Mark Twain, máy chữ và Satan
Mark Twain, máy chữ và Satan
Với những tiểu thuyết đặc sắc và những nhân vật sống động của mình, Mark Twain xứng đáng là một ngôi sao tiêu biểu của nền văn học Mỹ hiện đại.
Mark Twain tên thật là Samuel Langhorne Clemens, sinh năm 1835 và mất năm 1910. Vào năm ông chào đời, sao chổi Halley rực sáng trên bầu trời Florida, và nó lần nữa vẫy cái đuôi sáng lòa trên nền trời xanh thẳm khi ông mất. Như một ngôi sao với ánh sáng rực rỡ quét ngang bầu trời, Mark Twain đến nay vẫn được coi là ngôi sao sáng nhất trên văn đàn Mỹ. Là một nhà văn nổi tiếng, Twain mang trong mình sự chấp trước nhất định với những dụng cụ để viết và soạn thảo văn bản. Năm 1874, nhìn thấy một mẫu máy chữ, Twain đã lập tức mua một cái với giá cực đắt: 125 đô la Mỹ (tương đương khoảng 2.400 đô la Mỹ ngày nay), bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu. Chỉ trong một tuần, ông đã bắt đầu dùng nó để viết thư (máy chỉ viết được chữ hoa, không viết được chữ thường) về việc ông mong tống khứ nó đi như thế nào: “QUÁ MỆT ĐẦU”, ông than thở. Đôi khi khó mà phân biệt được những lời phàn nàn thực sự với tính cách cấm cảu của ông, nên có thể ông đang nói quá. Nhưng đến năm 1875, ông đã đem cho chiếc máy chữ ấy và mua hai cây bút máy mới, rồi giới thiệu chúng cho bạn mình. Sự đam mê của ông với những cây bút đắt tiền không bao giờ giảm, ngay cả khi “phải vừa viết vừa chửi thì nó mới ra mực”. Rõ là chúng không phải mẫu bút Parker 51.

Mark Twain đã đóng góp cho chiến thắng chung cuộc của máy chữ trước bút cao cấp nhiều hơn bất cứ ai. Ông gửi Life on the Mississippi – bản thảo đánh máy đầu tiên – cho một nhà xuất bản vào năm 1883. (Nó được đọc cho thư ký đánh máy chứ không phải Twain.) Và khi công ty máy chữ Remington đề nghị ông đưa ra lời chứng thực cho máy của họ (bởi Twain đã phải miễn cưỡng mua một chiếc máy khác), ông đã gửi một lá thư từ chối cộc lốc. Remington vẫn cho in bức thư này.* Chỉ riêng việc Twain – người nổi tiếng nhất ở Mỹ lúc bấy giờ – có chiếc máy đã là một lời bảo chứng tuyệt vời rồi.” (Chiếc thìa biến mất, Alphabooks 2020. Tr 239)

Twain là một con người nhiều mâu thuẫn, những câu chuyện về việc nguyền rủa những cây bút yêu thích và dùng máy đánh chữ mình ghét đã khắc họa điều đó. Một điều lý thú về Twain là ông rất thích khoa học – một điểm chung giữa ông và đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe người Đức. Tuy không hứng thú với việc tiến hành các thí nghiệm khoa học, nhưng cả Twain và Goethe đều bị khoa học cuốn hút. Goethe thể hiện điều đó trong tác phẩm Faust, còn Twain đã viết ra những điều mà ngày nay được coi là khoa học viễn tưởng: những truyện ngắn về phát minh, công nghệ, những vùng đất phản địa đàng và du hành không-thời gian. Thậm chí, câu chuyện kỳ thú Sold to Satan (Bán linh hồn cho Satan) còn nói tới những hiểm họa do các nguyên tố hóa học trên bảng tuần hoàn đem lại.

Bối cảnh của câu chuyện dài 2.000 từ này bắt đầu vào khoảng năm 1904, ngay sau khi bong bóng cổ phiếu thép bị vỡ (chỉ là tình huống trong truyện). Vì đã chán ngấy việc lăn lộn kiếm tiền nên nhân vật chính quyết định bán linh hồn bất tử của mình cho Satan. Anh và Satan hẹn gặp trong một cái hang lúc nửa đêm để thương lượng mức giá, các điều khoản và kí kết hợp đồng. Sau một hồi chén chú chén anh, nhân vật chính mới thất kinh khi nhận ra cơ thể Satan hoàn toàn làm bằng nguyên tố radi.

Sáu năm trước khi câu chuyện này được viết ra, Marie Curie đã khiến giới khoa học kinh ngạc bằng các nguyên tố phóng xạ mà bà tìm thấy: radi và poloni. Tuy chúng còn rất mới mẻ, nhưng với sự yêu thích khoa học vốn có, Twain đã lấy chúng làm nguồn cảm hứng cho đứa con tinh thần lần này của mình. Trở lại với câu chuyện, tính phóng xạ của radi làm không khí xung quanh nhiễm điện; điều này khiến cơ thể Satan – một khối radi cao 1,85 m và nặng hơn 400 kg –  phát ra ánh sáng màu xanh lục và tỏa nhiệt rất mạnh. Satan có thể châm xì gà chỉ bằng một đầu ngón tay, làm nhân vật chính cảm thấy rất thú vị. (Satan nhanh chóng dập nó đi, vì muốn để dành nó cho Voltaire. Nghe thấy vậy, nhân vật chính buộc hắn phải mang thêm 50 điếu nữa cho các danh nhân, trong đó có cả Goethe.)

Giống như các tác phẩm khoa học viễn tưởng lừng danh khác, tác phẩm này cũng đưa ra lời tiên tri của Twain về tương lai. Để tránh thiêu rụi mọi thứ mà hắn gặp, cơ thể radi của Satan được bao phủ bởi lớp da poloni. Tuy một lớp poloni “trong suốt, mỏng như màng gelatin” không thể giữ được sức nóng của một khối radi lớn như vậy, nhưng hãy du di cho Twain vì poloni phục vụ tình tiết then chốt của câu chuyện: nó cho Satan một lý do để đe dọa. “Nếu ta lột bỏ lớp da này, thế giới sẽ bị thiêu thành tro bụi. Mặt Trăng dù có ngủ yên cũng phải chịu chung số phận: nó sẽ tan thành tro bụi và trôi dạt trong không gian vô định như một cơn bão tuyết xám màu tàn tro!”

Cuối cùng thì Satan vẫn không thể thắng. Nhiệt lượng khổng lồ của khối radi đã khiến Satan phải cay đắng thừa nhận: “Nó đang thiêu sống ta từ bên trong”. Câu chuyện này tất nhiên là hư cấu nhưng Twain hẳn đã lo sợ về sức mạnh khủng khiếp của năng lượng hạt nhân ngay từ năm 1904. Nếu có thể sống tới năm 1945 và chứng kiến thảm kịch ở thành phố Hiroshima và Nagasaki, ông chắc chắn sẽ lắc đầu ngán ngẩm (dù chẳng mấy ngạc nhiên) khi thấy con người thèm khát tên lửa hạt nhân thay vì coi nó là một nguồn năng lượng dồi dào.

Hải Đăng

Có thể bạn quan tâm: Mark Twain - Ký ức tuổi thơ làm bệ phóng cho những trang văn huyền thoại

 
Tags: