Mark Zuckerberg phát biểu tại Harvard: Có mục đích sống cho bản thân là chưa đủ, đây mới là việc thế hệ chúng ta cần làm
Mark Zuckerberg phát biểu tại Harvard: Có mục đích sống cho bản thân là chưa đủ, đây mới là việc thế hệ chúng ta cần làm
Duy nhất trên Trạm Đọc: Bản dịch toàn bộ bài phát biểu tại Lễ tốt nghiệp Đại học Harvard của Mark Zuckerberg.

Hiệu trưởng Faust, Ban giám hiệu, giảng viên, cựu sinh viên, những người bạn, những phụ huynh đầy tự hào, thành viên của ban quản trị, và các sinh viên tốt nghiệp của trường Đại học vĩ đại nhất thế giới,

Tôi rất vinh dự được gặp các bạn ngày hôm nay bởi vì, thành thật mà nói, bạn đã đạt được thứ mà tôi chưa bao giờ làm được. Nếu tôi kết thúc được bài phát biểu này, đây có lẽ là lần đầu tiên tôi thực sự hoàn thành một điều gì đó tại Harvard. Lớp 2017, xin chúc mừng các bạn!

Tôi là một diễn giả không phù hợp cho lắm, không chỉ bởi tôi bỏ học, mà còn bởi về mặt lý thuyết, thì tôi với các bạn cùng một thế hệ. 10 năm trước, tôi cũng dạo bước trên chính khoảng sân này như các bạn bây giờ, cùng nghiên cứu những ý tưởng và cùng ngủ gật trong những bài giảng của lớp Ec10. Chúng ta có thể đã trải qua những điều khác nhau để có mặt ở đây lúc này, nhưng hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của tôi về thế hệ của chúng ta, và về thế giới mà chúng ta đang xây dựng cùng nhau.

Nhưng trước hết, những ngày này khiến tôi nhớ lại rất nhiều kỉ niệm quý giá.

Trong số các bạn, bao nhiêu người nhớ được chính xác mình đang làm gì khi nhận được email từ Havard? Tôi còn nhớ lúc đó đang chơi điện tử, tôi lao vội xuống lầu và thấy bố. Vì một lí do nào đó, phản ứng của bố tôi là quay lại lúc tôi đang mở email ra. Đó có thể là một video rất buồn. Tôi thề rằng việc tôi đỗ Harvard vẫn là điều khiến bố mẹ tự hào nhất về tôi.

"Mẹ, con đã bảo mẹ là một ngày nào đó con sẽ tốt nghiệp Đại học mà"

Bài giảng đầu tiên bạn được học ở Harvard là gì? Với tôi, đó là lớp Khoa học máy tính 121 với thầy giáo xuất sắc Harry Lewis. Hôm đó tôi bị muộn giờ, thế là tôi vơ vội lấy cái áo phông, mà sau đó tôi mới phát hiện ra là tôi mặc lộn, phần mác áo thò ra ở đằng trước. Tôi đã không hiểu nổi vì sao chẳng ai chịu nói chuyện với tôi – trừ một anh bạn duy nhất, KX Jin, anh ấy cứ tự nhiên thế. Cuối cùng chúng tôi đã bên nhau vượt qua nhiều chuyện, và giờ thì anh ấy đang quản lý một phần lớn tại Facebook. Các bạn ở Lớp 2017 thân mến, đó là lí do các bạn nên đối xử tốt với mọi người.

Nhưng kỉ niệm đẹp nhất mà tôi có ở Harvard chính là được gặp Priscilla. Khi ấy tôi vừa lập một website nghịch ngợm tên là Facemash, và hội đồng trường nói họ muốn “gặp tôi”. Ai cũng nghĩ rồi tôi sẽ bị đuổi học. Bố mẹ tôi đã đến giúp tôi sửa soạn đồ đạc. Bạn bè đã tổ chức cho tôi bữa tiệc chia tay. Và may mắn sao, Priscilla có mặt ở bữa tiệc đó cùng với một người bạn của cô ấy. Chúng tôi gặp nhau khi đang đứng chờ dùng phòng tắm ở Pfoho Belltower, và khi đó tôi nói với cô ấy một trong những lời lãng mạn nhất mọi thời đại: “3 ngày nữa mình sẽ bị đá khỏi trường, nên chúng mình cần phải hẹn hò gấp.”

Thực ra, bất kì ai trong số các sinh viên tốt nghiệp ở đây hôm nay đều có thể dùng câu đó của tôi.

Cuối cùng thì tôi cũng không bị đuổi học – tôi tự nghỉ. Tôi và Priscilla bắt đầu hẹn hò. Và bạn biết đấy, bộ phim có thể khiến mọi người nghĩ rằng Facemash là một bước quan trọng để tạo nên Facebook sau này. Sự thật không phải như thế. Nhưng nếu không có Facemash, tôi đã chẳng thể được gặp Priscilla, và cô ấy là người quan trọng nhất cuộc đời tôi. Vì thế bạn có thể nói Facemash là thứ quan trọng nhất tôi từng làm ra trong thời gian tôi ở đây.

Chính tại nơi này, chúng ta có được những tình bạn đi với ta suốt cuộc đời, hay thậm chí là trở thành gia đình của nhau. Đó là lí do tôi vô cùng biết ơn nơi này. Cám ơn Harvard.

***

Hôm nay tôi muốn được nói về mục đích. Nhưng tôi không ở đây chỉ để rao giảng cho các bạn một bài diễn văn tốt nghiệp thông thường về việc tìm kiếm mục đích. Chúng ta là những người trẻ của thế hệ Y. Chúng ta sẽ làm điều đó theo bản năng. Thay vào đó, tôi ở đây để nói với các bạn rằng tìm ra mục đích cho bản thân là không đủ. Thách thức của thế hệ chúng ta là dựng xây một thế giới mà ở đó, tất cả mọi người đều có hình dung về mục đích.

Một trong những câu chuyện tâm đắc nhất của tôi là một lần John F Kenny thăm trạm điều khiển không gian ở NASA, ông thấy một lao công đang mang theo cây chổi. Ông bước lại gần, hỏi xem người lao công đang làm gì. Người lao công trả lời: “Thưa Tổng thống, tôi đang giúp đưa một người lên mặt trăng”.

 

Mục đích chính là cảm giác khi mà ta được là một phần của điều gì đó lớn lao hơn chính ta, khi mà ta được cần đến, ta được lao động cho một điều gì đó tốt đẹp sẽ có trong tương lai. Mục đích là thứ tạo nên hạnh phúc đích thực.

 

Các bạn đang tốt nghiệp ở một thời điểm mà mục đích trở nên đặc biệt quan trọng. Khi bố mẹ chúng ta tốt nghiệp, mục đích có thể đến từ công việc, từ nhà thờ, từ cộng đồng của ta. Nhưng ngày nay, công nghệ và tự động hóa đang xóa sổ rất nhiều công việc. Số thành viên trong các cộng đồng đang giảm sút. Rất nhiều người đang cảm thấy buồn thảm và lạc lõng, và đang phải cố gắng để lấp đầy khoảng trống vô nghĩa đó.

Trong thời gian đi lại và gặp gỡ, tôi đã ngồi trò chuyện với những đứa trẻ trong các trại cải tạo vị thành niên và những người nghiện chất kích thích. Họ nói với tôi rằng cuộc đời họ đã có thể khác đi nếu như họ có gì đó để làm, một chương trình sau tốt nghiệp để tham gia, hay một nơi nào đó để đi. Tôi đã gặp những công nhân nhà máy, họ hiểu rằng mình sẽ không thể quay về với công việc cũ nữa, và vẫn đang cố gắng để tìm một nơi chốn cho mình.

Để có thể giữ cho xã hội đi lên, chúng ta có một thách thức chung của thế hệ: không chỉ tạo ra những việc làm mới, mà còn phải khơi dậy những ý thức mới về mục đích.

Tôi vẫn còn nhớ buổi đêm tôi cho khởi động Facebook từ căn phòng kí túc nhỏ của mình ở Kirkland House. Tôi đã tới Noch’s cùng người bạn KX của tôi. Tôi nhớ mình đã nói với cậu ấy rằng tôi rất phấn khích khi được kết nối cộng đồng Harvard, nhưng một ngày ai đó sẽ kết nối cả thế giới này.

Vấn đề là, khi ấy chúng tôi chưa từng nghĩ rằng “ai đó” đó có thể là chính chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những sinh viên trẻ. Chúng tôi không biết tí gì về điều đó. Bên ngoài kia vẫn có đủ các công ty công nghệ với nguồn lực khổng lồ. Tôi chỉ mặc định rằng công việc kết nối ấy thuộc về một trong số họ. Nhưng chúng tôi biết rõ một điều – rằng ai cũng muốn kết nối. Vì thế nên chúng tôi cứ tiến về phía trước, mỗi ngày.

Tôi biết rất nhiều trong các bạn sẽ có câu chuyện của riêng mình giống như thế. Rằng bạn tin thế giới này cần một thay đổi rõ ràng đến mức hẳn ai đó khác sẽ làm nó. Nhưng không ai đâu. Chính bạn mới là người thực hiện điều đấy.

 

Nhưng có mục đích cho riêng mình không đủ. Bạn phải khơi dậy ý thức về mục đích cho cả những người khác.

 

Để nhận ra điều này với tôi cũng không dễ dàng gì. Bạn thấy đấy, tôi chưa từng hy vọng mình sẽ xây dựng một công ty, mà chỉ mong mình có thể tạo ra một ảnh hưởng nào đó. Và khi tất cả những người này bắt đầu muốn tham gia cùng tôi, tôi chỉ cho là họ cũng cùng mối quan tâm với mình, vì thế tôi không bao giờ giải thích với họ về thứ tôi hy vọng mình sẽ xây nên.

Sau một vài năm, một vài công ty lớn muốn mua lại chúng tôi. Tôi không muốn bán nó. Tôi muốn xem rằng liệu chúng tôi có thể kết nối nhiều người hơn nữa được không. Khi ấy chúng tôi đang xây dựng nền tảng News Feed đầu tiên, và tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi có thể cho ra mắt cái này, nó sẽ có thể thay đổi cách chúng ta nhận thức về thế giới.

Trong khi đó, gần như tất cả mọi người khác đều muốn bán. Nếu như không có một ý thức về mục đích cao hơn, thì việc bán đi đó hiển nhiên là một ước nguyện thành hiện thực đối với một startup. Và điều đó chia rẽ công ty chúng tôi. Sau một cuộc tranh cãi căng thẳng, một nhà tư vấn nói với tôi rằng nếu tôi không đồng ý bán, tôi sẽ hối hận về quyết định này suốt phần đời còn lại của mình. Những mối quan hệ trở nên sứt mẻ tới mức chỉ trong vòng khoảng một năm, nhóm quản lý đã không còn một người nào ở lại.

Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi khi dẫn dắt Facebook. Tôi tin vào những điều chúng tôi đang làm, nhưng tôi cảm thấy cô độc. Và tệ hơn nữa, đó là lỗi của tôi. Tôi đã băn khoăn rằng liệu mình có phải sai thật không, rằng liệu tôi có phải chỉ là một kẻ lừa đảo, một thằng oắt 22 tuổi không có tí ý niệm nào về việc thế giới này vận hành ra sao.

Giờ thì sau nhiều năm, tôi đã hiểu nếu chúng ta không nhận thức được về một mục đích cao cả hơn thì mọi thứ SẼ thành ra như thế. Và việc khơi dậy nhận thức để có thể tiến lên cùng nhau chính là trách nhiệm của chúng ta.

Hôm nay, tôi muốn nói về 3 cách để xây dựng một thế giới mà mọi người đều nhận thức được về mục đích: đó là bằng việc đảm nhiệm những dự án lớn ý nghĩa cùng nhau,  bằng việc định nghĩa lại bình đẳng để ai cũng có thể tự do theo đuổi mục đích, và bằng việc xây dựng những cộng đồng rộng khắp thế giới.

***

Đầu tiên, hãy nói về việc xây dựng những dự án lớn giàu ý nghĩa.

Thế hệ của chúng ta sẽ phải đối diện với việc hàng chục triệu vị trí bị thay thế bởi tự động hóa, như việc ra đời ô tô hay xe tải tự lái. Nhưng chúng ta sở hữu những tiềm năng làm nhiều điều hơn thế cùng nhau.

Mỗi thế hệ đều có những công việc định hình nên nó. Hơn 300,000 người đã cùng làm việc để lần đầu tiên đưa con người lên mặt trăng – bao gồm cả người lao công trong câu chuyện trên. Hàng triệu tình nguyện viên đã giúp trẻ em khắp thế giới được miễn dịch với bại liệt. Hàng triệu người khác đã cùng nhau dựng lên con đập Hoover, và rất rất nhiều dự án vĩ đại khác.

Những dự án này không chỉ giúp tạo ra mục đích cho chính những người làm nó, mà còn cho cả đất nước ta quyền tự hào rằng chúng ta có thể làm những điều vĩ đại.

Và giờ đến lượt chúng ta phải làm những điều vĩ đại. Tôi biết bạn có thể đang nghĩ rằng: tôi không biết cách xây một cái đập, hay cũng chẳng thể lôi kéo hàng triệu người cùng tham gia vào cái gì đó.

Nhưng hãy để tôi chia sẻ cho bạn một bí mật: khi bắt đầu làm thì cũng chẳng ai biết gì cả. Khi những ý tưởng được đưa ra, chẳng phải cái nào cũng thành hình hoàn chỉnh. Chúng chỉ có thể ngày một sáng rõ hơn khi bạn đã bắt tay vào làm nó. Việc của bạn chỉ là bắt đầu.

 

Nếu như tôi buộc phải hiểu tất cả mọi thứ về việc kết nối con người trước khi bắt đầu, thì tôi đã chẳng bao giờ làm ra Facebook.

 

***

Những bộ phim và nền văn hóa đại chúng đã kéo chúng ta hiểu sai hướng. Ý niệm về một khoảnh khắc ơ-rê-ca duy nhất là một lời nói dối nguy hiểm. Chúng khiến ta cảm thấy thiếu thốn khi chẳng thể có được khoảnh khắc bừng sáng nào. Chúng ngăn không cho những người đã mang trong mình hạt mầm ý tưởng được xắn tay áo lên làm. À, và bạn biết rằng những bộ phim còn khiến chúng ta hiểu nhầm gì về hoạt động cách tân không? Chẳng ai đi viết các công thức toán trên kính cả. Chẳng có thứ gì như vậy.

Lý tưởng hóa là một điều tốt. Nhưng hãy chuẩn bị tinh thần rằng bạn sẽ bị hiểu nhầm. Bất kì ai hành động vì một tầm nhìn lớn đều sẽ bị gọi là điên khùng, kể cả nếu cuối cùng bạn có là người đúng đi chăng nữa. Bất kì ai đang nghiên cứu một vấn đề phức tạp đều sẽ bị đổ lỗi vì không hiểu trọn vẹn thách thức họ phải đối mặt, dù rằng ngay từ đầu việc biết mọi thứ là hoàn toàn bất khả. Bất kì ai nắm lấy lá cờ tiên phong đều sẽ phải chịu chỉ trích vì đi quá nhanh, vì lúc nào cũng sẽ có kẻ muốn bạn phải giảm tốc.

Trong cộng đồng này, chúng ta thường không làm những điều lớn lao vì ta quá sợ mắc sai lầm, và việc ta không chịu làm gì khiến ta chối bỏ mọi vấn đề đang tồn tại. Thực tế là dù ta có làm gì thì tương lai vẫn sẽ nảy sinh rắc rối. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta bắt tay vào làm gì đó.

Thế nên ta còn chờ gì nữa? Đã đến lúc thế hệ chúng ta phải tạo ra những công việc mới cho cộng đồng. Bạn nghĩ thế nào về việc chúng ta ngăn chặn biến đổi khí hậu trước khi hành tinh này bị phá hủy bằng cách kêu gọi hàng triệu người tham gia sản xuất và lắp đặt các tấm nhiên liệu mặt trời? Hay bạn nghĩ thế nào về việc ngăn ngừa mọi căn bệnh và nhờ các tình nguyện viên theo dõi dữ liệu sức khỏe và chia sẻ về mã gen của họ? Ngày nay số tiền đầu tư vào việc điều trị cho những người mắc bệnh đang cao gấp 50 lần so với số tiền cho việc tìm kiếm cách phòng ngừa để mọi người không mắc bệnh ngay từ đầu. Điều đó thật vô lí. Chúng ta có thể thay đổi điều này. Hay là bạn nghĩ thế nào về việc hiện đại hóa nền dân chủ để mọi người có thể bầu cử qua mạng, và cá nhân hóa việc giáo dục để bất kì ai cũng có thể được học thứ phù hợp với mình?

Những thành tựu này nằm trong tầm với của chúng ta. Hãy làm nó theo cách có thể giúp mọi người trong xã hội được đóng một vai trò gì đó.

 

Hãy làm những việc vĩ đại, không chỉ để tạo nên tiến bộ xã hội, mà còn để tạo ra mục đích.

 

***

Phát động những dự án vĩ đại và ý nghĩa là việc đầu tiên chúng ta có thể làm để tạo ra một thế giới mà mọi người đều có nhận thức về mục đích.

Cách thứ hai là định nghĩa lại bình đẳng để mọi người có được sự tự do họ cần để theo đuổi mục đích.

Rất nhiều bậc phụ huynh của chúng ta đã làm những công việc ổn định suốt sự nghiệp của họ. Giờ đây, dù là khi khởi động dự án hay là tìm kiếm một vị trí nào đó, chúng ta đều mang trong mình tinh thần khởi nghiệp. Đó là một điều tuyệt vời. Nền văn hóa khởi nghiệp là cách để chúng ta có được nhiều tiến bộ đến thế.

Nhưng ngày nay, chúng ta đang sống giữa mức độ bất bình đẳng của cải có thể gây tổn thương cho bất kì ai. Khi bạn không được tự do biến ý tưởng của bạn thành một doanh nghiệp mang tầm lịch sử, đó là khi ta thất bại. Giờ đây, xã hội của chúng ta đang quá chăm chăm vào việc ban thưởng cho những người thành công mà chẳng hành động đủ để tạo cơ hội cho mọi người được dễ dàng thử sức nhiều lần.

Hãy đối diện với điều này. Hệ thống của chúng ta hẳn phải có gì đó không ổn, khi tôi có thể rời khỏi đây và kiếm được hàng tỉ đô-la trong 10 năm, trong khi có hàng triệu sinh viên khác chẳng có đủ tiền để trả nợ chứ đừng nói đến việc khởi sự kinh doanh.

Đương nhiên tôi quen rất nhiều doanh nhân, và tôi biết rằng chẳng có ai từ bỏ khởi sự kinh doanh chỉ vì không kiếm được đủ tiền. Nhưng tôi biết rất nhiều người chưa theo đuổi được ước mơ chỉ vì không có một cái đệm che chắn tấm lưng của họ phía sau khi vấp ngã.

Chúng ta đều biết chỉ riêng một ý tưởng hay hay làm việc chăm chỉ cũng không thể giúp ta thành công. Chúng ta thành công một phần nhờ may mắn. Nếu như tôi phải vừa lớn lên vừa cáng đáng gia đình thay vì được dành thời gian riêng tập lập trình, nếu như tôi không yên tâm rằng kể cả nếu Facebook có thất bại thì tôi vẫn sẽ sống ổn, thì tôi sẽ không được đứng ở đây giờ phút này. Nếu tất cả các bạn ở đây chịu thành thực mà nói, thì ta đều hiểu ta may mắn đến nhường nào.

Mỗi thế hệ trôi qua, định nghĩa về bình đẳng lại được mở rộng. Những thế hệ trước đó đã đấu tranh đòi quyền bầu cử và các quyền công dân. Họ đã có được Chính sách Kinh tế mới và chương trình Đại xã hội. Giờ là lúc chúng ta đòi một khế ước xã hội mới cho thế hệ của mình.

Chúng ta nên có một xã hội đo lường sự tiến bộ không chỉ bằng những chỉ số kinh tế như GDP, mà còn phải bằng số người tìm được một vị trí có ý nghĩa. Chúng ta nên nghiên cứu để tìm ra mức thu nhập cơ bản toàn cầu để ai cũng có một chiếc đệm đỡ cho phép họ thử những thứ mới. Chúng ta sẽ còn nhảy việc nhiều lần, vì vậy chúng ta cần những chính sách chăm sóc con em ở mức tiền chi trả được, cùng mức bảo hiểm y tế không trói buộc trong khuôn khổ một doanh nghiệp riêng. Chúng ta sẽ còn mắc nhiều sai lầm, vì vậy chúng ta cần một xã hội không chăm chăm vào việc trói buộc hay kì thị chúng ta. Và bởi công nghệ sẽ còn thay đổi, chúng ta cần một xã hội tập trung nhiều hơn vào việc giáo dục liên tục trong suốt cuộc đời mình.

Và vâng, trao cho tất cả mọi người sự tự do để theo đuổi mục đích không phải việc miễn phí. Những người như tôi nên chi trả cho việc đó. Rất nhiều người trong số các bạn sẽ thành đạt, và các bạn cũng nên làm như vậy.

Đó là lí do Priscilla và tôi đã thành lập Quỹ Chan Zuckerberg Initiative, cam kết sẽ sử dụng tài sản của chúng tôi nhằm thúc đẩy các cơ hội công bằng. Đây là những giá trị của thế hệ ta. Chúng ta không được phép hỏi xem liệu chúng ta có làm việc này hay không. Chúng ta chỉ có thể hỏi là bao giờ chúng ta bắt đầu làm nó.

Những người trẻ thuộc thế hệ Y luôn là một trong những thế hệ quyên góp nhiều nhất trong lịch sử. Chỉ trong vòng 1 năm, 3/4 người Mỹ thuộc thế hệ Y đã tham gia quyên góp, và cứ 10 người thì có 7 người gây quỹ từ thiện.

Nhưng sự giúp đỡ không chỉ đến từ tiền bạc. Bạn cũng có thể quyên góp thời gian. Tôi đảm bảo với bạn, nếu bạn có thể dành khoảng 1 đến 2 tiếng mỗi tuần, thì đó đã là tất cả những gì một người cần để được chạm tới tiềm năng của họ.

Có thể bạn nghĩ rằng đó là một khoảng thời gian quá nhiều, Tôi cũng từng nghĩ như thế. Khi Priscilla tốt nghiệp Harvard, cô ấy trở thành giáo viên, và trước khi cô ấy tham gia vào các công việc giáo dục cùng tôi, cô bảo tôi rằng tôi cần phải đứng giảng một lớp học nào đó. Tôi đã phàn nàn rằng: “Anh bận lắm, anh còn phải quản lí công ty này mà”. Nhưng cô ấy đã thuyết phục tôi, và thế là tôi tham gia giảng dạy một chương trình khởi nghiệp cho học sinh trung học tại Câu lạc bộ Boys and Girls tại địa phương.

Tôi đã dạy cho các em những bài học về phát triển sản phẩm, về marketing; còn các em dạy cho tôi cảm giác bị châm chọc là như thế nào khi bị kì thị chủng tộc hay có người thân trong gia đình phải ngồi tù. Tôi kể cho các em nghe về khoảng thời gian đi học của tôi, còn các em chia sẻ với tôi niềm hy vọng rằng một ngày các em cũng được học đại học. Trong suốt 5 năm từ đó đến giờ, mỗi tháng tôi đều dành thời gian ăn tối với các em. Một trong số các em đã cho tôi và Priscilla trải nghiệm lần đầu tiên được tắm cho em bé. Và sang năm các em sẽ được đến trường đại học. Tất cả các em. Những người đầu tiên trong gia đình các em.

 

Chúng ta đều có thể dành thời gian để giúp đỡ ai đó. Hãy trao cho họ sự tự do để theo đuổi mục đích của họ - không chỉ bởi đó là điều đúng đắn nên làm, mà còn bởi khi ai đó có thể biến giấc mơ của họ thành một hiện thực vĩ đại, thì chúng ta đều được hưởng lợi vì điều đó.

 

***

Mục đích không chỉ đến từ công việc. Cách thứ ba chúng ta có thể làm để nâng cao nhận thức về mục đích cho mọi người là bằng việc xây dựng cộng đồng. Và khi thế hệ chúng ta nói “mọi người”, chúng ta thực sự muốn nói đến mọi người trên thế giới.

Tôi muốn hỏi nhanh một câu, mọi người giơ tay nhé: bao nhiêu người trong số các bạn đến từ một quốc gia khác? Bao nhiêu người trong số các bạn có bạn là người ngoại quốc? Vậy đấy. Chúng ta đều lớn lên trong những mối liên hệ với nhau.

Trong một khảo sát dành cho người trẻ thuộc thế hệ Y trên toàn thế giới về việc điều gì định hình danh tính của chúng ta, câu trả lời phổ biến nhất không phải là quốc tịch, tôn giáo hay dân tộc, đó là “công dân toàn cầu”. Đó là một vấn đề lớn lao.

Mỗi thế hệ lại góp phần mở rộng vòng tròn mà ta coi là “một trong số chúng ta”. Đến thế hệ mình, vòng tròn đó đã bao trọn toàn bộ thế giới.

Chúng tôi hiểu rằng vòng cung vĩ đại của lịch sử nhân loại đã cong về phía những người quần tụ với nhau thành những cộng đồng lớn – từ các bộ lạc, đến các thành phố rồi đến các quốc gia – để đạt tới những điều mà chúng ta không thể có nếu đứng riêng lẻ.  

Chúng ta cũng hiểu rằng những cơ hội tuyệt vời nhất bây giờ là dành cho cả thế giới – chúng ta có thể là thế hệ chấm dứt nghèo đói và bệnh tật. Chúng ta hiểu rằng những thách thức lớn nhất của chúng ta cần sự phản ứng toàn cầu – không quốc gia nào có thể một mình chống lại biến đổi khí hậu hay ngăn chặn đại dịch lây lan. Những tiến bộ hiện nay đòi hỏi phải có sự kề vai sát cánh của không chỉ các thành phố, mà phải của một cộng đồng thế giới.

Nhưng chúng ta cũng đang sống trong giai đoạn bất ổn. Khắp thế giới này đang có những người bị tuột lại đằng sau vì toàn cầu hóa. Rất khó để chăm sóc cho người ở những nơi khác nếu bản thân chúng ta không cảm thấy thỏa mãn với những gì đang có ở đây hiện tại. Lo cho chính bản thân là một áp lực trước tiên.

Đây chính là cuộc đấu tranh của thời đại chúng ta. Cuộc đấu tranh giữa thế lực của tự do, cởi mở, của cộng đồng toàn cầu với thế lực của chủ nghĩa độc đoán, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc. Cuộc đấu tranh giữa thế lực của dòng chảy kiến thức, dòng chảy thương mại và dòng nhập cư với những kẻ muốn ngăn chặn chúng. Đây không phải là một cuộc chiến của quốc gia, đây là một quốc chiến của lý tưởng. Chúng ta – những người tốt ở các quốc gia đang hướng đến sự kết nối toàn cầu và chống lại những điều tiêu cực đó.

Những điều này sẽ không được quyết định tại cuộc họp của Hội đồng Liên Hợp Quốc. Chúng sẽ diễn ra ở quy mô địa phương, khi mỗi chúng ta đều cảm thấy ổn định và có mục đích sống. Lúc ấy chúng ta sẽ sẵn sàng cởi mở và bắt đầu quan tâm tới tất cả mọi người. Cách tốt nhất để làm điều đó là bắt đầu xây dựng những cộng đồng từ địa phương, ngay lúc này.

Chúng ta đều được hưởng một ý nghĩa nào đó từ các cộng đồng. Dù cộng đồng của ta có là phường xã, là các đội tuyển thể thao, là nhà thờ hay các nhóm hát bè, chúng cũng sẽ cho ta cảm giác được là một phần của điều gì đó lớn lao hơn, cảm giác rằng ta không cô độc; chúng cho ta sức mạnh để mở rộng giới hạn của mình.

Đó là lí do mà việc trong vài thập kỉ gần đây, số lượng tham gia các tổ chức cộng đồng giảm sút khoảng ¼ quả là một cú sốc lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều người đang phải kiếm tìm mục đích ở một nơi nào đó khác.

Nhưng tôi biết chúng ta có thể tái lập lại những cộng đồng của mình và xây dựng những cộng đồng mới, vì tôi biết rất nhiều người trong số các bạn đã và đang làm điều đó.

Tôi đã gặp Agnes Igoya, một sinh viên cũng tốt nghiệp ngày hôm nay. Cô ấy đã dành toàn bộ thời thơ ấu của mình để giải quyết những mâu thuẫn liên quan đến nạn buôn bán người ở Uganda, và giờ cô ấy đang đào tạo cho hàng ngàn nhân viên hành pháp khác nhằm giúp đảm bảo an ninh trong cộng đồng.

Tôi đã gặp Kayla Oakley và Niha Jain, cũng tốt nghiệp ngày hôm nay. Kayla và Niha đã khởi động dự án phi lợi nhuận nhằm kết nối những người mắc bệnh mãn tính với những người khác sẵn sàng giúp đỡ họ trong cộng đồng.

Tôi đã gặp David Razu Azar, tốt nghiệp từ Kennedy School hôm nay. Anh ấy là một cựu thành viên hội đồng thành phố, người đã lãnh đạo thành công cuộc chiến giúp đưa Mexico City trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ Latinh đạt sự bình đẳng về hôn nhân – trước cả San Francisco.

Đây cũng là câu chuyện của tôi. Một sinh viên trong một phòng ngủ kí túc, kết nối từng cộng đồng một, và giữ phong độ đó cho đến một ngày chúng tôi kết nối với cả thế giới.

Những thay đổi bắt đầu từ chính địa phương của bạn. Ngay cả những thay đổi toàn cầu cũng bắt đầu từ những bước rất nhỏ - từ chính những người như chúng ta.

 

Trong thế hệ chúng ta, cuộc đấu tranh rằng liệu chúng ta có thể kết nối nhiều hơn hay không, hay liệu rằng ta có đạt được những cơ hội lớn nhất hay không, đều phụ thuộc duy nhất vào một điều: đó là khả năng xây dựng cộng đồng và tạo ra một thế giới mà mọi người đều có mục đích

 

***

Lớp 2017 thân mến,

Sau khi tốt nghiệp, các bạn sẽ bước chân vào một thế giới khao khát mục đích. Công việc của các bạn là tạo ra chúng.

Giờ thì bạn có thể đang nghĩ: tôi có thể thực sự làm điều này hay không?

Hãy nhớ lại câu chuyện tôi kể cho các bạn nghe về lớp học tôi dạy ở Câu lạc bộ Boys and Girls. Một ngày, sau khi tan học, tôi nói chuyện với các em về trường đại học, và một trong những học sinh xuất sắc nhất của tôi giơ tay nói rằng em không chắc liệu em có thể vào đại học hay không khi em không có giấy tờ gì cả. Em không biết liệu rằng họ có cho em vào hay không.

Năm ngoái, tôi đưa em đi ăn sáng để chúc mừng sinh nhật em. Tôi đã muốn tặng cho em một món quà, vì vậy tôi hỏi em và em bắt đầu nói về những học sinh khác mà em chứng kiến cảnh chật vật của họ, rồi em bảo: “Anh biết không, em nghĩ là em chỉ muốn một cuốn sách về công bằng xã hội là được”.

Tôi đã rất bất ngờ. Trước mặt tôi là một chàng trai trẻ có đủ mọi lý do để hoài nghi thế giới. Em không biết rằng đất nước mà em gọi là quê hương – đất nước duy nhất em biết – liệu có chối bỏ giấc mơ vào đại học của em hay không. Nhưng em không cảm thấy tủi cho phận mình. Em thậm chí còn không nghĩ về bản thân. Em mang trong mình một nhận thức lớn lao về mục đích, và em sẽ mang mọi người đi cùng với em.

Tôi không thể nói tên em ở đây vì tôi không muốn em gặp rủi ro, đó cũng là một tình huống chúng ta đang gặp phải. Nhưng nếu như một học sinh trubg học không biết rằng tương lai mình có gì, mà vẫn có thể làm phần việc của mình để đưa thế giới đi lên, thì chúng ta đang nợ thế giới phần việc của chính mình.

Trước khi bạn bước ra khỏi những cánh cổng kia một lần cuối cùng, tôi được nhắc nhớ về một lời thỉnh nguyện mà tôi sẽ đọc mỗi khi phải đối diện với thách thức, hay mỗi đêm tôi ôm con tôi vào giường ngủ, vừa hát vừa nghĩ đến tương lai của cháu. Lời thỉnh nguyện đó như thế này:

“Hỡi cội nguồn sức mạnh, người đã ban ơn cho tất cả những ai trước đó, hãy giúp chúng con có được lòng can đảm để biến cuộc đời chúng con thành một niềm ơn”.

Tôi hy vọng rằng bạn có được lòng can đảm để biến cuộc đời mình thành một niềm ơn.

Xin chúc mừng lớp 2017! Chúc các bạn mọi điều may mắn trong cuộc sống.

 

Trạm Đọc

Vui lòng không tự ý đăng tải lại trên các trang phục vụ mục đích thương mại dưới mọi hình thức

Tags: