Người Nga đọc gì năm 2020?
Người Nga đọc gì năm 2020?
Từ trước tới nay, Nga là một trong những quốc gia có tỉ lệ đọc sách cao nhất trên thế giới. 2020 là một năm đầy biến động trên mọi mặt đời sống con người. Vậy sự biến động ấy có khiến thói quen đọc sách đáng tự hào của người Nga thay đổi hay không?
 
 Người Nga vốn được xem như những chú gấu nâu, bởi rất nhiều lý do. Một trong những lý do đó là văn hóa đọc phát triển của họ. Theo số liệu thống kê của công ty GFK (Đức), 59% người Nga được hỏi trả lời rằng họ đọc sách hàng ngày hoặc ít nhất một tuần một lần. Rất dễ để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ lớn tuổi mải miết đọc sách, đọc báo, nếu bạn di chuyển bằng xe buýt hay tàu điện ngầm tại thủ đô Mát-cơ-va. Giới trẻ Nga ngày nay cũng thế, hình ảnh những cô cậu thanh niên cầm trên tay chiếc máy đọc sách điện tử, cuốn sách khoa học dày cộp trong những quán cà phê lề phố,...chẳng còn xa lạ gì ở đất nước này.

 

Một góc đọc sách trên tàu điện ngầm tại thủ đô Moscow

 

Chúng ta đã cùng nhau trải qua năm 2020 - một năm đầy những bất trắc. Đại dịch và thiên tai triền miên cùng các sự kiện không mấy tích cực khiến mọi thứ dường như bị đảo lộn, từ học hành, công việc tới di chuyển, và dĩ nhiên không ngoại trừ nhu cầu về phát triển tinh thần của con người, trong đó có văn hóa đọc. Ở Nga, cách ly và giãn cách xã hội đã được thực hiện từ cuối năm 2019 tới nay. Và việc người Nga đọc gì ở nhà trong năm qua cũng là một điều gì đó thú vị chứ nhỉ!

Số sách người Nga mua nhiều hơn số sách họ đọc

Đúng vậy, theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ý kiến công chúng Nga (VTSIOM), năm vừa qua, số lượng đơn sách trên các trang thương mại điện tử và trang đọc sách online tăng vọt. Như mọi năm, người ta sẽ chọn cách thưởng thức sách bằng việc ghé thăm trực tiếp các nhà sách, nơi có không gian yên tĩnh và thoải mái để bạn đọc có thể tìm - đọc các cuốn sách thuộc nhiều thể loại thú vị. Vì thế, thường họ sẽ mua được ngay những cuốn sách ưng ý và chắc chắn sẽ đọc chúng. Năm nay, người Nga thiên về xu hướng đọc thử nghiệm hơn, tức là họ sẽ tham khảo các bài giới thiệu/review đăng tải trên các trang tin trước khi quyết định đặt mua cuốn sách nào, chứ không tự mình khám phá như trước đây nữa.

Người Nga đọc sách hai ngày một lần

Trong cuộc khảo sát này, tỷ lệ người Nga đọc sách với tần suất hai ngày một lần đạt 53%. Nhìn chung, con số này lớn hơn so với năm trước (45%). Hơn hết, 59% số phụ nữ được hỏi thích đọc sách sau giờ nội trợ, thanh niên từ 18 đến 24 tuổi là 83% và 25 đến 34 tuổi là 61%. Bên cạnh đó, tỷ lệ đọc ở những người tham gia phỏng vấn có trình độ học vấn cao hơn là 68%.

Trung bình, mỗi độc giả đã đọc năm cuốn sách trong ba tháng

 Hầu hết sách được đọc bởi những người trên 60 tuổi. Theo thống kê, trung bình họ đọc được bảy cuốn trong ba tháng và cũng với những người tham gia phỏng vấn ở độ tuổi trên 60 không sử dụng Internet thì số lượng trung bình đọc được là chín cuốn.

Vậy thể loại yêu thích của những cư dân chăm chỉ đọc sách này là gì?

Thể loại yêu thích hàng đầu của người Nga là sách về lịch sử, tiểu sử và tiểu thuyết lịch sử (30%). Tiếp theo đó là sách dành cho thiếu nhi (28%), xếp sau một chút là sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu khoa học và chuyên môn (28%). Họ cũng quan tâm đến truyện trinh thám, sách về nội trợ, nấu ăn (22%), khoa học viễn tưởng (21%), văn học cổ điển Nga và nước ngoài (20%). Xếp cuối danh sách là sách kinh dị (3%), sách về tâm lý học (3%) và văn học tôn giáo (2%).

Thông thường, những người được hỏi nói rằng họ cực kỳ thích đọc sách của các tác giả cổ điển Nga như A. Pushkin, L. Tolstoy và F. Dostoevsky. 

>> Có thể bạn quan tâm: Những giải thưởng văn học lớn trên thế giới

Bên cạnh việc đọc sách, người Nga còn có một thói quen rất thú vị

Một cuốn sách hay, theo 73% số người Nga được hỏi, cũng là một món quà tốt. Thông thường, ý kiến ​​này được chia sẻ bởi 76 % phụ nữ và những người được hỏi trong độ tuổi 25 đến 34. Hầu hết những người ủng hộ quan điểm này nói rằng sẽ tặng sách cho con của họ hoặc cho một người bạn. Còn 41% khác sẽ tặng món quà đó cho người thân, 28% cho đồng nghiệp, 24% cho cha mẹ. Ít thường xuyên hơn - chỉ là người quen (15%).

 

Sách là món quà ý nghĩa người Nga dành tặng cho bạn bè/người thân

 

Văn học Nga không còn quá xa lạ với người Việt, đặc biệt là thế hệ những năm 70-80, với những cái tên như Puskin, hay Lermontov. Với việc Nga đã nhiều năm liền xếp vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng những nước có tỉ lệ đọc cao nhất trên thế giới, đây chắc chắn là một trong những điển hình để chúng ta học tập. 

Thực trạng của văn hóa đọc ở Việt Nam 

Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Tuy thế, giới trẻ ngày nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Có những bạn chạy theo phong trào để đọc sách, không cần biết là những cuốn sách các bạn sẽ đọc hay dở ra sao. Rồi có khi họ đọc theo mốt: “Thế Giới Phẳng” là tên một cuốn sách rất thành công của nhà kinh tế- xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách trình bày những quan điểm mới lạ về xu thế toàn cầu hóa, “Thế Giới Phẳng” không phải là một cuốn sách dễ đọc, phần lớn người đọc không hiểu hết tư tưởng của tác giả. Thế là dù không thích, không hiểu nhưng các bạn trẻ vẫn chạy đi mua những cuốn sách mà mọi người vẫn đọc để mình không trở thành người lạc hậu. 

Đó là chưa kể tới việc hiện nay thị trường sách vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, có nhiều sách được coi là “sách đen” vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc hăng say. Thật sự rất quan ngại! Rồi có những người lại cho rằng đọc sách là lạc hậu - Đây là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc, vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Đọc trên mạng, hay đọc sách điện tử cũng có ích của nó, thế nhưng chúng có thực sự thay thế được sách in truyền thống hay không? Lối nghĩ đọc sách là lạc hậu thực sự là sai lầm. Internet có khối lượng thông tin phong phú, nhanh và cập nhật nhưng liệu các bạn đọc xong còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu? Bạn có thể “gặm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu văn, từng linh hồn mà tác giả gửi gắm vào đó không?

Người Nga có một câu nói rất hay: “ Đọc sách là để nuôi dưỡng tâm hồn”. 

Tiếp thu văn hóa đọc và phát triển nó là nhiệm vụ của cả một cộng đồng. Hãy thử dành thời gian rảnh của mình, đặt điện thoại xuống và chiêm nghiệm một cuốn truyện đi chẳng hạn. Tôi dám cá với bạn là, ngay sau đó bạn sẽ phấn chấn hơn hẳn khi chỉ cắm cúi vào màn hình điện tử. 

Nguồn: Bài viết có sử dụng số liệu thống kê trên trang web của Trung tâm nghiên cứu ý kiến công chúng Nga (VTSIOM) https://wciom.ru/ 

                                                                                                                    Nghiêm Anh

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 

Thói quen đọc sách mất dần do đâu?

Top 20 nhà xuất bản lớn mạnh nhất thế giới

Người đọc sách hay sách chọn người?

Tags: