Nguyễn Cảnh Bình - Ngọn nến đốt hai đầu
Nguyễn Cảnh Bình - Ngọn nến đốt hai đầu
Từ một cậu bé đam mê đọc sách ngày nào, Nguyễn Cảnh Bình đã trở thành người làm sách và bây giờ là một tác giả với cuốn tự truyện “Sinh năm 1972 - Khát vọng sống”. Lao Động Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh chủ đề này.

 

Tôi hiểu đâu là những giá trị thực sự của cuộc đời

 

Thưa anh Nguyễn Cảnh Bình, lời người xưa truyền lại rằng, “phúc hữu thi thư khí tự hoa”, tức là chỉ cần đọc nhiều thì học sẽ thành công, khí chất tài hoa của bản thân sẽ trỗi dậy. Là một người yêu sách, làm sách và viết sách, anh thấy điều này có đúng hay không?

- Nguyễn Cảnh Bình: Lời người xưa có mấy khi sai đâu, chỉ là chúng ta - con người có đủ kiên nhẫn, bề bỉ, kiên trì hay không thôi. Nhưng ngoài việc học cần phải rèn luyện nữa. Cũng như việc tập luyện thể thao tác động đến sức khỏe, thể chất, thì việc học tập, đọc sách, rèn luyện và những trải nghiệm trong cuộc sống làm sao mà không để lại dấu ấn trên khuôn mặt, lời nói, dung mạo và hành vi của mỗi người được? Chúng ta hiểu biết hơn thì nhìn chung sẽ sống tốt hơn thôi, cả cơ thể và tâm hồn, cả thể xác và diện mạo.

Khi còn là một cậu bé, anh đam mê đọc sách đến nỗi ngẩng lên nhìn quanh thấy mình dường như không có mấy bạn bè trong khu tập thể. Việc đọc đã giúp anh như thế nào trên đường đời?

- Giờ đây, chúng ta có Internet, có truyền hình và nhiều công cụ khác giúp mình hiểu về xã hội, hiểu cuộc sống thực tế và thế giới nhưng hơn 30 năm trước, sách vở là cánh cửa hầu như duy nhất giúp ta có kiến thức và hiểu biết rộng lớn hơn cái ngôi làng quê, và hàng xóm, bạn bè xung quanh mình. Mà kể cả ngày nay, kiến thức và học tập trong trường học không giúp chúng ta nhìn ra những thực tế đầy gian khó, đa chiều đã và đang diễn ra trong lịch sử loài người, và cả xã hội Việt Nam. 

Amh Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books

 Nhờ đọc sách, tôi được cảm nhận và hình dung được những điều đã và đang diễn ra ngoài đời sớm hơn lứa tuổi, và cũng thật may nhờ cha mẹ mà tôi còn được biết nhiều câu chuyện về những thăng trầm của con người, của xã hội Việt Nam. Tôi hiểu đâu là những giá trị thực sự của cuộc đời, đâu là những tài sản thực sự của con người, của dân tộc sau bao nhiêu biến động, thăng trầm... Và thế là không phí hoài cho những thứ không đáng, nhưng cùng với đó là những mò mẫm kiếm tìm và kiểm nghiệm chính mình... Những hiểu biết này giúp tôi trụ vững sau những vấp ngã, thất bại đầu đời, kiên định với con đường mình đã chọn: Làm kinh doanh để kiếm tiền, nhưng đồng thời qua đó tôi cũng muốn góp phần trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc cũng như nền dân trí của dân tộc. Tiếp đó là những dự định lớn hơn, mà nhiều người có thể đánh giá là “viển vông”. Tuy nhiên tôi cho rằng, có nhiều cách sống trong cuộc đời, và tôi muốn chọn cách sống không chỉ cho riêng bản thân và gia đình mình.

Còn nhớ năm 2013, khi người thực hiện bài phỏng vấn này ra mắt cuốn "Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông", anh đã giới thiệu trang trọng trên trang facebook cá nhân một vài trích đoạn mà anh tâm đắc. Sau đó, anh còn có mặt tại buổi ra mắt sách đầy ấm cúng. Đối với người viết nào anh cũng trân trọng như vậy hay sao?

- Nhìn vào tất cả những nền xuất bản lớn trên thế giới thì có thể thấy rằng, hầu hết những cuốn sách best-seller tại các quốc gia đó đều do tác giả là người của đất nước đó viết cho dân tộc đó. Vì vậy, ngay từ khi thành lập Alpha Books tôi đã ấp ủ dự định phát triển một dự án khuyến khích người Việt viết sách. Sau đó thương hiệu sách “Sống - người Việt viết cho người Việt” đã ra đời. Cuốn sách của anh và nhiều tác giả người Việt khác do Sống xuất bản đồng thời tổ chức nhiều chương trình ra mắt. Nếu có thời gian, có điều kiện, tôi luôn muốn ủng hộ, góp phần thúc đẩy, lan tỏa những điều có giá trị và ý nghĩa với cộng đồng, và ngược lại thường chẳng hào hứng gì với những hoạt động không có mấy giá trị. Dù không thể tham gia hết những hoạt động này nhưng tôi thực sự cố gắng tham gia những hoạt động có ý nghĩa, cố gắng đóng góp và ủng hộ những việc làm như thế. “Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông” là một câu chuyện, một tác phẩm, một công việc có giá trị như thế, tại sao lại không thể ủng hộ?

 

Tôi đã làm được chừng 1/4 hay 1/3 những gì tôi mong muốn

 

Ở tuổi 50 nhìn lại những hoài bão mà mình đã từng ấp ủ, anh đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm? Điều gì đã anh đã buông bỏ và điều gì vẫn không ngừng hối thúc tâm can?

- Khó có thể đo lường ra con số, ra phần trăm như anh hỏi. Tôi chỉ đặt ra mục đích cho những gì mình làm chứ không đề ra cụ thể khối lượng công việc thế nào. Nhiều khi đặt ra một nhiệm vụ, một mục đích nhưng để đạt được nó, cứ làm mãi, hết việc này đến việc khác mà rồi cũng chưa chắc đã đạt được điều mình muốn. Nhưng nếu buộc phải ước lượng, tôi nghĩ là đâu đó mình đã làm được chừng 1/4 hay 1/3 những gì tôi mong muốn, như thế liệu có tham lam và nhiều quá không? Chỉ riêng trong xuất bản, tôi thấy còn bao nhiêu việc cần làm, còn bao nhiêu sách cần xuất bản mà rồi chúng tôi đã làm được gì nhiều đâu. Ví dụ như tôi ước ao xuất bản những giáo trình đại học hiện đại của thế giới cho người Việt Nam mà hầu như chưa làm được gì, rồi sách giáo khoa hiện đại cho học sinh phổ thông; rồi công bố, đưa ra các tác phẩm di sản bằng chữ Hán, chữ Nôm của các bậc tiền nhân mà cũng chưa làm được gì mấy (nhưng Viện Hán nôm và vài đơn vị khác đang nỗ lực thực hiện những hoạt động này). Đấy mới là xuất bản thôi, chứ các chủ đề khác còn nhiều điều lắm mà chưa làm được gì đáng kể đâu.

Vì sao bạn bè lại gọi anh là "ngọn nến đốt hai đầu"?

- Vì tôi muốn và làm rất nhiều việc. Ngày nhỏ, cùng lúc tôi thường đọc luôn vài cuốn sách, chứ không phải chờ đọc xong cuốn này rồi mới đọc cuốn kia. Bây giờ cũng vậy, tôi cùng lúc làm nhiều việc, làm nhiều dự án, thậm chí nhiều khi bản thân tôi cũng thấy quá nhiều thứ, quá nhiều dự định và ý tưởng nên khó hoàn thành chu đáo. 20 năm trước, khi đọc và dịch về lịch sử Hy Lạp cổ đại, tôi đọc được câu chuyện về Pyrros của xứ Epiros là chiến binh rất tham lam, liên miên với các cuộc viễn chinh, tôi đôi khi cũng thấy mình như thế. 

Thực ra, tôi cũng là người đầy mâu thuẫn đấy. Cách sống “đốt nến” này không giống với những lời khuyên trong sách vở và thậm chí cả những gì tôi từng muốn. Nhiều nhiều năm trước, tôi đọc và rồi ước ao được sống như Lão Tử, Trang Tử, nhất là những câu chuyện tuyệt vời thế nào trong Nam Hoa Kinh, hay gần hơn là các bài thơ, và truyện ngắn của Kawabata, của Pautopxki đáng yêu và yên bình đến thế nào. Nhưng nhìn ra xung quanh, thấy nhiều thứ cần làm quá, thấy xung quanh còn bao nhiêu điều hữu ích, có giá trị cần làm. Thế là lại không dừng lại được... 

 

Cuốn sách "Sinh năm 1972" của anh Nguyễn Cảnh Bình

Anh mất chừng 5 năm với cuốn tự truyện "Sinh năm 1972 - Khát vọng sống" do mình viết nên. Khi bản thảo được chuyển đi nhà in, điều gì khiến anh hài lòng nhất và điều gì vẫn còn trăn trở?

- Chuyển đi in cuốn sách tôi như thể trút được gánh nặng, như một cái việc âm ỉ cháy trong người, như một việc bị treo lại... Anh cứ hình dung giống như kiểu những tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp, với độc giả và cả tâm sự với mình khi trút ra được thì nhẹ nhàng thế nào ấy. Nhưng là người làm sách, đọc sách nhiều quá thì lại thấy nhiều điều chưa hoàn chỉnh, chưa được viết ra, bỏ sót việc này, việc kia, rồi không nhắc đến những người mà mình đã từng làm việc, từng biết ơn, chịu ảnh hưởng của họ mà không kể hết. Rồi cả cách thức và câu chữ viết ra thì chưa đủ hay, chưa đủ mềm mại, chau chuốt... 

Chính những đắn đo đó khiến tôi cứ chần chừ, hết năm này sang năm khác mà không thể hoàn tất và chuyển đi in. Nhưng rồi tôi nghĩ, thôi cứ xong được việc này để rồi còn làm việc khác nữa, thôi thì cứ in, mong bạn bè, người quen, độc giả lượng tất, và rồi sẽ còn có cả những lần sửa chữa, tái bản mà rồi biết đâu tôi còn có cuốn sách khác nữa để viết, để in.

Xin trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Theo Laodong.vn

Tags: