Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Tôi mê đọc sách từ chuyện kể của bà'
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Tôi mê đọc sách từ chuyện kể của bà'
Hạt giống của thói quen đọc sách phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Bằng những câu chuyện kể. Bằng những cuốn sách làm quà...

Là nhà văn viết sách cho thiếu nhi được yêu thích của hàng chục thế hệ học trò, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông mê đọc sách vì ngày nhỏ thường được nghe bà kể chuyện. Ông chia sẻ: 

"Tôi tin mọi trẻ em trên thế giới đều thích nghe kể chuyện. Vào cái tuổi chưa biết đọc, anh em tôi mỗi tối trước khi đi ngủ đều chen chúc giành giật nhau để được nằm cạnh bà tôi, chỉ để được là đứa nằm gần bà nhất khi bà kể chuyện.

Cũng lạ, tiếng bà kể trong đêm nằm đâu nghe cũng rõ, nhưng đứa nào cũng thích được nằm cạnh bà, như thể chạm vào bà thì hình ảnh trong các câu chuyện sẽ lung linh hơn.

Ba tôi đi làm xa nên những câu chuyện đầu tiên tôi nghe được là từ bà tôi và chú tôi. Bà tôi kể tôi nghe chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Đôi hia bảy dặm... Chú tôi lại thích kể chuyện Tôn Ngộ Không, Na Tra và một số chuyện trong Nghìn lẻ một đêm.

Lúc đó, tôi ba, bốn tuổi, những câu chuyện đã vẽ ra trong trí óc non tơ như tờ giấy trắng của tôi những gam màu tuyệt đẹp. Chúng gieo vào đầu tôi những hình ảnh mới mẻ, một thế giới lấp lánh màu sắc, làm dậy lên những nỗi hồi hộp, lo lắng, mừng vui qua số phận gập ghềnh của cô Tấm, những kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng.

Bà tôi và chú tôi kể mãi cũng hết chuyện. Từ khi nghe chú tôi mách những câu chuyện đó và vô số những câu chuyện tương tự được chứa trong các cuốn sách, tôi cố gắng học chữ để có thể tự mình khám phá thế giới kỳ diệu kia.

Bảy tuổi, tôi mê mẩn với những cuốn Cái ấm đất, Ông đồ bể trong tủ sách Hồng do ba tôi mua về. Tám, chín tuổi, tôi đã mày mò đọc hết rương truyện Trung Hoa của ông thợ hớt tóc trong làng.

Rồi tôi tìm đến Vô gia đình của Hector Malot, Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo... Tôi khóc cười qua những trang sách, ngạc nhiên thấy mình trải qua những cảm xúc mà trên thực tế tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm ngoài đời.

 
Kể chuyện, đọc sách giúp hình thành tình yêu và thói quen đọc sách của trẻ

Sách, như vậy, đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức qua sự yêu ghét với người hiền kẻ ác và đặc biệt mở rộng đến vô biên bờ cõi của trí tưởng tượng.

Khi tôi học lớp chín, đã đọc được nhiều sách, tới lượt các đứa em nhỏ của tôi lại tranh nhau nằm gần tôi vào những buổi tối, nhao nhao: "Anh Hai kể chuyện đi, anh Hai!"...

Thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động, như vậy, đã hình thành một cách tự nhiên với một đứa trẻ. Đó là một hành vi, một nhu cầu như chạy nhảy, bơi lội, đùa nghịch, hát hò, vẽ vời.

Nhưng hạt giống của thói quen đó phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Bằng những câu chuyện kể. Bằng những cuốn sách làm quà. Để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên, như cỏ cây khát ánh sáng và khí trời.

Trong những buổi tặng chữ ký cho bạn đọc nhân dịp ra sách mới, tôi luôn xúc động khi nhìn thấy cảnh bà dắt cháu hay ba mẹ dắt con tới chỗ tôi ngồi. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ đến bà tôi và chú tôi, những người đã in dấu lên trí não tôi thuở ban sơ bằng những câu chuyện đầu đời đẹp đẽ.

Chính những người lớn tuyệt vời đó đã đắp nên con đường đầy hoa lá cho trẻ em đặt chân. Để rồi em lớn lên, đi đâu về đâu, quán xá, tàu xe, dọc lề đường gió bụi hay trong giờ nghỉ giữa sở làm, sách vẫn trong tay.

Em bé đó, hi vọng một ngày nào tất cả chúng ta sẽ bắt gặp trong chính nhà mình!

Theo TTO

Tags: