hắt hủi nó như vậy?

3. Lãng phí trở thành một nỗi sợ mới, khi mà bạn không chỉ sợ lãng phí đồ ăn, tình cảm... mà sợ nhất là lãng phí cuộc đời. Bị thúc giục phải sống cho ra sống, sống cho tới bến, sống "cho tròn đầy sự có mặt", chúng ta sợ mình phí phạm, nhưng lại không biết sẽ bỏ phí điều gì?

"Cuộc đời ta bỏ lỡ" giống như những cánh cửa mở: bạn thò đầu ra ngoài cửa sổ để hớp một hơi tưởng tượng xa xôi mỗi khi căn phòng hiện tại trở nên quá bí bách. Chính nhờ khả năng thoát khỏi thực tại mà con người có thể sống trong thực tại và chịu được nó.

Không có thất vọng sẽ không có hy vọng, và cuộc sống trở nên không lối thoát. Thất vọng tạo ra cuộc đời và biến đổi cuộc đời.

>> Bạn đọc có thể đọc mở rộng thêm cuốn sách: "Missing Out: In Praise of the Unlived Life" – Adam Phillips

Trạm Đọc

Tags: