Ngưng cầm tù bản thân trong một công việc duy nhất: Hãy giải phóng chính mình
Ngưng cầm tù bản thân trong một công việc duy nhất: Hãy giải phóng chính mình
Hiểu bản thân thực sự thích hay quan tâm vấn đề gì là bước đầu tiên trên hành trình tìm việc.

Một điều sai lầm trong tư duy nghề nghiệp của ta chính là ta thường bó mình trong một loại công việc nhất định. Lựa chọn này thực ra chẳng có tính thực tế hay triển vọng gì cả. Có thể là do công việc rất khó giữ, công việc cần phải chuẩn bị trong nhiều năm, hay ngành nghề đó trở nên bất ổn, cho nên nó không thể đảm bảo cho ta viễn cảnh nghề nghiệp về lâu về dài.

Chúng ta gọi lối tư duy này là tư duy cố định. Ta có niềm tin mãnh liệt - chứ không đơn thuần là sở thích - rằng tương lai của ta nằm ở một công việc cụ thể và chỉ một công việc đó mà thôi. Tuy nhiên, ta lại phải đối mặt với một chướng ngại vô cùng gian nan trên con đường chinh phục công việc đó. Việc tập trung vào một loại công việc như thế hoàn toàn không ổn tí nào.


Ví dụ: ta đang làm việc cố định cho một nhà xuất bản văn học, nhưng ta nhận thấy ít có cơ hội thăng tiến, trong khi lương thưởng cũng không đủ trả tiền thuê nhà ở gần văn phòng làm việc.

Ta muốn gắn bó dài lâu với nghề báo cho dù nền tảng kinh tế của nghề này đã giảm đi đáng kể.

Lúc nào ta cũng nghĩ đến chuyện theo nghiệp chính trị, cho dù trên thực tế, cơ hội để tạo ra sự thay đổi lớn lao là cực kì mong manh.

Ta muốn xây dựng sự nghiệp trên phim trường cho dù phải cạnh tranh khốc liệt trong khi cơ hội thành công vô cùng nhỏ và hoàn toàn bấp bênh.

Muốn giải phóng tư duy cố định này, ta cần phải hiểu rõ bản thân mình thực sự thích điều gì. Bởi càng hiểu rõ ràng và chính xác sở thích của mình, ta càng dễ nhận ra những điều mang đến niềm vui cho ta tồn tại trong nhiều loại công việc hơn ta tưởng. Chính việc không hiểu rõ bản thân – và không hiểu rõ những gì ta đọc về thị trường việc làm – đã khiến ta bó hẹp những lựa chọn của mình.

 


Tư duy cố định không chỉ tồn tại trong công việc mà còn trong cả các mối quan hệ. Ta luôn “trung thành” với người ta yêu mến, ngưỡng mộ và ta không thể rời bỏ họ - kể cả khi người đó chẳng thèm để ý đến ta, đối xử vô cùng hời hợt hay không có niềm tin với ta. Kể cả khi bị đối xử như thế, ta vẫn tự trấn an mình (và cả người khác) rằng ta không thể nào sống mà không có họ, và họ cũng đặc biệt lắm (đôi lúc họ vô cùng hài hước, họ chơi nhạc cụ rất cừ hoặc họ không hề bi quan).

Để bản thân thoát khỏi tư duy cố định, ta không cần ép mình không được thích người này hay phải cố quên đi sức hấp dẫn của họ. Thay vào đó, hãy nghiêm túc tìm hiểu xem sức hấp dẫn ấy đến từ đâu. Tiếp đó, hãy tìm những tính cách mà ta ngưỡng mộ ấy ở những người khác – những người không vướng vào những rắc rối có thể khiến mối quan hệ trở nên rối rắm và phức tạp như mối quan hệ của ta hiện tại. Một nghiên cứu về những điều ta yêu thích ở người khác đã chỉ ra một nghịch lí rất mới mẻ - thực ra ta hoàn toàn có thể yêu một người khác nữa.

 


Để chống lại tư duy cố định, điều quan trọng nhất là phải hiểu được sở thích của mình – những điều mang lại niềm vui cho mình. Khi ta quan tâm đến các đặc tính nhiều hơn, ta sẽ không còn “bám” lấy một người cụ thể hay một công việc cụ thể nữa. Khi đã hiểu rõ những đặc tính khiến ta yêu thích một công việc, ta cần phải tìm ra những đặc tính ấy trong những công việc khác. Thực ra không phải ta yêu chính công việc đó, mà là yêu những đặc tính nổi bật mà ta dễ dàng tìm thấy trong nó.  Khi đấy, vấn đề tiếp tục nảy sinh vì những công việc quá nổi bật thường thu hút quá nhiều người và do đó vị trí cần tuyển chỉ được nhận một mức lương rất khiêm tốn.

Thực ra, những đặc tính ta thích không chỉ tồn tại ở một công việc. Chỉ cần ta biết cách nhận diện, ta sẽ thấy chúng có mặt ở khắp nơi, có trong nhiều công việc khác.

Hãy tưởng tượng một người suốt ngày bị nhồi nhét tư tưởng phải trở thành một nhà báo. Từ “nhà báo” giống như một chiếc huy hiệu mơ ước chứa đựng mọi thứ mà người đấy muốn có. Từ khi còn bé, từ nhà báo luôn đi cùng với hào quang và động lực, sự phấn khích và năng động. Người đó đã quen với việc bố mẹ, cô chú suốt ngày nói về nghề như những nhà báo tương lai từ khi mới 12 tuổi. Tuy nhiên, lĩnh vực báo chí giờ đang suy thoái và có quá nhiều người đổ xô vào. Kết quả thật đáng lo ngại.

 


Cho nên, có một lời khuyên đưa ra là hãy tạm dừng tìm kiếm công việc viết báo vô ích và những đợt thực tập không lương đi; hãy tự hỏi mình điều gì có thể khơi lên hứng thú với lĩnh vực báo chí. Niềm vui mà bạn tìm kiếm trong lĩnh vực báo chí là gì? Những niềm vui ấy có tồn tại ở nơi khác có thể dễ xin việc hơn không?

Bản tính của con người rất mập mờ. Ta thích nghe âm thanh chung chung của một công việc cụ thể. Nhưng nếu ta tiến hành phân tích những điều mang đến niềm vui, ta sẽ lật mở và để ý kĩ hơn đến những niềm vui mà công việc mang lại. Một khi đã đánh giá, chúng ta sẽ thấy rằng nghề làm báo mang lại những niềm vui sau: khả năng nắm bắt các vấn đề chính trị xã hội quan trọng, khả năng phân tích chính sách, khả năng viết bài phê bình, xã luận, và được mọi người tôn trọng.

Một khi những yếu tố đó được làm sáng tỏ, rõ ràng chúng không phải là những đặc tính mà chỉ có duy nhất nghề báo mới có. Những đặc tính đó không hề gắn bó với một lĩnh vực cụ thể nào. Trên thực tế, chúng có thể và thực sự tồn tại trong nhiều công việc khác. Ví dụ, một doanh nghiệp đầu tư tài chính có nhu cầu phân tích các thị trường mới nổi, lí giải những tiềm năng cũng như những điểm yếu cho khách hàng của họ; một trường đại học cần phân tích và hiểu rõ những thay đổi trong môi trường cạnh tranh và lí giải chúng cho các nhân viên một cách rõ ràng và thuyết phục; một công ty dầu mỏ cần phân tích nhu cầu tuyển dụng dự kiến trong tương lai và truyền lại thông tin cho đội ngũ tuyển dụng trên khắp thế giới.  Những ngành này không hề mang danh báo chí – nhưng chúng đều có những nhu cầu và cơ hội có thể mang đến những niềm vui tương tự mà mới đầu ta nghĩ chỉ có trong nghề báo.

 


Nghiên cứu còn tiết lộ rằng những niềm vui mà ta đang tìm kiếm đa dạng hơn ta tưởng. Chúng không được giới truyền thông đưa tin rầm rộ nhưng lại dễ tiếp cận, an toàn hơn và giúp ta kiếm được nhiều tiền hơn trong những ngành nghề khác trong nền kinh tế.

Lời khuyên mới mẻ này không bắt ta từ bỏ những gì ta thực sự muốn mà giúp ta nhận diện những ước muốn đó hiện diện ở những công việc khác nhau.

Việc phân tích tương tự có thể tiến hành ở lĩnh vực dạy học. Điều này có nghĩa: Không nhất thiết phải là giáo viên cấp tiểu học hay trung học mới có thể đi truyền đạt kiến thức; một người có thể có trở thành giáo viên trong một tập đoàn hàng không (phải dạy những tân binh về bản chất của ngành) hoặc giáo viên trong một doanh nghiệp quản lí tài sản (phải dạy các nhân viên cách ứng phó với những khách hàng khó tính). Hoặc là một người đã cố định trong nghiệp chính trị có thể nhận ra niềm vui mà họ tìm kiếm (làm thay đổi xã hội) có sẵn (và được trả lương cao hơn và có sức ảnh hưởng lớn hơn) trong công việc ở doanh nghiệp lữ hành hoặc công ty khai thác dầu mỏ. Chỉ khi không hiểu rõ ta đang tìm kiếm điều gì, ta mới cho rằng mình đang đi thụt lùi. Thực hiện phân tích những điều mang lại niềm vui tiết lộ một điều mới mẻ, đáng ngạc nhiên là không có một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể nào đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra công việc ta yêu thích. Bởi vì niềm vui có ở khắp nơi và có thể tồn tại trong nhiều công việc khác nhau mà ban đầu ta không ngờ đến. Chỉ bằng cách hiểu rõ những điều mình yêu thích, ta mới có thể giải phóng chính mình.

Trạm Đọc

Theo The Book of Life