Nghịch lý lựa chọn: Càng nhiều lựa chọn lại càng khó đưa ra quyết định
Nghịch lý lựa chọn: Càng nhiều lựa chọn lại càng khó đưa ra quyết định
Xin đừng hiểu nhầm, có nhiều lựa chọn là điều tuyệt vời. Ta có quyền chọn những gì ta trân trọng và thể hiện bản sắc cá nhân. Các lựa chọn cho ta quyền tự chủ và cơ hội để theo đuổi khát vọng và mơ ước. Chúng cho ta quyền kiểm soát cuộc sống và tránh cảm thấy bất lực. Các lựa chọn không chỉ cho ta cơ hội để tự tạo nên số phận của mình, chúng là cần thiết cho sức khỏe tâm thần của chúng ta.
Vào thời ông bà của chúng ta, một người không có quá nhiều lựa chọn xem họ sẽ làm gì với cuộc đời mình. Vào thời ông cố ông sơ thì số lựa chọn còn ít hơn. Họ có thể tiếp quản trang trại hoặc công việc kinh doanh của gia đình hay buôn bán thứ gì đó.

Ngày nay chúng ta bị nhấn chìm trong những lựa chọn. Tôi nên học đại học nào? Trường công hay trường tư nhân? Tôi nên chọn ngành học nào trong số hàng chục chuyên ngành hiện có? Tôi nên theo nghệ thuật hay theo trường luật? Nếu chọn luật thì tôi nên chọn trường luật nào?

Bên cạnh vô số lựa chọn mà chúng ta buộc phải đưa ra, ta còn bị tấn công dồn dập bởi những quyết định nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày. Ta đứng giữa những kệ hàng dài tăm tắp với hàng trăm loại bánh kẹo và đồ uống. Với Internet ta hàng tỷ trang web để đọc. Nếu như ông của chúng ta chỉ xem được 5 kênh trên TV, giờ đây ta có thể xem tới hơn 850 kênh.

Ở bề nổi, có nhiều lựa chọn là một tín hiệu tốt. Người Mỹ đặc biệt thích có nhiều lựa chọn nhất có thể. Trước thế kỷ 19, “tự do” được định nghĩa là sự tự cung tự cấp, quyền sở hữu đất đai, công cụ của riêng mình và tự kiếm sống bằng sức lao động. Đến khi chủ nghĩa tiêu dùng thống trị nền văn hóa, “tự do” được tái định nghĩa là quyền tự do đưa ra các lựa chọn, lựa chọn giữa các mặt hàng và những lối sống, chọn thứ ta tin là phù hợp với sở thích và tính cách của ta hơn hàng triệu thứ khác. Đây là sự khởi đầu của việc định nghĩa bản thân bằng những gì ta sắm sửa cho chính mình.

Nhưng có phải có nhiều lựa chọn là điều mà chúng ta cần? Mức độ hạnh phúc của người Mỹ đã giảm dần trong những thập niên qua và cứ 10 người thì sẽ có 1 người đang uống thuốc chống trầm cảm. Nếu như có nhiều lựa chọn tương đương với nhiều hạnh phúc hơn, bây giờ chúng ta phải cảm thấy như đang được ở thiên đường. Nhưng ta lại không thấy thế.

Tranh John Holcroft Illustrator

Xin đừng hiểu nhầm, có nhiều lựa chọn là điều tuyệt vời. Ta có quyền chọn những gì ta trân trọng và thể hiện bản sắc cá nhân. Các lựa chọn cho ta quyền tự chủ và cơ hội để theo đuổi khát vọng và mơ ước. Chúng cho ta quyền kiểm soát cuộc sống và tránh cảm thấy bất lực. Các lựa chọn không chỉ cho ta cơ hội để tự tạo nên số phận của mình, chúng là cần thiết cho sức khỏe tâm thần của chúng ta.

Nhưng giống như một vòng parabol, có một điểm mà thay vì giúp ta giảm bớt cảm giác bất lực, chúng trầm trọng hóa vấn đề này. Vào năm 1966 chỉ 9% số người được khảo sát đồng ý với quan điểm sau đây: “Tôi cảm thấy bị bỏ lại bởi những gì đang diễn ra xung quanh.” Đến năm 1986, số người đồng ý đã lên đến 37%. Tôi nghĩ rằng ngày nay con số này còn cao hơn. Chuyện gì đang diễn ra thế này?

Những lựa chọn kéo bạn lại như thế nào?

Trong một tiệm tạp hóa, trên bàn có sẵn 6 hoặc 24 loại mứt khác nhau. Người mua sẽ được tặng phiếu giảm giá nếu họ mua một lọ bất kỳ. Bàn có 24 loại mứt thu hút nhiều khách hàng hơn bàn 6 loại, nhưng cuối cùng khách hàng - dù đứng ở bàn nào - cũng chỉ nếm một số lượng mứt như nhau. Sự khác biệt là số lượng người nếm thử trở thành người mua thật sự. Chỉ 3% số người nếm thử ở bàn 24 loại mua một lọ, trong khi ở bàn 6 loại có để 30% số người nếm thử quyết định đặt mua.

Chuyện gì đang diễn ra ở đây? Vì sao tăng số lựa chọn lại làm giảm khả năng đưa ra quyết định?

Sự ám ảnh bởi chi phí cơ hội

Các nhà kinh tế học dùng thuật ngữ “chi phí cơ hội” để mô tả những gì mà một người bỏ lỡ khi chọn đồ vật/con đường này so với đồ vật/con đường khác. Nếu bạn đang lưỡng lự giữa đi xem phim hay đi xem đá bóng và bạn chọn xem đá bóng, chi phí cơ hội là bộ phim bạn không được xem. Mặc dù lý thuyết kinh tế nói rằng chúng ta chỉ nên xem xét chi phí cơ hội ở lựa chọn tốt thứ nhì, sự thật là mỗi lựa chọn đều có thể trở thành lựa chọn tốt nhất, tùy theo tuy chí xếp hạng của bạn. Vì thế chúng ta cảm thấy mình vụt mất chi phí cơ hội không chỉ trong lựa chọn tốt thứ hai mà còn trong mọi lựa chọn khác. Càng có nhiều lựa chọn ta phải đối mặt với càng nhiều chi phí cơ hội. Ta trở nên bồn chồn và ít hạnh phúc hơn.

Như tôi đã nói, có một điểm trên đường cong parabol làm trầm trọng hóa vấn đề. Điểm đó chính là khi chi phí cơ hội lớn đến mức bạn không còn cảm thấy vui vẻ với lựa chọn mình đưa ra. Những đánh đổi đi kèm khiến bạn không hài lòng với điều mình đã chọn. Hoặc như những người nếm mứt, chỉ ý nghĩ phải bỏ qua quá nhiều loại mứt chưa kịp thử là đủ để khiến họ không đưa ra bất kỳ lựa chọn nào. Một mặt, họ có được lọ mứt có thể họ sẽ thích, nhưng mặt khác họ không cần phải nghĩ về những lọ mứt mà họ đã bỏ qua. Bạn trông thấy một lựa chọn hấp dẫn, nhưng những lựa chọn khác cũng hấp dẫn không kém và điều đó khiến lựa chọn đầu tiên bớt cuốn hút hơn. Lựa chọn đó bỗng nhiên không còn đặc biệt và không đáng để theo đuổi nữa.

Chọn một lọ mứt chỉ là vấn đề nhỏ, hãy thử nghĩ về những lựa chọn lớn hơn mà ta phải đưa ra.  Có nhiều thứ cần lựa chọn để nỗi chúng ta thường thử hết cái này đến cái khác và không chọn thứ gì để tránh đối mặt với chi phí cơ hội của điều ta đã chọn. Nếu cuộc sống cũng là một chiếc bàn được bày biện các loại mứt thì ta mắc kẹt mãi ở đó, muốn chọn thứ gì đó nhưng lại không muốn từ bỏ những thứ khác. Tâm trí ta bị tê liệt hoàn toàn. Rồi ta thấp thỏm và bồn chồn vì những người khác đến rồi đi và chọn được lọ mứt họ muốn. Đến khi ta lựa chọn rồi liệu mứt có còn không?

Vòng lặp lo âu

Khi không muốn phải đưa ra những lựa chọn có tính đánh đổi, nhiều người quyết định hướng giải quyết tốt nhất là không đưa ra bất kỳ lựa chọn nào. Họ nghĩ giữ cho mình càng nhiều lựa chọn càng tốt đồng nghĩa với có nhiều tự do và hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mọi chuyện không đơn giản như thế. Barry Schwartz, tác giả của cuốn The Paradox of Choice (Nghịch lý Lựa chọn), nói:

 

“Điều gì có thể tạo ra chi phí cơ hội lớn hơn chọn một người bạn đời rồi mất cơ hội tìm hiểu và tận hưởng những điểm thú vị của những người bạn đời tiềm năng khác? Ngày nay, thời gian làm việc tại một vị trí của chúng ta chỉ bằng một nửa so với thế hệ trước. Dù trì hoãn kết hôn hay trì hoãn gắn bó lâu dài với công việc có vẻ như đang ủng hộ tư tưởng khám phá bản thân, kiểu tự do và khám phá bản thân này đang khiến nhiều người lạc lối hơn là làm một chiếc kim chỉ lối.”

 

Chúng ta rất dễ bị cuốn vào thứ gọi là “vòng lặp lo âu”. Khi đối mặt với một lượng lớn lựa chọn, chúng ta dễ cảm thấy lo lắng và tin rằng cách để thoát khỏi vấn đề này là có thêm sự tự do và càng nhiều lựa chọn hơn. Vì thế ta lảng tránh những cam kết, nhưng điều này chỉ khiến ta lại có thêm nhiều lựa chọn và vòng lặp vô tận bắt đầu.

Davide Bonazzi illustrator 

Phá vỡ vòng lặp: Thực hiện cam kết

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng làm những việc như kết hôn, gần gũi với gia đình, có bạn thân và tham gia vào các cộng tôn giáo đều có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn. Không thể kết luận rằng những cam kết này là nguyên nhân mang lại hạnh phúc, nhưng vẫn thú vị khi lưu ý rằng những việc đó, thay vì hạn chế lựa chọn và tự do của bạn, lại giúp cảm giác hạnh phúc tăng lên.

Hãy nghĩ về điện. Đó là một nguồn năng lượng vô hình không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Điện cần dây dẫn để truyền tải và cung cấp năng lượng cho đời sống hàng ngày của chúng ta. Hạnh phúc cũng vậy. Nếu không có bất kỳ ràng buộc nào, không có một con đường cụ thể để dẫn lối, nó sẽ làm một mớ hỗn độn mơ hồ vây lấy ta và khiến ta bực bội.

Một nhà sư từng đưa học trò của mình đi dạo dọc bờ sông. Đầu tiên ông chỉ cho cậu một nơi mà hai bờ sông cách rất xa nhau. Ở đấy nước chảy chậm và tù động. Sau đó ông chỉ cho cậu một nơi hai bờ sông gần nhau hơn rất nhiều. Ở đây nước chảy xiết và trong.

Dù việc có nhiều cánh cửa cơ hội dường như hứa hẹn một cuộc sống trọn vẹn nhất, đặt ra một số ràng buộc có thể thực sự làm tăng niềm vui và sự thỏa mãn cho cuộc sống của chúng ta.

Giới hạn lựa chọn như thế nào?

Nhưng “giới hạn lựa chọn” là như thế nào? Ta có nên kết hôn với cô gái đầu tiên lọt vào mắt xanh của ta và ở lại với bất kỳ công việc nào dù nó khiến ta kiệt quệ hay không?

Tất nhiên là không. Thực hiện cam kết chỉ với mục đích giảm thiểu số lựa chọn chỉ khiến bạn đau khổ hơn. “Giới hạn lựa chọn” có nghĩa rằng ta cần chuyển nguồn năng lượng mà ta lãng phí từ việc nhảy từ khả năng này đến khả năng khác sang việc hiểu rõ chúng ta thật sự muốn gì và chấp nhận những đánh đổi mà ta thực hiện.

Trong thời đại mà từng ly cà phê hay từng cái áo đều có thể được đặt riêng để thỏa mãn sở thích cá nhân, nhiều người tin rằng sẽ có cách để mọi thứ phù hợp với mình. Vì thế chúng ta tìm kiếm những lựa chọn mới và thêm vào những lựa chọn sẵn có mặc cho nó đúng hay sai. Chúng ta kết hợp tất cả những gì chúng ta mong muốn thành một khả năng “hoàn hảo” - một khả năng mà không cần đánh đổi bất cứ thứ gì - và rồi chúng ta nhảy từ ngành học này sang ngành học khác, người này sang người khác, công việc này sang công việc khác, tìm kiếm mọi cơ hội để khả năng ấy trở thành hiện thực.

Nhưng cuộc đời không phải một quán cà phê. Mọi lựa chọn đều yêu cầu sự đánh đổi. Nếu bạn muốn có nhiều thời gian rảnh hơn, số tiền bạn kiếm được sẽ giảm xuống. Nếu bạn muốn tự kinh doanh, bạn sẽ đối mặt với sự bất ổn của thị trường và hàng tá vấn đề khác.

Bí quyết để ngăn chặn vòng lặp lo âu là tìm ra bạn sẵn sàng đánh đổi điều gì và những thứ bạn nhất định không thỏa hiệp. Từ đó, bạn có thể thu hẹp đáng kể các lựa chọn để theo đuổi. Nếu phải cải đạo theo vợ khiến bạn không thoải mái, có thể cô ấy không dành cho bạn. Nếu bạn không thể sống cần kiệm như người bạn đời thì hai bạn không dành cho nhau. Bạn muốn quen một người hài hước chứ? Đó là thêm một tiêu chí để ngăn bạn theo đuổi bất kỳ ai hợp nhãn đấy.

Có danh sách người yêu cũ dài dằng dặc hay nộp đơn vào hàng tá công ty nghe như cách để tìm ra điều gì là tốt nhất cho bạn, nhưng nó sẽ phản lại bạn vào một lúc nào đó. Bạn chỉ đơn giản là khuếch đại chi phí cơ hội và khiến mình hối tiếc những lựa chọn khác cho đến khi bạn bắt buộc phải đưa ra quyết định. Xác nhận những giá trị cốt lõi của bạn, hiểu rằng bạn thực sự mong muốn điều gì trong cuộc sống và sau đó chỉ tập trung vào những lựa chọn phù hợp với tiêu chí đó.

Vũ | The Art of Manliness

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Đừng cứ hở tí là xách ba lô lên và đi - Chúng ta đã hiểu sai The Hobbit

Sự tương đồng giữa chủ nghĩa Tự Do và chủ nghĩa Bảo Thủ

Thách thức cho kỷ nguyên mới - IQ hay EQ liệu đã là đủ?

Tags: