Nhà văn Trang Hạ: Sách tạo nên bản lĩnh văn hóa cho tôi
Nhà văn Trang Hạ: Sách tạo nên bản lĩnh văn hóa cho tôi
Đến với Café Sách số thứ 8, Trạm Đọc bật mí những điều có lẽ bạn chưa từng được biết về một trong những tác giả hàng đầu Việt Nam hiện nay - Nhà văn Trang Hạ.

Được mệnh danh là “Nhà văn của đàn bà”, trở thành Bút trưởng của Hội bút “Hương đầu mùa” từ khi còn rất trẻ, tác giả của những cuốn sách dịch và sách văn học best-seller tại Việt Nam, công chúng biết đến Trang Hạ nhiều hơn với tư cách một Nhà văn. Tuy nhiên, những điều được chia sẻ trong bài viết này có thể sẽ làm thay đổi toàn bộ góc nhìn của bạn về chị.

 

Những gì khiến tôi quan tâm thì tôi sẽ đọc

 

Sách có ý nghĩa như thế nào trong đời sống cá nhân cũng như trong sự nghiệp của chị?


Đối với tôi, sách là mối quan tâm, không phải là công việc. Nếu một thứ được coi là công việc thì nó phải giúp kiếm ra tiền. Nếu như nhiều người quan tâm thế giới bằng số đo các vòng của một hoa hậu, hay sao showbiz nào nhiều vợ hơn… thì tôi quan tâm thế giới qua sách.


Tôi cho rằng đọc sách là một việc rất cá nhân, mỗi người tự rút ra ý nghĩa cho bản thân và bạn không thể đọc sách bằng lời hiệu triệu của người khác. Cuốn sách hay với tôi có thể là cuốn bạn không thể nuốt nổi. Bạn chỉ có thể tự đề ra kế hoạch đọc cho mình, tự nêu ra các chỉ tiêu chọn lựa cho mình. Với cá nhân tôi, những gì khiến tôi quan tâm thì tôi sẽ đọc. Trước đây tôi đọc 5% là sách văn học, còn lại 95% là sách quản trị, sách kinh doanh, quản trị thương hiệu, kiến thức marketing, sách lịch sử, sách tâm lý… Như tháng 2, tôi mất 2 triệu để mua cuốn: “Các khu chung cư cũ kỹ của Hồng Kông những năm 80 của thế kỷ 20”, hay cuốn khác là 100 bức vẽ tay của một họa sĩ người Anh đã sống dưới thời vua Càn Long, hay một cuốn sách khảo cứu về men sứ trên đồ cổ trong bảo tàng Cố Cung. Tháng này tôi dành gần 3 triệu để mua Từ điển Britanica. Chẳng dính líu gì tới văn học!

 

 Nhà văn Trang Hạ (thứ 3 từ phải sang) tham dự buổi talkshow ra mắt dự án Cùng Đọc Sách và Trạm Đọc 

 

Thói quen đọc của chị qua thời gian đã thay đổi như thế nào?


Khi bắt đầu sử dụng sách điện tử thì tôi đọc nhiều hơn. Sách điện tử đã thay đổi thói quen đọc sách của tôi. Nhờ sự tiện lợi của sách điện tử mà tôi bắt đầu hình thành một thói quen mới là mỗi tháng sẽ đọc một tác giả. Ví dụ tháng đầu tiên sau cuốn “Bên thắng cuộc” tôi đọc toàn bộ Mạc Ngôn. Đối với sách giấy tôi không có cơ hội làm được điều đó. Còn với sách điện tử, sách mua hay sách miễn phí thì việc đọc sách theo tác giả cũng rất dễ dàng. Sau Mạc Ngôn, tháng tiếp theo tôi đọc lại toàn bộ sách của Malcolm Gladwell (dù trước đó đã đọc lần lượt các cuốn này khi mua sách giấy). Hay như sách của Nguyễn Xuân Khánh, nhờ đọc sách điện tử nên tôi quan tâm đến các tác phẩm của ông ấy, rồi tôi ra hiệu sách mua cả ba bộ. Điều này cho thấy sách điện tử thậm chí còn thúc đẩy cho việc đọc sách giấy. Trước đây, tôi thường chỉ mua một cuốn vì nghĩ là dày như thế này thì mình đọc bao giờ mới hết, vì tôi phải đọc cho xong, phải mất vài tháng, rồi mới tiếp tục mua một cuốn khác. Thậm chí tôi đã từng đọc một bộ sách trong hai năm mới hết – đó là bộ sách gồm 20 cuốn của một triết gia người Li-băng tên là Khalil Gibran. Nhưng từ khi có sách điện tử, tôi lại mua nhiều sách giấy hơn. Cho đến bây giờ, tôi đọc sách văn học khoảng 20%, còn lại là 80% là sách kinh tế, sách lịch sử, sách mĩ thuật, sách ngoại văn…

 

 

Tôi là một người đang kinh doanh trên thị trường văn hóa


Điều gì đã dẫn lối chị đến với sự nghiệp văn chương?


Tôi gặp may mắn nhiều trong văn chương. Năm tôi 20 tuổi thì cả miền Bắc chỉ có mình tôi đoạt giải Văn học tuổi 20, dù tôi chỉ viết tập truyện ngắn dự thi trong có vài ngày. Lại nói đến chuyện dịch giả, mọi người gán cho tôi cái thương hiệu là “dịch giả tiếng Trung”, nhưng thực ra tôi mới chỉ dịch trăm trang A4 thôi, suốt 10 năm qua tôi không hề dịch sách. Trong khi có những dịch giả họ dịch 1 vạn trang sách mỗi năm mà nếu hỏi người khác liệt kê danh sách dịch giả tiếng Trung thì có lẽ nhiều người lại không nhớ đến tên họ. Theo tôi nghĩ, tôi có được danh tiếng ấy từ lựa chọn của mình, mà lựa chọn ấy hoàn toàn xuất phát từ một người có đầu óc về marketing và truyền thông chứ không phải đầu óc một nhà văn hay một dịch giả. Tôi không đóng cửa trong tháp ngà văn chương, tôi rất cởi mở, nhìn đời với góc nhìn đa diện đa chiều của một người làm quảng cáo. Tôi mang tất cả tố chất của một người làm quảng cáo vào việc viết văn trong khi bản chất tôi không phải là nhà văn. Nếu như người khác có nhớ tới tôi như một nhà văn thì điều đó chỉ thể hiện tôi làm thương hiệu cá nhân tốt, chứ nhiều năm nay tôi không viết văn nữa. Tôi biết rất rõ mình đang làm gì. Tôi là một người đang kinh doanh trên thị trường văn hóa.

 

Nhà văn Trang Hạ là giám khảo cuộc thi Tìm kiếm và Phát triển tác giả trẻ "Tiki Young Author"

 

Những “đứa con tinh thần” của chị có khiến chị hài lòng không?


Khi tôi đi dạy về marketing và truyền thông, tôi nhận thấy nhu cầu xã hội này là họ luôn muốn những thứ công thức giúp chúng ta thành công hơn, kiếm tiền nhiều hơn. Nhiều người đọc sách cũng là vì sự thực dụng chứ không phải để trưởng thành tâm hồn. Trong khi đó tôi cho rằng việc muốn giàu xổi, muốn mọi thứ tóm gọn trong một câu – kể cả việc tóm gọn cuốn sách trong một câu trong khi rõ ràng mình muốn khuyến khích văn hóa đọc của họ - là việc cực kỳ buồn cười.


Tựu chung lại, tôi tin vào quyền lực của truyền thông, của các thể loại sách, nhưng mình buộc phải chấp nhận thế giới này như một bàn xoay đang vận động, phải chấp nhận cách nhìn nhận vấn đề của người khác.


Đó cũng là lí do mà sách tôi đọc hầu hết là sách tốt, nhưng sách tôi làm ra chưa hẳn là sách tốt. Sách tôi làm ra chỉ là sách thị trường. Bởi vì sao? Bởi vì thị trường xứng đáng bị đối xử như thế, khi bản chất nó là một cái chợ văn hóa.

 

Nhà văn Trang Hạ ký tặng sách cho độc giả

 

“Có một bi kịch của một người có độ nhận biết cao trên mạng như tôi là: Đọc tôi, ai cũng tưởng họ là chuyên gia về Trang Hạ. Họ tưởng là họ có thể biết hết cô này có mấy bộ quần áo, cô ấy viết bao nhiêu cuốn sách, cô ấy ngủ với ai, cô ấy có mấy đứa con, cô ấy nói cái gì… Nhưng trong khi thực sự tôi là ai, tôi đang làm nghề gì, tôi kiếm cơm bằng cái gì, tôi thực ra đang thao túng thứ gì, họ chẳng hay biết.


Tôi chỉ thấy hài hước. Trong một xã hội mà mọi cảm xúc đều dễ dàng, sách đôi khi chỉ là một thứ dung túng cho những cơn bầy đàn của đám đông. Và tên gọi của tự do sau những trang sách đôi khi lại mang tên là: Bị Ghét. Vâng, tôi đang đọc “Dũng cảm để bị ghét” – tôi tìm hiểu về Alfred Adler và Ichiro Kishimi. Tôi biết bạn đang vội google xem họ là ai!"

 

- Nhà văn Trang Hạ -

 

Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc