Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời ở tuổi 69
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời ở tuổi 69
Thêm một tin buồn cho giới văn nghệ năm nay, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - tác giả bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” - qua đời chiều 20-4 ở nhà riêng tại Hà Nội.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa qua đời đột ngột vào chiều ngày 20.4 tại Hà Nội. Xác nhận thông tin này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, chiều 20/4, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có chương trình ở Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng ông đã không có mặt vào giờ lên sóng. Sau đó, người thân của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đập cửa và phát hiện ông đã qua đời vào khoảng 14 - 15 giờ. Được biết những năm gần đây, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm mắc bệnh về phổi và thường gặp những cơn khó thở.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7.2.1952, quê Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội; là con trai nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Giác.

Năm 1969, Hoàng Nhuận Cầm học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; đến năm 1971 nhập ngũ vào binh chủng Phòng không –Không quân. Ông từng chiến đấu tại các mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; đến năm 1976 giải ngũ về, tiếp tục học đại học. Năm 1981, ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và từng là Phó giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam.

Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng văn học với các tập thơ: Thơ tuổi 20 (1974); Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983); Xúc xắc mùa thu (1992); Thơ với tuổi thơ (2004); Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007); 36 bài thơ tuyển chọn (2008). Ông đã viết một số kịch bản phim: Lầm lỗi; Đằng sau cánh cửa; Đêm hội Long Trì; Hà Nội- mùa đông năm 1946; Pháp trường trắng; Ai lên xứ hoa đào; Đoạn trường chiêm bao; Nhà tiên tri; Mùi cỏ cháy

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được trao giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1972-1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993 cho tâp thơ Xúc xắc mùa thu; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2012. Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng bộc bạch: “Mê thơ đến muốn chết và say điện ảnh đến phát mệt, cả hai tạo thành tình yêu cuộc sống, có lẽ đó là quá trình cống hiến văn học của tôi. Về sáng tác, tôi cố gắng không giống ai và không lặp lại mình, điều này được gửi gắm trong hai câu thơ cuối của bài thơ Sông Thương tóc dài:Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/Anh một mình- náo động -một mình anh”. Trong vai trò biên kịch, Hoàng Nhuận Cầm đã giành giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất - Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 (năm 2011) và Giải Cánh diều - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2012 cùng với kịch bản phim điện ảnh Mùi cỏ cháy. 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn nổi tiếng với nhân vật Bác sĩ Hoa súng trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” và vai nhà thơ trong phim Số đỏ. Hiện ông đang sống tại Hà Nội; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói Hoàng Nhuận Cầm là cây bút xuất sắc thời kỳ chống Mỹ. "Thơ Hoàng Nhuận Cầm chính là cảm xúc của những lớp học trò cầm súng ra trận, rất trong trẻo, tươi sáng, đẹp như làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai. Ông rất nhiệt huyết với thi ca. Mỗi lần nói chuyện, bình thơ, ông như một ngọn lửa bùng cháy", ông Trần Đăng Khoa nói. Ông Khoa nhớ ngoài đời, cố nhà thơ nói chuyện dí dỏm, thường được mời đi giao lưu nhiều chương trình.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và nhà báo Trương Anh Ngọc trong một lần thu âm gần đây tại Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và nhà báo Trương Anh Ngọc trong một lần thu âm gần đây tại Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là mất mát lớn cho thi đàn Việt Nam và để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho giới văn nghệ cũng như đông đảo người đọc. 

Trên trang cá nhân, nhà thơ Hữu Việt đau buồn gửi lời tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Đây có lẽ là bức ảnh cuối cùng của người anh yêu quý! Bất ngờ và đột ngột quá!

Thêm một nhà thơ lớn về tài năng và tuyệt vời về nhân cách đã nằm xuống".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều xót xa: “Với tôi, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là người đọc thơ mê đắm nhất xứ sở này. Với bất cứ ai đã nghe ông đọc thơ dù chỉ một lần cũng không bao giờ quên được niềm đắm mê không bờ bến của ông khi giọng đọc ông vang lên.

Xin vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một tình yêu vô tận với thơ ca.”

 

 

Tags: