Màu của ghi nhớ
Màu của ghi nhớ
Bạn có cảm thấy dễ chịu khi đi dưới ánh đèn vàng? Khi gặp áp lực, bạn có vô tình chọn quần áo màu xanh dương chứ không phải màu hồng mà bạn ưa thích? Một quả nho màu tím liệu có ngon hơn một quả nho màu xanh? Giờ nếu yêu cầu bạn miêu tả một kỉ niệm đáng nhớ của những năm tháng cấp 3, bạn có thấy rằng, thật khó để miêu tả chính xác không? Tuy nhiên, liệu bạn có cảm thấy dễ trả lời hơn nếu được hỏi rằng, khung cảnh đó có màu gì?
Không phải ngẫu nhiên mà trong 5 giác quan, phần xử lý thị giác có thể tích lớn nhất trong não bộ. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, màu sắc là nhân tố ngoại cảnh quan trọng nhất để con người đưa ra quyết định. Một số nghiên cứu chỉ ra cách màu sắc quyết định hành vi con người:

 

  • Các viên thuốc màu đỏ có hiệu quả hơn các viên thuốc màu xanh. (Xem kết quả nghiên cứu tại đây)
  • Màu đỏ giúp tăng khả năng chiến thắng trong thể thao, tuy nhiên tiếp xúc với màu đỏ trước kỳ thi làm giảm điểm số bài thi. (Xem kết quả nghiên cứu tại đây)
  • Đèn và bảng hiệu màu xanh dương có tác dụng giảm tự sát và tình trạng bạo lực ở một số thành phố. (Xem kết quả nghiên cứu tại đây)
Mắm Project -  một quảng cáo rất... bắt mắt

 

Từ thời xa xưa, các nhà cầm quyền đã hiểu rằng, màu sắc có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng con người. Ngày nay, giới nghệ sĩ, thiết kế và truyền thông đã vận dụng tối đa những kiến thức về màu sắc cho công việc của mình. Mục tiêu tối thượng của họ là gì? Đơn giản thôi, làm chúng ta phải ghi nhớ những thông điệp của họ: hãy nhớ sản phẩm của chúng tôi, nhớ kĩ vào và đừng có quên! Có lẽ loài người sợ nhất là bị lãng quên?

Nói đến thực phẩm thì màu sắc là vấn đề sống còn. Một quả chanh "không chua lắm" là một quả chanh tha thứ được, nhưng một quả chanh "hơi vàng một tý" sẽ là một quả chanh có vấn đề. Tương tự với các ngành khác, màu sắc thực sự quyết định cảm giác và hành vi của con người. Các thương hiệu lớn đều có màu sắc logo và nội dung slogan ăn nhập với nhau. Không có gì tệ hơn nếu logo của Cocacola lại là màu vàng hay xanh lá cây, hoặc đáng sợ hơn, logo của Prudential lại có màu đen hay xanh tím! 

 

 

Mặc dù các ví dụ trong truyền thông là vô cùng đa dạng và mang đầy đủ thông tin để phân tích, bài viết này tập trung vào một lĩnh vực cổ điển hơn, đó là hội họa. Bằng cách phân tích việc màu sắc tác động đến cảm nhận của chúng ta về bức tranh như thế nào, bài viết muốn chỉ ra một phương pháp phối màu hiệu quả, nhất là trong việc áp dụng vào các hình thức nghệ thuật.

 

 

Ánh sáng, lý thuyết màu sắc và Van Gogh

 

 

 

Màu sắc là con của ánh sáng. Màu sắc là ánh sáng hóa thân vào cảm giác của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không tìm hiểu về cách Newton tìm ra dải màu quang phổ hay cách những bước sóng ánh sáng kích thích não bộ tạo cảm giác ra sao. Điều đáng quan tâm là ứng dụng thực tế! Ở đây chúng ta sẽ chọn một họa sĩ tiêu biểu và phân tích các ví dụ trực quan là các tác phẩm của họa sĩ đó. Họa sĩ được chọn là Van Gogh (1853 - 1890), một trong những họa sĩ hàng đầu thế giới thuộc trường phái Hậu ấn tượng (Post-Impressionist).  Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến là: Cafe Terrace at Night (1888), Starry Night (1889), Irises (1889), Almond Blossoms (1890)... Trước khi tìm hiểu một vài tác phẩm của ông chúng ta hãy cùng nhìn qua một chút về lý thuyết màu sắc. 

 

Trong tự nhiên, bước sóng của ánh sáng quan sát được có biên độ từ 380nm đến 760nm. Bước sóng cao hơn là tia hồng ngoại, thấp hơn là tia cực tím. Các màu sắc chúng ta thấy được là do ánh sáng phản xạ từ môi trường đến mắt chúng ta, thông qua các tế bào thần kinh phân định thành các khái niệm về màu sắc. 

 

 

Bảng màu

Màu sắc trong mỹ thuật được chia làm 3 loại:

  • Màu chính: Vàng, đỏ, xanh dương. Những màu này không thể tạo ra bằng cách pha trộn các màu khác.
  • Màu phụ: Cam, tím, xanh lá cây. Những màu này được tạo ra bằng cách pha trộn các màu chính. Ví dụ: Đỏ + xanh dương = tím, đỏ + vàng = cam.
  • Màu bổ sung: Vàng cam, đỏ cam, đỏ tím, xanh tím, xanh thẫm, vàng xanh. Đây là những màu được tạo ra bằng cách pha màu chính với màu phụ.

Bằng cách pha màu theo tỉ lệ và thêm trắng/đen, chúng ta có thể điều chỉnh được sắc thái/quang độ của màu. Với sự hiểu biết về luật phối màu cùng một chút khéo léo, người họa sĩ có thể sử dụng màu sắc để tác động vào cảm xúc người xem. Hãy đến với ví dụ trực quan đầu tiên, bức Starry Night của Van Gogh.

 

Starry Night - Van Gogh (1889)

 

 

Sự tương phản

 

 

Chúng ta nhận ra rằng, Van Gogh đã sử dụng những màu đối lập trong bảng màu để làm màu sắc chính cho bức tranh: xanh dương và vàng cam. Các sắc thái tương phản khi đặt cạnh nhau sẽ làm nổi bật lẫn nhau và có tác dụng thị giác mạnh, ví dụ như xanh lá - cam hay xanh lá - tím. Quy tắc này được áp dụng nhiều trong các poster hay bảng quảng cáo (những thứ chỉ có 1 khung hình). Lần sau khi đi chơi, hãy nhớ quy tắc đầu tiên để trở nên nỗi bật: hãy phối màu tương phản nhau; và nếu lựa chọn phong cách này thì chỉ 2 đến 3 màu là đủ.

 

The Burning of the Houses of Lords and Commons - Joseph Turner (1835)

 

Một ví dụ khác về sự tương phản trong màu sắc được thể hiện ở bức The Burning of the Houses of Lords and Commons (1835) của họa sĩ Joseph Turner. Cùng với bố cục và nét vẽ, Turner đã mô tả sinh động trận hỏa hoạn (gam màu nóng) giữa bầu trời đêm (gam màu lạnh) và cầu Westminster (màu trắng) bên cạnh bờ đê đông người tụ tập (màu đen).

Tuy nhiên, một người nghiệp dư cũng có thể lờ mờ hiểu được rằng, khi vẽ màu xanh dương cạnh màu vàng thì bức tranh có vẻ đẹp hơn là màu xanh dương với màu tím, vậy sự khác biệt giữa một người nghiệp dư và giới họa sĩ chuyên nghiệp là gì?

 

 

Độ sáng và độ sâu hình ảnh

 

 

Đó là việc sắp đặt những màu cùng tông nhưng khác sắc độ (sáng hơn hoặc tối hơn) làm cho bức tranh sống động và "thật" hơn. Xử lý ánh sáng tốt sẽ tạo ra chiều sâu cho khung hình. Hãy nhìn vào bầu trời và mặt trăng trong bức Starry Night. Màu xanh dương và màu vàng ở đây đã được "xếp lớp" nhiều tầng với các sắc độ khác nhau để mô tả sinh động bầu trời đêm và thu hút ánh nhìn người xem.

 

Nói một cách dễ hiểu: Một bức tranh chỉ sử dụng 2 đến 3 màu cơ bản sẽ rất khác một bức tranh sử dụng 5 đến 7 màu lân cận.

Dưới đây là một ví dụ khác về việc dùng màu sắc để mô tả ánh sáng:

 

Empire of Light - Rene Magritte (1954)

 

Bức Empire of Light của Rene mô tả một hình ảnh không thật và đầy tính ẩn dụ: bầu trời giữa ban ngày trong khi khu hồ chìm trong bóng đêm. Sử dụng màu sắc một cách khéo léo, Rene đã khắc họa thành công một khu hồ có chiều sâu hình họa và điểm nhấn là hình ảnh ngọn đèn sáng đang soi rọi không gian xung quanh.

 

 

Sự hài hòa

 

 

Việc sắp đặt các màu sắc tương phản cạnh nhau có thể tạo nên những hiệu ứng thị giác đặc biệt, tuy nhiên chúng cũng có những quy tắc riêng. Hãy xem xét ví dụ sau đây:

 

Bức Cafe Terrace At Night vẫn sử dụng tông màu vàng-xanh dương quen thuộc. Khác với bức Starry Night, Cafe Terrance At Night sử dụng một dải màu đa dạng hơn. Nếu nhìn theo chiều kim đồng hồ, chúng ta có thể thấy Van Gogh tăng dần cường độ các màu sắc: xanh dương, xanh tím, cam, vàng, xanh lá cây... Điều này có thể coi như một sự dẫn dụ thị giác, mắt chúng ta sẽ vô thức dừng lại ở gam màu nóng nhất của bức hình: hình ảnh quán cà phê ở trung tâm.

Cafe Terrace At Night - Van Gogh (1888)

Bằng cách sử dụng các màu sắc cạnh nhau trong bảng màu (xanh dương - tím - cam- vàng- xanh lá cây), Van Gogh đã đưa chúng ta ngắm nhìn một vòng quanh quán cà phê trước khi chỉ vào quán cà phê và nói: "Đây, đây chính là quán cà phê Terrace mà tao muốn chúng mày nhớ lấy". Thử tưởng tượng cánh cửa cuối quán cà phê không phải màu xanh hay quán cà phê không có màu vàng cam mà xem? Có khi chúng ta đang nhìn lên bầu trời trong bức tranh và hỏi rằng quán cà phê Terrace đang ở trên vì sao nào vậy?

Hãy nhìn vào một bức tranh khác của Van Gogh, bức The night coffee:

The night coffee - Van Gogh

Màu sắc chủ đạo của bức tranh là màu vàng. Hai cặp màu tương phản của bức tranh là đỏ và xanh. Cái bóng của bàn bia cũng có sắc xanh (!), sau nhạt dần và lẫn vào màu vàng của nền nhà. Bức tranh trên tường cùng với các bóng đèn có một sắc thái vàng đậm hơn, nhưng dần hòa vào phần tường phía dưới và khung cảnh xung quanh.

Giả sử bạn đến quán cà phê của Van Gogh, thấy quán có màu vàng chủ đạo và tạo cảm giác ấm áp (do ánh đèn vàng, sơn tường đỏ, trung tâm là bàn bi-a xanh lá...). Rồi bạn đến một quán hiện đại và thấy quán này cũng mang lại cảm giác giống quán cũ, nhưng quán này lại sơn tường xanh dương và sử dụng nội thất có màu nâu nhạt? Đó là vì hai cặp màu đỏ - xanh lá cũng như nâu - xanh dương là hai cặp màu tương phản lẫn nhau nhưng lại điều hòa với màu vàng, và vì thế, bổ sung thêm sắc thái vàng của không gian.

Điều này giúp ta rút ra một kết luận: Nếu sử dụng màu sắc tương phản làm chủ đạo, bố cục bức tranh phải được sắp xếp đặc biệt, ví dụ như: tỉ lệ giữa cặp màu tương phản (bức Starry Night) hay cách thức dẫn dắt thị giác (bức Cafe Terrace At Night). Nếu sử dụng màu sắc đơn nhất làm chủ đạo, phải làm sao để tôn màu đó lên thông qua các cặp màu sắc tương phản và tương hỗ lẫn nhau.

Mỗi họa sĩ thường ưu ái một màu riêng biệt. Với Van Gogh thì đó là màu vàng. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Sunflowers (1888), Self-Portrait with Bandaged Ear (1889) thể hiện rõ điều này.

Sunflowers - Van Gogh

 

 

Tính biểu tượng

 

 

Đối với Van Gogh, màu vàng là màu sắc của niềm vui và tình bạn. Ngạc nhiên thay, có vẻ như đây là 2 thứ rất thiếu của cuộc đời ông. Ông sống trong sự hoài nghi, dằn vặt, thiếu thốn và chết trong cô độc. Đó là lý do ông thích hoa hướng dương và gọi căn phòng của mình là "Phòng vàng". Ông từng vẽ 7 bức tranh hoa hướng dương để trang trí căn phòng của mình. Cũng giống như câu hỏi phổ thông mà chúng ta vẫn thường hỏi nhau: Màu của bạn là màu gì? Với Van Gogh, màu của Van Gogh là màu vàng. Và ông đã thể hiện rõ điều đó qua bức tranh Sunflowers của ông.

 

Khi ngắm nhìn bức Sunflowers, chúng ta nhận thấy, sự vắng bóng của các thủ thuật hội họa. Các đường nét đơn giản, không có đổ bóng, không có ẩn dụ hình ảnh... Dường như cả bức tranh là một màu vàng duy nhất và đặc biệt hơn, vàng một cách bất thường. Van Gogh đã giải phóng bức tranh khỏi việc bắt chước thiên nhiên và cho phép tác phẩm thể hiện cảm xúc của mình. Trong một bức thư gửi bạn của mình, ông thổ lộ: "Thay vì cố gắng sao chép chính xác những gì tôi nhìn thấy, tôi cố gắng sử dụng màu sắc một cách tự do để thể hiện chính xác cảm xúc bản thân mình".

The Old Guitarist, Picasso (1904)

Hãy nhìn một tác phẩm của một họa sĩ nổi tiếng khác, bức The Old Guitarist của Picasso. Khi miêu tả người, nghệ thuật đương đại biểu lộ màu đỏ như sự mãnh liệt còn màu xanh dương như sự buồn bã. Khi Picasso vẽ The Old Guitarist, chúng ta có thể tin rằng, ông đang bị "xanh dương". Trên thực tế, thời điểm vẽ bức tranh này Picasso đang chìm sâu vào trầm cảm sau cái chết của người bạn thân Casagemas.

Các tác phẩm trong thời kì này của ông có một gam màu xanh xám và thường mô tả những người ở dưới đáy xã hội: những người nghèo, người cô đơn, kẻ lang thang. Có lẽ ông đã đồng cảm với họ và vì thế nhân loại có những bức tranh "xanh dương" của Picasso, những bức tranh khác biệt so với các tác phẩm trước đó của ông.

The Scream - Munch (1893)

Một ví dụ khác về tính biểu tượng của màu sắc trong tranh là bức The Scream của Munch. Hai sắc thái chính của bức tranh là đỏ-cam và xanh-tím. Một chút sắp xếp về bố cục (khung hình hẹp, không gian mở rộng về khoảng không màu xanh-tím... ) và sự khéo khéo khi sử dụng màu sắc, tác giả đã miêu tả một cảm giác không dễ nói ra thành lời: Sự lo lắng bất an.

Trong cuốn nhật ký năm 1892, Munch viết: "Tôi đang đi dọc một cây cầu với hai người bạn. Mặt trời đang lặn và tôi cảm thấy một chút u sầu. Đột nhiên bầu trời biến thành màu đỏ đẫm máu, tôi dừng lại, dựa vào lan can, cảm thấy mệt mỏi và lo lắng.  Tôi nhìn những đám mây như lửa cháy và một giải màu xanh đen ở góc xa chân trời. Những người bạn của tôi vẫn tiếp tục bước đi, còn tôi thì đứng đó, run lên vì sợ hãi. Trong đầu tôi bỗng xuất hiện một âm thanh chói lọi và nặng chình chịch".

 

Kết luận

Một tác phẩm hội họa được tạo thành từ nhiều yếu tố, ví dụ như đường nét, khối, màu... Để tác phẩm truyền tải được đúng thông điệp mà người họa sĩ muốn gửi gắm, phải có một khả năng nhất định để kết hợp những yếu tố này. Tuy nhiên màu sắc vẫn luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để biểu đạt thông điệp, và điều này đúng trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì hội họa. Trong lĩnh vực truyền thông, việc sản phẩm của bạn thành công hay thất bại đôi khi chỉ phụ thuộc vào bao bì màu sắc kém bắt mắt hoặc kém thân thiện hơn so với đối thủ. Mặc dù, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng một xã hội quá vội vã với quá nhiều sự lựa chọn thì người ta sẽ không quan tâm đến cái tốt hơn, người ta chỉ quan tâm đến cái đáng nhớ hơn mà thôi.

Giang

Tags: