Nhà sách Mão - tiệm sách lâu đời bậc nhất phố Đinh Lễ
Nhà sách Mão - tiệm sách lâu đời bậc nhất phố Đinh Lễ
Dọc trên con phố sách Đinh Lễ nổi tiếng, nhà sách Mão nằm trong con ngõ nhỏ mở ra một thế giới sách vương màu cổ kính độc đáo bậc nhất thủ đô Hà Nội.

Nhà sách Mão là "thiên đường" của rất nhiều độc giả Hà Nội. Và có lẽ ít ai biết rằng, cái nhộn nhịp, tấp nập ấy được bắt đầu từ chiếc xe đẩy chứa hai chục cuốn sách của vợ chồng ông Lê Luy, bà Phạm Thị Mão (Chủ nhà sách Mão) bên chân tháp Hòa Phong. Đây cũng chính là hiệu sách lâu đời nhất ở phố Đinh Lễ - Hà Nội.

Năm 1990, ông Lê Luy về hưu. Đồng lương ít ỏi cùng gánh nặng chăm sóc đứa con nhỏ khiến ông không thể an phận, chấp nhận nghèo khổ. Khi ấy, ông đạp xe khắp nơi để bán bánh kẹo. Nhiều người là học trò cũ thấy thầy giáo đạp xe đi bán hàng mà không cầm được nước mắt. Ngay sau đó, vợ ông - bà Phạm Thị Mão cũng rời tổng công ty phát hành sách về nghỉ hưu.

Bà Phạm Thị Mão

Có sẵn kinh nghiệm chọn sách và các mối quan hệ trong nghề, ông bà quyết định mượn hàng xóm chiếc xe đẩy để bày hai chục cuốn sách bán dạo bên tháp Hoà Phong. Về sau, do mối quen biết sẵn có, ông được ngồi bán sách bên chiếc bàn nhỏ sát bờ tường Bưu điện Hà Nội. Cửa hàng chỉ có vài chục quyển nhưng bán đắt như tôm tươi. Vốn nhỏ, khách mua nhiều nên có khi cả ngày bà Mão phải chạy vắt chân lên cổ để đi nhập sách về bán.

Ông Lê Luy

Vật lộn suốt ba năm, ông bà mua được căn gác hai tại ngôi nhà số 5, phố Đinh Lễ sau khi bán căn nhà cũ ở Ngũ Xã để mở tiệm sách. Hiệu sách nhỏ lại nằm sâu trong hẻm nên ông vẫn phải ngồi ở vỉa hè để giới thiệu cho khách quen dần. Mỗi dịp cuối năm, ông bà lại làm lịch để bán thêm. Kỳ lạ là những cuốn lịch bán rất chạy dù rằng điểm lấy hàng với giá gốc ở phố Lò Sũ, cách đó chỉ vài trăm mét.

Có những năm, kinh tế suy thoái, số người đến chọn sách vẫn đông nhưng số người về tay không cũng tăng đáng kể. Ông Luy cho hay, nhiều người cầm cả chục cuốn sách ra nhưng khi tính tiền lại không đủ nên phải tiếc nuối bớt lại. Vì thế, lợi nhuận của nhà sách đã giảm đi. Tuy nhiên, ông bà vẫn hết sức lạc quan cho rằng: Sách chứa đựng tri thức, văn hoá của nhân loại. Con người còn thì tri thức, văn hoá vẫn còn. Vì thế, con người sẽ vẫn luôn tìm đến sách và đọc sách như một nhu cầu không thể thiếu.

“Thánh địa” sách trong những căn hẻm nhỏ

Rời xa thanh âm ồn ã của phố thị, bước lên tầng 2 khu tập thể, chỉ còn là bóng cây xanh mát, tiếng chim hót râm ran và sự tĩnh lặng khiến lòng người dịu lại. Những vị khách tới đây thỏa mình đắm hồn vào sách.

Những lối đi rất hẹp, bước vào đây, người đọc được vây xung quanh là vô số các thể loại sách được chồng xếp lên nhau tới tận trần nhà. Sau lưng là sách, trước mặt là sách, quay mọi góc đều thấy được bao bọc bởi sách, chỉ xoay người nhẹ thôi là đụng vào sách. Hẳn ai khi tới đây cũng có cảm giác mình đang lạc vào một mê cung mà chẳng có ý định thoát ra, bởi đó là mê cung của sách. Những con chữ, những màu sắc, và cả mùi đặc trưng của sách cũ và sách mới hòa vào nhau tạo nên cảm giác dễ chịu.

Bước vào mỗi gian của nhà sách, độc giả không khỏi choáng ngợp bởi số lượng sách khổng lồ được bày tại đây. Trước đây, ông bà chỉ có một gian sách, nhờ bán chạy, ông bà liên tục mở rộng, mua thêm những phòng xung quanh của khu tập thể để mở rộng quy mô. Đến nay, nhà sách có 5 gian, mỗi gian chứa một loại sách khác nhau như: Sách tin học, sách khoa học – kĩ thuật đời sống, sách văn học trong nước và văn học nước ngoài, sách giáo khoa.

Không phải là những kệ sách được bày sáng sủa, ngăn nắp theo thứ tự các đầu sách. Sách ở đầy chồng lên nhau, các đầu sách xếp dường như cũng chẳng cần thứ tự nào. Bà Mão nói: “Sách xếp lộn xộn vì người làm thì ít, sách nhiều mà khách đến xem lại hay đảo, muốn lấy sách ở dưới lại phải bỏ sách bên trên ra nên thành lộn xộn. Lúc nào có thời gian nhà bà mới xếp đặt lại nhưng đâu rồi lại trở về đó (cười)”. 

Sự lộn xộn ấy là điều đặc biệt của nhà sách mà theo anh Tài, nhân viên làm thêm của nhà sách cho biết nhiều người đến đây mua sách thích như vậy. Anh nói: “Người mua sách ở đây có hai loại. Thứ nhất, người trong đầu đã có sẵn tên sách cần mua, khi đến họ chỉ hỏi rồi mình lấy ra. Loại thứ hai, họ chưa biết mua gì nên rất thích “bới” sách, cứ tìm kiếm trong đống sách lộn xộn ấy lại ra được cuốn ưng ý. Dù sách bày có lộn xộn nhưng chỉ cần khách hỏi là tôi tìm được ngay.” 

Sau nhiều năm bán sách, ông bà có được cho mình một nguồn sách khổng lồ, từ những sách lâu năm, sách qúy, sách không còn tái bản, sách mới liên tục cập nhật, phục vụ được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhưng nhiều lúc khách cũng phải ngậm ngùi vì đầu sách hay bán chạy quá không còn để mua nữa. 

Với sự phát triển của công nghệ và sách online, giá sách in lại ngày càng đắt nên nhà sách cũng ít khách đi. Khách đến mua chủ yếu là học sinh, sinh viên, người trẻ, điều kiện kinh tế không cao nên ông bà cũng cố gắng giảm giá nhiều cho họ. 

Giữa bộn bề công việc và quá nhiều thiết bị công nghệ vây quanh, người ta ít quan tâm đến việc đọc sách. Nhưng nhà sách Mão luôn có những vị khách, cả khách quen lẫn khách mới, họ vẫn giữ cho mình niềm yêu thích với sách. Họ đến đây, không đơn thuần là để mua sách mà còn để hòa mình vào không gian văn hóa quá đỗi bình yên ở đây. 

Trạm Đọc sưu tầm

Ảnh: Kenh14

Tags: