Nhân loại, một lịch sử đầy hy vọng
Nhân loại, một lịch sử đầy hy vọng
Nhưng đó không chỉ là dân tộc Anh ít ỏi. Đó là con người phổ quát.

Lời giới thiệu

Ngay trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới Hai, Bộ Tư lệnh Quân đội Anh phải đối diện với một mối đe dọa sinh tử. London đang đối mặt với mối nguy hiểm chết người. Thành phố này, theo Winston Churchill, đã trở thành thành “mục tiêu lớn nhất trên thế giới - một con bò béo ú đồ sộ đầy giá trị đang bị trói và thu hút những con thú săn mồi”.

Con thú săn mồi dĩ nhiên là Adolf Hitler và cỗ máy chiến tranh của hắn. Nếu người dân Anh bị hoảng loạn bởi sự sợ hãi trước máy bay ném bom của hắn, thì sự sợ hãi này sẽ khởi đầu cho sự kết thúc của quốc gia. “Giao thông sẽ sụp đổ, những người vô gia cư sẽ gào thét để được giúp đỡ, thành phố sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn”, một vị tướng Anh lo ngại. Hàng triệu dân thường sẽ không chịu nổi sự căng thẳng, và quân đội thậm chí sẽ không ở bên cạnh họ để chiến đấu bảo vệ họ bởi quân đội không thể chiến đấu bên cạnh một đám đông đang cuồng loạn. Churchill dự đoán rằng ít nhất ba đến bốn triệu cư dân London sẽ chạy trốn khỏi thành phố.

Một người lính cứu hoả giải cứu một đứa bé chỉ vừa biết đi sau một vụ đánh bom ở London năm 1940. Theo Rutger Bregman, màu da của chúng ta chỉ thực sự bộc lộ trong thời kỳ biến động kinh hoàng. Nguồn: Getty Images

Bất kỳ ai, nếu muốn nghiên cứu kỹ về tất cả những tai họa đã xảy ra, thì chỉ cần đọc một cuốn sách: ‘Psychologie des foules’ [Tâm lý học đám đông] - được viết bởi một trong những học giả có ảnh hưởng nhất trong thời đại ông, nhà tâm lý xã hội học người Pháp Gustave Le Bon. Hitler đã đọc cuốn sách này từ đầu đến cuối. Mussolini, Stalin, Churchill và Roosevelt cũng vậy.

Cuốn sách của Le Bon chỉ cho mọi người cách đối phó với khủng hoảng, từng bước một. Gần như ngay ở phần ở đầu, ông đã viết, "Con người đã bước xuống vài nấc thang trong nền văn minh". Khi hoảng loạn và bạo lực nổ ra, tất cả con người chúng ta sẽ bộc lộ bản chất thật của chính mình.

Vào ngày 19 tháng Mười năm 1939, Hitler đã tóm tắt cho các tướng lĩnh của mình về kế hoạch tấn công của Đức. Hắn nói: “Cuộc tấn công tàn nhẫn của lực lượng không quân Đức nhắm thẳng vào ‘ý chí chống cự’ của người Anh có thể và sẽ thực hiện tại thời điểm đã định”.

Tại Anh, mọi người đều cảm thấy đồng hồ kêu từng tiếng tích tắc. Một kế hoạch cuối cùng để đào một mạng lưới các hầm trú ẩn dưới lòng đất ở London đã được xem xét, nhưng cuối cùng đã bị loại bỏ bởi những lo ngại rằng dân chúng, vốn sẽ tê liệt vì sợ hãi, sẽ không bao giờ xuất hiện. Vào giây phút cuối cùng, một vài bệnh viện tâm thần đã được đưa ra ngoài thành phố để chuẩn bị cho làn sóng nạn nhân đầu tiên.

Vào ngày 7 tháng Chín năm 1940, 348 máy bay ném bom của Đức đã vượt qua Eo biển nước Anh. Thời tiết đẹp đã khiến nhiều người dân London ra ngoài, vì vậy khi còi báo động vang lên lúc 4 giờ 43 phút chiều, mọi ánh mắt đều hướng lên bầu trời.

Ngày tháng Chín đó sẽ đi vào lịch sử với tên Ngày thứ Bảy đen tối, và sau đó được biết đến với cái tên ‘Cuộc oanh tạc dữ dội’. Trong chín tháng tiếp theo, riêng thành phố London đã phải hứng chịu hơn 80.000 quả bom. Toàn bộ các khu phố đã bị san phẳng. Một triệu tòa nhà ở thủ đô đã bị hư hại hoặc bị phá hủy, và hơn 40.000 người dân Anh đã chết.

Vậy người dân Anh đã phản ứng thế nào? Điều gì đã xảy ra khi đất nước bị ném bom trong nhiều tháng? Có phải mọi người đã trở nên cuồng loạn? Liệu họ đã cư xử như những kẻ tàn bạo?

Hãy để tôi bắt đầu với tài ghi chép của một nhân chứng - bác sĩ tâm thần người Canada.

Vào tháng Mười năm 1940, bác sĩ John MacCurdy đã lái xe qua phía Đông Nam London để thăm một khu phố nghèo, nơi chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Tất cả những gì còn lại là một đống hổ lốn các miệng hố bom và những tòa nhà đổ nát. Nếu có một nơi chắc chắn đã trở thành địa ngục, thì địa điểm này chính là nơi đó.

Vậy, vị bác sĩ này đã thấy gì vào những khoảnh khắc sau báo động không kích? “Những cậu bé tiếp tục chơi trên khắp các vỉa hè, những người mua sắm tiếp tục mặc cả, một cảnh sát điều khiển giao thông trong sự buồn chán và những người đi xe đạp bất chấp cái chết và luật giao thông. Không ai, ít nhất là như tôi có thể chứng kiến, thậm chí nhìn lên bầu trời”.

Trên thực tế, nếu có một điểm chung trong tất cả các ghi chép về cuộc oanh tạc dữ dội này, thì đó là những mô tả về sự thanh thản kỳ lạ đã ngự trị ở London trong những tháng đó. Một nhà báo Mỹ đang phỏng vấn một cặp vợ chồng người Anh trong nhà bếp của họ rằng vì sao họ có thể ngồi thưởng trà ngay cả khi cửa sổ đang rung lên bần bật. "Họ không sợ hãi ư?”, nhà báo muốn biết. Câu trả trả lời là: “Ồ không. Sợ hãi có khiến mọi thứ tốt lên đâu”

Rõ ràng, Hitler đã quên cân nhắc một điều: tính cách Anh đầy tinh túy. Sự cứng rắn. Sự hài hước đầy tính giễu nhại, như các chủ cửa hàng đã thể hiện khi trương các tấm biển thông báo trước cửa hàng đã bị phá hủy của họ: MỞ CỬA LÂU HƠN LÚC BÌNH THƯỜNG. Hoặc chủ quán rượu, người đã dán lên tờ quảng cáo trong đống đổ nát: CÁC CỬA SỔ CỦA CHÚNG TÔI ĐÃ VỠ, NHƯNG TINH THẦN CỦA CHÚNG TÔI VẪN TUYỆT VỜI. HÃY ĐẾN VÀ THỬ.

Người Anh đã chịu đựng các cuộc không kích của Đức hệt như họ vẫn phải chịu đựng các chuyến tàu bị trễ giờ. Hẳn là sẽ cáu kỉnh, nhưng vẫn chịu đựng được. Như thường lệ, các chuyến tàu hỏa vẫn vận hành trong suốt thời kỳ diễn ra ‘Cuộc oanh tạc dữ dội’, và chiến thuật của Hitler hiếm khi ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nội địa. Sự nghỉ ngơi trong Lễ Phục sinh diễn ra vào thứ Hai trong tháng Tư năm 1941 thậm chí còn ảnh hưởng nhiều hơn tới cỗ máy chiến tranh của nước Anh.

Còn sự tàn phá về tinh thần thì sao? Còn hàng triệu nạn nhân bị thương mà các chuyên gia đã từng cảnh báo? Thật kỳ lạ, chúng không được tìm thấy ở đâu. Để chắc chắn, có nỗi buồn và sự giận dữ; có những nỗi đau khủng khiếp về những người thân yêu đã qua đời. Nhưng các phòng khám tâm thần vẫn không có khách. Không chỉ vậy, sức khỏe tinh thần công cộng thực sự được cải thiện. Nạn nghiện rượu đã chấm dứt. Các vụ tự tử còn ít hơn so với thời bình. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều người Anh sẽ khao khát những ngày trải qua ‘Cuộc oanh tạc dữ dội’, khi mọi người giúp đỡ lẫn nhau và không ai quan tâm đến quan điểm chính trị chính trị hay khoảng cách giàu nghèo của người khác.

Một sử gia Anh sau này đã viết: “Xã hội Anh đã trở nên mạnh hơn bởi ‘cuộc oanh tạc dữ dội’. Hiệu ứng mà Hilter hi vọng đã không xuất hiện".

Khi được đưa vào thử nghiệm, các lý thuyết được đặt ra bởi nhà tâm lý học đám đông nổi tiếng Gustave Le Bon khó có thể tiến xa hơn. Khủng hoảng đã không khiến con người bộc lộ điều tồi tệ nhất, mà phát huy những điều tốt đẹp nhất trong họ. Nếu có gì cần lưu ý, thì đó là người Anh bước lên vài nấc thang của nền văn minh. Một nhà báo Mỹ đã viết trong nhật ký của bà: “Lòng can đảm, tính hài hước và sự tốt bụng của người dân thường tiếp tục gây kinh ngạc trong những hoàn cảnh hệt như một cơn ác mộng”.

Thật kỳ lạ, mặc dù với các bằng chứng đã có, nhưng các chuyên gia quân sự của Anh vẫn tán thành ý tưởng rằng tinh thần của một quốc gia có thể bị phá vỡ. Bằng những quả bom. Đúng, chúng đã không thực hiện được điều đó với người Anh, nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Không có dân tộc nào khác trên hành tinh có thể sánh được với sự bình tĩnh và dũng cảm của họ. Chắc chắn không phải dân tộc Đức, một dân tộc sẽ “không thể chịu được một phần tư số vụ đánh bom” mà người Anh đã chịu đựng được.

Trong số những người tán thành quan điểm này là người bạn thân của Churchill, Frederick Lindemann, còn được gọi là Huân tước Cherwell. Một bức ảnh hiếm hoi của ông cho thấy ông là một người cao lớn với cây ba-toong, đội mũ nơ với vẻ biểu cảm đầy lạnh lùng. Trong cuộc tranh luận gay gắt về chiến lược trên không, Lindemann vẫn kiên quyết: ném bom các công trình. Giống như Gustave Le Bon, ông có một cái nhìn đầy mờ nhạt về quần chúng, coi quần chúng là hèn nhát và dễ dàng hoảng loạn.

Để chứng minh quan điểm của mình, Lindemann đã phái một nhóm các bác sĩ tâm thần đến Birmingham và Hull, hai thành phố nơi các vụ đánh bom của Đức đã gây tổn thất đặc biệt nặng nề. Họ đã phỏng vấn hàng trăm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã mất nhà cửa sau thời kỳ ‘Cuộc oanh tạc dữ dội’, tìm hiểu về những chi tiết nhỏ nhất - thậm chí cả “số lượng rượu đã uống và số lượng thuốc aspirin đã mua trong các cửa hàng bán hóa chất”.

Nhóm nghiên cứu đã báo cáo lại cho Lindemann một vài tháng sau đó. Kết luận, được in bằng chữ lớn trên trang tiêu đề, là:

KHÔNG CÓ DẤU HIỆU NÀO CỦA SỰ SỤP ĐỔ NHUỆ KHÍ.

Vậy Frederick Lindemann đã làm gì với phát hiện không rõ ràng này? Ông đã lờ tịt nó. Lindemann đã xác quyết rằng ném bom chiến lược là một vụ cá cược chắc thắng và là sự thật không thể thay đổi trong suy nghĩ của của ông.

Và vì vậy, bản ghi nhớ mà ông gửi cho Churchill đã nói một điều hoàn toàn khác:

"Điều tra dường như cho thấy rằng việc phá hủy nhà cửa là mối nguy hiểm nhất đối với tinh thần của con người. Mọi người dường như quan tâm đến nó nhiều hơn việc bạn bè hoặc thậm chí người thân của họ bị giết. Tại Hull, dấu hiệu căng thẳng rất rõ ràng, mặc dù chỉ một phần mười của ngôi nhà bị phá hủy. Từ các số liệu trên, chúng ta có thể gây hại nhiều như vậy cho tất cả 58 thành phố chính của Đức. Dường như vẫn có chút nghi ngờ rằng điều này sẽ phá vỡ tinh thần của người dân Đức".

Do đó cuộc tranh luận về hiệu quả của việc ném bom đã kết thúc. Toàn bộ diễn biến về sau, như một nhà sử học sau này mô tả nó, “bốc lên thứ mùi dễ nhận thấy của một cuộc săn phù thủy”. Các nhà khoa học có lương tâm vốn đã phản đối chiến thuật nhắm vào thường dân Đức thì nay bị lên án là kẻ hèn nhát, thậm chí là kẻ phản bội.

Trong khi đó, những kẻ chủ trương ném bom cảm thấy kẻ thù cần phải bị giáng một đòn mạnh hơn nữa. Churchill đã đưa ra tín hiệu và tất cả các thành phố trên toàn nước Đức đã trở thành địa ngục. Khi vụ đánh bom cuối cùng kết thúc, con số thương vong tại Đức cao gấp mười lần so với toàn bộ thời kỳ ‘Cuộc oanh tại dữ dội’ tại Anh. Chỉ sau một đêm, tại Dresden, số đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị giết đã nhiều hơn tại London trong suốt cuộc chiến. Hơn một nửa thị trấn và thành phố của Đức đã bị phá hủy. Đất nước này đã trở thành một đống khổng lồ của sự đổ nát âm ỉ.

Trong khi đó, chỉ có một đội ngũ nhỏ của không quân Đồng minh thực sự đang tấn công các mục tiêu chiến lược như nhà máy và cầu. Cho đến những tháng cuối cùng, Churchill vẫn cho rằng cách chắc chắn nhất để chiến thắng cuộc chiến là bằng cách thả bom vào dân thường để phá vỡ tinh thần dân tộc. Vào tháng Một năm 1944, một bản ghi nhớ của Không quân Hoàng gia Anh đã hài lòng khẳng định quan điểm này: “Chúng ta càng ném bom, hiệu quả càng cao”.

Vị thủ tướng đã nhấn mạnh bằng cách gạc chân những từ này bằng cây bút đỏ nổi tiếng của mình.

Vậy, các vụ đánh bom có hiệu quả như dự định?

Hãy để tôi một lần nữa bắt đầu với một ghi chép của một nhân chứng khác - một bác sĩ tâm thần đáng kính. Từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 1945, bác sĩ Friedrich Panse đã phỏng vấn gần một trăm người Đức có nhà bị phá hủy. Một người đã trả lời: “Sau đó, tôi thực sự cảm thấy tràn đầy sinh lực và châm một điếu xì-gà”. Nói cách khác, tâm trạng chung sau một cuộc thả bom là đầy hưng phấn, “giống như sau khi chiến thắng một cuộc chiến”.

Không có dấu hiệu của sự cuồng loạn trong dân chúng. Ngược lại, ở những nơi vừa bị đánh bom, cư dân cảm thấy nhẹ nhõm. Panse ghi lại: "Những người hàng xóm đã rất hữu ích. Xem xét mức độ nghiêm trọng và thời gian căng thẳng tinh thần vừa qua, thái độ chung là ổn định và kiềm chế đáng kể”.

Các báo cáo từ cơ quan tình báo của phát-xít Đức, nơi lưu giữ các hồ sơ chi tiết về dân số Đức, đã phác thảo nên một bức tranh tương tự. Sau các cuộc đột kích, mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau. Họ kéo nạn nhân ra khỏi đống đổ nát, dập tắt đám cháy. Các đoàn viên của Đoàn Thanh niên Hitler hối hả chăm sóc những người vô gia cư và những người bị thương. Một người bán tạp phẩm đã đùa giỡn một tấm biển trước cửa hàng của mình: “BƠ DÀNH CHO CUỘC THẢM HỌA ĐÃ BÁN TẠI ĐÂY!”. (Được rồi, sự hài hước của người Anh đã khá hơn.)

Ngay sau khi Đức đầu hàng vào tháng Năm năm 1945, một nhóm các nhà kinh tế học trong lực lượng Đồng minh đã đến thăm quốc gia bị đánh bại, được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giao nhiệm vụ nghiên cứu các tác động của các vụ đánh bom. Trên hết, người Mỹ muốn biết liệu chiến thuật này có phải là một cách tốt nhất để chiến thắng các cuộc chiến hay không.

Những phát hiện của các nhà khoa học rất rõ ràng: các vụ đánh bom dân sự đã thất bại. Trên thực tế, chúng dường như đã củng cố nền kinh tế thời chiến của Đức, qua đó kéo dài cuộc chiến tranh. Từ năm 1940 đến 1944, họ phát hiện ra rằng việc sản xuất xe tăng của Đức đã tăng chín lần, còn sản xuất máy bay chiến đấu tăng mười bốn lần.

Một nhóm các nhà kinh tế Anh đã đi đến kết luận tương tự. Trong hai mươi mốt thị trấn và thành phố mà họ điều tra, sản xuất đã tăng nhanh hơn trong một nhóm kiểm soát gồm mười bốn thành phố chưa bị đánh bom. Một trong những nhà kinh tế học Mỹ thú nhận: “Chúng tôi đã bắt đầu thấy rằng chúng tôi đã thực hiện một trong những tính toán sai lầm lớn, có lẽ là lớn nhất trong suốt cuộc chiến”.

Điều hấp dẫn tôi nhất về toàn bộ sự việc đáng tiếc này là tất cả các nhân vật chính chính đều rơi vào cùng một cái bẫy.

Hitler và Churchill, Roosevelt và Lindemann - tất cả đều đồng ý với tuyên bố của nhà tâm lý học Gustave Le Bon rằng: nền văn minh của chúng ta không hơn gì một lớp da thú. Họ chắc chắn rằng các cuộc không kích sẽ thổi bay lớp da mỏng manh này. Nhưng họ càng ném bom, nó càng dày hơn. Có vẻ như đó không phải là một lớp da mỏng, mà là một vết sẹo sần sùi.

Thật không may, các chuyên gia quân sự đã không kịp nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Hai mươi lăm năm sau, các lực lượng quân sự Mỹ đã thả một lượng bom tại chiến trường Việt Nam gấp ba lần số lượng bom họ đã thả trong cuộc Đại chiến thế giới Hai. Lần này, Mỹ đã thất bại ở quy mô lớn hơn. Ngay cả khi bằng chứng ở ngay trước mặt chúng ta, bằng cách nào đó, chúng ta vẫn có thể phủ nhận nó. Cho đến ngày nay, nhiều người vẫn tin rằng khả năng phục hồi mà người dân Anh thể hiện trong thời kỳ ‘Cuộc oanh tạc dữ dội’ có thể được coi là một phẩm chất duy nhất của dân tộc Anh.

Nhưng đó không chỉ là dân tộc Anh ít ỏi. Đó là con người phổ quát.

Về tác giả

Rutger C. Bregman (sinh năm 1988) là một sử gia và tác gia Hà Lan nổi tiếng. Ông đã xuất bản năm cuốn sách về lịch sử, triết học và kinh tế học, và đã được dịch sang 32 ngôn ngữ khác nhau. Tác tác phẩm của ông đã được trích đăng trên The Washington Post, The Guardian và BBC. Ông được đánh giá là "một trong những nhà tư tưởng trẻ tuổi ảnh hưởng nhất của châu Âu".

Nguồn: Rutger Bregman. “Humandkind: A Hopeful History”. Boston: Little, Brown and Company, June 2020.
Nguyễn Trung Kiên trích dịch

 

Tags: Nhân loại