Nhà văn Di Li: Nếu chỉ đọc 3 cuốn sách trong đời, bạn nên đọc 3 cuốn sách này
Nhà văn Di Li: Nếu chỉ đọc 3 cuốn sách trong đời, bạn nên đọc 3 cuốn sách này
Nếu đời người chỉ có thời gian để đọc đúng 3 cuốn sách (thời gian còn lại làm những việc… hữu ích hơn), tức là cứ 30 năm đọc 1 cuốn, đến năm 90 tuổi đọc đủ 3 cuốn, thì tôi chắc chắn gợi ý độc giả đọc ba đầu sách: “Hoàng tử bé”, “Nhà giả kim” và “Lụa”.
Nhà văn, dịch giả Di Li được biết đến là một cây bút đa tài, với hàng chục đầu sách đủ thể loại, từ tiểu thuyết trinh thám, kinh dị, truyện ngắn cho đến tản văn, du ký, giáo trình, sách dịch. Các tác phẩm của chị thường rất được bạn đọc trẻ yêu thích bởi sự đa dạng trong đề tài, tinh tế trong quan sát và chắt lọc, cũng như sự duyên dáng, hóm hỉnh mà vẫn tràn đầy sự quyến rũ nữ tính của một phụ nữ độc lập, tự chủ. Hai tiểu thuyết trinh thám của Di Li đã được bán quyền chuyển thể phim điện ảnh và truyền hình là "Câu lạc bộ số 7" và "Trại hoa đỏ". 

Di Li còn là một chuyên gia PR. Chị giảng dạy về Quan hệ công chúng và Truyền thông trong các trường Đại học, tư vấn PR cho nhiều công ty, tổ chức, và viết sách chuyên ngành về lĩnh vực này. Cuốn sách "Tôi PR cho PR" phân tích những câu chuyện PR tại Việt Nam của chị đã bán được gần một vạn bản in chỉ trong năm đầu tiên phát hành.

Trong bài viết dưới đây, nhà văn Di Li chia sẻ về 3 cuốn sách mà mỗi người nên đọc trong đời.

 

Lý do là vì 3 cuốn này mỏng thèo thẽo, ai có kỹ năng đọc nhanh thì nửa tiếng xong 1 cuốn (dù phải ngẫm nghĩ mất 30 năm mới hiểu). Giá tiền lại rẻ, mỗi cuốn chỉ bằng bát phở, nên trong cuộc đấu tranh tư tưởng giữa Phở và Sách thì biết đâu Sách lại thắng. 

 

Lý do thứ hai là tôi theo trend đám đông, bởi đây là những cuốn bán chạy chỉ sau kinh thánh, nhất là "Hoàng tử bé". Để ý bạn sẽ thấy người ta thi nhau lấy các trích dẫn trong sách ra làm quote trang điểm cho chia sẻ của mình trên các trang mạng xã hội.

Lý do thứ ba thì thuộc về cá nhân. Tôi thấy ba cuốn này dù kể những câu chuyện khác nhau, nhưng thông điệp giống nhau, nhiều tính ẩn dụ như nhau: Hạnh phúc là điều quan trọng nhất của đời người, có được nó thật không dễ dàng, cần phải đi từ tây sang đông, đi vòng quanh Trái đất, vòng quanh thiên hà để tìm kiếm, mất hết đời người để kiếm tìm; nhưng sau rốt ngơ ngác nhận ra rằng, hạnh phúc nằm ngay đây, ngay bên cạnh ta, nó chính là những điều giản dị nhất, khởi nguyên nó đã ở ngay trong trái tim mà ta vì bao điều bộn bề danh vọng đã quên mất, và con người toàn chạy theo những hư ảo như sao trời mà tưởng rằng đó là hạnh phúc; cuối cùng là không hạnh phúc nào không chứa đựng những ước mơ.

 

Ba cuốn này còn giống nhau ở lẽ nữa là độc giả ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp từ trẻ con đến người già, ngay cả nhà hiền triết cũng đều đọc được. Trẻ con thì đọc để mơ mộng, người có tuổi/ nhà hiền triết cứ một năm đọc lại một lần để tìm ra một tầng ý nghĩa mới. 

 

Nhà văn Di Li

 

VỀ CHƯƠNG TRÌNH "NGƯỜI THÀNH CÔNG ĐỌC GÌ"

Phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí là nhiệm vụ cần có sự chung tay của mọi người trong xã hội, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng lớn. Trong nhiều năm qua, hàng trăm, hàng nghìn chương trình khuyến đọc, vận động tặng sách cho trẻ em, cho các trường miền núi và vùng khó khăn đã được tổ chức ở khắp các địa phương.

Trong rất nhiều cuộc gặp gỡ, ban lãnh đạo Trạm đọc và VICC nhận thấy ngoài việc cần sách vở, trẻ em, học sinh, các bạn trẻ đều mong muốn được định hướng, tư vấn, gợi ý danh mục sách nên đọc. Họ quan tâm và muốn biết những người có ảnh hưởng, có tri thức và phần nào đó được coi là thành công đọc gì, để có thể noi theo. Đây chính là nguyên nhân ra đời của chương trình "Người thành công đọc gì".

Với sự nhiệt tình tham gia chia sẻ của hàng trăm người thành công, có ảnh hưởng tại Việt Nam, chúng tôi mong mỏi và tin rằng chương trình "Người thành công đọc gì" sẽ nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam.

Tags: