Mỹ học của vẻ đẹp tột cùng trong MICHELANGELO - Sáu kiệt tác cuộc đời
Mỹ học của vẻ đẹp tột cùng trong MICHELANGELO - Sáu kiệt tác cuộc đời
Trong một cuốn sách của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có mô tả nghệ thuật là thứ “vô cùng phù phiếm nhưng cũng vô cùng thiêng liêng.” Khoảng cách giữa “thiêng liêng” và “phù phiếm” mỏng mảnh như một làn hơi: khả năng chạm tới của con người.

Thường khi, cái hữu hạn và bé nhỏ của con người vẫn khó mà so với cái bất tận, cái vĩ đại và phổ quát của nghệ thuật. Bởi thế mà nghệ thuật ít nhiều vẫn mang trong nó cái bí ẩn khó mà tìm mà chạm tới. Một tầm vóc lớn lao như Michelangelo Buonarroti lại càng khó khăn biết mấy. Khi đặt bút viết cuốn sách dày trên ba trăm trang này, có lẽ Miles Unger cũng ít nhiều biết được điều đó. Và chính anh phải tìm được cách để những dòng viết của mình chinh phục được người đọc, phải thắt một mối nối giữa người đọc và những kiệt tác mang tầm nhân loại ấy.

Tôi tin rằng Miles Unger, với MICHELANGELO: Sáu kiệt tác cuộc đời, đã làm được điều đó.

Nguồn ảnh: Báo Mới

Trước tiên, dòng tiêu đề của cuốn sách, Sáu kiệt tác cuộc đời, đã cho thấy những gì Unger ước vọng. Cái tác giả muốn mang tới không phải chỉ là một trường ca về lịch sử nước Ý, hay cuộc đời của một huyền thoại hoà trong dòng chảy trong lịch sử ấy, cũng không phải chỉ cái tuyệt mỹ của những kiệt tác nghệ thuật, mà là tổng hoà tất cả những điều ấy – nghệ thuật lồng vào cuộc đời, cuộc đời thêu lên nghệ thuật, cái này tôn lên cái kia một cách hoàn mỹ. Thời thế tác động để dựng hình người nghệ sĩ, người nghệ sĩ mang cái tôi vào nghệ thuật, và chính nghệ thuật ấy cũng vương hơi thở của cả một xã hội, cả một hệ tư tưởng bấy giờ. Nghệ thuật là sự quy chiếu cuộc đời Michelangelo, và cũng chính nghệ thuật đẽo gọt nghệ sĩ tạo ra nó.

Điều ấy, tôi cho rằng, là thành công đầu tiên của Unger. Đôi khi, kể cả khi biết về những tác phẩm ấy, nghe hiểu những lời ca tụng về vẻ đẹp của chúng, cái người ta biết được dễ chăng vẫn chỉ là bề nổi – như là cái tinh tế trên những nếp diềm tà váy Đức Mẹ, đường nét thiếu niên hoang dã mà cương nghị trong đôi mắt David,... Người ta chưa thấy được đằng sau đó là cả một quãng dài của lịch sử, là cái tâm và cái tôi của người nghệ sĩ. Unger đã nối kết được những thành tố đó, một cách đầy khéo léo, thành một cuốn sách lớp lang nghệ thuật và lịch sử, không có thành tố nào là riêng rẽ hay vô nghĩa. 

Từ những lớp lang lịch sử…

Bức "Trường học Athens" bởi Raphael

Người ta hay nói “thời thế tạo anh hùng”. Xét rộng ra, thời thế cũng phần nào tạo nên những tầm vóc lớn lao nói chung, mà trong đó có kẻ làm nghệ thuật. Đằng sau cuộc đời lừng lẫy của Michelangelo và những kiệt tác mang tên ông, người ta thấy Unger viết về một lịch sử nước Ý thế kỷ XVII, một “vực thẳm hỗn độn” những rối ren của xã hội và sự bạc nhược của nền quân chủ. Người ta thấy xã hội ấy, bị ép trong những khung vô hình của chuẩn mực, thành ra bài xích những gì mới mẻ và, theo họ là, lạ lùng; cái xã hội vốn chưa có một cái nhìn mà người sáng tạo nghệ thuật xứng đáng có được. Và cũng chính lịch sử ấy nở rộ thời đại rực rỡ nhất của nghệ thuật, một thời đại đã đi vào lịch sử với cái tên Phục Hưng. Dưới lịch sử ấy, Michelangelo xuất hiện, vụt sáng như một vì tinh tú vĩnh cửu. Những kiệt tác của ông tạc ra từ khối đá lịch sử, vần vũ những tầng lịch sử, và Unger đã thành công cho ta thấy điều đó.

Tới Sáu kiệt tác

Unger chọn lấy sáu trên tổng số những tác phẩm Michelangelo đã để lại cho đời, bao gồm Đức Mẹ Sầu bi, Người khổng lồ, Sự tạo dựng, Những người chết, Ngày Tận thế và Vương cung thánh đường. Ở mỗi kiệt tác ấy, Unger lại kể một câu chuyện về cả cuộc đời nó, từ quãng hoài thai đến khi dựng thành.

Có thể nói rằng Unger đã đặc biệt thành công với công việc khắc hoạ lại hình hoạ bằng ngôn ngữ ấy, bởi rốt cuộc anh đã có câu trả lời, trọn vẹn và thoả đáng, cho câu hỏi mà ta luôn đặt ra: vì sao tác phẩm ấy lại là kiệt tác? Đã là kiệt tác thì ắt hẳn phải có cái chất gì hơn người, hơn đời, phải lắng đọng ngàn tầng đời với tầng nghệ thuật. Unger đã gỡ mở cho ta thấy từng tầng giá trị làm nên kiệt tác ấy.

Như là, ta có thể nhìn vào cách Unger khắc hoạ bức điêu khắc đầu tiên, Đức Mẹ Sầu bi. Cái xuất sắc của Michelangelo đầu tiên là ở sự tinh tế, tinh tế đến từng đường nét, dù là thớ cơ của Chúa, nét mặt của Ngài hay những đường xếp nếp trên váy áo Đức Mẹ - sự tinh tế làm nên vẻ chân thật và sống động tột bậc. Và hơn thế nữa, hình tượng mà Michelangelo khắc tạc cũng là một hình tượng chưa từng có tiền lệ: nét bình thản và ẩn nhẫn của Đức Mẹ, giấc ngủ an nhiên của Chúa trong vòng tay đấng sinh thành; cái cảnh mà người ta trước nay vẫn nghĩ phải là thống khổ, là bi ai. Nói như Unger,

vì tác phẩm Đức Mẹ Sầu bi của Michelangelo không nhằm gợi lại một khoảnh khắc trong lịch sử khi xác Chúa được hạ xuống khỏi cây thập tự và đặt trên đùi mẹ, mà là toàn bộ vòng cung của lịch sử trong đó lỗi lầm của Con người đã được cứu chuộc thông qua cái chết khiến cho cuộc sống của chúng ta có thể trường tồn.

Hay như bức tượng Người khổng lồ khắc tạc thiếu niên David, Unger viết,

Chàng là một thiếu niên, nhưng là một thiếu niên thấm nhuần tinh thần của Chúa. Không ai có thể chiêm ngưỡng tư thế cảnh giác nhưng vẫn tự tin của chàng mà không bị cuốn theo một niềm tin mới mẻ về tiềm năng của con người.

Văn của Unger sâu sắc, thông minh mà tinh tế, không lên gân, chảy nhịp nhàng trên một nhịp điệu chặt chẽ từ đầu đến cuối, không chỗ đúc chỗ loãng. Ấy là một tài năng: bắt được cái “nhịp” văn, và diễn tấu trên nhịp điệu đó.

Tới một Michelangelo trong dòng lịch sử ấy

Niềm say mê với văn hoá Ý là một đặc điểm rõ rệt ở Unger, xét trên toàn bộ tác phẩm của nhà nghiên cứu. Chính điều ấy đã thôi thúc Unger nghiên cứu về Michelangelo, đọc cả những dòng thơ ông viết, những lá thư của ông và cả những người xung quanh, và rất chăm chút để khắc họa cuộc đời của ông một cách chân thực nhất có thể.

Một bài thơ được sáng tác bởi Michelangelo

Người đọc Sáu kiệt tác cuộc đời hẳn sẽ đồng thuận với tôi rằng, Michelangelo giống như một ngọn lửa. Ngọn lửa ấy cháy không ngừng, mãnh liệt, độc đáo và tách biệt; nó toả rạng khắp cả xung quanh, nó bắn tung lên thành những hoa lửa rực rỡ.

Miles Unger cho ta một cái nhìn rõ ràng về Michelangelo, không chỉ ở tâm hồn nghệ thuật của ông, mà còn ở bản thân ông – cái con người vừa là con người của thời điểm ấy, vừa bao chứa những điều vĩ đại và cao xa hơn thế. Unger kể ta nghe về cuộc đời ông, những tác động tựa như gươm đao của hệ tư tưởng, của gia đình, cái gia đình có lẽ có tác động đặc biệt dữ dội của tâm hồn ông. Những tác động ấy, cùng với một cái tôi luôn mong muốn được vượt thoát, khiến người nghệ sĩ ấy ít nhiều gai góc, thô ráp. Người nghệ sĩ ấy, trong công việc, trần trụi một sự khiên cưỡng, cộc cằn, nóng nảy và khó tính. Người có cái kiêu ngạo mà ít ai có thể dung hoà (cái kiêu ngạo thể hiện cả trong tác phẩm người tạc ra, cái kiệt tác vấp phải bao nhiêu phản đối của những người mộ đạo khi ấy!), cháy bỏng một khát khao kiến tạo điều gì đó phi thường, mạnh mẽ, vượt lên những ranh giới phàm trần.

Michelangelo chèn chính mình vào sự hiệp thông thiêng liêng giữa người thờ phụng và thánh tượng.

Rồi ta cũng thấy, qua những lời kể đầy trân trọng của Unger, dưới lớp vỏ tưởng như cằn cỗi, thô ráp, không thể khớp với khuôn khổ nào của thời cuộc, hay bên trong một thiên tài với tầm vóc không ai có thể phủ nhận, là một tâm hồn đẹp đẽ nhưng lại chịu quá nhiều dày vò. Cái tôi, sự ngạo nghễ hay sự tách biệt, xét ra, cũng không trái ngược với một trái tim nồng ấm đúng nghĩa. Michelangelo đối xử với người nghèo và những người bị xã hội ruồng bỏ bằng tất cả tấm lòng bao dung và sự tôn trọng. Đằng sau một cá tính dị thường là một niềm quan tâm sâu sắc đến thời cuộc, cái tâm rất nghệ sĩ, nghệ sĩ một cách chân chính.

Cuối cùng, Unger cho ta thấy cái tầm vóc của một nghệ sĩ thực thụ. Michelangelo, trước những lời định tội nghệ thuật của mình, đã dõng dạc mà tuyên bố:

Thiên Chúa đã sinh ra con người trong hình hài đẹp đẽ giống Người. Chỉ có những kẻ thiếu đức tin với tâm hồn gian trá mới xấu hổ!

Michelangelo bao giờ cũng xem nghệ thuật là tiếng gọi của thượng đế, và nghệ thuật của chính ông là sự thể hiện đức tin ấy. Và, kỳ diệu thay, chính ông đã thay đổi cả suy nghĩ của những người đương thời về nghệ sĩ. Những gì họ vẽ ra hay khắc tạc nên mang một linh hồn, thậm chí chính là hoá thân hữu hình của thần thánh, bao chứa một sức mạnh và sức gợi tả mạnh mẽ. Michelangelo, cùng những người khổng lồ nghệ thuật cùng hoặc khác thời với ông, đã mãi mãi nâng tầm họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến ​​trúc sư lên một danh tiếng cao hơn, xứng đáng hơn. Người nghệ sĩ ấy chính là vị Chúa sáng tạo của chính mình, đã vượt thoát khỏi những giới hạn, tựa như ngọn lửa, để bừng lên đến độ thăng hoa.

MICHELANGELO: Sáu kiệt tác cuộc đời là bài ca về sự vượt thoát khỏi mọi giới hạn và ràng buộc. Ấy là sự bừng lên như ngọn lửa của Michelangelo để ghi lại những dấu ấn độc đáo và sâu sắc với cuộc đời. Ấy là sự thăng hoa trong ngòi bút của Miles Unger khi không giới hạn chính mình ở một khía cạnh nào, dù là nghệ thuật, lịch sử hay xã hội. Dù bạn là ai, bạn cũng có thể tìm được điều gì đó giá trị trong cuốn sách ấy.

Tags: michelangelo