Nguyễn Nhật Ánh viết về lì xì ngày Tết
Nguyễn Nhật Ánh viết về lì xì ngày Tết
Trong những chia sẻ của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết mình thấy vui nếu trẻ được nhận những cuốn sách làm quà dịp đầu năm, thay vì chỉ là những đồng tiền lì xì.

Tục lệ lì xì ngày Tết để mừng tuổi chẳng biết có từ bao giờ mà ngay khi còn bé, tôi đã biết rồi. Hồi đó (và ngay cả bây giờ), trẻ con đứa nào cũng mong chờ Tết để được nhận tiền lì xì. Ba ngày xuân, được ba mẹ dắt đi viếng nhà này nhà nọ là một niềm vui to lớn của trẻ con, chỉ vì thế nào cũng được chủ nhà lì xì. Có đứa ba ngày Tết ai rủ đi chơi đâu cũng không đi, sợ "mất thu nhập", cứ "cố thủ" ở nhà để cô, dì, chú, bác, cậu, mợ và khách của ba mẹ đến thăm. Trong bài Thương nhớ Tết xưa, nhà văn Nguyễn Quang Lập nhớ lại: Sáng mồng một háo hức chờ khách đến nhà cho tiền mừng tuổi, hồi đó tiền mừng tuổi chỉ năm xu một hào, khách sộp mới cho đến hai hào. Khách đến thì cứ giả đò chạy vô chạy ra, đến khi khách cho tiền thì giả đò ưỡn ẹo không lấy, mồm thì cháu không cháu không, mắt thì liếc nhìn mạ đợi lệnh, mạ cười nói thôi xin bác đi con, mới cầm lấy tiền chạy ù đi. Lúc lúc lại sờ vào túi lẩm nhẩm đếm tiền, thỉnh thoảng lại xổ ra cả ngồi đếm đi đếm lại, sung sướng vô cùng.

Trẻ con sung sướng vì tiền lì xì, không biết người lớn khổ sở vì tiền lì xì. Những người kinh tế eo hẹp, con cháu đông, cứ đến Tết là chạy tiền lì xì toát mồ hôi như chạy gạo. Ai đổi không được tiền lẻ càng lo sốt vó. Lì xì vài chục con cháu mà dùng tiền chẵn thì không khéo khánh kiệt tới nơi. Bên cạnh đó, người lớn còn nỗi khổ khác: Lì xì ít sợ trẻ con (có khi cả ba mẹ trẻ con) so sánh, bình phẩm. "Bác này bủn xỉn!" - tuy là lời trẻ nhưng người lớn nghe được cũng không khỏi chạnh lòng. Chưa kể, khách lì xì con mình 50 nghìn, khi qua nhà khách trả lễ mình không thể lì xì ít hơn. Tự nhiên, vì cái chuyện lì xì mà không ít người phải cân nhắc, tính toán chuyện viếng thăm nhau ba ngày Tết. Chuyện vui, chuyện tốt lành bỗng dưng trở thành một gánh nặng vô hình!

Tục lệ lì xì thoạt đầu có ý nghĩa tinh thần, gọi là "mừng tuổi", thể hiện sự quan tâm, nhằm chúc phúc chúc lộc. Theo giáo sư Nghiêm Toản, "lì xì" là âm Quảng Đông của từ Trung Quốc "lợi thị", có nghĩa là "tốt lành", "vận may". Tiền lì xì thường bỏ trong bao giấy màu đỏ, gọi là "hồng bao". Nhưng rồi theo thời gian, nó biến tướng, nhiễm tinh thần thực dụng lúc nào không hay: "Lì xì 20 nghìn thì mua được gì!": người ta bắt đầu đánh giá tiền mừng tuổi dưới khía cạnh sử dụng, cả người tặng lẫn người được tặng! Từ nhiều năm trước, cứ gần Tết là các ngân hàng rộ lên dịch vụ đổi tiền để người dân có tiền mới lì xì. Tờ bạc thông dụng lúc đó là tờ 1.000, 2.000 đồng. Bây giờ tiền lì xì có mệnh giá thấp nhất là tờ 10.000 đồng, sau đó là tờ 20.000, 50.000, 100.000 đồng. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, Tết nhứt mà lì xì 50 nghìn vẫn là ít, đành bấm bụng nhét tờ 100.000 nghìn vào hồng bao. Lì xì 50 người, vị chi mất đứt 5 triệu - rõ ràng không phải là số tiền nhỏ!..

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (giữa) nhận giải Hiệp sĩ Dế Mèn hồi tháng 9/2020 tại Hà Nội. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Gần đây, nổi lên tờ hai USD, nhiều người gọi là tờ "lucky money" (tờ bạc may mắn). Đồng hai USD có in hình tổng thống Jefferson ở mặt trước và bức tranh tuyên bố độc lập của họa sĩ John Trumbull ở mặt sau. Tờ bạc này ít xuất hiện trên thị trường vì ngân khố Mỹ cho in loại tiền này với số lượng hạn chế. Trong khi tờ năm USD và một USD chiếm gần 50% tổng số bạc giấy do ngân hàng quốc gia Mỹ phát hành thì tờ hai USD chỉ chiếm khoảng 1%. Vì đồng hai USD hiếm khi lưu thông trên thị trường nên khi vớ phải tờ bạc này, người ta không xài mà giữ lại, thoạt tiên là "để làm kỷ niệm", sau này khoác thêm ý nghĩa... "để cho may mắn". Từ ngày "sự tích" này lan qua Việt Nam, nhiều người chuyển qua lì xì bằng tờ hai USD. Lì xì bằng tờ ngoại tệ này vừa được tiếng "sang", vừa đạt được ý nghĩa ban đầu là "chúc may mắn"; người nhận thấy vui vui và tự nhiên giũ bỏ được tâm lý "quy ra thóc". Người tặng thì đỡ tốn (hiện nay tỉ giá tờ hai USD so với tiền đồng khoảng 40 nghìn, nếu mua từ các dịch vụ đổi tiền thì vào khoảng 50 nghìn), rẻ phân nửa so với tờ 100 nghìn đồng.

Nhưng suy cho cùng, tiền bạc được in ra là để làm công cụ thanh toán, đúng như tâm sự cay đắng của nhân vật nam trong bài Tiền và lá của nhà thơ Kiên Giang. Hồi bé cùng bạn gái chơi trò bán hàng lấy lá làm tiền: Anh moi đất nắn tượng người/ Em thơ thẩn nhặt lá rơi.... làm tiền/ Mỗi ngày chợ họp mười phiên/ Anh đem người đất đổi tiền lá rơi, lớn lên chàng thi sĩ nghèo mới đau khổ phát hiện ra một chân lý... xưa như trái đất: Tiền không là lá em ơi/ Tiền là giấy bạc của đời in ra/ Người ta giấy bạc đầy nhà/ Cho nên mới được gọi là chồng em. Chính vì "chân lý" đó: "tiền là giấy bạc của đời in ra", nên dù tờ hai USD có là "tờ bạc may mắn" đi nữa, vẫn không tránh khỏi có người tỉ mẩn tính nhẩm: "Vậy là vào khoảng 40-50 nghìn", thậm chí sau đó đem ra xài để hiểu "may mắn" ở đây theo cái nghĩa có thể dùng để thanh toán được.

Vậy cách hay nhất là không lì xì bằng tiền, mặc dù điều đó có thể bị coi là đi chệch khỏi hình thức ban đầu của nó. Nói có sách mách có chứng: Vài năm trở lại đây, tôi thấy có nhiều người dùng sách làm quà tặng đầu năm thay cho "hồng bao". Trẻ con ngày nay được tặng sách nhiều em mặt mày rạng rỡ chứ không xịu xuống như bánh mì gặp nước. Có lẽ đời sống kinh tế, đặc biệt ở khu vực thành thị, gần đây đã được cải thiện đáng kể nên trẻ em thành phố không quá mong đợi tiền lì xì (như một khoản "thu nhập thường niên") như trước đây. Dĩ nhiên mỗi dịp Tết nhứt, các em vẫn đau đáu chờ được nhận "quà mừng tuổi" từ tay người lớn như một thói quen, nhưng không nhất thiết phải là tiền, dù là nội tệ hay ngoại tệ.

Mừng tuổi đầu năm bằng sách, tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến đó, không phải vì tôi là người viết sách mà vì bản thân điều đó là một nét đẹp văn hóa cần được phổ biến. Sách cũng là sản phẩm "của đời in ra" nhưng khác với tiền, sách in ra để đọc, để bồi dưỡng tâm hồn và khám phá tri thức chứ không phải dùng làm công cụ thanh toán. Và khi được tặng một cuốn sách, chắc chắn không đứa trẻ nào bắt gặp trong đầu mình ý nghĩ lật xem giá bìa để bình phẩm "bác này rộng rãi, dì kia keo kiệt" như lúc nôn nóng mở "hồng bao".

Thật là tuyệt vời nếu ngày đầu năm mới, vừa nhìn thấy cô chú cậu mợ hay bạn của ba mẹ đến nhà, trẻ con ùa ra, nhao nhao "Sách của con đâu?" thay vì "Tiền lì xì của con đâu?". Chỉ riêng sự thay đổi đó thôi đã đủ để các bậc phụ huynh mỉm cười, để các nhà văn hóa bớt băn khoăn than thở "văn hóa đọc đang xuống cấp" và để chàng thi sĩ trong thơ Kiên Giang không còn rầu rĩ: Kiếp tôi là kiếp làm thơ/ Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi. Vì trong những cuốn sách được lì xì đầu năm đó, chắc chắn thế nào cũng có... vài tập thơ.

Nguyễn Nhật Ánh

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lì xì sách - Nét văn hóa mới cho một Tết Văn Minh

Độc đáo ý tưởng nhân văn “lì xì sách Năm mới” tại Hội ngộ Tết Tử tế từ First News - Trí Việt

Dịch giả - Họa sĩ Trịnh Lữ ra mắt cuốn sách Trịnh Lữ Ghi Chép

Ra mắt "Lòng tốt dễ lây" - Cuốn sách về lòng tốt và sự tử tế