Ngắm nhìn phương Đông lướt ngoài cửa sổ
Ngắm nhìn phương Đông lướt ngoài cửa sổ
Với "Phương Đông lướt ngoài cửa sổ", Paul Theroux đã thổi luồng gió mới vào dòng sách du ký vốn đang trầm lắng thời điểm tác phẩm ra đời.

Năm 1973, khi nhà văn Paul Theroux bắt đầu thực hiện chuyến hành trình bằng xe lửa qua Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Ấn Độ, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Coley (Sri Lanka cũ), Trung Quốc, Nhật Bản, Siberia... thì cũng là lúc bối cảnh chính trị và kinh tế ở nhiều quốc gia ở nơi đây vẫn còn trong tình trạng rối loạn, đói nghèo, u ám. Và không khí ấy, cũng phần nào được tái hiện lại trong cuộc hành trình dài của ông.

 Trong Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, Paul Theroux chẳng lý giải điều gì, cũng không đưa ra kết luận. Trên chuyến hành trình của mình ông giữ một trạng thái độc lập, không chủ động kết thân với ai.

Một phương Đông khác bên ngoài những chuyến tàu, phương Đông lừng lững, cao ngạo, nghèo đói, buồn bã. Dĩ nhiên, đi lướt qua, rồi chỉ ở lại lang thang trên những trạm dừng chân, Paul Theroux không thể, cũng không có mục đích đi sâu vào những nét văn hóa đầy màu sắc, đầy bí ẩn của mảnh đất này.Nhà văn chỉ ghi chép và ghi chép, thuật lại những cuộc trò chuyện với người bản xứ, từ đó vẽ nên những mảng tối và sáng của mỗi đất nước trong tâm thế vô tư lự. Ông cũng tỏ ra trung thực với cảm nhận tức thời của bản thân.

Nhưng trên những chuyến tàu địa phương, Paul Theroux quan sát tỉ mỉ những hành khách xung quanh mình, và ghi chép lại một cách đầy say mê, hài hước, phóng khoáng. Từ những điều đó, gợi mở ra cho độc giả cả một không khí sống động về đời sống thường ngày của con người nơi xứ sở phương Đông.

Rõ ràng, cuộc hành trình xuyên châu Á như vậy không phải cuộc cưỡi gió lướt mây lớt phớt, đấy thực sự là một cuộc dấn thân đòi hỏi nhiều trả giá. Paul Theroux đã thực sự sống cùng những chuyến tàu, để tất cả những cảm xúc cá nhân dao động đến tận cùng biên độ của nó.

Và đó chính là điều Theroux tìm kiếm khi ông quyết định lên đường: "Việc đi tàu đã kích thích trí tưởng tượng của tôi và thường mang lại cho tôi sự tĩnh mịch để sắp xếp và viết ra những suy nghĩ của mình: tôi có thể dễ dàng di chuyển trên hai hướng, dọc theo những đường ray đồng mức khi những hình ảnh của Châu Á liên tục lóe lên và chuyển động trên ô cửa sổ, và bên trong thế giới trí nhớ và ngôn ngữ riêng của tôi. Tôi không thể tưởng tượng ra một sự kết hợp chuyển động nào tuyệt vời hơn".

Ngam nhin phuong Dong luot ngoai cua so hinh anh 2
Paul Theroux - cây viết du ký nổi tiếng người Mỹ.

Trong hành trình của mình Paul Theroux cũng ghé qua Việt Nam. Trên chuyến tàu đến Huế, ông đã viết: “Trong tất cả những nơi mà tàu hỏa đã đưa tôi đi qua kể từ London, đây là nơi thơ mộng nhất…”

Lúc bấy giờ Việt Nam đang trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trong ánh mắt của Paul Theroux, những khung cảnh thơ mộng đã được viết lại bằng một giọng văn trầm lắng, tư lự. Tưởng như, suốt cuộc hành trình, ở đoạn cuối này, ông đã buông mình ngẩn ngơ vào những khung cảnh nên thơ nơi đây.

Với lối viết vô cùng uyển chuyển, với ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời sống, Phương Đông lướt ngoài cửa sổ đã đem đến cho độc giả những trải nghiệm mới về một mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, là nơi hội tụ những nét văn hóa thực sự đầy màu sắc, và bí ẩn.

Tuy nhiên, điều khiến độc giả cảm thấy say mê cuốn sách, chính là cảm giác lâng lâng khi trải nghiệm những chuyến tàu dài, cứ dõi mắt nhìn ra những khung cảnh đang lướt đi. Ấy là cảm giác tuyệt vời về sự xê dịch, để được thỏa mãn với những điều mắt thấy tai nghe, giữa những lắc lư của những con tàu.

Tác phẩm của Paul Theroux đã cuốn hút nhiều độc giả, không chỉ những người mê du lịch bởi sự khơi gợi trí tò mò với một vùng đất vốn xa lạ trong thập niên 70 của thế kỷ trước, thời đại mà cả công nghệ thông tin lẫn phương tiện vận chuyển đều chưa phát triển như ngày nay.  

Cuốn sách được xem là một trong hai mươi cuốn sách du ký hay nhất mọi thời đại, giúp thể loại du ký khi ấy đang dần bị mai một “bỗng thoát ra khỏi chốn ẩn mình cô độc”, khiến người thưởng thức có thể khóa cửa ngôi nhà, viễn du vào cuộc đời thường nhật, có thể thoải mái tận hưởng những cuộc hành trình trong cuộc đời mình.

Nhà văn người Anh Michael Frayn, thì nhận định “bản thân cuộc hành trình cũng đã là một đích đến”. Cuộc sống luôn tiếp diễn bằng những cuộc hành trình như là đích đến như vậy.

Paul Theroux  là một nhà văn viết du ký nổi tiếng của Mỹ. Ngoài cuốn Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, ông còn có các cuốn du ký nổi tiếng khác: The Old Patagonian Express, The Happy Isles Of Oceania, Riding the Iron Rooster, Dark Star Safari, Ghost Train to the Eastern Star… Ông cũng viết nhiều tiểu thuyết, hai cuốn The Mosquito CoastDr Slaughter đã được dựng thành phim rất thành công.

Trạm Đọc

Theo Zing