Nhà bên sông: Hơi thở thời gian của Mát-xcơ-va
Nhà bên sông: Hơi thở thời gian của Mát-xcơ-va
Cuốn tiểu thuyết là liều thuốc phiện cho những người nghiện thể loại “đời sống xã hội”, đam mê khám phá sự thật lịch sử xung quanh những biểu tượng của thế giới nghệ thuật, kiến trúc

Vasilyevich Gogol nói rằng: “Không có cái chết trong đời sống văn học, người chết cũng can thiệp vào việc của chúng tôi và hành động cùng chúng tôi, như người sống”. Có một tác phẩm, ở đó tác giả dường như biết cách liên hệ với những nhân vật có thật trong lịch sử mà một trong số đó đã khuất nhằm tái hiện lại một cách sinh động câu chuyện cuộc đời họ- đó là cuốn tiểu thuyết “The House on the Embankment” ( tạm dịch “Nhà bên sông”) của tác giả Yuri Trifonov.

 Đến với thủ đô của nước Nga xinh đẹp, bạn sẽ phải ngỡ ngàng với thiên nhiên, cảnh vật và vẻ đẹp của công trình kiến trúc nơi đây. Nhắc tới Nga, nói tới thủ đô Mát-cơ-va là phải nghĩ ngay tới Quảng trường đỏ, điện Kremlin, công viên chiến thắng,... Bên cạnh vẻ đẹp hào nhoáng, những công trình kiến trúc nơi đây còn đặc biệt bởi câu chuyện lịch sử ẩn chứa sau đó. Và một trong những đại diện tiêu biểu là Tòa nhà bên bờ sông ở Trung tâm thành phố. 

Những sự thật thú vị về tòa nhà ấy đến nay vẫn luôn là đề tài khơi gợi sự tò mò cho nhiều người. Đặc biệt nó là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ như Lomonosov, Yuri Trifonov,... 

Câu chuyện bên lề về tòa nhà “House on the Embankment” được nhắc tới trong tác phẩm của Trifonov ở Mát-cơ -va

Tòa nhà Chính phủ ( House on the Embankment) những năm 1930. Bộ sưu tập MAMM

 Đầu tiên, đây từng là tòa nhà chung cư lớn nhất châu Âu.

 Vào những năm 1927-1931, House on the Embankment là tòa nhà chung cư lớn nhất ở châu Âu: 24 lối vào, 505 căn hộ với diện tích tổng thể là 3 héc-ta. Ngôi nhà được xây dựng theo chủ nghĩa kiến tạo lúc bấy giờ, chú trọng vào chức năng và sự đơn giản

Nó trở thành biểu tượng cho phong cách kiến trúc độ sộ đã thống trị cảnh quan Moscow từ những năm 1930. Đồng thời, đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều kiến trúc sư một thời gian dài sau đó..

Một thành phố nhỏ đối diện Kremlin.

Ngôi nhà trên bờ kè được thiết kế theo cách mà nếu muốn, cư dân của nó hoàn toàn không cần phải ra ngoài: khu phức hợp có mọi thứ cần thiết cho một cuộc sống đầy đủ. Vào thời Liên Xô, có Cung văn hóa Rykov, rạp chiếu phim Udarnik , phòng tập thể dục, cửa hàng bách hóa, tiệm giặt là, căng tin, nhà trẻ và các cơ sở khác. Những khoảng sân, với những bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận và những đài phun nước tuyệt đẹp, đây là một nơi tuyệt vời để tản bộ.

Tiếp đến là cư dân ở đây. Những người có ảnh hưởng nhất thời đó đều sống trong tòa nhà này, được gọi là “Nhà của Hội đồng nhân dân”. Họ có thể là nhà khoa học, lãnh đạo đảng, nhà văn, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ, đạo diễn. Có một tin đồn vẫn tồn tại đến nay, cho rằng mỗi người dân muốn thuê nhà ở đây đều phải có được sự chấp thuận thông qua của Stalin (Tổng bí thư Liên Xô từ 1922 - 1952). Trong số những cư dân nổi tiếng nhất của ngôi nhà có Nguyên soái Georgy Zhukov và Mikhail Tukhachevsky, đạo diễn Grigory Alexandrov, nhà văn Mikhail Koltsov, biên đạo múa Igor Moiseev và con gái của Stalin là Svetlana Alliluyeva.

Sự đặc biệt của tòa nhà này còn gắn liền với những cái tên của nó.  Ban đầu, tòa nhà mang tên Nhà của Hội đồng Ủy ban Nhân dân Liên Xô, nhưng sau khi phát hành cuốn tiểu thuyết "Ngôi nhà bên sông" của Yuri Trifonov, tên này đã được đặt cho nó. Trifonov mô tả: “ Nó trông giống như một con tàu, nặng nề và kỳ cục, không có cột buồm, không có bánh lái và không có ống dẫn, một chiếc hộp cồng kềnh, một chiếc hòm đầy người, sẵn sàng ra khơi.

> Loạt sách kinh điển Nga mới ra mắt: Nối nhịp cầu văn học Việt - Nga

  Khi nhắc tới công trình kiến trúc này, ta phải nhắc ngay tới cuốn tiểu thuyết “ Nhà bên sông”(1976) của Yuri Trifonov. 

"The House on the Embankment" là một trong những tác phẩm sâu sắc và mang tính thời sự nhất của thế kỷ 20.  Cuốn sách phác họa bức tranh đời sống thường nhật với vô vàn vấn đề của những gia đình bình thường ở thủ đô Matxcova vào những năm 30, 40, 70 Câu chuyện đưa ra những phân tích sâu sắc về bản chất của nỗi sợ hãi, sự suy thoái của con người dưới ách thống trị của một chế độ toàn trị.

Tác phẩm Nhà bên sông 

Sự quan tâm thực sự đến một người, mong muốn được cùng người đó trong những sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời và những bước ngoặt trong lịch sử đã đưa câu chuyện của Yuri Trifonov vào hàng những tác phẩm hay nhất của văn học thế giới.

Bằng lối viết và câu từ trau chuốt một cách tỉ mỉ, cuốn sách của Trifonov đôi khi có thể khiến bạn nổi da gà. Dưới ngòi bút của tác giả, một tòa chung cư bên bờ sông, nơi những học sinh bình thường ở Moscow sống cùng gia đình hiện ra một cách chân thực trước mắt người đọc. Họ làm quen, kết bạn, giúp đỡ nhau, cuộc sống hiện ra với muôn màu cảm xúc: yêu, ghét đủ cả. 

Các nhân vật của “House on the Embankment” có thật không?

Những hình tượng trong tác phẩm đều được chắt lọc từ những câu chuyện có thật. Có một Sonya Ganchuk yêu một cách mù quáng, vì quá yêu mà chẳng thể nhận ra sự dối trá và kệch cỡm ở người đàn ông mà mình lựa chọn. Cha cô, Giáo sư Ganchuk lại mang hình tượng và tính cách đối lập hoàn toàn, là một người luôn tỉnh táo trong những mối quan hệ và công việc, một người sẵn sàng chiến đấu cho công lý. 

Bên cạnh đó, người đọc có thể thấy được nhiều khía cạnh đối lập khác của xã hội bấy giờ thông qua tuyến nhân vật phụ như: anh chàng Shulepa được miêu tả một cách mơ hồ là kẻ ham chơi, người đã sống cuộc đời sáo rỗng, vô nghĩa hay Anton Ovchinnikov lý trí, cũng là một chàng trai trẻ như Shulepa nhưng biết cách nhìn nhận mọi thứ một cách khoa học và nghiêm túc, người đã hy sinh trong chiến tranh …

 Lev Fedotov. Cuối những năm 1930 (Nguyên mẫu của Anton Ovchinnikov)

Thú vị nhất là nhân vật chính của câu chuyện, Vadim Glebov, nhân vật duy nhất không có “nguyên mẫu” rõ ràng, Trifonov tạo ra “hơi thở chính” cho tác phẩm của mình từ những mảnh tiểu sử và đặc điểm tính cách của những người sống vào những năm 1920, bao gồm cả phần tính cách của chính tác giả.  Glebov- người không sống trong tòa nhà ấy, nhưng luôn ghen tị với cư dân của nó. Trên thực tế, anh ta là một kẻ cơ hội, rất hèn nhát, rất đố kỵ, luôn cố gắng biện minh  cho bản thân và hành động của mình. Phương châm chính của anh ta, thứ mà khiến anh ta sống hạnh phúc cả đời: "Hãy cúi đầu" và luôn ở bên phải với những người chiến thắng. Sau khi xuất bản câu chuyện, Trifonov đã nhận được thư từ những người quen và độc giả của mình, họ thừa nhận rằng đã thấy mình ở Vadim Glebov.

Trifonov đã tạo ra một chiếc gương để soi chiếu tâm can của mọi loại người?

Đúng vậy, câu chuyện của Trifonov giống như một chiếc gương, phản ánh sự tàn nhẫn của cuộc sống, trong đó bạn không chỉ nhìn thấy kết quả của một hành động, mà còn có thể nhìn thấy nguồn gốc dẫn đến hành động ấy. Tác giả nêu ra câu hỏi rằng: “ở lứa tuổi nào thì một người phải chịu trách nhiệm cho những gì mình lựa chọn?”.  Ai cũng phải lựa chọn cho mình một ngã rẽ cuộc đời mà thôi, hãy biết cách đi đúng hướng, dù chọn con đường nào thì cũng phải giữ cho mình lý trí, và biết tin tưởng vào bản thân mình. 

Còn rất nhiều khía cạnh trong tác phẩm cần bạn khai thác và tự cảm nhận bởi mỗi người đều sẽ có cho mình bài học và sự cảm nhận riêng. 

Cuốn tiểu thuyết là liều thuốc phiện cho những người nghiện thể loại “đời sống xã hội”, đam mê khám phá sự thật lịch sử xung quanh những biểu tượng của thế giới nghệ thuật, kiến trúc. 

Dám cá là bạn sẽ cảm thấy tò mò ngay tức khắc về hình ảnh thực của “ Ngôi nhà bên sông” sau khi đọc tác phẩm này đó!

                                                                                                        Nghiêm Anh

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tags: