Ngày trùng thập đáng nhớ của ngành Xuất bản Việt Nam
Ngày trùng thập đáng nhớ của ngành Xuất bản Việt Nam
Từ Sắc lệnh số 122/SL ngày 10/10/1952, ngày 10/10 trở thành ngày truyền thống của ngành Xuất bản, In và Phát hành. Trải qua 67 năm hình thành, phát triển, ngành Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam từ những ngày đầu non trẻ, đã vươn lên vững mạnh không ngừng.

Ngày “trùng thập” ý nghĩa

Theo Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 8-9 năm 1952 cho biết, ngày 10/10/1952, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 122/SL đặt bộ phận Nhà in và Phát hành trong Nha Tuyên truyền và Văn nghệ một doanh nghiệp quốc gia lấy tên là Nhà in quốc gia.

Sắc lệnh số 122/SL bao gồm 4 điều, trong đó quy định:

Điều 1. Nay đặt bộ phận nhà in và phát hành trong Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thành một doanh nghiệp quốc gia lấy tên là Nhà in Quốc gia.

Điều 2. Nhà in Quốc gia có nhiệm vụ:

1. Thống nhất tổ chức và quản lý các nhà in của Chính phủ.

2. Điều chỉnh và đảm bảo việc in sách báo, tài liệu của Chính phủ và các đoàn thể nhân dân.

3. Phổ biến lưu thông các sách báo tài liệu trong nhân dân.

4. Giúp đỡ và hướng dẫn việc in và phát hành của các nhà xuất bản tư nhân.

Điều 3. Chi tiết tổ chức Nhà in Quốc gia do nghị định Thủ tướng Chính phủ ấn định.

Điều 4. Thủ tướng Chính phủ chiểu sắc lệnh thi hành.

Kiểm tra màu in với màu thiết kế tại Công ty in Fahasa. Ảnh: Văn Chớ. 

Đặt Sắc lệnh 122/SL vào thực tế kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ, ta thấy rằng, Nhà nước đã khẳng định tầm quan trọng của công tác xuất bản, in ấn sách báo phục vụ hoạt động tư tưởng, văn hóa, đấu tranh chống lại chiến tranh tư tưởng, chiến tranh tuyên truyền của địch. Đồng thời với sắc lệnh này, công tác in ấn sách báo, tài liệu có định hướng, quy củ hơn, việc phổ biến, lưu thông sách báo, tài liệu được quan tâm góp phần giúp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược, nâng cao dân trí cho nhân dân.

Với sự kiện 10/10, đây là lần đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, một cơ quan quản lý hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành được Nhà nước thành lập để từ đó về sau, ngày 10/10 trở thành ngày truyền thống của ngành Xuất bản, In và Phát hành.

Ngược dòng về quá khứ

Trên thế giới, ngay từ nguyên thủy khi chưa có chữ viết, con người đã thể hiện những hình vẽ trên các vách đá, hang động miêu tả về thần linh, cảnh sinh hoạt…còn lưu dấu đến nay. Đến thời cổ đại khi chữ viết có mặt, việc xuất bản sách, tài liệu đã được chú trọng. Khi mà phương tiện in ấn chưa có, con người với khả năng sáng tạo vốn có, đã sử dụng nhiều hình thức xuất bản khác nhau. Đó có thể là văn tự hình nêm trên đất sét ở Lưỡng Hà, đó có thể là văn tự khắc trên xương thú, mai rùa (giáp cốt), trên đồng (minh văn), tre (trúc giản) ở Trung Hoa, trên vỏ, lá cây làm giấy papyrus ở Ai Cập…

Xem trong Almanach Những nền văn minh thế giới, những dấu mốc to lớn đối với nghề in ấn, xuất bản có thể kể đến là khi nghề làm giấy ra đời từ thế kỷ 2 tr.CN ở Trung Hoa, là khi kỹ thuật chữ rời bằng kim loại được phát minh bởi Johannes Gutenberg thế kỷ 15, là khi điện tử và vi tính có mặt trong lĩnh vực in ấn, xuất bản…

Còn ở Việt Nam, hoạt động xuất bản sách đã có từ lâu nhưng chưa thịnh, phụ thuộc nhiều vào sách Trung Hoa. Sách được xuất bản, chủ yếu của vua như kim sách (sách vàng), ngân sách (sách bạc) được khắc trên lá vàng, lá bạc, viết trên lụa để ghi lại gia phả dòng họ vua, để tấn phong... Trong nhân gian, các cuốn sách chủ yếu được viết tay. Ở các triều đại, chứng kiến một số vị vua quan tâm tới việc xuất bản, in ấn sách như Lê Thánh Tông, Minh Mạng…

Kim sách thời Nguyễn. 

Việc in ấn sách ở nước ta phải kể từ thời Lê sơ (1428-1527) có Lương Như Hộc mở ra nghề in mộc bản nửa sau thế kỷ 15 nhưng khan giấy. Phải đến thời chúa Trịnh Căn nửa cuối thế kỷ 17 mới học được nghề làm giấy của phương Bắc từ đó có nghề giấy ở phường Yên Thái, Thăng Long, việc in ấn, xuất bản sách mới phát. Giai thoại làng Nho cho hay thời chúa Trịnh Giang đã cấm hẳn việc mua sách Tàu, việc in, xuất bản Tứ thư, Ngũ kinh đã chủ động bằng giấy của ta.

Khi bước vào thời Pháp thuộc, người Pháp ban hành luật, sắc lệnh như Luật Tự do báo chí 1881, Sắc lệnh 1927,… quy định việc in ấn, bán sách báo nhưng điểm chung là đều kiểm duyệt chặt chẽ. Vào đầu thế kỷ 20, hệ thống nhà in có nhiều ở Sài Gòn (nhà in Phat Toan, nhà in Nguyễn Văn Của), Hà Nội (nhà in Thực Nghiệp Ấn Quán, nhà in Thụy Ký)… giúp cho việc xuất bản sách báo trở nên thuận tiện và hướng tới nẻo công nghiệp với máy móc được nhập từ Pháp quốc.

Từ điển Pháp Việt của Trương Vĩnh Ký do nhà in Nguyễn Văn Của in năm 1920. Ảnh: Đình Ba

Trước 1945, bên cạnh hoạt động in ấn, xuất bản chính thống được chính quyền thực dân cho phép thì báo chí, sách của các tổ chức cách mạng chống chính quyền thực dân, phong kiến, đấu tranh giành độc lập cũng đã được in ấn, xuất bản bí mật… như sách Đường Kách Mệnh (1927), Vấn đề dân cày (1938), Lịch sử nước ta (1942)… báo Búa liềm, Le Travail, Nhành lúa… Cũng trước 1945, hoạt động xuất bản ở Việt Nam dù đã phát triển nhưng khá tự phát. Ra đời, phát triển các nhà xuất bản chủ yếu của tư nhân như NXB Mai Lĩnh, NXB Đời Nay, NXB Tân Dân… Đến như Huy Cận và Xuân Diệu cũng từng có NXB Huy Xuân.

Định hình ngành Xuất bản, In và Phát hành

Sau tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền trong lúc thù trong giặc ngoài đe dọa, khó khăn kinh tế, tài chính chồng chất, nhưng vẫn thể hiện sự quan tâm đến công tác in ấn, xuất bản. Cụ thể là Sắc lệnh số 18 ngày 31/1/1946 đặt thể lệ lưu chiểu văn hóa phẩm trong nước. Trong Bộ Nội vụ có Nha Thông tin Tuyên truyền với một số cơ quan trực thuộc như Ty Kiểm soát giấy, Ty Kiểm duyệt sách và báo chí.

Sau này, Nha Thông tin Tuyên truyền đổi tên thành Nha Thông tin theo Sắc lệnh số 24 ngày 27/11/1946. Nghị định số 26/BNV/NgĐ ngày 22/2/1947 tổ chức Nha Thông tin trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Tiếp đó, Nha Thông tin được sáp nhập vào Thủ tướng phủ bởi Sắc lệnh 38 ngày 10/7/1951. Trong cơ quan Thủ tướng phủ có Phòng 3 chuyên trách theo dõi công tác kế hoạch, tuyên huấn, dự thảo báo cáo, thư viện, báo chí, thông tin, thống kê… Ngày 24/2/1952, Nhà Thông tin và Vụ Văn học nghệ thuật được hợp nhất thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ.

Hoạt động in ấn, xuấn bản và phát hành phát triển tạo ra nhiều đầu sách giá trị cung cấp cho thị trường. Ảnh: Đình Ba.

Với Sắc lệnh số 122/SL ngày 10/10/1952 thành lập Nhà in Quốc gia, đánh dấu hoạt động in ấn, xuất bản và phát hành của Việt Nam đã trở nên quy củ, có quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ để từ đó đến nay, trải qua 67 năm, người làm công tác Xuất bản, In và Phát hành lại có dịp nhớ lại kỷ niệm của ngành, tự hào và nỗ lực hơn nữa đưa hoạt động xuất bản của Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa, cung cấp những ấn phẩm chất lượng với những hình thức đa dạng, tiếp cận công nghệ thế giới, phục vụ đông đảo văn hóa đọc của đại chúng.

Nguồn: https://zingnews.vn/

Tags: