Nghệ thuật đọc chậm trong thời đại tốc độ cao
Nghệ thuật đọc chậm trong thời đại tốc độ cao
Có phải việc đọc lướt qua hàng loạt các bài viết ngắn trên internet làm cho chúng ta ngày một ngu dốt hơn? Ngày càng có nhiều chuyên gia nghĩ như vậy, và đã đến lúc chúng ta đọc chậm lại…

 

 

Những độc giả thích “nhảy cóc”

 

 

Nếu bạn đang đọc bài viết này từ bản in trên giấy, có thể bạn sẽ đọc được đến một nửa những gì tôi viết. Còn nếu bạn đọc online, có khi bạn còn chẳng thèm đọc hết 1/5 bài viết. Ít nhất thì đó là những gì tôi rút ra được từ hai nghiên cứu gần đây – Khảo sát về Đọc lướt của Viện Poynter và một bài phân tích khác của Jakob Nielsen. Cả hai nghiên cứu này đều cho rằng rất nhiều người trong số chúng ta không thể có nổi tập trung để đọc một bài báo hoàn chỉnh cho tới phần kết luận.

 

Chuyện không dừng lại ở đó: Các báo cáo khoa học còn cho thấy rằng chúng ta đang ngày càng đọc ít sách hơn. Giảng viên trường Đại học Bath Spa, Greg Garrard, gần đây cũng cho biết ông đã phải rút ngắn danh sách bài đọc cho sinh viên, trong khi Keith Thomas - Giáo sư lịch sử trường Oxford, nói rằng ông rất kinh ngạc khi thấy các đồng nghiệp cấp dưới bây giờ chỉ dùng các công cụ phân tích và tìm kiếm để làm bài nghiên cứu, thay vì bỏ thời gian đọc toàn bộ tài liệu như thế hệ ông đã làm trước đây.

Công việc nghiên cứu ngày nay có phần hơi… thực dụng

Như vậy, liệu có phải chúng ta thật sự đang ngày một dốt nát hay không? Đây có phải là mấu chốt của toàn bộ vấn đề? Có lẽ vậy. Theo cuốn Những Kẻ nông cạn (The Shallows), cuốn sách mới của chuyên gia công nghệ Nicholas Carr, thói quen hoạt động liên tục trên mạng internet của chúng ta đang gây tổn hại đến các chức năng tâm thần mà chúng ta cần để xử lý và hiểu thông tin từ các văn bản dài. Những tin tức được cập nhật nhan nhản hàng ngày hàng giờ khiến chúng ta liên tục kết nối thông tin từ bài viết này sang bài viết khác – mà không cần phải tìm hiểu đầy đủ về bất cứ nội dung nào. Việc đọc hiểu của chúng ta còn thường xuyên bị gián đoạn bởi tiếng chuông báo tin nhắn hoặc email mới nhận, và chúng ta tiếp thu thông tin từ các cụm từ mới nổi trên Twitter và Facebook thường xuyên hơn từ các văn bản dài.  

Điều này có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã trở nên rất thành thạo trong việc thu thập hàng loạt thông tin cùng một lúc nhờ Internet, nhưng chúng ta cũng đang dần quên đi việc ngồi lại suy ngẫm, và liện hệ tất cả những thông tin đó với nhau. Như vậy, như Carr đã viết, “chúng ta đang mất khả năng đạt được sự cân bằng giữa hai trạng thái đó của tâm trí (thu nhận và xử lý thông tin). Về mặt tinh thần, chúng ta chỉ như những cái máy chỉ biết hoạt động liên tục vĩnh viễn mà không biết điểm dừng”.

Tiếp nhận và suy luận là hai điều khác nhau hoàn toàn

 

 

Đọc chậm, thực chất là gì?

 

 

Nếu bạn vẫn đang còn đọc, có lẽ bạn đã may mắn nằm trong số ít những người còn lại. Nhưng không vấn đề gì: một cuộc cách mạng văn chương đang trong tầm tay chúng ta. Chúng ta đã có những chiến dịch cho việc ăn chậm và di chuyển du lịch chậm. Bây giờ, một phong trào đọc chậm - khởi xướng bởi một nhóm học giả và trí thức muốn chúng ta dành nhiều thời gian đọc và đọc lại nhiều lần – đang được hình thành. Phong trào này khuyến khích chúng ta tắt máy tính đi, và tìm lại niềm vui từ những tiếp xúc thân thuộc với những con chữ trên trang giấy, cũng như lấy lại khả năng xử lý thông tin từ những con chữ đó.

 

“Nếu bạn muốn học hỏi sâu sắc từ một cuốn sách, nếu bạn muốn thấu hiểu nó từ nội tâm của mình, để hòa quyện tâm tư của mình với ý tưởng của tác giả và biến nó thành một trải nghiệm của riêng mình, thì bạn phải đọc nó từ từ” – trích từ cuốn Đọc Chậm (Slow Reading – xuất bản 2009) của tác giả đến từ Ottawa, John Miedema.

Tuy nhiên, Lancelot R. Fletcher, tác giả đầu tiên đưa thuật ngữ “đọc chậm” thành phổ biến như ngày nay, không đồng ý với quan điểm trên. Ông lập luận rằng đọc chậm không phải là để khuyến khích và giải phóng khả năng sáng tạo của người đọc hay là khám phá ra suy nghĩ sâu xa nào đó của tác giả. “Chủ ý của tôi cho việc đọc chậm là để chống lại chủ nghĩa hậu hiện đại, và để khuyến khích người đọc khám phá được chính nội dung thuần túy mà tác giả muốn truyền tải” – tác giả người Mỹ này đã nói như vậy trong chuyến du lịch của mình ở vùng núi Kavkaz ở Đông Âu. “Tôi thường nói với các sinh viên của tôi rằng hãy xem các văn bản như là được viết ra bởi Chúa – nếu anh không hiểu điều gì đó thì là do lỗi của anh chứ không phải do tác giả”.

Hãy coi việc đọc là một thử thách cần chinh phục

Và trong khi Fletcher sử dụng thuật ngữ này ban đầu chỉ như một công cụ học thuật, thì đến nay đọc chậm đã trở thành một khái niệm có phạm vi ý nghĩa rộng rãi hơn. Miedema viết trên trang web của ông rằng đọc chậm, cũng như ăn chậm, về căn bản, là một ý tưởng mang tính cộng đồng, có thể giúp kết nối người đọc với thế giới xung quanh. “Đọc chậm”, Miedema viết, “là một sự kiện cộng đồng giúp khôi phục kết nối giữa ý tưởng với con người thực tế. Thông qua việc cho nhau mượn những cuốn sách hoặc việc cha mẹ đọc những câu chuyện dài cho trẻ em trước khi đi ngủ, mối quan hệ giữa người với người được trải rộng và tiếp nối.”

Trong khi đó, mặc dù phong trào đọc chậm bắt đầu trong giới hàn lâm, Tracy Seeley, giáo sư tiếng Anh của Đại học San Francisco, đồng thời cũng là tác giả một blog về đọc chậm, bày tỏ cảm nhận mạnh mẽ rằng đọc chậm “không nên được giới hạn trong giới trí thức. Việc đọc chậm rãi cẩn thận, với một sự tập trung chú ý cao độ, nên là một thử thách cho tất cả chúng ta vượt qua.”

Có thể thấy rằng phong trào đọc chậm này không hoàn toàn nhất quán – như Malcolm Jones đã viết trong một bài báo gần đây của Newsweek, “không có tiêu đề, không có người chỉ huy, và kinh khủng hơn nữa, không có mạng lưới quản trị trung tâm” – và cũng không phải là ý tưởng xuất hiện lần đầu tiên: vì từ những năm 1623, phiên bản đầu tiên của tuyển tập Shakespeare đã nhắc chúng ta nên “đọc đi đọc lại” những vở kịch này. Sau đó, năm 1887, Friedrich Nietzsche đã tự mô tả mình như một “người thầy của đọc chậm”, và trong những năm 20 và 30 của thế kỷ 21 hiện nay của chúng ta, IA Richards đã truyền bá phân tích văn bản chặt chẽ rộng rãi trong giới quý tộc của ngài.

Bạn đã nghiền ngẫm đủ lâu chưa?

Tuy nhiên dễ nhận thấy rằng sự “tiêu chảy” của thời đại công nghệ hiện nay đang khiến nhiều người quay lại với đọc chậm hơn. Keith Thomas, giáo sư lịch sử của trường Oxford là một trong những độc giả như vậy. Ông không nhận mình là một người trong cộng đồng đọc chậm, nhưng gần đây- trong Tạp chí Giới thiệu Sách London (London Review of Books) – đã đề cập đến sự hoang mang của mình về các kỹ thuật đọc nhanh tràn lan trong các trường dạy nghiên cứu hiện nay.

“Tôi không nghĩ việc sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm một từ khóa nào đó trong văn bản có thể thay thế được việc thực sự đọc văn bản đó”, ông nói. “Ta sẽ không thể có được cái nhìn đúng đắn và khái quát về tài liệu đó, cũng như không thể hiểu được bối cảnh mà nó được viết ra. Và làm như vậy sẽ bỏ sót yếu tố ngẫu nhiên – phải đến một nửa những điều tôi khám phá ra trong các bài nghiên cứu của mình được tìm thấy bởi những lần may mắn đọc được điều gì đó mà tôi không ngờ tới.”

Tuy nhiên, một số học giả lại kịch liệt phản đối việc đọc chậm này. Giáo sư văn học Pierre Bayard đã viết một cuốn sách nổi tiếng nói về cách độc giả có thể có được ý kiến xác đáng về những văn bản mà chỉ cần đọc lướt qua, hoặc thậm chí không cần phải đọc gì cả. “Bạn hoàn toàn có thể có một cuộc trò chuyện tranh luận hăng say về một cuốn sách mà thậm chí bạn chưa cần đọc, kể cả, và có lẽ đặc biệt là, với cả những người khác cũng chưa từng đọc nó”, ông viết trong cuốn Làm thế nào để Nói về những Cuốn sách mà Bạn Chưa từng Đọc (How to Talk About Books that You Haven’t Read – 2007), trước khi cho rằng đó (mặc dù nghe như lời lừa gạt) thậm chí là “cốt lõi của quá trình tư duy sáng tạo”.

Có nhiều quan điểm khác nhau về việc “đọc chậm”

Những người đọc chậm rõ ràng đang ở thế đối địch với Bayard. Seely nói rằng bạn có thể “tham gia vào một cuôc trò chuyện ở mức độ cơ bản nếu bạn chỉ đọc tóm tắt một cuốn sách, nhưng đối với kiểu đọc tôi muốn sinh viên của mình thực hành, các từ ngữ cụ thể mới đóng vai trò quan trọng. Hình thái của câu từ trong cuốn sách mới đóng vai trò quan trọng.”

Nicholass Carr trong cuốn sách của mình cũng bổ sung thêm cho ý kiến trên. “Những lời mà tác giả viết ra”, Carr nói, “có tác dụng như một loại chất xúc tác trong tâm trí người đọc, truyền cảm hứng cho những hiểu biết, liên tưởng và nhận thức, đôi khi thậm chí khơi dậy cả trực giác.” Và, có lẽ thậm chí còn quan trọng hơn, đó là chỉ bằng cách đọc chậm thì nền văn học mới có thể được trau dồi trong thế hệ tương lai. Như Carr đã viết, “chính sự tồn tại của những người đọc chu đáo, cẩn thận đã làm đòn bẩy cho các tác phẩm ra đời. Họ khiến cho tác giả tự tin khám phá các hình thức biểu đạt mới, thổi bùng lên những lối suy nghĩ mới dù trắc trở và đòi hỏi khắt khe, và mạnh dạn bước vào những vùng nguy hiểm mà chưa từng được khai phá trước đây.”

Seeley cũng lập luận thêm rằng cuốn sách viết một cách vô tội vạ của Bayard chỉ là để che đậy một vấn đề lớn hơn đằng sau nó: sự xói mòn khả năng tập trung của chúng ta, như đã được nhấn mạnh trong cuốn sách của Carr. Seeley để ý rằng sau khi trò chuyện với một số sinh viên của mình, bà phát hiện ra rằng “hầu hết sinh viên không thể tập trung đọc một văn bản trong liên tục 30 giây hoặc 1 phút. Chúng ta đã được dạy để thay thế đọc chậm bằng các công nghệ.” Nhưng không giống như Greg Garrard ở trường Đại học Bath Spa, bà không cắt giảm số lượng bài đọc. “Trách nhiệm của tôi chính là đặt ra thử thách cho các em sinh viên”, Seeley nói. “Tôi không muốn đầu hàng một cách quá dễ dàng.”

Tốc độ điên cuồng của công nghệ khiến ta mất đi khả năng tập trung

Seeley tìm được tiếng nói chung với Henry Hitchings, tác giả của cuốn sách Làm thế nào để Thật sự Nói về Những cuốn sách Bạn Chưa từng Đọc (How to Really Talk about Books You Haven’t Read – 2008) – chính tiêu đề cuốn sách cũng khiến ông bị nhầm là một người ủng hộ cho quan điểm của Bayard. “Mặc dù cuốn sách của tôi tên như vậy,” Hitchings nói, “nhưng tôi không phải là người thích lừa gạt và nói không có căn cứ. Cuốn sách của tôi thật sự là một lời tuyên bố về tác dụng thực sự của việc đọc – nhưng đã được ngụy trang đi rồi. Nó sẽ khuyên nhủ những kẻ-có-khả-năng-sẽ-ba-hoa-bốc-phét về việc đọc sách ngừng việc bốc phét đó lại, mặc dù mới đọc thì tưởng chừng như cuốn sách này đang ủng hộ và hỗ trợ thêm cho cuộc tranh cãi về phe của họ”.

Tuy nhiên, Hitchings cũng cảm thấy rằng việc phân biệt quá rạch ròi giữa đọc chậm và đọc nhanh không phải là lý tưởng. “Tóm lại, hai thái cực nhanh-chậm – hay sự tương phản giữa nhanh và chậm – khiến tôi thấy không dễ chịu chút nào. Mỗi chúng ta có một cách đọc riêng. Ví dụ nếu tôi đang đọc James Joyce, rõ ràng tôi sẽ chọn đọc chậm. Nhưng nếu tôi đang đọc hướng dẫn sử dụng cho chiếc máy giặt mới mua, thì tôi sẽ đọc nhanh.”

Đọc cũng cần sự linh hoạt trong tốc độ

Hitchings cũng đồng ý rằng Internet là một phần của vấn đề. “Internet đã khiến chúng ta quá quen với cách đọc và cách tiếp thu nhanh chóng,” Hitchings nói, “và nó làm phân tán sự chú ý của chúng ta theo một cách không có lợi, ví dụ như nếu chúng ta đang cố gắng đọc Clarissa (tiểu thuyết dưới dạng viết thư của nhà văn người Anh Samuel Richardson, xuất bản năm 1784). Hitchings cũng lập luận rằng “vấn đề thực sự của internet có thể do nó ăn mòn, một cách dần dần, ý thức của chúng ta về chính bản thân mình, về năng lực của mình với việc tự tìm kiếm loại niềm vui trong cô lập mà, kể từ khi sách in phổ biến, đã trở thành tiêu chuẩn đối với những người đọc”.

 

 

Ngắt kết nối Internet: Có nên chăng?

 

 

Vậy chúng ta phải làm gì? Tất cả những người đọc chậm tôi từng tiếp xúc đều nhận ra rằng việc từ chối sử dụng Internet hoàn toàn là điều không thể, nhưng nhiều người cảm thấy tạm dừng việc online một thời gian là giải pháp hữu hiệu. Chẳng hạn như, sinh viên của Tracy Seeley đã thực hiện không dùng máy tính 1 ngày trong tuần. Tuy nhiên, với tốc độ sống của chúng ta hiện nay, liệu thời gian ít ỏi của chúng ta có cho phép làm điều đó không? Garrard nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm được: “Tôi đang online bằng iPhone của mình, vừa mới kiểm tra email xong – nhưng tôi vẫn dành ra được thời gian cho việc đọc sách trong tuần, chỉ cần ngắt kết nối internet trong vòng 4 đến 5 giờ.”

 

Jakob Nielsen – chuyên gia về Internet đã cung cấp các thống kê ở đầu bài viết này – cũng cho rằng iPad chính là câu trả lời. “iPad làm chúng ta thấy dễ chịu và vui vẻ, và nó không làm ta liên tưởng đến công việc”. Nhưng mặc dù John Miedema nghĩ iPad và Kindles là “một nơi dừng chân khá tốt trên quãng đường dài”, ông cũng cho rằng, đối với những người thực sự đọc chậm, đơn giản là không gì có thể thay thế được sách giấy: “Việc cầm một cuốn sách có thể lưu giữ ý tượng và đem đến trải nghiệm độc nhất chỉ có trong không gian, thời gian đó.” Và ngay cả việc lưu giữ một cuốn sách cũng đem lại niềm vui cho Miedema. “Khi đã đọc xong, bạn đặt cuốn sách lên giá với tất cả sự hài lòng”, ông nói.

Đọc sách cũng như một cuộc đầu tư, bạn sẽ thu lại những gì xứng đáng

Cá nhân tôi, tôi không chắc chắn mình có thể từ bỏ thói quen lên mạng. Ngay cả khi đang viết những dòng này, tôi cũng đang click chuột qua lại giữa các trang web, đọc lướt từ rất nhiều tin bài mà chẳng cho vào đầu được bao nhiêu; tức là, việc đọc thông tin trên mạng đã ăn quá sâu vào thói quen hàng ngày của tôi để có thể dễ dàng từ bỏ. Tôi thường đọc các bài luận và bài báo không phải in trên giấy mà trên bản PDF, và tôi thấy dễ chịu hơn khi xem tin tức từ nhiều trang thông tin khác nhau chứ không chỉ từ một vài tờ báo in. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người khác cũng gặp tình trạng tương tự.

Nhưng nếu như, cũng giống tôi, bạn thi thoảng muốn đọc chậm lại, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ trong tầm tay. Bạn có thể tải về một ứng dụng tên là Freedom, ứng dụng này sẽ ngắt kết nối Internet khi bạn đọc để bạn không bị gián đoạn. Hoặc nếu bạn muốn tránh xa quảng cáo và các yếu tốt gây mất tập trung khác trên màn hình, bạn có thể tải Instapaper, một ứng dụng đọc offline cho Iphone. Nếu bạn vẫn còn đọc đến những dòng này, đó là tất cả những gì tôi muốn nói.

 

Theo The Guardian

Thảo Tâm (dịch)

Tags: